Mở lòng: Khi bạn sẵn sàng chấp nhận khả năng bị tổn thương

Được chuyển ngữ từ “Vulnerability: The Key to Better Relationships”, đăng trên blog cá nhân của tác giả Mark Manson.

Có thể bạn sẽ thấy rợn cả người khi nghe đến từ “mở lòng”. Chỉ nghĩ đến việc trở nên yếu đuối đã khiến bạn buồn nôn, nó gợi nhớ đến hình ảnh bạn nắm tay cậu bạn thân bên đống lửa trại, khóc lóc vì mối tình đơn phương của mình không được đáp trả.

Thật ra thì việc mở lòng đơn giản và bình thường hơn bạn nghĩ. Nhưng đồng thời nó cũng mạnh mẽ hơn tất cả những định kiến và quan niệm khôn ngoan mà bạn có thể có.

Hãy thử lướt qua danh sách dưới đây và xem điều gì đúng với bạn:

  • Bạn thường có những cuộc trò chuyện tẻ nhạt và nông cạn bởi như thế thì an toàn hơn, bạn không cần phải lo sợ việc khiến những người xung quanh phật ý.
  • Bạn mắc kẹt trong một công việc và lối sống mà bạn chẳng thích thú gì bởi mọi người bảo thế thì tốt hơn cho bạn, còn bạn thì không muốn làm họ thất vọng.
  • Bạn bỏ bê việc tập luyện và chải chuốt bởi vì không muốn mình trông quá nổi bật.
  • Việc ăn diện khiến bạn cảm thấy không thoải mái.
  • Mỉm cười với một người lạ mặt làm bạn rùng mình.
  • Chỉ nghĩ đến việc mời ai đó đi chơi cũng khiến bạn sợ hãi bởi khả năng bị từ chối.

Những triệu chứng trên đều xuất phát từ vấn đề cốt lõi: bạn không có khả năng mở lòng.

Nhiều người trong số chúng ta không được dạy cách bộc lộ cảm xúc. Điều này có thể bắt nguồn từ hoàn cảnh gia đình, tuổi thơ đầy sang chấn hoặc có thể bố mẹ chúng ta cũng chẳng bao giờ thể hiện tình cảm với nhau - chúng ta lớn lên với thói quen đè nén cảm xúc đã ăn sâu vào tiềm thức.

Đừng tranh cãi. Đừng trở nên quá đặc biệt. Đừng làm những điều “điên rồ”, “ngu ngốc” hoặc “ích kỷ”.

Tôi cũng thế. Khi còn trẻ, tôi sợ hãi việc mọi người không thích mình. Chỉ nghĩ đến viễn cảnh bị ai đó ghét dù là nam hay nữ cũng khiến tôi thao thức cả đêm. Để rồi tôi trở thành một kẻ luôn làm hài lòng kẻ khác, giấu diếm những khiếm khuyết và thích đổ lỗi cho những người xung quanh.

Nghe thì có vẻ kiểu cách và già dặn đấy. Nhưng sự thật thì không.

Trái ngược với việc thỏa hiệp và cố khiến người khác thích mình, nỗ lực để kết nối với mọi người bằng việc mở lòng sẽ mang lại cho bạn những mối quan hệ tuyệt vời nhất.

Mở lòng cũng là nền tảng cốt lõi trong hầu hết các bài viết của tôi, từ mối quan hệ, hẹn hò, sự nghiệp đến việc kết nối với những người xung quanh.

Nhưng đây lại là khái niệm dễ bị hiểu lầm nhất.

Vậy thế nào là mở lòng?

Phần lớn mọi người - đặc biệt là những ai đã dành cả đời để che đậy cảm xúc của mình - đều cảm thấy khó khăn trong việc hiểu được chính xác ý nghĩa của từ này.

Điều này cũng dễ hiểu thôi. Rất nhiều hành vi có thể trông giống như mở lòng nhưng thực ra lại là sự thao túng và/hoặc đòi hỏi.

“Mở lòng là lựa chọn có ý thức khi bạn KHÔNG cố che giấu cảm xúc hoặc mong muốn của mình với người khác.”

Nó chỉ đơn giản là việc bạn thoải mái bày tỏ suy nghĩ, cảm xúc, mong muốn và ý kiến của bản thân bất kể người khác nghĩ gì về mình.

Điều này bao gồm việc bạn phải đặt mình vào vị trí có thể bị từ chối, nói một câu đùa chẳng hài hước tẹo nào, thể hiện một quan điểm có khả năng khiến người khác khó chịu, ngồi cùng bàn với những người mình không quen biết, bày tỏ tình cảm với một ai đó.

Dù nghe đơn giản nhưng để thực sự mở lòng lại chẳng hề dễ dàng.

Bởi để làm được những điều kể trên bạn cần phải đánh cược cảm xúc của mình. Và kết cục có thể làm bạn tổn thương.

Nhưng chìa khóa của việc trở nên cởi mở là bạn phải sẵn sàng chấp nhận hậu quả của nó.

Bạn có thể làm phật lòng ai đó, khiến họ mất hứng hoặc đánh mất một người bạn, khách hàng hay đối tượng hẹn hò.

Nhưng mở lòng là con đường để kết nối mọi người với nhau. Robert Glover đã từng viết trong cuốn sách “Trai ngoan bỏ đi” rằng “Con người bị thu hút bởi những khía cạnh thô ráp của nhau.”

Vậy làm cách nào để trở nên cởi mở hơn?

Mở lòng là con đường để kết nối mọi người. Dưới đây là những cách để bạn trở nên cởi mở hơn và tôi hy vọng rằng những ví dụ này sẽ giúp bạn thấy được sự tinh tế và vẻ đẹp của việc bộc lộ những khía cạnh thô ráp của mình.

Thừa nhận khuyết điểm của mình

Nếu một người làm điều gì đó dở tệ - dù đó là chơi golf hay đàm phán kinh doanh - hẳn là chẳng có gì đáng ghê tởm hơn việc họ ba hoa là mình giỏi nó như thế nào.

Mặt khác, khi một người thừa nhận rằng mình tệ ở một điều gì đó, bạn có thể sẽ tôn trong họ hơn (miễn là họ không quá tuyệt vọng về khiếm khuyết của mình).

Nếu bạn tệ trong việc hẹn hò, hãy thừa nhận với bạn bè về nó và hỏi xin lời khuyên của họ làm thế nào để bạn trở nên tốt hơn.

Nếu bạn không giỏi trong việc kết nối với mọi người ở chỗ làm và nghĩ rằng điều đó ảnh hưởng đến hiệu suất công việc, hãy nói với đồng nghiệp về những khó khăn của mình và xem liệu họ có lời khuyên nào hữu ích dành cho bạn không.

Mấu chốt ở điểm bạn không cố để trở thành thứ gì đó không phải mình. Bạn chấp nhận bản thân cũng như những lỗi lầm mình gây ra. Mọi người sẽ thấy đây là hành động thể hiện sự tự tin và đáp lại nó một cách tử tế.

Chịu trách nhiệm thay vì đổ lỗi

Chúng ta đều biết một ai đó luôn tìm cách đổ lỗi cho người khác về những vấn đề của mình:

  • Người đàn ông luôn đổ lỗi cho bạn gái cũ về tất cả những vấn đề trong mối quan hệ hiện tại. Sẽ tốt hơn nếu anh ta thừa nhận rằng mọi thứ không suôn sẻ, rằng có khi anh ta là một người bạn trai tồi và sau đó giải quyết những vấn đề của mình.
  • Người đồng nghiệp liên tục không đạt được chỉ tiêu và đổ lỗi cho văn hóa công ty, nền kinh tế và bất cứ điều gì ngoại trừ sự kém cỏi của họ. Hãy thừa nhận là bạn cần được giúp đỡ và tìm ai đó có thể khiến bạn trở nên tốt hơn.
  • Người phụ nữ đổ lỗi cho tất cả đàn ông về đời sống hẹn hò tồi tệ của mình. Thay vì cho rằng vấn đề nằm ở một nửa dân số thế giới, có lẽ cô nên nhìn lại chính mình.

Chịu trách nhiệm cho chính vấn đề của mình là cách để bạn làm chủ giải pháp. Khi đổ lỗi cho người khác, bạn đang trao quyền kiểm soát cho họ và sự thật là bạn chẳng thể nào điều khiển mọi người và mọi vật xung quanh mình.

Có thể bạn không hoàn toàn có lỗi về tình huống hiện tại thảm hại của mình, nhưng dũng cảm và nói rằng bạn sẽ tự lo liệu nó là một bước đi đầy quyền năng.

Nó thể hiện rằng bạn không hoang mang bởi những áp lực bên ngoài về việc phải nhận thức, hành động và cảm nhận như thế nào - thay vào đó bạn chấp nhận thực tế và nỗ lực giải quyết vấn đề với những gì mình có.

Đây là một ví dụ điển hình của việc mở lòng bởi bạn đang nói rằng “Tôi có vấn đề. Tôi không hề hoàn hảo và chẳng sao cả. Tôi có thể đối mặt với nó và tôi sẽ làm vậy.”

Cho ai đó biết rằng họ thiếu nhạy cảm và khiến bạn tổn thương

Nhiều người cố gắng tỏ ra cứng cỏi, gượng cười và chịu đựng khi người khác chạm vào nỗi đau của mình.

Có thể là khi một ai đó bình luận hoặc đùa cợt quá trớn về bạn. Hoặc có thể là việc thỉnh thoảng nửa kia của bạn thiếu sự tinh tế (mà có khi họ còn chẳng nhận ra điều đó). Hay đó có thể là khi một kẻ phân biệt giới tính/chủng tộc bạn gặp trong quán bar cứ luyên thuyên mãi không dừng.

Lên tiếng khi họ vượt quá giới hạn là một việc liều lĩnh. Khi bạn thể hiện quan điểm và cảm xúc của bản thân về họ, mâu thuẫn có thể leo thang. Một số người sẽ thấy bạn chướng mắt.

Nhưng nếu bạn biết rõ điều mình tin tưởng và dám bảo vệ nó, đó chính là lúc bạn mở lòng.

Tuy nhiên, có một sự khác biệt giữa việc lên tiếng khi ai đó làm tổn thương bạn và khi bạn không đồng tình với họ. Cái sau chỉ khiến mọi thứ trở nên tệ hơn.

Nói với ai đó rằng bạn quý trọng/ngưỡng mộ/tôn trọng/yêu họ

Đây là một hình thái cao nhất của việc mở lòng và cũng là điều mà chúng ta dễ mắc sai lầm nhất.

Điều này đơn giản là bảo một người rằng bạn nghĩ họ thật đáng yêu, cho một người bạn biết rằng bạn ngưỡng mộ bản chất của họ, thể hiện sự tôn trọng và tình yêu với bố mẹ, thổ lộ tình cảm với người bạn yêu.

Để làm được nó, bạn cần phải chấp nhận bị tổn thương bởi bạn sẽ không bao giờ biết được người kia nghĩ gì về mình. Điều này đồng nghĩa với việc cảm xúc của họ sẽ không giống bạn.

Nhưng trước khi bạn vội vã chạy đến bày tỏ tình yêu của mình với một người hấp dẫn lạ mặt nào đó, chúng ta cần phải nói về ranh giới mong manh giữa việc mở lòng và chứng thái nhân cách.

Mở lòng không phải là một “chiến thuật”

Một vấn đề mà mọi người thường gặp đó là họ xem mở lòng như một chiến thuật mà họ có thể “lợi dụng” để khiến người khác nhìn họ theo cách họ muốn.

Họ sẽ nghĩ, “À, Mark nói rằng mình chỉ cần kể với một ai đó về những điều mà mình không thường nói với người khác, và rồi họ sẽ thích mình/tăng lương cho mình/muốn ngủ với mình/…”

Sai.

Nếu bạn nói cho người khác biết cảm xúc khi chú chó nhà bạn chết, về mối quan hệ căng thẳng với bố mình, hoặc bạn trở nên thân thiết hơn với bạn bè ra sao sau chuyến leo núi… nhưng chỉ để họ thích bạn nhiều hơn – vậy thì đó không phải là mở lòng. Đó là thao túng.

Vấn đề ở đây là nó thiếu sự chân thành, nên đó không phải là mở lòng đúng nghĩa. Bạn không chỉ đang giả dối mà còn lợi dụng những ký ức trân quý nhất đời để cố khiến người khác thích bạn.

Mở lòng không phải một chiến thuật mà chúng ta có thể “lợi dụng” để khiến người khác nhìn ta theo cách ta muốn.

Mở lòng một cách chân thành không phải là bạn làm gì, mà là lý do bạn làm thế. Là động lực đằng sau thúc đẩy bạn thật sự mở lòng (hoặc không).

Bạn nói một câu đùa vì nghĩ nó hài hước (đó là mở lòng), hay vì bạn muốn chọc cười người khác và muốn họ nghĩ bạn hài hước (đó là cần sự chú ý)?

Bạn tâm sự với một người bạn để ý về những sở thích ngớ ngẩn của mình chỉ đơn thuần là để chia sẻ về bản thân (đó là mở lòng), hay bạn đang muốn cho họ thấy “khía cạnh nhạy cảm” của mình (đó là thao túng)?

Bạn bắt đầu tự kinh doanh bởi vì bạn quá ngán công việc cũ và cần thứ gì đó mà bạn thật sự muốn thử (đó là mở lòng), hay chỉ bởi bạn đọc một cuốn sách nói rằng cách duy nhất để thành công là tự mở công ty và qua đó bạn muốn gây ấn tượng với người khác (thế thì thật đáng buồn)?

Mục đích của việc thật sự mở lòng không phải vì để trông có vẻ cởi mở hơn, mà chỉ đơn giản là bộc lộ bản thân theo cách chân thành nhất có thể.

Trút bỏ cảm xúc khác với mở lòng

Một vấn đề khác mà mọi người thường đâm đầu vào, đó là xem việc trút cảm xúc ra như một cách để mở lòng.

Để cho cảm xúc tuôn trào là khi bạn bỗng nhiên trút một mớ cảm xúc và quá khứ cá nhân không phù hợp vào cuộc trò chuyện, thường sẽ khiến người nghe khó chịu.

Bày tỏ cảm xúc là một chuyện khó, bởi vì nó cũng cần mở lòng một cách chân thành, nhưng mặt khác, nó lại gây khó chịu và mất thiện cảm. Bởi vì khi đó bạn đang thể hiện ra mình thống thiết và đòi hỏi đến thế nào. Và dù có che giấu hay để lộ thì chuyện đòi hỏi chưa bao giờ là một nét thu hút.

Tôi nhận được rất nhiều email nói rằng, “Tôi đã cởi mở lắm rồi, tôi luôn nhắc đi nhắc lại mình yêu người yêu cũ đến mức nào, nhưng lại khiến họ mất hứng. Sao vậy?”

Cái khó trong việc trút bỏ cảm xúc là nếu bạn che giấu quá nhiều nhu cầu, đến một lúc nó cũng cần phải tuôn ra ngoài bằng cách nào đó, để bạn còn tìm cách giải quyết nó. Đây là giai đoạn mà tôi gọi là giai đoạn đau khổ.

Trút bỏ cảm xúc đúng là cũng cần mở lòng chân thành, nhưng mặt khác nó khiến người nghe mất thiện cảm.

Tôi đã từng than vãn về người yêu cũ vài lần với vài người khác nhau, và hầu như lần nào cũng chỉ đổi lại sự thương hại, và nếu người nghe là phụ nữ thì họ hoàn toàn mất hứng thú.

Sai lầm mà nhiều người mắc phải với việc bày tỏ cảm xúc đó là họ mong rằng một hành động đơn giản như là “xả” nó ra sẽ giải quyết vấn đề của họ ngay lập tức. Nhưng ích lợi của việc bày tỏ cảm xúc là giúp bạn nhận ra vấn đề của mình, từ đó chính bạn có thể sửa chữa nó.

Khi tôi cứ nhắc đi nhắc lại việc người yêu cũ dối trá và ngu ngốc thế nào, chừng ấy tức giận cũng không đủ để bù đắp cho sự thiếu thốn của tôi. Nhưng nó lại cho tôi thấy mình đã trở nên giận dữ và khó ưa cỡ nào, điều mà trước đó tôi không hề hay biết.

Khi đang bị cô lập trong buồng vang của tâm trí, chúng ta càng dễ tin rằng mọi suy nghĩ và cảm nhận của mình đều có lý do. Chỉ khi phơi bày những suy nghĩ và cảm nhận đó ra ngoài sáng, chúng ta mới nhận ra mình đã đi xa tới đâu, nhờ vậy ta có thể điều chỉnh nó trong tương lai.

Đó là những gì tôi nhận thấy. Rằng mình đã giận dữ thế nào, đương nhiên cũng không “quên đi” người cũ như tôi tưởng. Thời gian đó tôi đã phải đi trị liệu, nhờ vậy tôi nhận ra cơn giận của mình đối với người yêu cũ đã lún sâu tới đâu và liên quan thế nào đến các vấn đề từ gia đình mình.

Cuối cùng, sau nhiều lần tự soi xét và lấy lại bình tĩnh, tôi đã có thể nhận ra rằng mình từng đặt quá nhiều kỳ vọng vào người yêu cũ, trong khi tôi cũng chẳng phải một người bạn trai tuyệt vời gì cho lắm. Nó giúp tôi giải quyết phần lớn vấn đề mà tôi hiện có, bao gồm phần lớn cơn giận dữ mà tôi trút lên cô ấy và phụ nữ nói chung. Nhưng phải qua biết bao khó khăn và đau khổ thì mới đến được bước này.

Việc bày tỏ cảm xúc giúp tôi nhận thức về việc chữa lành bản thân, nhưng không thể giúp tôi chữa lành nó. Suy cho cùng, bạn phải là người chịu trách nhiệm cho suy nghĩ và cảm nhận của mình và giải quyết chúng. Nếu không, bạn vẫn sẽ tiếp tục giận dữ và thất vọng, để rồi chối bỏ tất cả những ai tiến vào cuộc đời bạn.

Sức mạnh của việc mở lòng

Nếu chịu để ý, bạn sẽ nhận ra rằng việc mở lòng một cách chân thành và đúng nghĩa đại diện cho một nguồn sức mạnh, dưới một hình thái sâu sắc và tinh tế.

Brene Brown cũng nói về điều này trong cuốn sách “Daring Greatly” của mình. Khi một người có thể mở lòng mình, phơi bày điểm yếu mặc kệ người khác nghĩ sao, thì người đó đang nói với cả thế giới rằng: “Tôi không quan tâm bạn nghĩ gì về tôi. Đây là chính tôi, và tôi từ chối trở thành bất kỳ ai khác.”

Đây là quy tắc “lấy lùi làm tiến” trong hành động: để trở nên kiên cường hơn, đáng gờm hơn, trước tiên bạn cần phải bộc lộ những thiếu sót và khiếm khuyết của mình trước mọi người. Nhờ đó, họ mất đi quyền lực lên bạn, và đành phải để bạn sống cuộc đời của mình đúng nghĩa và đúng ý.

Mở lòng ra để chấp nhận khả năng bị tổn thương, rèn luyện bản thân thoải mái trước cảm xúc, lỗi lầm của mình và thể hiện bản thân mà không cần kìm nén không phải chuyện một sớm một chiều. Nó là cả một quá trình và chưa bao giờ dễ dàng.

Nhưng tôi có thể đảm bảo với bạn, khi đã bắt đầu quá trình đó – nếu bạn phải trải qua những cuộc trò chuyện khó khăn, nếu bạn thể hiện bản thân chân thành dù vẫn cảm thấy mạo hiểm, nếu bạn nói với cả thế giới rằng “đây là chính tôi và tôi từ chối thay đổi” – bạn sẽ tìm được mức độ sâu sắc mới cho các mối quan hệ của mình, thậm chí là tất cả mối quan hệ.

Và đến khi hoàn thành quá trình đó, bạn sẽ không còn xấu hổ về thiếu sót của mình và về chính mình nữa.

References