Tôi tự học (Nguyễn Duy Cần)

§1: THỬ TÌM MỘT ĐỊNH NGHĨA

A. THẾ NÀO LÀ NGƯỜI HỌC THỨC?

  • Học là để biết. Biết, mà không thực hành được, cũng chưa gọi là “biết”. Tri và hành cần phải hợp nhất mới được gọi là người “có học thức”.
  • Học nhiều và học thức không giống nhau.
  • Phần đông chúng ta thường nhận lầm việc ấy. Chúng ta thường đánh giá con người theo bằng cấp của họ, những bằng cấp ấy phần nhiều là những bằng cấp trí nhớ: kẻ nào nhớ giỏi thì thi đậu.
  • Người học thức không phải cần biết thật nhiều, mà cần phải thật biết những gì mình đã biết.

B. HỌC ĐỂ LÀM GÌ?

  • Có hai hạng người: học vì tư lợi, và học không vì tư lợi gì cả, nghĩa là học để mà học, học theo sở thích của mình.
  • Học, là để mưu hạnh phúc, nghĩa là để làm cho mình càng ngày càng mới, càng ngày càng cao, càng ngày càng rộng… Học, là tăng gia sự hiểu biết của mình, là mở rộng tâm hồn của mình bằng cách thu nhận sự hiểu biết cùng những kinh nghiệm của kẻ khác làm của mình.
  • Học mà đến mực dường như quên hết cả sách vở của mình đã học thì cái học ấy mới thật là “nhập diệu”. Herriot nói: “Học thức là cái gì còn lại khi mình đã quên tất cả”.
  • Quên là điều kiện cần thiết của cái nhớ.
  • Một điều gì học mà mình còn cố nhớ, là nó chưa được nhập vào tâm. Chỉ khi nào mình không cần nhớ mà nó vẫn tự nhiên hiển hiện trong tâm trí mình thì môn học ấy mới được gọi là đã được tiêu hóa.

C. THẾ NÀO LÀ BẬC THIÊN TÀI?

  • Thiên tài là một sự nhẫn nại bền bỉ và lâu dài. Muốn thành những bậc tài hoa, điều thứ nhất là phải có lý tưởng, có đủ tin tưởng và chí kiên nhẫn để thực hiện lý tưởng ấy; điều thứ hai là làm việc cho có trật tự, có phương pháp, nhẫn nại và lặng lẽ, không bồn chồn, không vội vã…

§2: NHỮNG YẾU TỐ CHÍNH

A. HỌC VẤN VÀ THỜI GIAN

B. CÁI HỌC VỀ BỀ RỘNG VÀ CÁI HỌC VỀ BỀ SÂU

C. CỐ GẮNG: ĐIỀU KIỆN ĐẦU TIÊN CỦA SỰ TIẾN BỘ TINH THẦN

  • Nếu đọc sách chỉ để giết thời giờ, tìm vui thích hoặc để tìm quên lãng trong những lúc buồn chán ở trên toa xe hay đọc sách để tìm giấc ngủ thì đọc sách không lợi gì cho tinh thần cả. Đọc sách mà có lợi cho tinh thần là khi nào mình biết vận dụng tất cả năng lực và năng khiếu của mình, nhận thức được rõ ràng những ý kiến sâu thẳm của lòng mình đem ra so sánh với những ý kiến dị đồng của tác giả, biết sắp đặt lại những ký ức của mình, biết trầm ngâm suy nghĩ, biết làm việc có phương pháp, tóm lại, biết thảo luận và thông cảm với tác giả quyển sách mình đọc, đó là biết cách đọc sách đấy.

D. CỐ GẮNG MÀ ĐƯỢC BỀN BỈ LÀ NHỜ CÓ SỰ HỨNG THÚ LÀM HẬU THUẪN

E. BIẾT TỔ CHỨC SỰ HIỂU BIẾT CỦA MÌNH

  • Người có một trình độ văn hóa cao là người có một đầu óc rộng rãi, một tâm hồn khoáng đạt, không bao giờ chịu giam mình trong một học thuyết hay một chủ nghĩa nào. Họ biết rằng trong đời còn biết bao là điều hay chuyện lạ khác ngoài cái triết học mà họ tôn sùng. Vòng chân trời to rộng của sự hiểu biết của họ cứu họ thoát khỏi cái nhìn thiển cận và nô lệ của tâm hồn. Kẻ có trình độ văn hóa cao rộng là người có rất nhiều bậc thầy nhưng không nô lệ một ông thầy nào cả.
  • Tóm lại, nhờ họ có rất nhiều “thầy” nên họ không lệ thuộc một ai cả. Họ nhờ đó mà biết quan sát một cách không thiên kiến, biết nhìn lại các vấn đề quan trọng bằng những nhãn quan khác nhau, biết kiểm lại tư tưởng và những thành kiến của mình với cặp mắt luôn luôn mới mẻ. Họ không bao giờ có những định kiến không thay đổi, nghĩa là họ có óc “hoài nghi triết lý” (doute philosophique), thỉnh thoảng biết đặt lại những vấn đề mà họ thiết tha tin tưởng nhất.

F. ÓC PHÊ BÌNH

G. “BIẾT MÌNH”

H. HỌC ĐỂ THÀNH CÔNG TRONG CON ĐƯỜNG XỬ THẾ

I. ÓC TINH NHUỆ

J. BIẾT TUYỂN CHỌN LÀ CÁI HỌC ĐẦU TIÊN CỦA NGƯỜI TRÍ THỨC

  • Tuyển chọn phải là công việc đầu tiên của người ham học. Chẳng những phải biết chọn riêng cho mình những sách mà mình thích nhất, lại cũng phải biết tuyển chọn trong một quyển sách những chương nào hay nhất để ta thỉnh thoảng đọc đi đọc lại. Tuyển chọn cũng có nghĩa là tuyển lại một trang, một đoạn hoặc một câu nào hay nhất có thể là tinh hoa của cả một chương, hay của một tiết để xem đi xem lại, hoặc để học thuộc lòng hay ghi nhớ trong tâm khảm. Phải có những tập trích tuyển các câu văn hay, những câu thơ đẹp hoặc những đoạn sách đặc sắc với những tư tưởng tân kỳ cho riêng mình. Nhưng cũng phải có một cuốn tập riêng để tóm tắt, và phê bình những sách hay mà mình đã đọc. Ở đây mỗi người đều có một phương pháp riêng không thể bắt ai phải theo ai được.
  • Có hai cách tuyển chọn: Cách thứ nhất là lượm lặt tinh hoa của tất cả sách vở bất cứ thuộc về loại gì, bất cứ thuộc về thời nào.
    Cách thứ nhì là chọn trước một đầu đề rồi sau lấy đó làm trung tâm nghiên cứu, tuyển chọn những gì liên quan mật thiết với nó và mỗi ngày mỗi đi sâu vào vấn đề, được chừng nào hay chừng nấy.

“Đừng bao giờ đọc những bài văn bây giờ, nhất là vừa mới viết do những ngòi bút mới lạ. Đừng đọc sách mới xuất bản. Phải để cho thời gian đào thải. Ngày giờ ta rất ngắn ngủi: đừng nên đọc những sách chưa chịu nổi thử thách của thời gian. Đừng đọc sách của những nhà văn chưa có tên tuổi. Chỉ nên đọc những sách gì đã được tái bản hay xuất bản được trên ba năm là ít nhất. Rồi hãy lựa những sách nào đã xuất bản được trên ba mươi năm, trên ba trăm năm, trên ba ngàn năm… bấy giờ bạn sẽ lại gặp văn hào Homère”

§3: NHỮNG ĐIỀU KIỆN THUẬN TIỆN CHO SỰ TỰ HỌC

A. THỜI GIỜ

  • Dù là bậc thông minh đến đâu cũng không thể chấp thời gian mà thành công trên con đường học hỏi
  • Thiếu thời gian, cái học của con người chỉ được có bề rộng, kém bề sâu, hay cũng chỉ có được một nước sơn bóng loáng bên ngoài mà thôi. Chấp thời gian là phản văn hóa.

B. TINH THẦN TẢN MÁT

  • Muốn có được một học vấn uyên thâm, cần phải tránh những cơ hội làm cho tinh thần tản mát trong một đời sống quá phiền phức.
  • Phải biết bênh vực thời giờ quý báu của ta. Biết từ chối, đó là một sức mạnh của tâm hồn. Đừng sợ làm phật lòng kẻ khác bằng sự từ chối khéo léo: mình đã chẳng những làm lợi cho mình mà cũng không làm bận cho người.

C. ĐỜI SỐNG ĐƠN GIẢN

  • Điều kiện thuận tiện nhất cho một người cố tâm học hỏi là phải có được một đời sống đơn giản nhất. Sống đơn giản, đâu có nghĩa là sống nghèo khó trong cảnh muối dưa đạm bạc, sống thiếu tất cả tiện nghi và trở lại sống cái sống con người bán khai mộc mạc. Sự bận lòng vì quá thiếu thốn về vật chất không những sẽ làm cho đời ta bực bội, lại còn làm cho nó thêm phiền phức hơn nữa, chứ không giản dị hóa nó được như ta đã tưởng. Trái lại, có một sự nghiệp to lớn, tiền của nhiều cũng làm bận thêm tâm trí: lo làm thêm ra mãi, lo thu cất giữ gìn, lo tranh đấu với những kẻ tranh thương với mình là cả một công việc vô cùng phiền phức.
  • Chỉ có những đời sống mà gia tư kha khá về mực trung mới có thể có đủ điều kiện thuận tiện nhất cho công trình tự học.
  • Quan trọng chăng là cái quan niệm của mình đối với tiền bạc. Đời sống đơn giản tức là cái nếp sống tổ chức theo một quan niệm biết nhìn thấy cái gì là chính, cái gì là phụ trong đời, biết quý cái cần thiết mà bỏ qua những cái không cần thiết
  • Sự gần gũi thân mật với những loại sách quá tầm thường sẽ càng ngày càng làm hạ thấp tinh thần trí não của ta. Gần mực đen, gần đèn sáng.

D. SỰ TẬP TRUNG TINH THẦN

  • Muốn có được một đầu óc luôn luôn sáng suốt, phải biết tập cho mình cái thói quen tìm ngay ý chính, biết phân biệt liền cái gì là yếu điểm với những gì là phụ thuộc, nhất định không bao giờ để mình bị lôi cuốn theo những đề phụ… mỗi khi đọc sách, xem tranh, làm văn, xem kịch hay nghe diễn thuyết.
  • Bất cứ làm việc gì, chuyên tâm chú ý, tập trung tinh thần là bí quyết của thành công.

E. ÓC TỔNG QUAN

F. ÓC NHÂN QUẢ

  • Sự vật trong đời không bao giờ ngẫu nhiên mà có, cũng không bao giờ ngẫu nhiên mà không.
  • Trước một hiện tượng nào, hãy hỏi: Tại sao? Và nếu có ai quả quyết với mình một điều gì, phải lập tức đòi hỏi lấy “bằng cứ”.
  • Đọc báo, thấy nhà phê bình chê hoặc khen một tác phẩm nào, phải tự hỏi để tìm lấy cái nguyên nhân thầm kín của nó: “Tại sao khen? Tại sao chê?”. Ta phải đòi hỏi nơi nhà phê bình những bằng cứ đúng đắn trước khi nhận những lời phê phán của họ.

G. ÓC TẾ NHỊ

H. ÓC THÁN THƯỞNG

  • Phần đông, ta thường có cái khuynh hướng hay tưởng tượng rằng mình đã hiểu rõ rồi, nhưng khi bị bắt buộc phải giảng giải ra thì mình mới nhận thấy mình mới chỉ nhận thức một cách rất lờ mờ.

“Không có sự dốt nát nào nhục nhã bằng tin tưởng rằng mình đã hiểu những gì mình không hiểu”

  • Cũng nên cố gắng mà trả lời một cách thành thật và đúng đắn những câu hỏi đột ngột của trẻ thơ. Con trẻ thường giữ được sự thán thưởng tự nhiên: đối với chúng, tất thảy đều là những hiện trạng bất thường, chúng thường có những câu hỏi bất ngờ nhưng đầy ý vị sâu xa, mà phần đông người lớn không sao trả lời cho xuôi được. Nhưng đó thường lại là những câu hỏi đầy ý nghĩa của triết học nếu ta biết để ý đến. Đừng bỏ qua mà la rầy đàn áp chúng, như chúng ta thường có thói quen khinh thường chúng.

§4: NHỮNG PHƯƠNG TIỆN CHÍNH YẾU

A. ĐỌC SÁCH

1. Thế nào là sách hay?

  • Cần phải loại trừ những loại sách dài lê thê bất tận, những sách buồn chán, những sách đọc “khó tiêu”. Tuy nhiên, một quyển sách ngắn, vui vẻ và dễ dàng cũng rất dễ biến thành những thứ sách đơn sơ quá, thiếu căn bản, thiếu cương yếu và là những thứ sách rỗng tuếch, rất tầm thường.

“Chúng ta nên tin cậy nơi sự lựa chọn của các thế kỷ đã qua. Một người có thể lầm, một thế hệ có thể lầm nhưng cả nhân loại không thể lầm. Homère, Shakespeare, Molière chắc chắn là những người xứng đáng với danh tiếng của họ. Chúng ta sẽ chuộng các tác giả này hơn là các nhà chưa chịu sự thử thách của thời gian”.

“Đọc sách là một cách lười biếng nguy hiểm nhất, bởi kẻ làm biếng mà ở không, họ sẽ cảm thấy như khó chịu với lương tâm. Trái lại, nếu họ có đọc sách, họ tin rằng họ có làm việc và nhân thế, cái bệnh lười biếng của họ không còn thế nào trị đặng nữa”.

  • Sự đọc sách để tìm an ủi trong đau khổ, đọc sách để tìm một sức mạnh tinh thần, giúp tâm hồn mình thêm nhẫn nại, can đảm mà vượt qua những thống khổ của cuộc đời, đọc sách để tìm hứng thú cho tinh thần cũng đều thuộc về loại đọc sách để tự học cả, vì phàm cái chi hoạt khởi được tâm cảm mình, đổi mới được về khuynh hướng “chân”, “thiện”, “mỹ” đều bổ ích cho tinh thần trí não của mình.

2. Đọc sách để tìm hiểu mình

B. PHẢI ĐỌC SÁCH CÁCH NÀO?

1. Tính cách tôn nghiêm của sự đọc sách

  • Nên tránh cái cảnh vừa đọc, vừa ăn, vừa nói chuyện, hoặc đọc thoáng qua một trang, thì ngừng lại để trả lời máy điện thoại, hoặc cầm sách mà trí nghĩ đâu đâu rồi lại bỏ dở vì có người bạn đến nói chuyện khào, rủ nhau đi ăn uống hay đi dạo mát. Người biết đọc sách phải biết dành cho mình một buổi nào để đọc sách trong yên lặng và cô tịch.

2. Chỉ đọc những tác phẩm hay

“Nếu cho tôi được sống lại cuộc đời của tôi, tôi tự thệ trong lúc trẻ tuổi, chỉ đọc ròng sách hay, do những bậc vĩ nhân trong tư tưởng giới viết ra thôi. Tôi đã mua rất đắt cái kinh nghiệm đã qua của tôi khi còn nhỏ đã làm phung phí sức lực của tôi rất vô lối vì những tác phẩm vô giá trị. Nếu anh em muốn có một tương lai tốt đẹp về tinh thần, hãy nghe theo tôi, đừng bao giờ đọc sách nhảm…” - Jules Payot - La Faillite de l’Enseignement (F. Alcan, 1930).

3. Sách “gối đầu giường”

  • Những sách “gối đầu giường” phải là những bộ sách mà bất cứ ở hoàn cảnh nào đều có thể giúp cho ta một vài ý tưởng thích nghi và an ủi; những sách đưa ta lên cao bằng những tư tưởng thanh thoát hay những tấm gương của những bậc anh hùng vĩ nhân của nhân loại; những sách giúp cho ta biết hoài nghi suy nghĩ thêm, biết đặt vấn đề, biết làm cho lòng ta nhẹ nhàng và phấn khởi, khôn ngoan và trong sạch hơn.

4. Uống nước tận nguồn

  • Đọc sách hay cần đọc ngay nguyên văn. Nếu không đọc được nguyên văn, thì phải tạm đọc sách dịch. Như thế thì sự hiểu biết của ta cũng kể là hiểu biết tạm thời thôi. Văn dịch chỉ đưa đến cho ta một phương diện về tư tưởng của tác giả thôi, bởi người dịch cũng chỉ dịch theo sự hiểu biết tạm thời của họ. Câu nguyên văn, ta có thể ví như mặt biển rộng thênh thang, còn câu văn dịch không khác chi là mặt nước ao tù.

5. Sách quá nhiều chú giải

  • Giữa ta và quyển sách cần phải có một sự tiếp xúc trực tiếp, không nên có nhiều kẻ xen vào “giành giựt” sự thông cảm của riêng ta. Có những quyển sách dịch, vừa dịch vừa chú giải quá rườm rà, kể lể ông này bà nọ đã nói gì về ý nghĩa của câu văn kia trải qua từng thời đại

6. Đọc sách cần phải đọc đi đọc lại nhiều lần

  • Đọc đi đọc lại nhiều lần, chẳng phải để cho dễ nhớ, mà là bởi có nhiều thứ sách rất hàm súc: nếu chỉ đọc qua một bận, không tài nào hiểu nó được hết. Có nhiều quyển sách đọc đến lần thứ ba, thứ tư mới hiểu được.
  • Đọc lần đầu, cần phải đi thật mau, để xem cái lề lối đại cương của quyển sách, chẳng khác nào xem trước cái họa đồ của một đô thị trước khi mình đi vào đó vậy. Đọc lần thứ hai, ta sẽ ngạc nhiên thấy những trở ngại trước kia tiêu tan lần lần. Tư tưởng bấy giờ liên lạc tiếp tục nhau, không bị gián đoạn nữa là vì mình đã biết được phương hướng của nó rồi.

7. Cần đọc những sách cao hơn tầm hiểu biết của mình

  • Sau khi đọc xong quyển sách, mặc dù mình không hiểu được hết tư tưởng của tác giả, mình cũng thấy chỗ thay đổi trong tinh thần của mình. Những chỗ khó hiểu của họ lắm khi cũng giúp cho ta suy nghĩ thêm nhiều hơn là khi họ nói ra một cách rạch ròi.

8. Đối với bất cứ sách nào, phải dành cho nó một tấm lòng thiện cảm

  • Trước khi phê bình một quyển sách nào, phải để chút hy vọng và tin tưởng nơi nó. Một người viết sách, dù có dở đến bậc nào, cũng đã lao khổ nhiều với tác phẩm của mình. Họ cũng đã bỏ nhiều thời gian suy nghĩ nghiền ngẫm mới viết ra. Thật cũng đã lao tâm khổ tứ với nó không ít. Nếu trước khi đọc nó, mình lại thiên ý, hoặc có ý kình địch, ác ý, đó là tự mình làm mất một cơ hội tốt. Biết đâu trong khi cùng “âm thầm đàm luận” với quyển sách, nó không khêu gợi cho mình nhiều ý nghĩ hay hay.
  • Thường ta có thói quen “hễ đồng với ta là phải, không đồng với ta là quấy” mà mang theo mình đầy thành kiến trong khi đọc sách. Như thế, đọc sách không lợi ích gì cho ta cả. Huống chi đọc sách mà có nhiều thiên kiến, nhất là ác cảm, thì chắc chắn không làm gì hiểu được thâm ý của tác giả.

9. Cần ôn lại những gì ta đã hiểu biết hoặc đã suy nghĩ về vấn đề quyển sách đã nêu ra
10. Đọc sách cần phải đồng hóa với nó và phản đối lại nó
11. Đọc sách cần đặt cho mình trước một vấn đề hay một câu hỏi để tìm kiếm, săn đuổi

  • Ta nên biết rằng sách hay về tư tưởng, bao giờ cũng đề cập rất nhiều vấn đề. Ta không cần phải biết tất cả các vấn đề trong đó làm gì. Cứ lấy riêng ra một vấn đề nào để đặt lấy cho ta một câu hỏi, rồi tự mình tìm lấy một hướng giải quyết tàm tạm trước khi đi vào quyển sách.

12. Làm cách nào để nghiên cứu một hệ thống tư tưởng?

  • Nếu muốn tự mình có được một ý niệm về một luồng tư tưởng nào, bất cứ thuộc về xưa hay nay, thì chỉ có một phương pháp duy nhất này: Đi ngay vào những tác phẩm chính.

13. Làm thế nào để hiểu biết được học thuyết mới?

  • Bao giờ cũng phải kêu cứu ngay những tác phẩm do tay tác giả trước tác, hoặc nếu không có thì chỉ nên đọc những tác phẩm có giá trị. Đọc những sách, dù là đọc một phần thôi, chứ không đọc được hết tất cả tác phẩm của danh gia ấy, ta cũng có được một ý niệm giá trị hơn là đọc những sách toát yếu của nó.

14. Cái hại của những sách toát yếu

  • Khởi đầu học mà lại dùng đến những sách toát yếu thì là cả một sự sai lầm dại dột.

15. Viết lại những gì mình đã đọc

  • Đọc sách để học, cần phải đọc thật kỹ, sau khi đọc xong phải biết nhận thấy đại ý như thế nào. Đọc sách cần phải suy nghĩ, và muốn cho sự suy nghĩ được thâm sâu, tưởng không có phương pháp nào hiệu quả bằng viết lại và tóm tắt những gì ta đã đọc.
  • Nhưng chép lại và tóm tắt cũng vẫn còn là một việc làm thụ động. Ta còn phải biết biên lại cảm tưởng của ta, hoặc những ý kiến riêng của ta phản bác lại với tác giả, chắt lọc những gì nên giữ, những gì nên bỏ. Tuy vậy, trước hết đừng có thái độ chống đối mà cần phải có sự thông cảm vì đó là điều kiện đầu tiên để tìm hiểu tác giả. Phải biết để “cái người” của mình qua một bên, nghĩa là phải biết quên tất cả những thành kiến của mình, đem mình đặt vào hoàn cảnh của tác giả, xem theo cặp mắt của tác giả để đi sâu vào tình cảm và tư tưởng của tác giả.
  • Ta cần phải đọc những sách “vĩ đại”, những sách thật hay; đọc ngay nó mà đừng đi vòng vo chung quanh nó; đọc nó ít lắm cũng hai lần, lần thứ nhất để nhận thấy tổng quan và đại ý, lần thứ hai, đọc lại thật kỹ từng chi tiết. Phải có can đảm đọc ngay những sách hay mà khó để bắt ta cố gắng và suy nghĩ, và phải đọc nó với một vấn đề tự mình đặt lấy và giải đáp trước để rồi sau kiểm soát lại. Phải đọc sách thật có giá trị, dù chỉ đọc vài đoạn một mà đọc ngay chính văn còn hơn là đọc lại những bản toát yếu khô khan của nó. Đọc xong nên ghi chép lại cảm tưởng của mình một cách đơn giản và chân thành.
  • Đọc sách mà thiếu lòng hâm mộ, nhiệt hứng, đọc một cách thụ động, là tật làm biếng nên tránh xa. Nhiều kẻ đọc sách để tự mình khỏi phải suy nghĩ: đọc sách mà tin cả sách, mà không dám phản ứng lại với sách thì thà đừng đọc sách còn hơn. Đọc sách như thế tức là tự hủy hoại tư tưởng cùng nhân cách của mình. Đọc sách là để khải phát cõi lòng thâm sâu của mình, tìm thấy con người chân thật và sâu sắc của mình, để tăng cường đời sống tinh thần của mình thì mới nên đọc sách mà thôi. Nhược bằng đọc sách để mà nô lệ sách vở, đọc sách để mà bắt chước suy nghĩ theo kẻ khác thì đọc sách rất có hại.

16. Đọc sách cần xem bản mục lục

§5: ĐỌC NHỮNG GÌ?

A. ĐỌC TIỂU THUYẾT TÂM LÝ

  • Đọc tiểu thuyết có ích cho sự học là để giúp ta hiểu rõ hơn ý nghĩa đời sống của ta và đời sống của những người chung quanh ta thường bị thói quen hằng ngày che giấu. Cần phải đọc tiểu thuyết để đi sâu vào nhiều hoàn cảnh xã hội khác ta để tìm thấy chỗ “đại đồng” của bản tính con người sống dưới hình thức của những phong tục khác nhau, và để nghiên cứu mọi vấn đề quan trọng của nhân sinh như tội lỗi, ái tình và số mạng một cách cụ thể hơn, ngoài sự giải thích xuyên tạc của luân lý, đạo đức. Những tiểu thuyết hay bao giờ cũng đặt cho ta nhiều nghi vấn về cuộc đời và bắt ta suy nghĩ. Ngoài ra, những tiểu thuyết có mục đích khêu gợi những dục vọng tầm thường của ta để thỏa mãn óc tò mò bệnh hoạn đều là những sách cần phải vứt vào lò lửa.
  • Về phương diện này, nên đọc tiểu sử các bậc danh nhân thế giới. Nó sẽ giúp ta thấy rõ tâm lý phức tạp của con người và những bậc phi phàm cũng chỉ phi phàm ở những mức độ nào thôi. Có nhiều lúc, họ cũng tầm thường và lại tầm thường hơn chúng ta nhiều.
  • Kẻ nào đọc những loại tiểu thuyết nhảm sẽ làm mất thời giờ quý báu của họ và đáng ân hận hơn là rồi họ sẽ mất dần óc phán đoán và quân bình của tâm tình họ nữa. Thì giờ cần phải dành cho những sách chuyên môn, những sách tu luyện thân tâm cùng trí não. Những loại tiểu thuyết diễm tình xa sự thực dắt dẫn những kẻ đầu óc non nớt, nhất là phụ nữ đa cảm đa tình đi vào con đường phiêu lưu lãng mạn ngoài thực tế đến đỗi quên rằng đời là một trường tranh đấu các dục vọng, quyền lợi của con người, và chỉ có những kẻ nào thật có bản lĩnh mới sống nổi. Tính lãng mạn của những tiểu thuyết kiểu như Tố Tâm, Werther đã làm hư hỏng đầu óc thanh thiếu niên nam nữ không ít.
  • Những tiểu thuyết nên đọc là những tiểu thuyết có tính cách soi đường chỉ nẻo, cắt nghĩa đời sống con người trải qua những giai đoạn đi tìm con đường lập chí. Loại tiểu thuyết ấy trong nền văn học chung rất ít.

B. ĐỌC SỬ

C. ĐỌC BÁO

D. ĐỌC NHỮNG SÁCH VỀ THIÊN VĂN VÀ ĐỊA LÝ

§6: HỌC NHỮNG GÌ?

A. HỌC VIẾT VĂN

B. HỌC DỊCH VĂN

§7: BA YẾU TỐ CHÍNH ĐỂ XÂY DỰNG MỘT NỀN VĂN HÓA VỮNG VÀNG

A. ÓC KHOA HỌC

B. ÓC TRIẾT HỌC

  • Học triết lý không có nghĩa là làm con mọt sách, nhớ vanh vách những gì kẻ khác đã nói, thuộc làu làu những hệ thống tư tưởng, những học thuyết của bá gia, để mà đem ra lòe người. Dù là những kẻ có cấp bằng tiến sĩ triết học mà chỉ là những kẻ giỏi thuộc lòng tư tưởng của kẻ khác, giỏi cái thuật nhớ dai để lặp đi nói lại cho kẻ khác nghe, chứ không biết suy nghĩ tư tưởng theo mình, kẻ ấy cũng vẫn là người chưa có óc triết học. Học triết học là để đào tạo cho mình cái khiếu ham suy nghĩ, biết tư tưởng, biết phán đoán, biết nhìn xét việc đời bằng một luồng mắt thống quan, biết tìm hiểu những ý nghĩ sâu kín bên trong các sự vật.
  • Tôi có nhiều người bạn rất sành về triết học, họ lại là người có những mảnh bằng cao. Mỗi khi ngồi hầu chuyện với họ, tôi hết sức bực mình vì bị gán là kẻ mang đầu kẻ khác mà suy nghĩ. Bất cứ là mình nói với họ những gì thì đã bị họ cắt ngang và bảo: đó là của Hegel hay đó là của Descartes. Thật là những người đáng thương hại với cái vốn học vấn không “tiêu hóa” của họ.

C. BIẾT XÚC CẢM

Làm sao tạo cho mình một tâm hồn nhạy cảm? Một tình cảm dồi dào?

  • Phương pháp thứ nhất là sống cho kẻ khác. Sống cho kẻ khác là biết hy sinh cho kẻ khác, lấy hạnh phúc của người làm hạnh phúc của mình, tức là biết cảm và biết yêu. Kẻ mà không biết yêu ai cả, không biết thương thân phận của những người khác ngoài cái thân phận của mình, tức là người sống một đời chỉ lo cho mình thôi, là người mà tâm hồn cằn cỗi, không thể là một con người văn hóa cao được. Người có văn hóa cao là người có tâm và có trí.
  • Phương pháp thứ nhì để tạo cho mình một mối cảm xúc dồi dào phải cậy đến văn nghệ. Văn nghệ làm tăng gia xúc cảm của ta bằng cách khích động nó. Thi ca, kịch, nhạc, họa… sẽ gây cho ta những xúc cảm mỹ thuật dồi dào. Thường ta gặp một cảnh hoạn nạn thương tâm, ta hay đem lòng thương cảm, rồi nhân cái đau khổ của người, ta liên cảm đến cái đau khổ của ta, nhờ vậy ta thấy mình biết cảm và ra khỏi cái tâm trạng khô khan của một tâm hồn không biết rung động.

§8: MỘT VÀI NGUYÊN TẮC LÀM VIỆC

  • Nguyên tắc thứ nhất là đi từ cái dễ đến cái khó, và phải tin ở sự thành công. Đừng đặt mục đích của mình cao quá, quá cái khả năng và phương tiện của mình. Đặt cho mình một mục đích quá cao để rồi không thể đạt được thật là một việc chẳng những vô ích lại còn nguy hiểm là khác. Là vì sự thất bại sẽ giết mất lòng tự tin và làm tê liệt sức cố gắng của mình đi.
  • Nguyên tắc thứ hai để làm việc có hiệu quả là phải làm việc đều đều, không nên để gián đoạn. Sự làm việc, có ngày ta hăng hái, có buổi ta uể oải, bơ phờ. Nhưng kinh nghiệm cho ta biết rằng, dù có hứng hay không có hứng, phải tự mình cương quyết đặt cho mình một kỷ luật là phải ngồi lại bàn viết, cầm cây viết lên, rồi thì “cái máy” của ta bắt đầu “ấm” lại và “mở máy” chạy như thường. Đừng bao giờ tự nhủ: “Hôm nay thấy trong mình không muốn làm việc. Vậy hẹn ngày mai!” Đó là cách nuôi dưỡng cái tính lười biếng của ta mà thôi.
  • Nguyên tắc thứ ba là bất cứ học môn nào phải khởi đầu bằng những yếu tố đầu tiên của môn học ấy, nghĩa là khởi học lại những căn bản sơ đẳng và đừng bao giờ đốt giai đoạn.
  • Nguyên tắc thứ tư: Biết lựa chọn. Biết lựa chọn là biết lựa chọn những công việc nào hợp với khả năng của mình. Và một khi đã lựa chọn xong thì hãy can đảm thực hiện cho kỳ được môn mình đã lựa chọn.
  • Nguyên tắc thứ năm là phải biết quý thời giờ làm việc của ta và đặt cho nó thành một kỷ luật. Đối với người làm việc, cần phải có bổn phận là gạt bỏ những kẻ làm mất thời giờ của mình, tức là những kẻ phá quấy ta. Lễ độ, nhẫn nhục đối với họ đều là những lỗi lầm nặng. Phải hết sức gắt gao đối với hạng người này, đón rước họ tức là mình tự phá hoại đời mình đó. Đọc tiểu sử các bậc vĩ nhân anh hùng, ta thấy rõ rệt điều này: họ không bao giờ để ái tình họ trên sự nghiệp. Những bậc nam nhi mà đời họ chỉ biết nuông chiều theo tình cảm, phí thời giờ để làm vui lòng người đàn bà, suốt đời sẽ không làm nên đại nghiệp gì cả và có khi vì thế mà tan nát cả tương lai mình là khác. Bởi vậy, người đàn bà làm nên sự nghiệp cho chồng, giúp cho chồng đạt thành sở nguyện bằng sự hy sinh, không đòi hỏi nơi người đàn ông phải vì mình mà làm mất những thời giờ quý báu trong khi làm việc.
  • Nguyên tắc thứ sáu là biết dùng thời giờ làm việc và tiết kiệm từng phút một.
  • Nguyên tắc thứ bảy là hễ làm việc gì thì hãy làm cho hoàn tất, đừng phải trở lại một lần thứ hai. Đó là một thói quen rất tốt cho tất cả mọi công việc.
  • Nguyên tắc thứ tám là muốn làm việc cho có hiệu quả thì phải có một sức khỏe dồi dào. Điều kiện đầu tiên của sự thành công là có được một thân thể tráng kiện. Và muốn được như thế, dĩ nhiên là phải có đủ những điều kiện sau đây: ăn uống đầy đủ, bổ dưỡng, nhẹ nhàng, vận động thân thể vừa vừa, đừng nặng nhọc lắm, thường sống ngoài trời có gió, có nắng và nhất là có được những giấc ngủ ngon lành. Sự vui vẻ cũng là một liều thuốc bổ nhất.

🔗 Backlinks