3 Cấp độ của tự nhận thức

Nhận thức về bản thân cũng giống như tình dục: ai cũng nghĩ là mình biết, nhưng chẳng mấy ai biết rằng mình làm việc đó dở tệ.

Sự thật là phần lớn suy nghĩ và hành động của chúng ta đều rất bản năng. Và điều này chẳng có gì xấu. Những thứ bản năng như thói quen, sở thích và phản xạ luôn dẫn lối chúng ta trong cuộc sống. Đó là lý do chúng ta không tốn sức đắn đo mỗi khi đi vệ sinh hay lái xe.

Vấn đề ở chỗ chúng ta sống theo bản năng quá lâu đến độ quên mất cả việc đó. Và khi không nhận thức được, ta không còn quyền kiểm soát chúng nữa mà chính chúng đang kiểm soát ta. Người có khả năng tự nhận thức sẽ để ý đến việc họ ăn uống vô độ mỗi khi trầm cảm. Người không có nhận thức thì chỉ ăn thôi mà chẳng bao giờ bận tâm đến lý do.

Tự nhận thức

Tự nhận thức là khả năng quan sát và xác định chính xác những suy nghĩ, cảm xúc và xung động của chúng ta, đồng thời xác định xem chúng có căn cứ vào thực tế hay không.

Tự nhận thức là một trong những đặc điểm tâm lý quan trọng nhất mà bạn có thể phát triển bên trong mình suốt đời. Lợi ích của nó bao gồm tất cả mọi thứ—cho dù đó là quản lý cảm xúc của bạn khi xung đột hay hiểu được điểm yếu của bạn trong công việc hay thực tế về những gì bạn có thể đạt được. Mỗi bước của con đường, sự tự nhận thức là cần thiết để làm cho nó xảy ra.

Lợi ích của sự tự nhận thức:

  1. Giúp tự kiểm soát, sáng tạo, tự hào và lòng tự trọng.
  2. Dự đoán sự phát triển bản thân, sự chấp nhận và tính chủ động.
  3. Tạo điều kiện thuận lợi cho việc ra quyết định.
  4. Dẫn đến tự báo cáo chính xác hơn.
  5. Cần thiết để phát triển khả năng tự kiểm soát.

Một trong những mục tiêu lớn nhất của bạn trong cuộc sống là trở nên tự nhận thức hơn và nhận ra những lợi ích này. Nhưng “tự nhận thức” không phải là một đặc điểm tất cả hoặc không có gì. Có nhiều cấp độ khác nhau mà chúng ta có thể đạt được.

Hãy để tôi cho bạn thấy chúng là gì.

3 Cấp độ của tự nhận thức

Cấp độ 1 - Tôi đang làm cái gì thế này?

Có rất nhiều điều tồi tệ xảy đến trong cuộc sống mỗi người. Suốt 30 ngày qua, đã bao lần chúng ta:

  • Gặp khó khăn trong mối quan hệ với những người xung quanh?
  • Cảm thấy đơn độc, tách biệt hoặc không được lắng nghe?
  • Cảm giác chẳng làm được gì nên hồn hoặc chẳng biết mình nên làm gì?
  • Thiếu ngủ, biếng ăn và mệt mỏi?
  • Trầm cảm về công việc hoặc tài chính?
  • Không biết tương lai sẽ đi về đâu?
  • Kiệt quệ về mặt thể chất?

Khả năng cao là thời lượng dành cho những thứ trên chiếm hết cả 30 ngày.

Rồi chúng ta cố trốn chạy khỏi nó bằng cách trở nên sao nhãng. Tâm trí ta chuyển dịch đến chiều không gian và thời gian khác nơi mà nó tạm thoát khỏi nỗi đau ở thực tại. Chúng ta không thể rời mắt khỏi màn hình điện thoại, trở nên ám ảnh với quá khứ và tương lai, lên những kế hoạch mà chẳng bao giờ làm hoặc cố gắng lờ đi.

Chúng ta ăn, uống và cố làm tâm trí mình tê liệt hòng quên đi những vấn đề đang hiện hữu. Chúng ta dùng sách, phim ảnh, game và âm nhạc để mang mình tới một thế giới, nơi mà nỗi đau không còn tồn tại và mọi thứ luôn dễ dàng.

Chẳng có gì sai khi ta trở nên sao nhãng. Đôi khi, việc chuyển hướng suy nghĩ khiến chúng ta giữ được sự tỉnh táo và lạc quan.

Vấn đề nằm ở chỗ ta cần nhận biết khi nào mình trở nên sao nhãng

Chúng ta cần chắc rằng mình chọn sự sao nhãng chứ không phải ngược lại. Chúng ta chọn bước vào nó chứ không phải là không thể khước từ nó. Chúng ta cần biết đâu là điểm dừng. Sự sao nhãng cần phải được lên kế hoạch và kiểm soát. Chúng ta không thể cứ mãi “say sưa” trong nó.

Phần lớn mọi người dành quá nhiều thời gian để đắm chìm trong sự sao nhãng mà không hề nhận ra. Bao gồm cả tôi. Một bữa tối nọ, tôi lôi điện thoại ra chỉ để kiểm tra lịch, và khi kịp nhận thức thì tôi đã thấy mình đang lướt Reddit. Khi đó, vợ tôi đang nhìn chằm chằm vào tôi như nhìn kẻ mất hồn.

Giờ thì đỡ hơn rồi. Tôi chỉ mất hồn khoảng 23 lần trong ngày. Thỉnh thoảng, tôi mở Facebook, rồi mở một tab khác và theo bản năng gõ đường link Facebook, cái trang web mà rõ ràng là tôi đang coi. Tôi còn chẳng nhận ra mình làm vậy, nhưng tâm trí tôi theo một cách nào đó không còn thuộc về mình nữa.

Chúng ta đều cho rằng mình biết cách sử dụng thời gian, nhưng thường chỉ là lầm tưởng. Chúng ta cho rằng mình năng suất hơn thực tế (nghiên cứu chỉ ra rằng phần lớn tâm trí của ta “lang thang” đâu đó tầm ba giờ một ngày, số giờ còn lại cũng chẳng tập trung cho lắm).

Chúng ta nghĩ mình dành nhiều thời gian cho những người quan trọng hơn điều ta thực sự làm. Chúng ta tưởng rằng mình đang sống cho thực tại, rằng mình biết lắng nghe, chu đáo và thấu hiểu. Nhưng sự thật là, chúng ta tệ đều ở những khoản này.

Một số người cố gắng loại bỏ mọi sao nhãng trong cuộc sống, nhưng thực tế đây là một hành vi tự hủy (và khả năng cao là ta còn làm tổn thương những người xung quanh trong quá trình này).

Mục đích của ta không nên là đánh bại sự sao nhãng, mà nên là nhận thức và kiểm soát nó. Thay vì xin nghỉ phép để cày game cả ngày, chúng ta nên có khả năng dành chút thời gian để thỏa mãn sở thích một cách lành mạnh. Bạn có thể lướt điện thoại nếu đó là những gì não bạn đòi hỏi, miễn là bạn nhận ra mình đang làm gì và có thể đưa nó về tầm kiểm soát khi cần.

Mục tiêu ở đây là loại bỏ được sự thôi thúc. Nhưng để loại bỏ được nó bạn cần phải biết là nó đang tồn tại.

Nhiều năm liền, tôi có thói quen mang theo iPod và đeo tai nghe mỗi khi đến nơi công cộng. Đi ra khỏi nhà mà không có chúng khiến tôi cảm giác rằng mình “trần như nhộng”. Suốt những năm tháng ấy, tôi chỉ nghĩ đơn thuần là mình thích nghe nhạc hơn người khác, rằng tôi có sự kết nối đặc biệt với âm nhạc mà những kẻ khác chẳng hiểu được.

Nhưng thật ra, đây chỉ là một loại thôi thúc mà tôi chẳng thể nào kiểm soát. Tai nghe chính là cách mà tôi bảo vệ bản thân khỏi thế giới xung quanh. Nó chẳng phải là đam mê gì mà chính là nỗi sợ. Đứng gần những người lạ mà không đeo tai nghe khiến tôi cảm thấy bồn chồn như thể mình bị bóc trần.

Đừng vội đánh giá quan sát của chính mình. Đây chính là cấp độ 1 của việc tự nhận thức. Bạn cần phải biết tâm trí mình đang ở đâu và vào lúc nào, trước khi tự hỏi tại sao nó lại ở đó và liệu rằng nó đang giúp đỡ hay đang làm bạn khốn khổ.

Cấp độ 2 - Tôi đang cảm thấy cái gì thế này?

Bạn có bao giờ cảm thấy muốn phát điên lên, nhưng khi ai đó hỏi tại sao thì phản ứng của bạn là “KHÔNG HỀ! TÔI KHÔNG HỀ TỨC GIẬN! TÔI ỔN! TÔI CHỈ MUỐN ĐẬP VỠ CÁI MÀN HÌNH MÁY TÍNH THÔI!”

Thường thì mọi người sẽ nhận ra rằng, càng cố phủ nhận cảm xúc bao nhiêu thì chúng lại càng dằn vặt ta bấy nhiêu. Đó là lý do thiền định hay khiến mọi người phát hoảng. Thiền đơn giản là việc bạn rèn luyện tâm trí để trở nên ít sao nhãng hơn và tăng khả năng tập trung vào thực tại. Kết cục là một số người bị quá tải bởi cảm xúc mà họ đã tích tụ quá lâu.

Trị liệu tâm lý cũng có hiệu ứng tương tự. Nhưng thay vì dành hàng giờ ngồi trong tĩnh lặng để kiểm soát tiếng nói bên trong, bạn nói chuyện với chuyên viên tư vấn về cảm xúc của mình, cho đến khi bạn không thể nào kiềm nén được nữa và bật khóc như một đứa trẻ.

Cấp độ 2 của việc tự nhận thức là khi bạn đi tìm câu trả lời cho câu hỏi “bạn là ai?”. Tôi không ưa khi phải dùng đến câu này bởi vì nó chẳng có nghĩa gì cả, nhưng đây chính là giai đoạn mà mọi người “đi tìm chính mình” - khám phá cảm nhận của bản thân về những gì đang diễn ra trong cuộc sống, điều mà họ đã kìm nén trong hàng năm trời.

Phần lớn mọi người sẽ lướt qua cấp độ 1. Họ làm theo những gì được bảo, cố gắng khiến bản thân sao nhãng. Họ không cho mình cơ hội được thể hiện cảm xúc và phản ứng lại với những gì đang diễn ra xung quanh.

Khi mọi người loại bỏ được rào cản này, họ bắt đầu nhận ra rằng mình vô cùng nhạy cảm và chưa bao giờ cho phép bản thân được bộc lộ cảm xúc, bởi nó khiến họ trở nên yếu đuối và đáng thương. Nhưng thật ra nỗi buồn chính là điều khiến bạn trở nên khác biệt.

Cấp độ 2 này chẳng dễ chịu gì mấy. Mọi người dành hàng năm trời trị liệu ở cấp độ này. Trở nên thoải mái với cảm xúc của mình là một việc tốn thời gian. Và thừa nhận sự tồn tại của nó đòi hỏi rất nhiều sự tập trung lẫn nỗ lực.

Cảm xúc không phải lúc nào cũng có ý nghĩa

Nhưng có rất nhiều người mắc kẹt ở cấp độ 2. Họ cứ tiếp tục đào sâu vào cảm xúc của mình và bị nhấn chìm ở đó đến hết cuộc đời. Có khá nhiều lý do dẫn đến việc này.

Thứ nhất, cảm xúc là thứ quá mạnh mẽ, đặc biệt là đối với những ai đã phải đè nén nó phần lớn cuộc đời. Mở được cánh cửa ấy khiến họ cảm giác cuộc sống của mình đã thay đổi và trở nên sâu sắc hơn.

Kết quả, mọi người lầm tưởng đó chính là cảnh giới tối cao của tự nhận thức. Họ đi xa tới mức coi đây là sự “thức tỉnh”. Thậm chí còn diễn tả bằng những ngôn từ hoa mỹ như “cái chết của bản ngã” hoặc “ý thức siêu việt”.

Nhưng đây chính là một cái bẫy. Cảm xúc, ngay cả khi bạn nhận thức được, thì nó cũng: a) không có điểm dừng, b) không nhất thiết mang một ý nghĩa lớn lao. Bởi vì cảm xúc rất thất thường.

Ví dụ, hãy nhìn chú cún này.

https://img.vietcetera.com/uploads/images/22-dec-2020/self-awareness-puppy-1608610696474.jpeg

Hẳn là ngắm nó khiến bạn thấy rất dễ chịu. Nhưng điều này thật sự có ý nghĩa gì không? Đáng tiếc là không, nó chỉ là một con cún. Nhưng nhiều người lại thích gán ý nghĩa sâu sắc cho bất kỳ cảm xúc nào trỗi lên trong họ. Họ tưởng rằng bởi vì một số cảm xúc là quan trọng, nên tất cả những gì họ cảm thấy đều phải có ý nghĩa. Nhưng điều đó không hẳn đã đúng. Rất nhiều cảm xúc của chúng ta là vô nghĩa, hoặc là một loại sao nhãng.

Đúng vậy, cảm xúc cũng có thể là một hình thức sao nhãng. Thế sao nhãng khỏi thứ gì? Sao nhãng khỏi những cảm xúc khác.

Đừng để bản thân mắc kẹt trong cảm xúc

Sở hữu trí tuệ cảm xúc là khi bạn phân biệt được đâu là cảm xúc mà bạn phải xử lý và đâu là cảm xúc mà bạn chỉ cần “cảm” mà chẳng cần làm gì hết.

Đến cả cảm xúc cũng có thể trở thành cái bẫy. Sự thật là bạn càng cố phân tích một cảm xúc thì một cảm xúc khác sẽ tự động sinh ra. Vì thế việc bạn nên làm là ngừng cái vòng lặp bất tận ấy lại, nếu không sớm muộn nó cũng sẽ biến bạn thành kẻ bị ám ảnh bởi bản thân.

Trong cuốn “Nghệ thuật tinh tế của việc đếch quan tâm”, tôi đã so sánh việc tự nhận thức với việc bóc vỏ một củ hành. Cho dù bạn nghĩ hay cảm thấy gì, lúc nào cũng có một lớp khác ở dưới, và bạn càng cố để bóc tách nó, bạn càng chảy nhiều nước mắt hơn.

Việc tự đặt câu hỏi liên quan đến nhận thức về bản thân có thể dẫn đến một vòng lặp vô tận. Lớp này nối tiếp lớp kia. Trong nhiều trường hợp, càng cố tìm hiểu bạn càng chìm đắm trong sự bất an, trầm cảm và tự phán xét.

Phần lớn mọi người bị kẹt trong cái bẫy khi cứ cố phân tích cảm xúc của mình. Chúng ta cảm thấy cần phải làm điều này nhưng sự thật là tới một lúc nào đó, càng phân tích ta càng không thấy lối ra. Khi bóc tách các tầng cảm xúc, nên có một điểm dừng để bạn không quá sa đà vào nó.

Ví dụ, bạn lo lắng về mối quan hệ giữa mình với mẹ. Lý do của nỗi lo ấy đến từ việc mẹ bạn là một người hay xét nét. Và bạn rơi vào thói quen vô thức hòng chứng minh cho mẹ thấy rằng bạn không phải kẻ vô giá trị, rằng bạn xứng đáng được yêu thương.

Nhận ra điều này càng khiến bạn lo lắng hơn - lo vì bạn mong muốn làm hài lòng mẹ, điều xuất phát từ khao khát được yêu thương. Cứ thế bạn rơi vào vòng lặp và mắc kẹt trong cảm xúc của chính mình.

Đã đến lúc bạn phải vạch ra giới hạn, đâu là điểm mà từ đó bạn có cố phân tích thế nào đi chăng nữa cũng trở nên vô nghĩa. Bạn chỉ cần chấp nhận rằng mình mong muốn được mẹ yêu thương và chỉ có thế thôi.

Cấp độ 3 - Tôi đã bỏ qua điều gì?

Càng nhận thức rõ về cảm xúc và khao khát của bản thân, bạn càng khám phá ra sự thật là: mình chẳng ra làm sao cả.

Phần lớn suy nghĩ, lý luận và hành động của ta hiếm khi phản ánh những gì chúng ta cảm thấy trong giây phút đó. Nếu tôi đang xem phim cùng vợ và cáu kỉnh vì đã cãi nhau với biên tập viên từ hồi chiều, tôi quyết định sẽ ghét luôn bộ phim đó.

Vợ tôi càng cố gắng chứng minh bộ phim hay thì tôi càng cãi với cô ấy hăng say hơn – bởi vì đó đột nhiên trở thành cách để tôi hợp lý hóa cơn giận của mình.

(Sẵn tiện, nếu bạn thắc mắc tại sao chúng ta thích cãi nhau với những người thương yêu nhất, thì đây là một phần lý do: chúng ta dùng họ như “bao cát” để trút mớ cảm xúc hỗn độn trong mình, mặc kệ việc họ có đáng hứng chịu điều đó không, mà thường là không.)

Chúng ta hay cho rằng mình là người lý trí, rằng lý do của ta lúc nào cũng dựa trên sự thật và có cơ sở. Nhưng thật ra, não chúng ta dành lượng lớn thời gian chỉ để lý giải những gì mà trái tim đã quyết. Và chẳng có cách nào sửa chữa điều đó nếu bạn không học cách lắng nghe con tim mình.

Nhận thức của con người thường bị sai lệch, bởi vì:

  • Trí nhớ của ta chẳng hề đáng tin, đặc biệt là mỗi khi nhớ về cảm xúc tại một thời điểm hay địa điểm nhất định. Thậm chí chúng ta càng dở tệ trong việc dự đoán suy nghĩ và cảm xúc của chính mình.
  • Chúng ta thường quá đề cao bản thân. Thực tế, chúng ta càng tệ điều gì, chúng ta càng nghĩ là mình giỏi và ngược lại.
  • Những bằng chứng mâu thuẫn càng góp phần củng cố suy nghĩ của chúng ta hơn là khiến ta nghĩ lại về nó.
  • Chúng ta chỉ chú ý tới những điều giống với niềm tin cố hữu của mình. Đây là lý do cùng một sự kiện nhưng chúng ta lại lý giải theo những cách khác nhau.
  • Khi có cơ hội, đa số chúng ta đều sẽ nói dối để tạo lợi thế cho bản thân. Và đôi khi ta còn lừa dối chính mình.
  • Chúng ta cũng bế tắc trong khoản ước tính các số liệu thống kê và đưa ra những quyết định có lợi về chi phí.

Danh sách còn có thể dài nữa nhưng tôi sẽ tạm dừng ở đó. Tựu trung cả tôi, cả bạn và tất cả mọi người đều dở tệ.

Và điều đó chẳng sao cả. Cái chính là chúng ta nhận ra nó. Nếu đã biết đấy là điểm yếu thì nó sẽ không còn là điểm yếu nữa. Còn không, chúng ta sẽ trở thành nô lệ của chính những lỗi sai trong tâm trí mình.

Chúng ta học được gì từ những điều trên

1. Hãy khiêm tốn. Trừ khi bạn là chuyên gia trong một lĩnh vực, không thì khả năng cao là trực giác và giả định của bạn đều sai. Thứ bạn có thể làm trước khi nói ra điều gì đó là tự nhắc nhở “Những gì mình nghĩ có thể sai”. Điều này sẽ khiến bạn trở nên cởi mở và hiếu kỳ hơn với mọi thứ, là cách mà bạn học hỏi và kết nối với thực tại.

2. Bớt nghiêm trọng hóa vấn đề. Phần lớn suy nghĩ và hành vi chỉ là cách bạn phản ứng với những cảm xúc khác nhau. Và chúng ta đều biết rằng cảm xúc của mình thường sai và/hoặc vô nghĩa.

3. Nhận thức về thói xấu của mình. Khi tức giận, tôi trở nên lý sự và ngạo mạn. Khi buồn, tôi mặc kệ mọi thứ và chỉ chơi game. Khi tội lỗi, tôi không ngừng nói đạo lý với tất cả mọi người. Tật xấu của bạn là gì? Tâm trí bạn lang thang ở đâu khi cảm thấy buồn, tức giận, tội lỗi hoặc lo lắng?

Hãy xét lại cơ chế mà bạn thường dùng để đối phó với những cảm xúc trên, nó sẽ mách bảo những lúc bạn đang cố gắng làm bản thân sao nhãng.

Tôi nhận ra rằng khi vui vẻ và khỏe mạnh, tôi thích chơi game vài giờ mỗi tuần. Nhưng mỗi khi say sưa đến mức chơi thâu đêm và bỏ bê công việc, thường là vì tôi đang cố trốn tránh một vấn đề trong cuộc sống. Đây chính là dấu hiệu mà tôi phải khựng lại để lý giải xem chuyện gì đang diễn ra với mình.

4. Nhận ra những vấn đề mà bạn tự tạo cho mình. Vấn đề lớn nhất của tôi chính là không thể nào nói ra cơn giận hoặc nỗi buồn của mình. Tôi thà trốn tránh nó bằng game hoặc gây hấn thụ động với những người xung quanh.

Mà hai cách này đều chẳng giúp ích được gì. Tôi đã học cách nhận ra mỗi khi mình bắt đầu thói xấu này và tự nhắc “Mark, cứ buồn là mày lại làm thế này, rồi lúc nào cũng hối hận vì không chịu tâm sự với người khác.” Và rồi tìm một người để trò chuyện.

5. Hãy thực tế. Không phải bắt bạn dẹp bỏ thiếu sót trong phản ứng tâm lý của mình, mà bạn cần hiểu về nó để tự điều chỉnh cho phù hợp. Cảm xúc cũng giống như các kỹ năng vậy, sẽ có những cảm xúc mà bạn thành thạo hơn các cảm xúc còn lại

Một số người không biết xử lý niềm hạnh phúc nhưng lại giỏi kiểm soát cơn giận. Số khác chẳng bao giờ thấy chán nản nhưng lại vật vã với cảm giác tội lỗi. Vậy cảm xúc nào là thế mạnh và điểm yếu của bạn? Những định kiến và phán xét của bạn đến từ đâu? Bạn làm cách nào để vượt qua hoặc đánh giá lại chúng?

Những điều này, nói thì dễ hơn làm.

Làm thế nào để tăng sự tự nhận thức

Tôi không thích đưa lời khuyên theo kiểu “Hãy làm X rồi bạn sẽ đạt được Y và cảm thấy Z” cho lắm. Chúng ta đang đứng tại những vị trí khác nhau trong các giai đoạn khác nhau của cuộc đời mình, vì thế nếu một kẻ ất ơ nào đó trên mạng (như tôi đây) lại bảo người khác phải làm gì thì có vẻ khá tự phụ.

Dù vậy, tôi nhận ra rằng rất nhiều người vẫn cần thêm một số hướng dẫn trong vấn đề này. Bởi bắt đầu khám phá về những khía cạnh của bản thân mà trước đó bạn thậm chí còn không biết có tồn tại là một trải nghiệm đầy bối rối (và đáng sợ).

Cho nên đây là một danh sách, ngắn thôi, những bước đầu tiên bạn có thể thực hiện để tự nhận thức về bản thân tốt hơn.

Luyện tập chánh niệm

Chánh niệm chỉ đơn giản là một phương pháp quan sát những gì đang diễn ra trong tâm trí, cơ thể và môi trường xung quanh bằng tất cả sự tập trung, rõ ràng, và quan trọng hơn cả là chấp nhận chúng.

Bạn phải tập trung cao độ vào những gì bạn đang suy nghĩ và cảm nhận tại một thời điểm nhất định. Sau đó bạn phải làm rõ: chúng xuất hiện ở đâu trong cơ thể bạn, cụ thể thì bạn cảm thấy thế nào – nóng hay lạnh, phấn khích hay sợ hãi, chỉ thoáng qua hay kéo dài,…

Thiền là một công cụ hỗ trợ bạn thực hành chánh niệm, nhưng không phải là mục tiêu. Nó chỉ đơn thuần dạy bạn cách nhận thức suy nghĩ và cảm xúc tốt hơn, thường là trong lúc bạn ngồi xuống tĩnh lặng và không có bất kỳ sự phân tâm nào (nhưng về mặt kỹ thuật, ở môi trường nào bạn cũng có thể thiền được).

Còn mục tiêu chính là sử dụng kỹ thuật tự nhận thức mà bạn học được từ việc thiền để áp dụng vào đời sống. Từ đó, bạn tập trung, sáng suốt hơn và biết cách chấp nhận mọi chuyện đang diễn ra tại bất kỳ thời điểm nào.

Trải mọi thứ thành con chữ

Giữ thói quen viết nhật ký, mở một trang blog, gửi email cho chính mình, nguệch ngoạc vài dòng trong sổ tay – cách nào cũng được, bởi vì viết cũng như một dạng thiền, hơn ở chỗ nó còn kích hoạt một bộ phận não.

Bởi vì viết lách đòi hỏi bạn phải tập trung vào tâm trí và biết rõ mình đang nghĩ hay cảm thấy như thế nào. Như tác giả Flannery O’Connor từng nói, “Tôi viết ra bởi vì tôi không biết mình nghĩ gì, cho đến khi tôi đọc lại những gì mình nói.”

Phương pháp này không yêu cầu bạn phải viết sao cho hoa mỹ hay theo trình tự thì mới thu được hiệu quả. Chỉ đơn giản sắp xếp lại suy nghĩ của bạn ra giấy là đã đủ để bạn thấy rõ suy nghĩ và cảm nhận của mình, còn hơn là để nó dồn ứ trong đầu.

Nhiều người gửi email cho tôi mỗi ngày để hỏi lời khuyên, và lần nào tôi cũng ngạc nhiên vì rất nhiều người kết một email dài bằng câu “Tôi biết là hơi dài và có lẽ anh sẽ không hồi âm, nhưng chỉ riêng việc gõ ra đã giúp tôi nhìn nhận đa chiều hơn về tình huống của mình”.

Lý do là vì họ phải làm rõ vấn đề trong đầu trước khi trải ra thành con chữ trong email. Cách này nghe thì đơn giản nhưng lại hiệu quả.

Đón nhận phản hồi chân thành từ người khác

Hãy nhờ một người mà bạn hoàn toàn tin tưởng chỉ ra “điểm mù” của bạn. Đây là một cách cực kỳ hữu hiệu trong công cuộc tự nhận thức, nhưng cũng có thể mang đến niềm đau không tưởng.

Người khác thường có góc nhìn chuẩn hơn chúng ta, đặc biệt là gia đình và bạn bè thân thiết. Hỏi ý họ là cách đơn giản và an toàn nhất (“an toàn” ở đây nghĩ là xác suất bạn nổi trận lôi đình vì bị tổn thương lòng tự trọng sẽ thấp hơn), giúp bạn nhận thức về mình rõ hơn.

Đây là một hình thức cao cấp nên tôi không khuyến nghị cho tất cả mọi người. Ít nhất thì bạn phải bắt đầu khám phá ra những điều “chẳng ra sao” về mình cái đã. (Nếu muốn biết thêm chi tiết, hãy tham khảo ba phần của 3 Cấp độ tự nhận thức).

Nếu bạn yêu cầu bạn bè và người thân đưa ra nhận xét chân thật nhất về con người bạn, bao gồm tính cách hoặc/và một vài khía cạnh trong cuộc sống mà bạn không nắm rõ lắm, những gì họ sắp sửa nói có thể sẽ không dễ nghe.

Ai cũng có một vài vết nhơ không muốn nhớ lại. Ai cũng từng hối hận vì đã làm những điều ngu ngốc. Ai cũng đã một lần khiến người khác tổn thương.

Cho nên, nếu bạn vẫn chưa sẵn sàng nghe ai đó phê bình, hãy thử bầu bạn với hai phương pháp chánh niệm và viết lách trước đã. Để làm quen với cách này, bạn cần phải a) tin tưởng người đó sẽ thật lòng với bạn và b) không cảm thấy bị xúc phạm khi nghe lời thật mất lòng. Không phải ai cũng biết lựa lời, nhưng tôi vẫn cho rằng đây là một điều đáng thử.

Đích đến của tự nhận thức nên là chấp nhận bản thân

Khi đã đọc đến phần này, nhiều người sẽ bắt đầu ngẫm lại và nhận ra những cái bẫy ích kỷ trong tâm trí, lẫn những cảm xúc và suy nghĩ chẳng ra sao của mình. Họ bắt tay vào thực hành khám phá chính mình, cởi mở với mọi cảm xúc, để rồi rút ra được bài học chốt hạ: “Mình chỉ là một đứa tệ hại.”

Họ nhìn thấy được mọi sai sót của bản thân, biết rằng những thiên kiến và các cơ chế phi lý trí luôn diễn ra, và bắt đầu hiểu về những sao nhãng và cảm xúc yếu đuối trong mình.

Và rồi họ ghét tất cả những điều đó, dẫn đến việc ghét lây luôn chính họ.

Nếu bạn không thể chấp nhận mình, quá trình tự nhận thức trước đó chỉ lãng phí

Đổ lỗi cho chính mình chỉ vì những suy nghĩ và cảm xúc mà mình có không phải là đích đến của việc chăm sóc sức khỏe tinh thần. Trái lại, xu hướng này còn vô cùng nguy hại. Phán xét bản thân vì không thể xử lý cảm xúc ổn thỏa, vì có những suy nghĩ thiên vị và ích kỷ là một cái bẫy.

Khi nhận định như vậy, bạn có cảm giác như đang trong quá trình tự nhận thức và thấy thật tự hào khi nhận ra mình thiếu sót và tồi tệ như thế nào trước những người xung quanh. Nhưng không, đó không phải là đích đến. Việc tự nhận thức sẽ thật lãng phí nếu nó không giúp bạn chấp nhận được mình.

Nghiên cứu về self awareness cũng chỉ ra rằng: nhận thức về bản thân không làm chúng ta hạnh phúc hơn mà chỉ khiến một số người đau khổ hơn. Bởi vì nếu tự nhận thức đi liền với tự phán xét, vậy thì bạn chỉ đang nhận thức rõ hơn những khía cạnh mà bạn đáng bị phán xét.

Những cơn bùng phát về cảm xúc lẫn những thiên kiến nhận thức này tồn tại trong tất cả chúng ta, tại bất cứ giai đoạn nào. Chúng hiện hữu trong bạn không có nghĩa bạn là người xấu, với người khác cũng vậy. Suy cho cùng tất cả chúng ta chỉ là con người mà thôi.

Đích đến của việc tự nhận thức nên là thấu cảm

Triết gia Plato từng nói, cái ác đều bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết. Những kẻ xấu xa nhất, tồi tệ nhất không phải do khuyết điểm của họ, mà bởi vì họ không chịu thừa nhận khuyết điểm của mình.

Tôi từng đọc một mẩu tin tức về thuyết âm mưu rằng tất cả những vụ xả súng hàng loạt đều được dàn dựng. Một trong số những người tin theo thuyết này còn tìm đến nơi xảy ra các vụ xả súng hàng loạt và đối chất với nạn nhân. Người đó đứng trước mặt cha mẹ của những đứa trẻ bị nạn và gọi họ là kẻ dối trá.

Tôi không thể tưởng tượng ra một định nghĩa về “xấu xa” hay “tồi tệ” nào hơn người này.

Tuy nhiên, sự xấu xa của người đó không phải là kết quả của lựa chọn có ý thức, mà chỉ là lựa chọn vô thức. Người đó không nhận thức được những điều bất hợp lý và lệch lạc trong suy nghĩ của mình, nghĩa là gần như chỉ đang ở cấp độ 1 của tự nhận thức.

Cấp độ 2 sẽ đồng nghĩa với việc thừa nhận rằng những vụ bạo lực và vô nghĩa như xả súng hàng loạt có thể xảy ra xung quanh người đó, điều anh ta không thể kiểm soát được – cũng là điều khiến anh ta sợ hãi.

Và chắc chắn người đó vẫn cách rất xa cấp độ 3 – giai đoạn anh ta nhận ra rằng các thuyết âm mưu chỉ là một mạng lưới xâu chuỗi những niềm tin phi lý và nhận định bất khả thi, được thiết kế để bảo vệ chúng ta khỏi cảm giác bị đe dọa ở cấp độ 2.

Khi nhìn nhận theo cách này, bạn sẽ lấy làm tiếc cho anh ta. Bạn hiểu được anh ta phải chịu đựng tâm lý thế nào. Chính nó đã thôi thúc anh ta làm những điều kinh khủng với các nạn nhân thật sự.

Và một khi nhìn nhận được như vậy, bạn đã biết cách thấu cảm với người khác.

Thấu cảm chỉ có thể xảy ra khi bạn biết chấp nhận bản thân

Chấp nhận được những khiếm khuyết trong cảm xúc và tâm trí của mình, chúng ta mới có thể nhận ra điều tương tự ở người khác. Và thay vì phán xét hoặc thù ghét họ, bạn sẽ nảy sinh lòng trắc ẩn với họ.

Khả năng thấu cảm và trắc ẩn không giải quyết được mọi vấn nạn trên đời, nhưng chắc chắn sẽ không khiến mọi thứ tệ hơn.

Có một câu nói tuy nhàm nhưng đúng, đó là bạn yêu thương bản thân chừng nào thì mới có thể yêu thương người khác chừng ấy. Nhận thức về bản thân cho chúng ta cơ hội để yêu thương và chấp nhận mình. Ừ thì đôi khi tôi thiên vị, tôi không xử lý ổn thỏa cảm xúc của mình, nhưng không sao cả. Vì tôi chấp nhận những thiếu sót đó ở bản thân, nên tôi có thể chấp nhận và tha thứ những thiếu sót đó ở người khác. Và chỉ như thế mới tồn tại tình yêu chân thành.

Nếu chúng ta từ chối chấp nhận mình như hiện tại, chúng ta sẽ lại rơi vào nhu cầu khiến mình sao nhãng. Tương tự, chúng ta cũng không thể chấp nhận người khác, và rồi ta tìm cách thao túng họ, thay đổi họ hoặc thuyết phục họ trở thành một kiểu người khác bản chất vốn có. Để rồi các mối quan hệ giữa người với người sẽ biến thành giao kèo có điều kiện, cuối cùng trở nên độc hại và tan rã.

Bài viết được chuyển ngữ bởi Trân Lê.

References