Trí tuệ cảm xúc và bước đầu để chinh phục nó

Được chuyển ngữ từ bài viết “5 Skills to Help You Develop Emotional Intelligence” đăng trên blog cá nhân của tác giả Mark Manson.


Làm phi hành gia có lẽ là công việc khó thuộc hàng bậc nhất hành tinh. Trong hàng chục nghìn ứng viên, NASA chỉ chọn khoảng nửa tá người cho mỗi thập kỷ.

Quá trình tuyển dụng rất nghiêm ngặt và đòi hỏi cao. Bạn phải là một “con nhà người ta” chính hiệu mới đủ điều kiện. Bạn bắt buộc có chuyên môn sâu về khoa học kỹ thuật. Bạn cần ít nhất 1.000 giờ kinh nghiệm bay. Bạn cũng phải có thể chất khỏe mạnh. Và trên hết, bạn phải là một người vô cùng thông minh.

Lisa Nowak có tất cả những điều này. Cô sở hữu bằng thạc sĩ kỹ thuật hàng không và đã theo học cao học ngành vật lý thiên văn tại Học viện Hải quân Hoa Kỳ. Cô đã thực hiện các nhiệm vụ hàng không cho Hải quân Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương trong hơn 5 năm. Vào năm 1996, cô là một trong số ít người may mắn được chọn để trở thành phi hành gia.

Rõ ràng, cô ấy thông minh như quỷ thần vậy. Nhưng vào năm 2007, sau khi phát hiện người yêu đang hẹn hò với một người phụ nữ khác, Lisa đã lái xe liên tục 15 tiếng từ Houston đến Orlando, trong tình trạng sướt mướt để đối mặt với “trà xanh” trong bãi đậu xe sân bay.

Lisa đã trang bị dây trói, bình xịt hơi cay, các túi rác lớn và lên một số kế hoạch thiếu thấu đáo để bắt cóc người phụ nữ kia. Tuy vậy trước khi kịp đưa người phụ nữ ra khỏi xe, Lisa đã bị suy sụp tinh thần, dẫn đến việc cô nhanh chóng bị bắt.

Trí tuệ cảm xúc

Trí tuệ cảm xúc là một khái niệm được các nhà nghiên cứu đưa ra từ những năm 80 và 90 của thế kỷ 20, nhằm giải thích vì sao những người thông minh như Lisa thường làm những điều vô cùng ngốc nghếch.

Lập luận cho rằng cũng như trí thông minh tổng quát (IQ) đo lường khả năng xử lý thông tin và ra quyết định đúng đắn, trí tuệ cảm xúc (EQ) là khả năng xử lý cảm xúc — của cả chính mình và người khác — để đi đến quyết định hợp lý.

Một số người có chỉ số IQ cao ngất ngưởng nhưng chỉ số EQ lại thấp — hãy tưởng tượng vị giáo sư lập dị của bạn không thể lựa hai chiếc tất giống nhau hay không thấy lý do để tắm rửa.

Có những người thì ngược lại — hãy nghĩ tới việc bạn bị một kẻ lừa đảo thậm chí còn không đánh vần được tên mình thuyết phục bạn tình nguyện giúp hắn.

Định nghĩa trí tuệ cảm xúc

Trí tuệ cảm xúc bao gồm 5 yếu tố chính:

  1. Tự nhận thức
  2. Tự điều chỉnh
  3. Động lực
  4. Thấu cảm
  5. Hệ giá trị (tốt)

Cách để nâng cao trí tuệ cảm xúc về cơ bản là tìm hoặc tạo ra 5 yếu tố này trong chính bạn. Do đó có thể coi đây là 5 kỹ năng (mà chút nữa tôi sẽ phân tích chi tiết hơn).

Nếu cảm thấy những điều trên có hơi mơ hồ và trừu tượng, hãy nhớ về một người mà bạn thấy họ:

  • Có vẻ bình tĩnh và kiểm soát trước tình huống căng thẳng
  • Chịu trách nhiệm về hành động của mình thay vì đổ lỗi cho người khác
  • Thể hiện — thay vì kìm nén — cảm xúc của họ
  • Lắng nghe bạn và khiến bạn cảm thấy được lắng nghe
  • Quan tâm chân thành đến thế giới và cố gắng biến nó thành một nơi tốt đẹp hơn theo cách riêng của họ

Đó là một người có trí tuệ cảm xúc. Và dù chưa đến được mức đó không có nghĩa là bạn không thể cố gắng.

Trí tuệ cảm xúc xâm nhập vào mọi khía cạnh trong cuộc sống. Nó liên hệ với thành công trong học tập và sự nghiệp, ổn định về mặt tài chính, sự viên mãn trong các mối quan hệ, sự hài lòng trong cuộc sống cũng như cải thiện sức khỏe thể chất lẫn tinh thần.

Mọi nỗ lực trong cuộc sống đều đòi hỏi bạn phải ra quyết định. Và bạn không thể tiến xa được nếu cứ để cảm xúc phá hoại các quyết định của mình. Tệ nhất, chỉ một lần bồng bột thôi - giống như Lisa và công cuộc bắt cóc kéo dài 15 tiếng - cũng có thể hủy hoại toàn bộ sự nghiệp của bạn. Vì vậy, bạn cần tập trung và tỉnh táo. Hãy phát triển trí tuệ cảm xúc để không phạm sai lầm như Lisa đã từng.

Dưới đây là năm cách để bắt đầu làm điều đó.

1. Thực hành tự nhận thức

Giống hầu hết những thứ thuộc về cảm xúc, bạn không thể tiến bộ cho đến khi bạn nhận diện được chúng.

Khi bạn thiếu khả năng tự nhận thức, cố gắng quản lý cảm xúc của mình giống như ngồi trên một con thuyền không buồm giữa đại dương xúc cảm. Bạn cứ thế trôi vô định theo dòng chảy mặc cho mọi thứ đang xảy ra. Bạn không biết mình sẽ đi đâu hoặc làm cách nào để đến nơi. Tất cả những gì bạn có thể làm là kêu gào và cầu cứu.

Tự nhận thức bao gồm việc hiểu bản thân và hành vi của mình ở ba cấp độ: 1. Những gì bạn đang làm, 2. Cảm nhận của bạn về điều đó và 3. Phần khó nhất, tìm ra những gì bạn chưa biết về bản thân.

Biết mình đang làm gì

Bạn sẽ nghĩ điều này khá đơn giản và dễ hiểu, nhưng sự thật là trong thế kỷ 21, hầu hết chúng ta thậm chí còn không biết mình đang làm gì. Chúng ta làm mọi thứ dường như trong vô thức — kiểm tra email, nhắn tin cho cạ cứng, lướt Instagram, xem YouTube, kiểm tra email và lại nhắn tin cho cạ cứng, v.v.

Hãy dọn dẹp những tác nhân gây sao nhãng khỏi cuộc sống — chẳng hạn như thỉnh thoảng tắt điện thoại và tương tác với thế giới xung quanh là bước khởi đầu tốt đẹp để tự nhận thức. Một không gian tĩnh mịch dù có vẻ khá đáng sợ nhưng lại cần thiết cho sức khỏe tinh thần.

Các hình thức khiến ta phân tâm còn có công việc, TV, chất gây nghiện/rượu, trò chơi điện tử, những cuộc khẩu chiến trên mạng, v.v. Bạn cần lên lịch để tách chúng khỏi mình.

Thực hiện lộ trình đi làm buổi sáng mà không nghe nhạc hoặc podcast. Thay vào đó hãy nghĩ về cuộc sống và cảm xúc của mình. Dành 10 phút vào buổi sáng để thiền. Xóa mạng xã hội khỏi điện thoại một tuần.

Bạn sẽ ngạc nhiên bởi những thay đổi mà chúng mang lại.

Chúng ta sử dụng những thứ gây sao nhãng để né tránh nhiều cảm xúc không thoải mái. Thế nên, loại bỏ chúng và tập trung vào cảm giác của bạn đôi khi có thể làm lộ ra một số mặt tối đáng sợ. Nhưng loại bỏ những phiền nhiễu này lại rất quan trọng, vì nó đưa chúng ta lên cấp độ tiếp theo.

Biết mình đang cảm thấy như thế nào

Thực sự chú ý đến cảm giác của mình thoạt đầu có thể khiến bạn phát hoảng. Bạn có thể nhận ra thực sự mình rất hay buồn bã hoặc là một tên tồi cáu bẳn. Bạn có thể nhận thấy rất nhiều lo âu đang diễn ra.

Nghiện điện thoại chỉ là một cách làm tê liệt nhằm đánh lạc hướng bản thân khỏi lo lắng triền miên. Tại thời điểm này, điều quan trọng là không phán xét những cảm xúc nảy sinh.

Rất dễ để buộc miệng “Lại lo âu! Tôi bị cái quỷ gì thế nhỉ!”. Nhưng làm như thế chỉ khiến nó tệ hơn. Dù cảm xúc có thế nào thì đều có lý do chính đáng để nó ở đó, ngay cả khi bạn không nhớ được lý do này. Vì vậy, đừng quá khắt khe với bản thân.

Biết những thứ ngớ ngẩn về cảm xúc của chính mình

Một khi nhận ra những thứ khó chịu mà mình đang cảm thấy, bạn sẽ bắt đầu để ý đến những điều điên rồ trong mình.

Ví dụ, tôi thấy rất khó chịu khi bị chen ngang. Tôi sẽ giãy nảy nếu đang cố gắng nói mà người kia lại bị phân tâm. Tôi để bụng đấy.

Có khi người đó đơn giản chỉ thiếu lịch sự, nhưng đôi lúc kết cục tồi tệ xảy ra, tôi trông như tên thần kinh do không thể chịu nổi hai giây mà mọi lời tôi nói không được tôn trọng. Đó là một vài chuyện dở hơi về cảm xúc của tôi. Và chỉ khi nhận thức được điều đó, tôi mới có thể phản ứng khác đi được.

Chỉ nhận thức về bản thân thôi thì chưa đủ. Một người cũng phải có khả năng quản lý cảm xúc của họ.

2. Tự điều hướng cảm xúc 

Những người tin rằng cảm xúc là tất cả của cuộc sống thường tìm cách “kiểm soát” nó. Thực ra thì bạn không thể, bạn chỉ có thể phản ứng với chúng thôi.

Cảm xúc chỉ đơn thuần là những tín hiệu báo cho chúng ta biết phải chú ý đến điều gì. Sau đó, chúng ta có thể quyết định xem “điều đó” có quan trọng hay không và chọn cách hành động tốt nhất để giải quyết nó — hoặc không.

Không có cái gọi là cảm xúc “tốt” hay “xấu” - chỉ có phản ứng “tốt” hay “xấu” trước cảm xúc của mình

Tức giận có thể là một cảm xúc hủy hoại nếu bạn điều hướng sai lệch và làm tổn thương người khác hoặc chính bạn trong quá trình này. Nhưng nó có thể là một cảm xúc tốt nếu bạn dùng để lên án những bất công và/hoặc bảo vệ bản thân hay người khác.

Niềm vui có thể là một cảm xúc tuyệt vời khi được chia sẻ với những người bạn yêu thương khi những điều tốt đẹp xảy ra. Nhưng nó có thể là một cảm xúc kinh hoàng nếu nó bắt nguồn từ việc làm tổn thương người khác.

Đó chính là hành động quản lý cảm xúc: nhận biết mình đang cảm thấy ra sao, quyết định xem đó có phải là cảm xúc phù hợp với tình huống không và từ đó hành động phù hợp.

Cái chính là bạn có thể điều hướng cảm xúc của mình thành cái mà các nhà tâm lý học gọi là “hành vi hướng đến mục tiêu” — tôi thì hay gọi đó là “tự chấn chỉnh lại mình”.

3. Học cách tạo động lực cho bản thân

Bạn đã bao giờ đánh mất khái niệm về thời gian khi làm một điều gì đó chưa? Kiểu như bạn bắt đầu làm một việc rồi chìm đắm trong nó và đến khi “tỉnh ngộ”, bạn nhận ra rằng 3 tiếng đã trôi qua nhưng tưởng như chỉ mới 15 phút?

Đôi lúc điều này xảy ra với tôi khi viết. Tôi mất cảm giác về thời gian và có được dòng cảm xúc nhiều tầng tinh tế khi bóc tách ý tưởng trong đầu để diễn đạt thành lời. Cảm giác ấy giống như sự thích thú xen lẫn sự thất vọng thoáng qua cùng chút bùng nổ dopamine, mỗi khi tôi thấy mình như vừa nghĩ ra được câu thoại hay, một trò đùa hài hước hoặc bằng cách nào đó hiểu ra vấn đề mà không cần phải chửi thề.

Tôi thích cảm giác này, và khi đạt được nó, nó thúc đẩy tôi tiếp tục viết.

Tuy nhiên, cần lưu ý một điều quan trọng ở đây: Tôi không đợi cảm giác đó nảy sinh trước khi bắt đầu viết.

Tôi bắt đầu viết và rồi cảm giác đó mới hình thành. Điều này thúc đẩy tôi tiếp tục viết, và cảm giác đó sẽ tăng lên một chút và cứ thế.

Tôi gọi đây là “Nguyên tắc hãy làm gì đó” và nó có lẽ là một trong những “thủ thuật” đơn giản nhưng kỳ diệu nhất mà tôi từng biết. Nguyên tắc này phát biểu như sau:

Hành động không chỉ là kết quả của động lực mà còn là nguyên nhân của nó.

Hầu hết mọi người đều cố gắng tìm kiếm nguồn cảm hứng trước khi đi đến hành động bước ngoặt để thay đổi bản thân và hoàn cảnh. Họ cố “bơm đầy” bản thân với bất kỳ phương pháp tạo động lực nào đang nổi trong tuần đó để có thể hành động. Nhưng đến tuần sau khi “nhiệt” đã “nguội”, họ quay lại vòng lặp và chuyển sang một phương pháp khác.

Nhưng thật ra nó ngược lại hoàn toàn. Khi cần động lực, tôi cứ làm một điều gì đó - kể cả việc ít liên quan đến những gì tôi muốn hoàn thành. Rồi sau đó, hành động tạo ra động lực sẽ dẫn đến hành động tiếp theo, v.v.

Khi cảm thấy không muốn viết, tôi tự nhủ bây giờ mình chỉ làm dàn bài thôi. Từ đó, nó khiến tôi nghĩ đến những điều thú vị mà trước đây mình chưa nghĩ ra mà tôi muốn đưa vào bài viết. Thế là tôi viết xuống và có thể thêm thắt chút đỉnh. Và trước khi kịp ý thức, tôi đã thực hiện được nửa bản nháp.

Vấn đề ở chỗ, để sử dụng cảm xúc cá nhân hiệu quả nhằm gắn kết mọi chuyện lại với nhau, bạn phải làm điều gì đó.

Nếu bạn không cảm thấy có động lực, hãy làm điều gì đó. Vẽ vời nguệch ngoạc, tìm lớp học lập trình miễn phí, nói chuyện với người lạ, học nhạc cụ, tìm hiểu về một chủ đề thực sự khó, làm tình nguyện, nhảy salsa, đóng một giá sách, viết một bài thơ. Chú ý đến cảm giác trước, trong và sau bất cứ điều gì bạn đang làm và sử dụng những cảm xúc đó để định hướng hành vi trong tương lai.

Và biết rằng không phải lúc nào cảm giác “tốt” cũng sẽ thúc đẩy bạn. Đôi khi tôi bực bội muốn chết vì không thể nói được chính xác những gì tôi muốn nói. Đôi khi tôi lo lắng rằng những gì mình đang viết sẽ không gây được tiếng vang. Nhưng cho dù lý do là gì, những cảm giác này thường chỉ khiến tôi muốn viết thêm. Tôi thích vật lộn với những điều ngoài tầm với của mình một chút.

4. Nhận biết cảm xúc ở người khác để tạo ra mối quan hệ lành mạnh hơn

Mọi thứ chúng ta đã đề cập từ đầu bài viết đều liên quan đến việc xử lý và định hướng cảm xúc bên trong. Nhưng toàn bộ trọng tâm của phát triển trí tuệ cảm xúc cuối cùng phải là thúc đẩy các mối quan hệ lành mạnh hơn trong cuộc sống.

Các mối quan hệ lành mạnh — tình yêu, gia đình, tình bạn, bất cứ điều gì — đều bắt đầu bằng sự công nhận và tôn trọng nhu cầu tình cảm của nhau.

Bạn làm điều này bằng cách kết nối và thấu cảm với người khác. Bạn vừa lắng nghe nhưng cũng vừa chia sẻ thành thật về bản thân với đối phương — thông qua việc mở lòng với tổn thương.

Đồng cảm với ai đó không đồng nghĩa với việc hoàn toàn hiểu họ, mà là chấp nhận con người họ, ngay cả khi bạn không hiểu. Bạn học cách coi trọng sự tồn tại của họ và hành động vì chính họ thay vì làm điều đó như một phương tiện để đạt được mục đích khác. Bạn nhận thức nỗi đau của họ như nỗi đau của mình, một nỗi đau chung.

Các mối quan hệ là khi cảm xúc trở nên nghiêm túc. Chúng đưa ta thoát khỏi thế giới trong đầu và bước vào thế giới xung quanh. Chúng khiến ta nhận ra rằng mình là một phần của điều gì đó lớn và phức tạp hơn nhiều so với chính mình.

Và cuối cùng, các mối quan hệ là cách chúng ta xác định hệ giá trị của mình.

5. Gán giá trị cho cảm xúc của bạn

Khi tựa sách của Daniel Goleman ra mắt vào những năm 90, “trí tuệ cảm xúc” liền trở thành khái niệm bùng nổ trong tâm lý học.

Các CEO và những nhà quản lý đọc sách và tham dự khóa học về trí tuệ cảm xúc để tạo động lực làm việc cho nhân viên. Các nhà trị liệu cố gắng nâng cao nhận về thức cảm xúc để giúp khách hàng xử lý cuộc sống cá nhân. Các bậc cha mẹ được khuyến khích nuôi dưỡng trí thông minh cảm xúc ở con cái với mục đích chuẩn bị cho các em sẵn sàng với một thế giới thay đổi và định hướng theo cảm xúc.

Tuy nhiên, kiểu suy nghĩ này đã bỏ sót vấn đề cốt lõi. Đó là trí tuệ cảm xúc sẽ vô nghĩa nếu không định hướng được giá trị của bạn.

Bạn có thể có một CEO thông minh về cảm xúc nhất hành tinh. Nhưng nếu cô ta dùng các kỹ năng của mình để thúc đẩy nhân viên bán sản phẩm được sản xuất bằng cách bóc lột người nghèo hay phá hủy môi trường, thì ở đây trí tuệ cảm xúc là một đức tính như thế nào?

Một người cha có thể dạy con trai mình những nguyên lý của trí tuệ cảm xúc. Nhưng nếu anh ta không dạy con giá trị của sự trung thực và tôn trọng, đứa trẻ có thể trở thành một người tàn nhẫn, dối trá - nhưng lại thông minh về cảm xúc!

Những kẻ lừa đảo rất thông minh về mặt cảm xúc. Họ hiểu khá rõ về cảm xúc, của cả bản thân và đặc biệt là ở người khác. Nhưng cuối cùng họ lại dùng thông tin đó để thao túng mọi người vì lợi ích cá nhân. Họ coi trọng bản thân hơn tất thảy những người khác và giá trị của họ. Và mọi thứ sẽ trở nên xấu xí khi bạn chẳng coi trọng gì ngoài chính mình.

Lisa Nowak, dù xuất chúng và có chuyên môn, lại không thể xử lý cảm xúc của bản thân và đặt giá trị sai lệch. Vì vậy, cô đã để cảm xúc làm chệch hướng và đi từ không gian vũ trụ vào không gian trại giam.

Cuối cùng thì, chúng ta luôn được chọn những gì ta cho là giá trị, kể cả có nhận thức được điều đó hay không. Cảm xúc của chúng ta sẽ thể hiện những giá trị đó thông qua việc thúc đẩy hành vi của ta.

Vì vậy, để sống cuộc sống mà bạn thực sự muốn, trước tiên bạn phải rõ ràng về những gì bạn thực sự coi trọng. Vì nơi năng lượng cảm xúc của bạn được hướng đến sẽ nằm ở chính những giá trị đó.

Biết những gì mình thực sự coi trọng - mà không chỉ dừng ở lời nói suông - có lẽ là đỉnh cao nhất của trí tuệ cảm xúc mà bạn có thể phát triển.

References