Ranh giới cá nhân trong tình yêu

Được chuyển ngữ từ bài viết The Guide to Strong Relationship Boundaries đăng trên blog cá nhân của tác giả Mark Mason.


Ranh giới trong các mối quan hệ hoạt động theo 2 cách: chúng hình thành cảm xúc lành mạnh, đồng thời được tạo ra bởi những người mang cảm xúc lành mạnh. Khi đặt ranh giới với những người thân thiết, bạn sẽ bắt đầu nhận thấy những biến chuyển đối với lòng tự tôn, sự tự tin, cân bằng về mặt cảm xúc và những giá trị khác.

Vâng, dù tin hay không, các ranh giới vẫn là điều nên xem trọng.

Bạn có gặp vấn đề ranh giới không?

Đầu tiên, hãy rà lại danh sách “Có lẽ bạn đang gặp vấn đề ranh giới nếu…” để biết được mình đang ở mức nào:

  • Bạn có cảm thấy mọi người đang lợi dụng bạn hoặc cảm xúc của bạn cho mục đích cá nhân không?
  • Bạn có cảm thấy mình liên tục phải “hậu thuẫn” những người thân cận và khắc phục sự cố cho họ không?
  • Bạn có thấy mình thường xuyên bị cuốn vào những cuộc chiến hoặc tranh luận vô nghĩa không?
  • Bạn có thấy mình dành quá nhiều tâm trí hoặc bị thu hút với một người quá sâu đậm so dù thời gian bạn quen biết họ chưa lâu?
  • Trong các mối quan hệ, bạn có cảm giác như mọi thứ luôn quá tuyệt vời hoặc quá tồi tệ mà không có sự đan xen? Hoặc thậm chí bạn đã lặp lại việc chia tay/ tái hợp vài tháng một lần?
  • Bạn đã thể hiện rằng mình ghét chuyện thị phi nhưng dường như luôn mắc kẹt trong đó?
  • Bạn có dành nhiều thời gian để bào chữa cho những điều mà bạn tin rằng đó không phải là lỗi của bạn không?

Nếu bạn trả lời “có” cho một vài điều trên, rất có thể những ranh giới mà bạn đặt ra trong các mối quan hệ đang rất mờ nhạt. Thậm chí, nếu phần lớn hoặc tất cả những câu hỏi trên đều xảy ra, bạn không chỉ thiếu hụt các ranh giới rõ ràng mà còn rơi vào một số vấn đề cá nhân khác.

Ranh giới cá nhân là gì?

Trước khi đến với cách khắc phục vấn đề ranh giới, chúng ta hãy cùng tìm hiểu đó là gì.

“Ranh giới lành mạnh của một cá nhân = Chịu trách nhiệm về hành động và cảm xúc của chính mình, nhưng KHÔNG chịu trách nhiệm cho hành động hoặc cảm xúc của người khác.”

Những cá nhân có ranh giới mờ nhạt chia thành 2 kiểu: người quá để tâm đến cảm xúc/hành động của người khác và ngược lại, người quá kỳ vọng người khác sẽ chú ý đến cảm xúc/hành động của mình.

Điều thú vị là cả 2 kiểu người này thường bước vào một mối quan hệ với nhau.

Sau đây là một số ví dụ về ranh giới mờ nhạt:

  • “Anh không thể đi chơi với bạn bè mà thiếu em được. Anh biết là em sẽ ghen thế nào mà. Anh ở nhà với em đi.”
  • “Xin lỗi mấy ông, tối nay tôi không đến được, bạn gái tôi sẽ giận dỗi nếu đi chơi mà không có cô ấy.”
  • “Đồng nghiệp của tôi kém lắm, tôi cứ phải cầm tay chỉ việc mãi nên lúc nào đi họp tôi cũng bị trễ giờ.”
  • “Công việc ở Milwaukee rất phù hợp, nhưng tôi e rằng mẹ sẽ không chịu để tôi sống xa bà.”
  • “Chúng ta có thể hẹn hò nhưng hãy giữ bí mật với Cindy được không? Cindy sẽ ghen tị lắm vì vẫn chưa thể tìm được nửa kia.”

Điều thường thấy trong mỗi tình huống trên là họ phải chịu trách nhiệm cho những cảm xúc/hành động không phải của bản thân, hoặc họ đang yêu cầu người khác quan tâm đến cảm xúc/hành động của mình.

Ranh giới cá nhân, lòng tự tôn và bản sắc

Ranh giới cá nhân và lòng tự tôn song hành với nhau. Người có lòng tự tôn cao thường có ranh giới cá nhân rõ ràng. Và học cách thiết lập ranh giới vững chắc là một cách xây dựng lòng tự tôn cho mình.

Để thiết lập ranh giới này, chúng ta cần chịu trách nhiệm cho cảm xúc/hành động của mình và không đổ lỗi cho người khác. Đây là hai trụ cột chính trong cuốn “Sáu trụ cột của lòng tự trọng”, được chắp bút bởi Nathaniel Branden.

Không những thế, ranh giới còn gắn liền với bản sắc cá nhân. Bạn không thể phát triển được bản sắc của mình nếu vẫn còn sót lại những mảng tối trách nhiệm cho cảm xúc và hành động của bản thân. Ai nên chịu trách nhiệm? Lỗi thuộc về bên nào? Và tại sao bạn phải làm những điều này?

Chẳng hạn, bạn rất yêu môn Judo nhưng không thể biến nó thành điểm nhấn của riêng mình. Bạn luôn đổ lỗi giáo viên cho việc mình không tiến bộ và cảm thấy tội lỗi mỗi khi đến lớp vì không muốn bỏ mặc vợ ở nhà một mình.

Judo chỉ là thứ bạn vẫn luyện tập nhưng không phải là một phần trong bản sắc của bạn. Nó trở thành công cụ vô nghĩa trong trò chơi tìm kiếm sự chấp nhận của xã hội, hơn là thoả mãn mong muốn thể hiện bản thân. Đó là sự lệ thuộc. Và việc phụ thuộc vào sự đồng thuận từ bên ngoài sẽ kéo lòng tự tôn xuống và giảm sút sức hút trong phong thái hành xử của bạn.

Tại sao ranh giới lại tốt cho bạn?

Ngoài việc thúc đẩy lòng tự tôn và củng cố ý thức về bản sắc, ranh giới cá nhân còn giúp cuộc sống trở nên dễ dàng hơn.

Hãy tưởng tượng một viễn cảnh mà:

  • Bạn không để mọi người lợi dụng mình.
  • Bạn không phải khắc phục sự cố cho người khác, trừ khi thực sự muốn.
  • Bạn không bị cuốn vào những cuộc tranh luận vô nghĩa và kịch liệt.
  • Bạn không bao giờ phải đau đầu vì những thứ nhỏ nhặt từ phía gia đình, người yêu, bạn bè hay đồng nghiệp.
  • Bạn chỉ đứng ngoài quan sát những người khác bị cuốn vào những vụ thị phi. Đã lâu lắm rồi bạn không bị rơi vào hoàn cảnh như thế nữa.

Giờ hãy tưởng tượng đó chính là cuộc sống của bạn hàng ngày. Bạn có thích như thế không? Đương nhiên là có rồi. Ai mà chẳng thích.

Đó là những gì ranh giới lành mạnh sẽ mang lại cho bạn đấy.

Ranh giới mong manh và các mối quan hệ thân mật

Tôi tin rằng các vấn đề về ranh giới khó giải quyết nhất là ở cấp độ gia đình, bởi vì bạn sẽ không bao giờ có thể ngắt kết nối với bố mẹ mình.

Nếu vấn đề ranh giới xảy ra trong gia đình thì rất có thể bạn cũng gặp vấn đề tương tự trong các mối quan hệ yêu đương của mình. Tuy nhiên, những mối quan hệ này sẽ là nơi tốt nhất để bắt đầu khắc phục vấn đề .

Đôi khi bạn bước vào một mối quan hệ thất thường như tàu lượn siêu tốc: lúc lên cao thì quá tuyệt vời, còn khi tuột dốc thì không khác gì thảm hoạ. Tần suất dao động dường như luôn theo một trình tự – cứ hai tuần thiên đường thì tuần thứ ba là địa ngục. Tháng này hợp, tháng sau tan rã, cứ thế nối tiếp. Đó là dấu hiệu của mối quan hệ phụ thuộc và không có ranh giới rạch ròi từ hai phía.

Mối quan hệ nghiêm túc đầu tiên của tôi cũng từng như thế. Vào lúc đó, mọi thứ đều ở ngưỡng say đắm, như thể hai chúng tôi đang chống lại cả thế giới. Nhưng thực chất nó rất thiếu lành mạnh và tôi cảm thấy hạnh phúc hơn vì không còn ở trong mối quan hệ ấy nữa.

Ranh giới mong manh và sự phụ thuộc

Con người thiếu hụt ranh giới bởi họ cảm thấy thiếu thốn sự quan tâm, hay thuật ngữ tâm lý gọi là tính phụ thuộc (codependence). Những người thiếu vắng tình cảm hoặc có xu hướng phụ thuộc rất cần tình yêu và sự quan tâm từ người khác. Để nhận được nó, họ sẵn sàng hy sinh bản sắc và xóa bỏ ranh giới của mình.

(Trớ trêu thay, chính việc thiếu bản sắc và ranh giới đã khiến chúng ta trở nên kém thu hút ngay từ đầu.)

Nhiều người thường đổ lỗi cho người khác về cảm xúc/hành vi của bản thân bởi tin rằng nếu họ đặt những trách nhiệm này lên vai người đó, họ sẽ được bù đắp những thiếu thốn về mặt tình cảm. Nếu tiếp tục đóng vai nạn nhân, rồi ai đó sẽ tới cứu giúp họ.

Mặt khác, một số người đón nhận việc đổ lỗi ấy từ người khác bởi họ luôn tìm cách giúp ai đó. Họ tin rằng nếu mình có thể “thay đổi” một người, bản thân sẽ nhận được hồi đáp và tình yêu hằng mong ước từ đối phương.

Dễ thấy rằng hai nhóm người này sẽ ăn khớp nhau dựa trên những kỳ vọng tương xứng. Và thông thường, họ lớn lên và thừa hưởng đặc điểm này từ bố mẹ mình. Nên hình mẫu về mối quan hệ “hạnh phúc” của họ xuất phát từ hoàn cảnh thiếu thốn sự quan tâm và ranh giới mờ nhạt.

Tréo ngoe thay, cả hai đều thất bại hoàn toàn trong việc đáp ứng nhu cầu của nửa kia. Thực ra mỗi người chỉ đang kéo dài tính lệ thuộc và lòng tự tôn thấp thay vì đáp ứng nhu cầu tình cảm của mình. Người vào vai “nạn nhân” đặt ra ngày càng nhiều vấn đề trong khi người giúp đỡ miệt mài giải quyết. Còn tình yêu và niềm cảm kích mà họ mong muốn lại không thể thật sự trao đến nhau.

Ranh giới mong manh và sự kỳ vọng

Trong cuốn “Hình mẫu”, tôi đã giải thích rằng trong các mối quan hệ, bất kỳ thứ gì được trao đi nhưng ẩn giấu động cơ thầm kín, cụ thể là kỳ vọng đáp lại thì không được xem là “món quà”. Khi đó hành động trao tặng mất đi giá trị, chỉ còn phục vụ mục đích cá nhân, nó sẽ trở nên trống rỗng và vô nghĩa.

Đây là những gì xảy ra trong kiểu quan hệ phụ thuộc. Nạn nhân than vãn về mọi thứ không phải vì chúng thật sự là vấn đề, mà vì họ tin rằng hành động này sẽ khiến họ được yêu thương hơn. Còn người cứu giúp không hỗ trợ nạn nhân vì họ thật sự quan tâm đến vấn đề, mà vì nghĩ rằng mình sẽ nhận được tình yêu nếu có thể giải quyết vấn đề. Trong cả hai trường hợp, kỳ vọng của cá nhân là thứ gây ra tính phụ thuộc, từ đó giảm sức hút và thậm chí tự huỷ hoại bản thân.

Nếu thật sự muốn giúp đỡ, họ đã nói, “Bạn đang đổ lỗi cho người khác về vấn đề của mình đấy, hãy tự đối mặt và giải quyết đi”. Đó mới thật sự là yêu kiểu người nạn nhân.

Còn nếu nạn nhân thật lòng yêu đối phương, họ sẽ nói “Đây là vấn đề của cá nhân em, anh không cần giải quyết thay em đâu.” Đó mới thật sự là yêu kiểu người giúp đỡ.

Nhưng thường thì tình huống này không xảy ra…

Vòng lẩn quẩn của ranh giới mong manh

Kiểu người nạn nhân và giúp đỡ đều cùng chung một mức thăng hoa cảm xúc. Nó giống như liều thuốc gây nghiện cho mỗi bên. Họ sẽ dễ buồn chán hoặc thiếu “phản ứng hoá học” nếu phải ở trong mối quan hệ lành mạnh. Những người sở hữu ranh giới vững vàng không thể đáp ứng kỳ vọng đó.

Từ quan điểm của thuyết gắn bó, người trong vai nạn nhân có xu hướng thuộc kiểu gắn bó lo âu, còn người thích cứu giúp thường là kiểu gắn bó né tránh. Cả hai thường tránh xa kiểu gắn bó an toàn.

Với vai người nạn nhân, điều đáng sợ nhất trong đời là phải chịu trách nhiệm cho cảm xúc và hành động của mình. Họ dành hầu hết thời gian để đổ lỗi cho người xung quanh để nhận được sự thương yêu và quan tâm từ người khác. Buông bỏ thói quen này là một điều rất kinh khủng với họ.

Với vai người giúp đỡ, việc khó khăn nhất là ngừng can thiệp vào vấn đề của người khác và cố gắng khiến họ vui vẻ, hài lòng. Họ dành cả đời chỉ để cảm nhận được tình yêu từ việc giúp đỡ hoặc mang lại lợi ích cho ai đó. Vì vậy, từ bỏ nhu cầu này cũng đáng sợ với họ không kém.

Chỉ khi bắt đầu xây dựng lòng tự tôn của mình, họ mới có thể tự bù đắp thiếu thốn và trở nên độc lập. Phần sau của bài viết, tôi sẽ chỉ cho bạn cách thoát ra khỏi vòng tròn lẩn quẩn này.

Như thế nào là ranh giới lành mạnh?

Nhiều năm qua, vô số người tìm đến tôi với câu hỏi: “Ừ thì ranh giới quan trọng đấy, nhưng nên hình dung chúng như thế nào?”

Sau đây tôi sẽ đưa ra một vài ví dụ của ranh giới cá nhân trong chính cuộc sống thường nhật, cụ thể là các mối quan hệ thân mật. Dù là với gia đình, bạn bè hay đồng nghiệp, ranh giới luôn đóng vai trò đặc biệt quan trọng và có tác động đáng kể.

Tình bạn

“Jon, chúng ta đã làm việc cùng nhau được năm năm. Không thể tin được là ông làm mất mặt tôi như thế trước sếp. “

“Nhưng bảng dữ liệu của ông có nhiều sai sót. Các con số phải chính xác mới là điều quan trọng nhất. "

“Đúng là vậy, nhưng đáng ra ông nên hỗ trợ tôi. Ông không cần phải chống đối tôi trước mặt mọi người như thế. “

“Tôi luôn mến ông vì chúng ta là bạn lâu năm. Nhưng tôi không thể làm thay việc của ông. Chỉ vậy thôi. Mình nên kết thúc cuộc tranh luận ở đây.”

“Tôi vẫn đang làm việc của mình!”

“Tốt, vậy thì không thành vấn đề.”

Quá thân thiết đôi khi cũng chẳng dễ chịu gì. Ai cũng có thể gặp tình huống này dưới nhiều mức độ khác nhau. Khi người bạn lâu năm làm hỏng chuyện, thay vì tự mình nhận lấy trách nhiệm, một số người lại kỳ vọng bạn cùng họ gánh vác vấn đề, với niềm tin rằng “bạn bè phải thế”.

Chấp nhận điều này sẽ dẫn đến tình bạn lệ thuộc và không lành mạnh. Quả thực, ngay cả tình bạn cũng có lúc đòi hỏi quá nhiều sự quan tâm và trở nên kém thu hút. Bạn đã bao giờ bắt gặp hai người bạn liên tục phàn nàn về nhau hoặc nói xấu sau lưng, nhưng khi họ ở cạnh nhau thì có vẻ mọi thứ vẫn ổn? Rất có thể mối quan hệ này đang gặp phải một số vấn đề ranh giới nghiêm trọng như tình huống ở trên.

Những kiểu tình bạn này dễ rơi vào vòng lặp rắc rối không hồi kết. Tốt nhất hãy nên tránh đi!

Gia đình

“Mẹ rất buồn khi cả hai đứa không thường xuyên đến thăm. Mẹ thấy cô đơn lắm, con biết không. “

“Hay mẹ thử ra ngoài nhiều hơn đi? Gặp gỡ bạn bè cũng là một ý hay.”

“Mẹ thử rồi, nhưng không ai thích một bà già cả. Hai đứa là con của mẹ. Đáng lẽ các con phải chăm sóc mẹ chứ.”

“Chúng con vẫn chăm sóc mẹ mà.”

“Không, mẹ không thấy vậy. Hầu như mẹ luôn phải ở một mình. Tụi con không biết đôi khi chuyện đó khó khăn như thế nào đâu.”

“Mẹ ơi, con luôn yêu và ở bên cạnh mỗi khi mẹ cần. Nhưng mẹ cũng cần tự đối mặt với cảm giác cô đơn của mình, bởi vì chúng con không thể giải quyết hết vấn đề cho mẹ được.”

Ví dụ điển hình của việc khiến ai đó thấy tội lỗi trên danh nghĩa “gia đình”. Tôi từng thích câu nói “Tội lỗi chỉ là một cảm xúc vô nghĩa”. Nhưng tôi không còn tin vào điều đó nữa, bởi cảm giác tội lỗi vẫn quan trọng cho những lý do chính đáng hoặc để thúc đẩy sự tự giác.

Nhưng tội lỗi sẽ thành thừa thãi và độc hại khi bạn dùng nó để thao túng của các mối quan hệ thân thiết. Theo cách này, cảm giác tội lỗi sẽ mang lại nhiều đau đớn, vì bạn không chỉ chịu trách nhiệm cho những cảm xúc không phải của mình, mà còn lầm tưởng bản thân là người xấu, “sống lỗi” nếu không thể làm gì cho người khác.

Những ngày qua, tôi thường thấy khó chịu vì những kẻ đang cố gán cảm giác tội lỗi cho tôi. Ngay lập tức, tôi sẽ nói chuyện thẳng thắn với họ. Nếu đó là người không mấy thân thiết, đôi khi tôi sẽ quyết định kết thúc các mối quan hệ đó ngay tức khắc.

Tình yêu

“Em này, anh đang nghĩ về công việc mới mà em đang tìm kiếm. Anh đã làm lại sơ yếu lý lịch của em và bắt đầu gửi nó cho một số người trong bộ phận nhân sự của công ty.”

“Ừm, em cảm ơn, nhưng anh không cần phải làm điều đó đâu.”

“Anh sẵn sàng làm điều đó vì anh muốn thấy em thành công. Ngoài ra, anh cũng nghĩ chúng ta nên dọn về ở với nhau. Hôm nay, anh sẽ đi xem một vài căn hộ. “

“Em đã nói với anh rằng em chưa sẵn sàng cho điều đó.”

“Anh biết, nhưng nó tốt cho em thôi. Và chúng ta không còn trẻ nữa nên hãy cứ thử.”

“Tháng trước, anh đã thay thế một nửa tủ đồ của em bằng những bộ quần áo anh thích em mặc. Rồi đến chuyện anh muốn sống chung. Còn bây giờ chúng ta phải làm việc cùng chỗ? "

“Nhưng anh yêu em, anh muốn chăm sóc em.”

“Em cũng yêu anh, nhưng anh hãy để em quyết định cuộc sống của mình. Điều này không hề hợp lý khi anh nắm quyền kiểm soát các quyết định của em mà không hỏi trước “.

“Anh không thể tin được là em thật ích kỷ! Anh đã lo liệu MỌI THỨ để rồi em chỉ trích anh vì những điều ấy! “

“Nếu anh thực sự yêu em, hãy để em tự chủ trong chính cuộc sống của mình và quyết định mọi việc.”

Đây là một ví dụ về mối quan hệ phụ thuộc từ một phía — người ở bên này sẽ cảm thấy ngột ngạt và bị bao bọc quá mức bởi người yêu của mình. Nhìn từ bên ngoài, đây là điều đáng ngưỡng mộ đối với nhiều người: “Tôi ước bạn trai/bạn gái cũng làm điều đó cho mình.” Nhưng trên thực tế, mối quan hệ này không hề lành mạnh và nảy sinh rất nhiều vấn đề.

Cách xây dựng ranh giới lành mạnh

Thông thường, ranh giới mơ hồ là sự phản ánh của lòng tự trọng thấp và ngược lại. Để đạt được ranh giới cá nhân vững chắc, hãy bắt đầu với lòng tự trọng.

Muốn xây dựng lòng tự trọng, trước tiên bạn cần hiểu rằng đó đơn giản là sản phẩm phụ của quá trình trau dồi năng lực và kiểm soát tốt bản thân. Lòng tự trọng không phải là thứ mà bạn nên theo đuổi vì lợi ích của nó. Việc gượng ép theo đuổi không những chẳng có ích lợi mà nó còn độc hại.

Lòng tự trọng là suy nghĩ của bạn về phương thức vận hành cuộc sống, so với cách người khác làm. Nếu lòng tự trọng đang ở mức thấp, rất có thể bạn chưa làm tốt ở khía cạnh nào đó. Do đó, cách tốt nhất là hãy luyện tập và trau dồi lòng trắc ẩn với chính bản thân.

Mỗi chúng ta đều mắc lỗi và không thể tránh khỏi thiếu sót trong cuộc đời. Bạn cũng thế, vậy nên đừng quá khắt khe với bản thân. Thay vào đó, hãy học cách chấp nhận những sai lầm và mở lòng với chúng, sau đó cố gắng cải thiện tốt hơn.

Việc bằng lòng với thực tại và nỗ lực không ngừng có thể giúp bạn xây dựng lòng tự trọng của riêng mình. Đây là quá trình đòi hỏi nhiều thời gian và sự bền bỉ. Nhưng cuối cùng bạn sẽ chạm chân đến mảnh đất lý tưởng và tốt đẹp hơn trong tương lai.

Ngược lại, nếu lòng tự trọng quá lớn, ranh giới lành mạnh sẽ can thiệp và kiềm chế sức mạnh của nó. Theo những ranh giới đã vạch định, bản năng sẽ dẫn lối bạn trong cách đối nhân xử thế: điều gì nên dung thứ, điều gì nên giải quyết rõ ràng, từ đó kéo bạn ra khỏi mối quan hệ độc hại.

Nhưng nếu lòng tự trọng không sinh ra tự nhiên hoặc chưa được xây dựng, thì đây là các bước bạn có thể thực hiện để vượt lên chính mình:

1. Vạch định ranh giới. Điều này nghe có vẻ dễ nhưng không dễ dàng đạt được. Cố gắng của bạn sẽ chẳng đi đến đâu nếu chưa xác định được ranh giới cá nhân là gì? Điều nào nên chấp nhận, bỏ qua trong khi vấn đề gì cần xem xét, đánh giá? Từ gia đình, bạn bè, đồng nghiệp đến những mối quan hệ xa lạ khác, mọi kết nối trong cuộc sống đều cần ranh giới rõ ràng.

2. Xác định “hình phạt” nếu ai đó phá vỡ quy tắc của bạn. “Hình phạt” này nên được áp dụng thường xuyên và đặt ra ngay từ đầu, trước khi mọi thứ diễn ra và hậu quả nảy sinh. Nguyên tắc này xuất phát từ thực tế con người dễ thiên vị hay mềm lòng trước các yếu tố như con người, hoàn cảnh và vô số tác động khác.

3. Cảnh báo bộ quy tắc cá nhân rõ ràng. Hãy để mọi người biết đến ranh giới cá nhân của bạn để tránh các trường hợp “vượt biên”, đi quá giới hạn. Điều này đặc biệt quan trọng với những mối quan hệ thân thiết. Một người đưa thư xa lạ có thể chỉ biết được những nguyên tắc cơ bản nhưng người bạn yêu phải nhận biết rõ ranh giới ấy.

4. Dứt khoát thực hiện. Nếu ai đó vượt qua ranh giới, hãy áp dụng những gì bạn đã đặt ra một cách khéo léo nhưng thực sự cương quyết.

Ranh giới và sự đánh đổi

Lập luận phản biện cho câu hỏi có nên áp đặt ranh giới cá nhân hay không phần lớn phụ thuộc vào quan điểm của bạn. Đôi khi, chúng ta chấp nhận hy sinh bản thân cho những người mà ta yêu.

Trên thực tế là như vậy, kể cả khi bạn trai/bạn gái có những yêu cầu khó chấp nhận như gọi điện mỗi ngày, dù cuộc nói chuyện chỉ kéo dài 3 phút. Bạn vẫn có thể chịu hy sinh một chút để đổi lại giây phút hạnh phúc cho người mình yêu.

Nhưng điều quan trọng là:

“Việc hy sinh cho người mà bạn quan tâm cần phải xuất phát từ ý chí tự nguyện, không phải vì cảm giác bắt buộc hay lo sợ hậu quả đằng sau.”

Điều này quay lại quan điểm rằng tình yêu và sự quan tâm chỉ có giá trị nếu chúng được thể hiện mà không có gánh nặng kỳ vọng.

Vì vậy, nếu bạn nhận thấy những cảm xúc tiêu cực như chán ghét, gò bó, bực tức và sợ hãi khi phải gọi điện người yêu mỗi ngày thì khả năng cao là bạn đang gặp vấn đề ranh giới. Ngược lại, bạn làm tất cả những điều này chỉ vì thực sự yêu thương và quan tâm đối tượng thì hãy mạnh dạn thực hiện.

Tuy nhiên, không phải lúc nào con người cũng nhận biết được liệu điều họ đang làm bắt nguồn từ ý chí tự nguyện hay một nghĩa vụ gượng ép? Để phân biệt được hai trường hợp này, hãy thử đặt mình vào phép thử thông qua câu hỏi giả định: Nếu tôi ngừng làm việc này, mối quan hệ sẽ thay đổi như thế nào? Nếu bạn thật sự lo sợ những thay đổi, đó là dấu hiệu xấu. Ngược lại, bạn sẵn sàng dừng lại để không đánh mất bản thân, bất kể hậu quả là gì. Suy nghĩ này là dấu hiệu tốt.

Khi vấn đề ranh giới xảy ra, bạn có xu hướng lo sợ mình phải gánh vác toàn bộ trách nhiệm và không thể đổ lỗi cho ai khác. Ngược lại, nếu bạn hành động một cách tự nguyện như việc trao đi món quà mà không ẩn giấu kỳ vọng gì thì vấn đề ranh giới không thể làm khó bạn. Một người có ranh giới mạnh mẽ không sợ những cơn giận dữ, tranh cãi hoặc bị tổn thương. Một người có ranh giới yếu sẽ luôn lo lắng về điều đó.

Với ranh giới rõ ràng, họ hiểu rằng việc mong đợi sự hoà hợp 100% từ hai phía hoặc đáp ứng mọi nhu cầu của đối phương là không thể. Những người có ranh giới bền vững thấu hiểu rằng một mối quan hệ lành mạnh không nằm ở sự kiểm soát cảm xúc của nhau mà là khả năng hỗ trợ đối phương trong quá trình trưởng thành và hiện thực hóa lý tưởng.

References