Quên mục tiêu đi nếu bạn không biết nó dùng để làm gì

Được chuyển ngữ từ bài viết “The Surprising Science of Goal Setting (And Why You’re Probably Doing It Wrong)”, được đăng tải trên blog cá nhân của tác giả Mark Manson.

Hồi năm 2010, tôi đã từng đặt một mục tiêu lớn. Tôi chọn một trong số các trang web của mình và quyết định trong vòng một năm sẽ đăng hơn 100 bài trên đó. Như thế thì tôi sẽ đạt được một triệu người đọc vào cuối năm.

Để làm được như vậy, tôi chuyển một trang blog cũng có chút thành tựu khiêm tốn vào thời điểm đó thành một trang tạp chí nam giới cho thế hệ millennial. Tôi tìm được 6 người khác viết bài cho mình, thiết kế lại trang, và tạo ra một quy trình nội dung mà tôi sẽ trực tiếp duyệt và đăng tải hàng ngày.

Tôi mường tượng mình đang xây dựng nền tảng của một đế chế riêng, một thương hiệu đánh vào sự đa cảm của thế hệ nam giới trẻ, đam mê internet.

Chưa đến 3 tháng thì tôi ngừng toàn bộ dự án. Tôi xoá một nửa nội dung được viết bởi những người khác. Tôi chuyển trang web về lại trang blog như cũ, và tiếp tục xuất bản theo tốc độ nhỏ giọt trước đây.

Có lẽ hầu hết sẽ cảm thấy việc từ bỏ mục tiêu như tôi năm đó là một sự thất bại không phải bàn cãi. Nhưng khi nhìn lại, tôi thấy nó giống như một trong số những mục tiêu đáng giá nhất mà tôi từng đặt ra cho mình. Tôi sẽ giải thích điều này ở phần sau.

Việc đặt mục tiêu sẽ giúp bạn như thế nào?

Có cả triệu bài viết trên mạng nói về cách đặt và đạt được mục tiêu. Nhưng tôi muốn nêu lên một điều còn quan trọng hơn: Thường thì việc thất bại với mục tiêu của mình (theo cách có chiến lược) còn đáng giá hơn là đạt được mục tiêu đó.

Nhiều người xem mục tiêu như quả bóng gôn – đặt ra, vung gậy và hy vọng mình ghi điểm. Nhưng mục tiêu phức tạp hơn thế. Đôi khi đặt ra một mục tiêu mà bạn biết mình sẽ không thể hoàn thành cũng mang lại lợi ích. Đôi khi cần phải từ bỏ hoặc thay đổi mục tiêu giữa chừng. Đôi khi không có mục tiêu nào lại tốt hơn.

Loạt bài viết này sẽ phân tích sự phức tạp đó: khi nào thì cần mục tiêu, đặt ra lúc nào và làm sao để biết rằng đã đến lúc phải từ bỏ nó.

Chúng ta đều biết mục tiêu mang đến cảm giác thỏa mãn và mục đích sống cho mình. Nó cho chúng ta thứ để chờ mong và tìm phương hướng. Nó giúp chúng ta theo dõi, đong đếm quá trình phát triển và hiểu hơn về thiếu sót của mình. Ai cũng muốn có mục tiêu vì một lý do: chúng mang lại lợi ích.

Nhưng trước hết, bạn cần hiểu chính xác lợi ích mà các kiểu mục tiêu mang lại cho mình là gì.

Mục tiêu cụ thể sẽ phù hợp khi bạn cần thành tích hữu hình

Cách phổ biến nhất để sử dụng mục tiêu, có lẽ cũng là cách mà bạn đã quen thuộc suốt bao lâu nay, đó là hướng đến một kết quả cụ thể.

Chẳng hạn tôi muốn trở thành tác giả sách, vậy mục tiêu là viết xong một cuốn sách vào cuối năm nay. Tôi muốn tự chủ về tài chính, mục tiêu là trả hết nợ vào năm 2022. Tôi muốn một hình thể đẹp, nên tôi đặt mục tiêu giảm 5kg trước mùa hè.

Đặt ra một mục tiêu cụ thể và đo lường được sẽ giúp chúng ta đạt được những thành tích hữu hình. Đây là điều đã được các nghiên cứu chứng minh.

Các mục tiêu cụ thể giống như một loại GPS cho cuộc sống. Cũng như GPS trên điện thoại cần một điểm đến cụ thể, các mục tiêu chỉ thực sự hiệu quả khi bạn hình dung một kết quả cụ thể trong đầu.

Khi đặt những mục tiêu cụ thể, chúng sẽ giúp bạn dễ đo lường, thực hiện và theo dõi tiến độ hơn. Đây được gọi là những mục tiêu SMART, viết tắt của:

  • Specific – Cụ thể
  • Measurable – Đo lường được
  • Achievable – Tính khả thi
  • Relevant – Tính phù hợp
  • Time Bound – Giới hạn thời gian

Thay vì “tiết kiệm tiền”, bạn có thể nói mình sẽ “tiết kiệm đủ 100 triệu vào ngày 12/12.” Giờ thì bạn đã biết chính xác mình cần làm gì. Nếu bắt đầu tiết kiệm vào ngày 1/1 thì bạn còn 345 ngày để thực hiện, nghĩa là bạn cần tiết kiệm:

  • 290.000 mỗi ngày
  • 2.030.000 mỗi tuần
  • 8.700.000 mỗi tháng

Nó còn cho biết bạn đã hoàn thành mục tiêu của mình đến đâu trong suốt năm. Ví dụ, đến ngày thứ 57, bạn nên tiết kiệm được 16.530.000. Nếu thấy mình còn cách xa cột mốc này, bạn sẽ biết đã đến lúc cần thay đổi cách thực hiện (hoặc thay đổi mục tiêu của mình).

Một lợi ích khác của việc đặt ra mục tiêu cụ thể là nó giúp bạn tập trung vào kết quả và lờ đi những yếu tố nhiễu loạn không liên quan mà chắc chắn bạn sẽ gặp phải. Bạn sẽ dễ cắt giảm chi tiêu hơn nếu biết chính xác mình phải tiết kiệm bao nhiêu. Bạn sẽ nắm được những thực phẩm phải loại bỏ nếu biết chính xác mình phải giảm bao nhiêu cân.

Các mục tiêu đó sẽ là nguồn năng lượng, động lực và sự bền bỉ cho bạn.

Mục tiêu chung sẽ dành cho những thành tích vô hạn

Mục tiêu cụ thể nghe thì lý tưởng đấy, nhưng vấn đề là đôi khi chúng ta chỉ muốn thứ gì đó không cụ thể.

Ví dụ, nếu tôi muốn trở thành một người viết tốt hơn, tôi nên đo lường thế nào? Lượt truy cập của website? Lượng sách bán được? Hay email tán thưởng gửi về hộp thư của tôi?

Đây là lúc chúng ta gặp rắc rối với mục tiêu. Bởi vì nếu xác định rằng “lượt truy cập website = viết tốt hơn”, thì thật ra còn rất nhiều cách khác để tăng lượt truy cập mà không cần phải cải thiện khả năng viết.

Một hiện tượng quen thuộc khác là về việc giảm cân. Rất nhiều người đặt mục tiêu giảm cân và thực hiện theo cách cực kỳ hại sức khoẻ, như là nhịn đói hoặc không ăn gì ngoài rau củ. Đúng là số cân có giảm thật, nhưng cơ thể họ còn tệ hơn ban đầu. Đó là lúc mục tiêu cụ thể gây hại hơn là hỗ trợ họ.

Lúc này điều chúng ta cần là các mục tiêu chung. Không chỉ đơn giản là giảm 5kg, mà bạn còn muốn có sức khoẻ tốt hơn. Không chỉ là bán thật nhiều sách, mà bạn muốn sách của mình bán chạy vì bạn viết hay.

Các mục tiêu chung như là khoẻ mạnh hơn, cải thiện được một kỹ năng,… sẽ hiệu quả hơn là các mục tiêu cụ thể, bởi chúng là vô hạn. Bạn không cần phải ngừng “khoẻ mạnh”, hoặc không bao giờ hoàn toàn trở thành “một người viết tốt hơn”, mà bạn luôn có khả năng làm tốt hơn thế nữa.

Tính chất vô hạn này của mục tiêu chung sẽ giúp chúng ta luôn hài lòng và thành thật với các mục tiêu cụ thể. Dựa dẫm quá mức vào mục tiêu cụ thể sẽ gây hại đến sức khỏe tinh thần của chúng ta. Vì thế xen kẽ với các mục tiêu chung sẽ giúp trung hòa điều đó, thậm chí còn giúp cải thiện kết quả.

Những chia sẻ trên cho thấy, mục tiêu tốt nhất là mục tiêu giúp chúng ta tận hưởng cả quá trình, thay vì tập trung quá nhiều vào kết quả. Muốn vậy, bạn cần cả mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể.

Bạn cần kết quả cụ thể để giúp bản thân hào hứng (“Mình sắp tiết kiệm được 1 tỷ!”), nhưng cũng cần mục tiêu chung (“Mình sẽ cải thiện chuyên môn”) để cân bằng kết quả đầu ra và bảo vệ lòng tự tôn của mình nguyên vẹn.

Bởi vì, nếu bạn không làm thế, mọi thứ sẽ đổ vỡ. Nhanh thôi.

Đặt mục tiêu cũng có mặt tối mà ít ai bàn đến. Nếu không cẩn thận, bạn có thể bị nó đánh bại.

Lý do khiến việc đặt mục tiêu có tác dụng là vì khi phải tập trung vào một kết quả hoặc khuôn khổ cụ thể, bạn sẽ dễ loại bỏ những thứ không quan trọng hoặc không giúp ích gì cho mình.

Nhưng, cũng như bất kỳ điều gì khác trong cuộc sống, có khả năng bạn sẽ để nó đi quá đà. Như câu chuyện về vị luật sư tài giỏi nhưng không thể nhận ra các con của mình vì cô luôn bận rộn suốt 90 tiếng hàng tuần liền. Hay một sinh viên không có người bạn nào vì cậu ấy quá ám ảnh với việc học mỗi ngày.

Khi chúng ta ám ảnh với các mục tiêu của mình, chúng ta có thể dễ dàng hy sinh ý nghĩa ban đầu của những mục tiêu đó.

Đó là chưa kể, bị ám ảnh phải theo đuổi một mục tiêu có thể dẫn đến việc lạm dụng những hành vi thiếu đạo đức. Các nghiên cứu cho thấy những người tập trung toàn lực vào các mục tiêu cụ thể có khả năng cao sẽ lừa gạt hoặc gian lận để đạt được chúng.

Có hai cạm bẫy mà bạn cần lưu ý khi đặt mục tiêu. Đầu tiên là đặt mục tiêu không phù hợp với giá trị của mình. Thứ hai là ngay từ đầu đã chọn những mục tiêu không hiệu quả.

Đặt mục tiêu không phù hợp với giá trị của mình

Một số người xem trọng thành tích và việc cải thiện bản thân. Một vài người khác lại xem trọng những mối quan hệ sâu sắc. Số khác tập trung vào việc thay đổi thế giới hoặc xây dựng cộng đồng. Tìm ra giá trị cốt lõi của bạn trước khi đặt mục tiêu là điều rất quan trọng, vì nó ngăn bạn phá hỏng mọi thứ.

Nghe thì có vẻ quá hiển nhiên, nhưng tôi từng thấy một số người trân trọng các mối quan hệ lại dùng phần lớn thời gian để kiếm nhiều tiền hơn, vì họ nghĩ nó sẽ giúp họ có được những mối quan hệ sâu sắc.

Tôi từng thấy một số người muốn thay đổi thế giới nhưng lại ám ảnh về cải thiện bản thân, lối sống lành mạnh và tối ưu mọi thứ trong cuộc sống cá nhân, tới mức họ quên mất sự tồn tại của thế giới bên ngoài.

Và rồi họ tự hỏi sao mình lại khổ sở thế? Dù họ vẫn đang thực hiện mục tiêu, hoàn thành phần này phần nọ, nhưng vẫn cảm giác mọi thứ không đi đúng hướng.

Vấn đề nằm ở chỗ những mục tiêu mà họ theo đuổi không gắn liền với giá trị của họ. Đó chính là nguồn cơn của sự khổ sở ấy.

Lý do thường thấy nhất khiến chúng ta rơi vào cái bẫy này đó là vì chúng ta để người khác điều khiển mục tiêu của mình. Bởi vì khi nhìn quanh, chúng ta thấy ai cũng kiếm được nhiều tiền, đi du lịch khắp nơi hoặc tập luyện ba lần một ngày. Thế là chúng ta nghĩ, “Ồ, cuộc sống của họ có vẻ vui, vậy thì mình cũng nên làm theo họ.”

Chúng ta đang để người khác lựa chọn mục tiêu thay mình theo cách tinh vi như thế, chưa một lần ngẫm lại xem liệu mình có thật sự muốn những thứ đó hay không.

Kệ mục tiêu của người khác đi, cứ sống với giá trị của chính mình thôi.

Bạn cần phải chắc chắn rằng mục tiêu của bạn là cho bạn, không phải cho người khác. Nhiều người lẫn lộn giá trị mình trân trọng với giá trị của người khác. Chúng không hề giống nhau đâu. Và nếu bạn có nhầm lẫn như thế, có thể bạn đang tốn hết mấy năm cuộc đời chỉ để theo đuổi thứ khiến bạn cảm thấy tệ hơn.

Đặt mục tiêu mà chỉ tạo ra kết quả tồi tệ cho bạn

Một sai lầm khác mà nhiều người thường mắc phải khi đặt mục tiêu, đó là khiến vấn đề của họ tệ hơn chứ chẳng giải quyết được gì.

Một ví dụ khá thú vị đó là khi có người nói “Tôi muốn mở công ty riêng để có thể tự do giờ giấc và không phải chịu áp lực từ cấp trên nữa.”

Họ chưa từng một lần ngừng lại suy xét để nhận ra làm sếp còn áp lực gấp ba lần. Bạn phải chịu trách nhiệm cho mọi quyết định, mọi thất bại, mọi sơ suất và mọi đánh giá sai lầm.

Ừ thì đúng là bạn có thể tự do giờ giấc… nhưng khi bạn phải làm việc hết 12 tiếng một ngày thì chẳng còn nhiều lựa chọn để sắp đặt giờ giấc lắm đâu.

Rất nhiều mục tiêu chỉ toàn phản tác dụng. Chẳng hạn một số người mua xe hơi đắt tiền chỉ để cảm thấy mình giàu có. Hoặc một số người hẹn hò với người mình không thích vì muốn có một mối quan hệ. Hay một số khác giảm cân bằng cách bỏ đói bản thân vì họ muốn khỏe mạnh hơn.

Cách bạn theo đuổi mục tiêu thường quan trọng không kém, thậm chí còn hơn cả bản thân mục tiêu đó.

Nếu bạn theo đuổi một mục tiêu và đạt được nó bằng cách đánh đổi toàn bộ đời sống xã hội của mình, xa lánh gia đình, huỷ hoại danh tiếng của bản thân, liệu bạn có thật sự đạt được mục tiêu đó không? Tôi e rằng là không.

Một mục tiêu cụ thể cần hướng tới giá trị cá nhân

Bạn sẽ không thoải mái chút nào nếu quá tập trung vào các mục tiêu cụ thể với những kết quả khách quan, bởi chúng không thật sự đem lại giá trị hữu ích cho bản thân. Bạn có thể đặt ra mục tiêu kiếm thật nhiều tiền, nhưng cần phải có lý do để phấn đấu vì mục tiêu đó. Nếu không thì niềm hạnh phúc khi có tiền cũng chẳng duy trì được dài lâu.

Chúng ta cần phải cân bằng giữa những mục tiêu cụ thể đem đến kết quả khách quan, và mục tiêu chung đem lại kết quả chủ quan. Nếu bạn muốn thực hiện mục tiêu cụ thể: “Tôi muốn trở thành tỷ phú”, thì mục tiêu chung ở đây là: “Vì tôi muốn tự chủ về tài chính và không phải lo lắng về chuyện tiền bạc”.

Có thể thấy, mục tiêu cụ thể cần hướng tới giá trị nhất định (trong trường hợp này là “tự chủ về tài chính”), và từ đó bạn có thể đề ra được các giới hạn cụ thể và rõ ràng hơn để theo đuổi mục tiêu này.

Lý do chúng ta quá tập trung theo đuổi các mục tiêu cụ thể là bởi vì các kết quả khách quan rất dễ đo lường. Một quy luật được-cho-là lý tưởng khi đặt ra mục tiêu chính là: quá trình thực hiện mục tiêu phải dễ kiểm soát, được xác định rõ ràng nhất có thể. Tuy nhiên, những mục tiêu có kết quả khách quan càng dễ đo lường, lại càng ít đem lại cảm giác thỏa mãn sau khi hoàn thành nhất.

Bạn chỉ cần nhìn con số trong tài khoản ngân hàng là biết mình đã đạt được mục tiêu tài chính hay chưa. Hoặc bạn cũng chỉ cần theo dõi cân nặng và quá trình luyện tập là hiểu được hành trình thực hiện mục tiêu giảm cân.

Nhưng để biết cụ thể bạn đã học cách tự chủ đến đâu, đã ngưng dần việc phán xét chủ quan, hoặc nâng cao ý thức cộng đồng ra sao, thì khó hơn rất nhiều. Những mục tiêu này rất khó theo đuổi đến cùng, nhưng sau khi hoàn thành thì bạn sẽ thấy thỏa mãn không gì sánh bằng.

Không nên đặt mục tiêu quá khó hoặc quá dễ

Giống như việc cân bằng mục tiêu cụ thể với mục tiêu chung, các mục tiêu càng tham vọng và khó thực hiện cũng cần phải cân bằng với các mục tiêu nhỏ và dễ hoàn thành hơn.

Nếu chúng ta chọn theo đuổi một mục tiêu quá khó hoặc không thực tế (ví dụ: “Tôi muốn bay lên sao Mộc”), chúng ta sẽ dễ mất động lực vì những nỗ lực bỏ ra thường không khả thi.

Mặt khác, nếu chúng ta đặt ra mục tiêu quá lắt nhắt và dễ hoàn thành (ví dụ: “Chống đẩy 3 cái”), thì dù có thỏa mãn đến đâu sau khi thực hiện xong, bạn cũng sớm cảm thấy vô nghĩa.

Nhiều năm trước, tôi đặt ra mục tiêu đầy tham vọng là trở thành tác giả bán chạy nhất của thời báo New York Times. Dù mất rất nhiều năm theo đuổi, nhưng tôi đã hoàn thành được bằng cách đề ra và thực hiện dần các bước nhỏ:

  • Xây dựng trang blog để đăng tải các bài viết của bản thân
  • Ký hợp đồng với một nhà xuất bản sách
  • Viết nháp khoảng 100.000 từ.

Những mục tiêu nhỏ này cũng không dễ thực hiện, nhưng đều có khả năng hoàn thành trong vòng từ 1-2 năm. Và kể cả đối với những bước này, tôi cũng tiếp tục chia thành các bước nhỏ và đơn giản hơn, ví dụ như: “Viết 1.000 từ mỗi ngày trong vòng một tháng”, hoặc: “Gửi bản thảo sách cho 10 nhà xuất bản khác nhau”.

Thiết lập sơ đồ mục tiêu

Chúng ta đã nhận ra mình nên cân bằng các mục tiêu cụ thể với các mục tiêu chung, phản ánh giá trị con người. Chúng ta cũng hiểu được rằng nên đặt ra từng mục tiêu nhỏ để phấn đấu dần tới mục tiêu lớn. Và chúng ta cũng đã nhận ra rằng các mục tiêu cần phải chứa đựng khát vọng, nhưng không thể quá tham vọng phi lý.

https://img.vietcetera.com/uploads/images/31-jan-2021/specificgoals-graphs.jpg

Bạn có thể tưởng tượng, sơ đồ mục tiêu cụ thể của bạn được xây thành hình kim tự tháp, với mục tiêu lớn và tham vọng nhất ở đỉnh tháp, rồi chia dần các mục tiêu nhỏ xuống dưới. Ví dụ, mục tiêu lớn nhất là giảm 20kg trong vòng một năm. Để làm được điều này, bạn phải tập thể dục 3 lần mỗi tuần, và giảm 1500 calo trong mỗi bữa ăn (giả sử thôi).

Càng xuống phía dưới, các mục tiêu càng nhỏ dần và càng dễ thực hiện hơn, ví dụ như: học 10 công thức nấu các món ăn lành mạnh, mua một chiếc cân nguyên liệu nấu ăn, đăng ký đi tập tại phòng gym, v.v…

Sơ đồ mục tiêu này còn gồm một vòng tròn bao quanh kim tự tháp, thể hiện các mục tiêu lớn và cụ thể hơn nữa: “Một lối sống lành mạnh”, “Vóc dáng lý tưởng”, hoặc “Tăng cường năng lượng và sức bền”.

Với cách này, các mục tiêu của bạn sẽ hướng đến việc bổ sung giá trị cá nhân (mục tiêu chung), và bao gồm các bước thực hiện cụ thể. Những bước nhỏ này cũng chính là động lực giúp bạn thực hiện các mục tiêu được lâu dài.

Quá trình xây dựng mục tiêu có thể dựa trên từng câu hỏi như sau:

  • Trong cuộc sống, đâu là những điều bạn trân trọng và mong muốn sở hữu nhiều hơn?
    Ví dụ: Những giá trị cá nhân mà bạn muốn đạt được có thể là “sự tự tin”, “tình yêu”, hoặc “tự chủ về tài chính”.

  • Những giá trị này cần được củng cố bằng những mục tiêu chung nào?
    Ví dụ: “Một lối sống lành mạnh”, hoặc “Duy trì việc tự chủ về tài chính”, hoặc “Trở thành một người mẹ tốt”.

  • Những mục tiêu cụ thể đem lại kết quả khách quan nào sẽ giúp bạn đạt được mục tiêu chung?
    Ví dụ: “Giảm 20kg”, hoặc “Tiết kiệm được khoảng 10 tỷ VND vào năm 50 tuổi”, hoặc “Dành thời gian ít nhất 10 tiếng một tuần với con mình”.

  • Có thể chia nhỏ những mục tiêu cụ thể này thành các bước nhỏ hơn nào để dễ thực hiện?
    Ví dụ: “Tập thể hình 3 lần/tuần”, hoặc “Tiết kiệm 1/4 tiền lương trong vòng 5 năm”, hoặc “Dành 2 tiếng mỗi tối với con”.

Hãy viết ra từng câu hỏi và các câu trả lời phù hợp với bạn, rồi ghim ở đâu đó dễ nhìn để bạn có thể đọc hàng ngày.

Và hãy bắt tay vào thực hiện thôi nào.

Hãy thành thật nhé. Chúng ta đều tệ trong việc biết rằng điều gì làm ta hạnh phúc. Chúng ta cũng tệ trong khoản biết rằng điều gì mình có thể làm và không. Chúng ta còn tệ trong việc đoán trước điều gì mà mình sẵn sàng đánh đổi. Và chúng ta tệ trong việc xác định khả năng của mình.

Vì thế, cũng dễ hiểu khi nói rằng chúng ta tệ trong việc chọn những mục tiêu có lợi cho mình.

Không phải lúc nào bạn cũng thành công khi đặt mục tiêu

Thỉnh thoảng, mục tiêu tốn quá nhiều nỗ lực so với giá trị thực của chúng. Thỉnh thoảng, mục tiêu mà ta nghĩ là khả thi lại chẳng hề dễ dàng. Thỉnh thoảng, khi gần chạm đến mục tiêu thì ta phát hiện ra mình chẳng tận hưởng nó chút nào.

Lý do mà thất bại đáng giá hơn thành công là bởi vì thất bại cho chúng ta biết mình thực sự nên theo đuổi điều gì.

Trở về website của tôi vào năm 2010. Tôi thất bại thảm hại trong việc phát triển một trang web dành cho nam giới. Về cơ bản, tôi đã chuyển đổi công việc của mình thành công việc của biên tập viên mà không nhận ra rằng mình sẽ ghét nó. Tôi xa lánh hàng nghìn độc giả của mình, những người đến website để đọc bài mà tôi viết chứ không phải của người khác. Tôi đã hoàn toàn chuyển hướng mô hình kinh doanh của mình mà chẳng hề nhận ra. Và rồi tôi nhận thấy rằng mình sẽ sớm phải dựa vào doanh thu quảng cáo nếu muốn làm ra tiền.

Thế là tôi bỏ việc.

Những mục tiêu đầy tham vọng mà tôi đã có trong từng ấy năm biến mất. Tôi để tất cả những người viết ra đi. Website của tôi trở về với định dạng blog. Và tôi bắt đầu lại sau vài tháng như thể những gì trước đây chưa hề diễn ra.

Tôi từ bỏ và/hoặc thất bại trước tất cả mục tiêu mà mình đặt ra ở đầu năm ấy.

Và tôi đã trở nên tốt hơn nhờ vào điều đó.

Mục tiêu là cách để bạn biết mình muốn hoặc không muốn gì

Giá trị của mục tiêu không phải dựa vào những gì ta đạt được, mà vào hướng đi mà nó cho ta. Mục tiêu hướng ta đến những gì mà chúng ta mong muốn trong cuộc sống và cho ta động lực để bước tiếp. Nhưng nếu trên đường đi, chúng ta nhận ra rằng mình chẳng mong muốn nó nữa, chúng ta nên dừng lại!

Rất nhiều người sẽ thất vọng về việc này. Đối với họ đây là thất bại. Thế thì sao? Thất bại là bình thường. Thất bại là cách mà chúng ta học hỏi. Càng sớm thất bại, chúng ta càng có thời gian tìm một mục tiêu khác tốt hơn, thay vì cứ mãi đuổi theo những thứ vớ vẩn.

Mỗi năm, tôi có 4-5 mục tiêu cho mình. Sau đó, tôi chia nhỏ mục tiêu theo từng quý và tháng.

Nhìn chung, tới tháng 6 của năm, một nửa mục tiêu của tôi đã thay đổi theo cách nào đó. Đến cuối năm, tôi thường sẽ bỏ ít nhất một trong số chúng bởi vì tôi học được rằng nó không phải là điều mình muốn. Và tới tháng 8 thì tôi thay đổi hoàn toàn các mục tiêu của mình.

Những người linh hoạt với các mục tiêu của mình thường đạt được kết quả tốt hơn, so với những kẻ cứng đầu theo đuổi nó, đặc biệt là khi những mục tiêu ấy chẳng đi đến đâu.

Khi mục tiêu không còn phục vụ bạn, bạn chỉ việc từ bỏ

Từ bỏ những mục tiêu xa vời hoặc chẳng có ích gì cho bạn mang lại nhiều lợi ích. Chẳng hạn như bớt đi áp lực trong cuộc sống, cảm thấy tự tin hơn, ít các vấn đề về sức khỏe, chất lượng giấc ngủ được cải thiện, giảm các triệu chứng trầm cảm và thấy tích cực hơn.

Hãy nhớ rằng, mục tiêu là thứ bạn tự tạo ra. Không ai chấm điểm bạn cả. Không ai trừng phạt bạn bởi vì bạn không đạt được nó. Chúng chỉ có giá trị nếu mang lại lợi ích cho bạn. Vì thế, nếu mục tiêu chẳng có ích gì, bạn chỉ việc từ bỏ nó!

Sự thật là, chúng ta chẳng thể biết được rằng liệu mục tiêu có phù hợp với mình không cho đến khi ta thử nó. Chúng ta thường không biết mình muốn gì đến khi chúng ta đạt được hoặc cố gắng đạt được nó. Chúng ta nhiều khi không biết những gì mình trân trọng cho đến khi chúng ta sống theo những giá trị đó.

Mục tiêu chỉ là một cách để chúng ta thử nghiệm. Nếu chúng ta nhận ra mục tiêu đó không phục vụ những gì ta mong muốn và trân trọng, chẳng có gì xấu hổ nếu ta buông bỏ chúng và đi tìm những mục tiêu mới.

Được chuyển ngữ bởi Thảo Vân.

References