Lý Thuyết Đỉnh-Đích Và Cách Trí Nhớ Lòe Bịp Chúng Ta

Việc hiểu rõ lý thuyết này sẽ có thể thay đổi mọi thứ, bởi sự tác động rộng rãi của nó đến các lĩnh vực trong cuộc sống chúng ta.

Chúng tôi sẽ đưa bạn đến với tâm lý học thông qua một lý thuyết mang tên “lý thuyết đỉnh-đích” cũng như các nghiên cứu có liên quan và sự liên kết của nó với niềm vui, nỗi buồn. Rồi bạn sẽ thấy, việc hiểu rõ lý thuyết này sẽ có thể thay đổi mọi thứ, bởi sự tác động rộng rãi của nó đến các lĩnh vực trong cuộc sống chúng ta.

Bạn có thể ngạc nhiên khi thấy bản thân mình đã từng có thành kiến như thế nào về cách chúng ta hình thành ký ức từ những trải nghiệm của mình. Ngay cả khi chúng ta nghĩ rằng mình đang nhớ lại các sự kiện về một trải nghiệm, thì việc nhớ lại ấy thường không đầy đủ và phụ thuộc nhiều vào cảm giác mà chúng ta có trong trải nghiệm đó.

Có vẻ như ký ức của chúng ta về những trải nghiệm tích cực và tiêu cực phụ thuộc vào hai điều, thứ nhất đó là chúng ta đang cảm thấy gì khi nó ở thời điểm cao trào nhất (đỉnh), và thứ hai là nó kết thúc như thế nào (đích). Ký ức của chúng ta thường không phải là những thứ ở mức trung bình hay lượng thời gian mà chúng ta tham gia vào tình huống.

Thuật tâm lý này đã giải thích được rằng tại sao chúng ta lại trở nên vô cùng phi lý trí trong hồi ức và trí nhớ của mình về các sự kiện. Đồng thời, nó cũng cho thấy rằng ký ức của chúng là chuỗi gồm một loạt các hoạt động nổi bật hơn là một bản ghi chép kỹ lưỡng về các sự kiện.

LÝ THUYẾT ĐỈNH–ĐÍCH LÀ GÌ?

Lý thuyết đỉnh-đích là một quy luật tâm lý trong đó trải nghiệm được đánh giá và ghi nhớ ở thời điểm cao nhất (cường độ cao nhất) và/hoặc thời điểm kết thúc của trải nghiệm. Có vẻ như sự hồi tưởng về các sự kiện của chúng ta chịu ảnh hưởng nhiều bởi cách giải thích này về các sự kiện đã trải qua hơn là những trải nghiệm nói chung.

Lý thuyết này được đề xuất bởi nhà tâm lý học người Israel từng đoạt giải Nobel Daniel Kahneman. Ông đưa ra một định nghĩa như sau:

“Quy tắc đỉnh-đích là một kinh nghiệm tâm lý, trong đó mọi người đánh giá một trải nghiệm chủ yếu dựa trên cảm xúc của họ ở điểm cao nhất (điểm đạt được cảm xúc mạnh mẽ nhất) và điểm cuối cùng, thay vì dựa trên tổng số tổng hoặc trung bình của từng thời điểm trong trải nghiệm”.

Ngoài ra, Chip và Dan Heath cũng đề cập đến khái niệm này trong quyển sách “The Power of Moments: Why Certain Experiences Have Extraordinary Impact.” (Tạm dịch: Sức mạnh của những khoảnh khắc: Tại sao những trải nghiệm nhất định lại có tác động phi thường).

“Khi mọi người đánh giá một trải nghiệm, họ có xu hướng quên hoặc bỏ qua độ dài của nó. Thay vào đó, họ đánh giá trải nghiệm đó dựa trên hai thời điểm chính: (1) thời điểm tốt đẹp nhất hoặc tồi tệ nhất, được gọi là “đỉnh” và (2) thời điểm kết thúc [..] Một điều không thể chối cãi là khi đánh giá trải nghiệm của mình, chúng ta không tính trung bình các cảm giác của chúng ta trong từng phút”

Họ cho rằng một thời điểm đỉnh cao ấy yêu cầu ít nhất một trong bốn yếu tố dưới đây, và tốt nhất là bao gồm cả bốn yếu tố:

Phấn khởi: đây là những khoảnh khắc mà niềm hạnh phúc vượt trên sự bình thường, thể hiện qua những cảm giác thích thú và ngạc nhiên.

Kiêu hãnh: đây là những khoảnh khắc được ghi lại ở thời điểm chúng ta cảm thấy tuyệt vời nhất, đó có thể là khoảnh khắc của những thành tựu, hay cũng có thể là khoảnh khắc của sự can đảm.

Thấu hiểu: đây là những “khoảnh khắc lóe sáng” của chúng ta, khi đó, chúng ta sẽ thay đổi những nhìn nhận của chúng ta về bản thân cũng như về thế giới và cảm thấy mình vô cùng sáng suốt.

Kết nối: đây là những khoảnh khắc mang bản chất xã hội, như đám cưới chẳng hạn.

Hóa ra, việc một trải nghiệm kéo dài bao lâu cũng không hề ảnh hưởng nhiều đến sự hình thành trí nhớ. Kahneman và Fredrickson đã đặt tên cho hiện tượng này này là “bỏ ngõ thời gian”.

Bỏ ngõ thời gian là một sự thừa nhận tâm lý mà sự đánh giá của mọi người về những trải nghiệm không tốt phụ thuộc rất ít vào khoảng thời gian của những trải nghiệm đó (Kahneman & Fredrickson 1993).

NHÌN LẠI QUÁ TRÌNH CỦA DANIEL KAHNEMAN

Lý thuyết đỉnh-đích được phát hiện và khám phá bởi Tiến sĩ Daniel Kahneman, một nhà Tâm lý học người Israel, người đã từng nghiên cứu về khả năng phán đoán, kinh nghiệm tâm lý và khung nhận thức. Trong suốt nhiều năm, ông đã dày công nghiên cứu về sự thiên vị trong tư duy có ảnh hưởng như thế nào đến độ chính xác của ký ức của chúng ta.

Quy tắc đỉnh-đích được Kahneman & Tversky nghiên cứu vào năm 1999, khi họ kết luận rằng việc ghi nhớ các trải nghiệm của mọi người về cơ bản là dựa trên cảm giác của họ ở thời điểm cao nhất và thời điểm nó kết thúc, thay vì là một trải nghiệm tổng thể. Rất nhiều các nghiên cứu ủng hộ sự thiên vị trong tư duy này đối với những sai sót của con người trong trí nhớ (Kahneman & Tversky 1999).

Kahneman cho rằng xu hướng nhận thức này là do kết quả các mục đích tiến hóa. Ông nói, “Trí nhớ không được thiết kế để đo mức độ của những hạnh phúc đang diễn ra hay những đau khổ tột cùng. Để tồn tại, bạn thực sự không cần phải quá chú trọng vào thời gian của những trải nghiệm. Một điều tồi tệ rốt cuộc có đi đến một kết thúc tốt đẹp hay không, đó mới thực sự là thông tin bạn cần với tư cách là một cá thể sống.”

Kahneman mô tả hai loại bản ngã, đó là bản ngã trải nghiệm và bản ngã tự thuật. Bản ngã trải nghiệm là sự nhận thức trong từng khoảnh khắc ở hiện tại. Và đặc điểm của lối suy nghĩ này là trực quan, nhanh chóng và vô thức. Bản ngã trải nghiệm sẽ không có sự ghi nhớ các sự kiện, và mỗi khoảnh khắc của bản ngã trải nghiệm thường kéo dài 3 giây.

Bản ngã tự thuật là thứ thu thập và tích hợp các trải nghiệm của chúng ta thành một câu chuyện. Sau khi xem xét, nó sẽ tổng hợp những trải nghiệm ấy tạo nên các câu chuyện, và đó là ký ức. Để làm được như vậy, bản ngã tự thuật sẽ phải thực hiện rất nhiều những sự chỉnh sửa và diễn giải. Và chính trong quá trình này, những thay đổi trong câu chuyện ấy đã xảy ra.

Như đã đề cập, bỏ ngõ thời gian là một thành phần quan trọng của lý thuyết đỉnh-đích. Theo Kahneman, những gì được ghi nhớ là những khoảnh khắc quan trọng, mãnh liệt của trải nghiệm, bất kể độ dài của thời gian.

Khoảng thời gian của một trải nghiệm không được hiểu theo bản ngã tự thuật. Có vẻ như chúng ta không có sự tính toán hợp lý cho những trải nghiệm về hay niềm vui hay nỗi buồn. Kí ức của chúng ta được xác định bởi những khoảnh khắc cao trào (hay đỉnh điểm) cũng như thời điểm kết thúc hơn là cảm nhận của chúng ta trong phần lớn thời gian của trải nghiệm.

Kahneman xác định sự khác biệt trong quan điểm của hai bản ngã này là cách thời gian được giải thích. Nghiên cứu chỉ ra rằng độ dài thời gian của một trải nghiệm rất ít ảnh hưởng đến trí nhớ thực. Cụ thể, Kahneman đã mô tả thời lượng của một kỳ nghỉ ít ảnh hưởng đến cách nó được nhớ lại như thế nào.

Nói cách khác, kỳ nghỉ hai tuần cũng sẽ không khác mấy so với kỳ nghỉ một tuần nếu những kỷ niệm mới không được giải thích và thêm vào câu chuyện hay hồi ức về trải nghiệm.

TÂM LÝ HỌC ĐẰNG SAU LÝ THUYẾT ĐỈNH–ĐÍCH

Sự thiên vị trong tư duy sẽ thay đổi cách chúng ta ghi nhớ hoàn cảnh. Bộ não của chúng ta không thể nhớ chi tiết mọi tình huống mà chúng ta đối mặt. Chúng sẽ biết cách tìm ra những giải pháp hiệu quả hơn để xử lý nhiều các tình huống gặp phải tại bất kỳ thời điểm nào. Và như một cách để ưu tiên cho ký ức, chúng ta có xu hướng tạo ra những sự kiện nổi bật.

Hiệu ứng đỉnh-đích là một lối tắt trong tư duy mà bộ não của chúng ta sử dụng bằng cách tập trung nhớ về những khoảnh khắc mãnh liệt nhất của một trải nghiệm cũng như cách kết thúc của trải nghiệm ấy.

Mặt tâm lý học của lý thuyết đỉnh-đích là sự dựa trên nhận thức. Bộ não của chúng ta không thể hoạt động như hệ điều hành máy tính, bởi con người sẽ có những giới hạn về mức xử lý và ghi nhớ. Hệ thống xử lý nhận thức của chúng ta tạo ra các phương pháp để phân loại những thông tin đến, tích hợp, xử lý và đưa ra quyết định một cách hiệu quả hơn.

Quy tắc đỉnh-đích cho rằng ký ức của chúng ta không phải là một bức tranh toàn diện về những trải nghiệm. Chúng ta sẽ bị giới hạn về số lượng các chi tiết mà ký ức của mình lưu giữ lại. Nhưng bù lại, chúng ta thường sẽ nhớ lại những trải nghiệm nổi bật nhất cũng như thời điểm nó kết thúc.

Nếu nói từ góc nhìn của sự tiến hóa, thì điều nói trên có nghĩa là chúng ta sẽ ghi nhớ những trải nghiệm mãnh liệt, tích cực và lẫn tiêu cực. Thiết lập ký ức về những trải nghiệm tiêu cực sẽ giúp chúng ta tránh được những tình huống tương tự trong tương lai. Và ngược lại, nhớ về những trải nghiệm tích cực có thể giúp chúng ta tìm lại các tình huống này.

Đây là một mô hình để đưa ra quyết định dựa vào thời điểm cao trào nhất của tình huống hoặc cách nó kết thúc. Chúng ta có xu hướng hình thành các đánh giá về trải nghiệm dựa trên cảm giác của mình tại những thời điểm quan trọng ấy. Lý thuyết này được phát triển một phần để giải thích sự bất hợp lý liên quan đến một số hình thức hành vi cùng khả năng khơi gợi lại trí nhớ của con người.

Các nghiên cứu cũng thể hiện sự ủng hộ đối với lý thuyết bỏ ngõ thời gian, bởi người ta đã chứng minh được rằng sự hài lòng hoặc lo lắng ở mức trung bình là không thể dự đoán được đánh giá của chúng ta về trải nghiệm đó.

Quy tắc đỉnh-đích cho phép chúng ta sử dụng chất xám của mình ở mức tối đa và duy trì được nguồn năng lượng tư duy. Nó giúp chúng ta tránh sử dụng bộ não cho việc nhớ lại những thứ không liên quan và không cần thiết. Những phát kiến ủng hộ lý thuyết đỉnh-đích cho thấy rằng một cải thiện nhỏ ở gần thời điểm kết thúc trải nghiệm có thể thay đổi hoàn toàn nhận thức của một người về trải nghiệm đó.

CÁC NGHIÊN CỨU CHO THẤY ĐIỀU GÌ?

Quy luật tâm lý quyết định việc đánh giá và ghi nhớ trải nghiệm đã được nghiên cứu trong nhiều hoàn cảnh đa dạng. Nhiều nghiên cứu đã được chứng minh là ủng hộ lý thuyết đỉnh-đích. Các cá nhân thường sẽ chọn cách đối mặt với nhiều đau đớn hoặc khó chịu nếu có thể kết thúc mọi chuyện một cách êm đẹp hơn. Và lượng thời gian của những cảm xúc tiêu cực này dường như không phải là một yếu tố dẫn đến những lựa chọn trên.

Quy tắc đỉnh-đích ban đầu được khám phá trong một nghiên cứu liên quan đến việc cho người tham gia xem các đoạn phim ngắn, không có cốt truyện (Fredrickson & Kahneman, 1993). Mỗi bộ phim, người xem sẽ được xem 2 clip, một ngắn và một dài (dài hơn khoảng ba lần). Các clip ở mỗi nhóm có sự tương tự nhau về mặt thời lượng cũng như những tác động về cảm xúc (cảnh phẫu thuật cắt bỏ tứ chi, cảnh rạn san hô, v.v.).

Sau khi xem tổng cộng 16 clip của 8 bộ phim khác nhau (8 clip ngắn và 8 clip dài), họ sẽ tiến hành xếp hạng các phim ấy dựa vào những gì mình nhớ được. Các đánh giá ấy được xác định bằng bình quân gia quyền (giá trị trung bình có trọng số) của “ảnh chụp nhanh” về những trải nghiệm chân thực, bất chấp thời lượng.

Theo một nghiên cứu được thực hiện bởi Miron và các cộng sự (2009), những khoảng trống giữa trải nghiệm và ký ức tồn tại đối với cả cảm xúc tích cực và tiêu cực. Họ đã ghi lại rằng những khoảng trống ấy quan trọng hơn đối với cảm xúc tiêu cực. Theo lời mọi người kể, họ đã tức giận và buồn bã hơn những gì họ đã báo cáo thông qua phép đo các trải nghiệm thực tế.

Chajut và các cộng sự (2014) đã khám phá ra mối quan hệ giữa trải nghiệm về cơn đau chuyển dạ và hồi ức về nó trong 2 ngày 2 tháng sau khi sinh. Bất chấp những cơn đau tột độ mà họ phải chịu đựng trong suốt quá trình, thì ký ức về việc sinh con của họ lại thiên về mức trung bình giữa cơn đau đỉnh điểm và cơn đau cuối cùng.

Thời gian chuyển dạ hay sinh nở không phải là các yếu tố có trong sự hồi tưởng về những cơn đau đã trải qua. Một số các nhà nghiên cứu đã tiến hành so sánh trải nghiệm của những bà mẹ kết thúc quá trình chuyển dạ có hoặc không được gây tê ngoài màng cứng. Và kết quả cho thấy rằng mức độ của cơn đau khi kết thúc trải nghiệm ảnh hưởng mạnh mẽ đến việc ghi nhớ toàn bộ sự kiện.

Hoogerheide và các cộng sự (2017) đã nghiên cứu về hiệu ứng đỉnh-đích ở trẻ em, với cách chúng trải nghiệm và ghi nhớ các đánh giá của bạn bè. Trong nghiên cứu của họ, những đánh giá ấy, đặc biệt là đánh giá tiêu cực thể hiện một sự trải nghiệm cảm xúc mãnh liệt. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng cũng giống như người lớn, trẻ em dễ bị ảnh hưởng bởi điểm kết thúc của những trải nghiệm cảm xúc mãnh liệt.

Đồng thời, họ cũng nghiên cứu về ảnh hưởng của việc áp dụng mô hình này đến việc học tập của trẻ. Các nghiên cứu gần đây đa phần đều ủng hộ hiệu ứng đỉnh-đích đối với trường hợp học sinh học từ vựng nước ngoài để làm kiểm tra (Finn 2010) cũng như làm những bài kiểm tra toán khó (Finn & Miele 2016).

Egan et. al (2016) thậm chí còn đi vào tìm hiểu về nguồn gốc của lý thuyết đỉnh-đích, mang tính chất của sự phát triển và tiến hóa. Họ chọn cho nghiên cứu của mình 3 nhóm đối tượng, đó là người lớn, trẻ em và khỉ mũ. Sau đó, những nhóm này đã xây dựng lại các sự kiện để tối đa hóa trải nghiệm của mình bằng cách chọn ra các khoảnh khắc có điểm kết thúc tốt nhất. Và, những nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những chú khỉ mũ thích được thưởng phần thức ăn ngon nhất vào lúc cuối hơn là lúc đầu.

Các nhóm đều tỏ ra thích thú với những phần thưởng diễn ra trong thời gian ngắn nhưng mãnh liệt hơn là những phần thưởng diễn ra trong thời gian dài nhưng lại ít mãnh liệt. Họ đã được đánh giá về cách họ cấu trúc các hành động của mình thông qua việc sử dụng điểm đỉnh và điểm đích cao trào để tối đa hóa sự hài lòng của bản thân.

Kết quả chỉ ra rằng cả 3 nhóm đều đã không xây dựng trải nghiệm của họ theo cách tối đa hóa những lợi ích thú vị của mình. Và họ cũng không hề thực hiện bất kỳ sự điều chỉnh nào nhằm nâng cao những trải nghiệm khoái lạc của mình.

Peterson & Kozhokar (2017) đã khám phá ra những nhận thức về xếp hạng khối lượng công việc. Kết quả chứng minh rằng việc xếp hạng mang tính chủ quan cũng bị ảnh hưởng bởi hiệu ứng đỉnh-đích. Những người tham gia được yêu cầu hoàn thành 3 nhiệm vụ giống nhau được sắp xếp theo một thứ tự khác nhau. Sau đó, họ được yêu cầu đánh giá về tổng khối lượng công việc của mình.

Trong 3 nhiệm vụ ấy, sẽ có một nhiệm vụ khó hơn cả. Và những người được yêu cầu làm nhiệm vụ ấy cuối cùng thường có xếp hạng cao hơn trên thang đo khối lượng công việc chủ quan. Tuy nhiên, những nhà nghiên cứu lại nói rằng mặc dù điểm số có thể cao hơn, nhưng sự gia tăng ấy là không đáng kể và không đạt được ý nghĩa thống kê.

Ngoài ra, các nghiên cứu được thực hiện bởi Hoogerheide và Paas (2012) đã cho thấy thêm một sự ủng hộ đối với quy tắc đỉnh-đích dùng trong việc xếp hạng các nhiệm vụ học tập theo hướng chủ quan, khi các nhiệm vụ khó hơn được đặt ở cuối.

Thêm những cảm giác khó chịu vào trải nghiệm sẽ không giúp ích gì trong việc cải thiện các tình tiết. Tuy nhiên, việc thêm một phân đoạn dễ chịu hơn vào một trải nghiệm khó chịu hoặc đau đớn hơn sẽ có thể giúp cải thiện đánh giá tổng thể về nó. Và Varey và Kahneman (1992) đã khám phá ra quy luật của điều này.

14 VÍ DỤ VỀ QUY TẮC ĐỈNH–ĐÍCH

Quy tắc này có thể được tìm thấy trong các trải nghiệm hàng ngày, cả đau đớn lẫn thú vị. Và dưới đây là một số ví dụ điển hình.

Một kết cục tốt có thể làm giảm cảm giác tiêu cực trong trải nghiệm.

Một ví dụ dễ thấy nhất cho điều này là việc sinh nở. Những kỷ niệm về quá trình này thường bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi những thời điểm cao trào và kết thúc hơn là yếu tố thời gian. Tức ký ức về việc một đứa trẻ được sinh ra sẽ có sức ảnh hưởng hơn nhiều so với khoảng thời gian đau đớn mà người mẹ phải chịu đựng trong quá trình này.

Hay một ví dụ khác, khi bạn tham dự một buổi hòa nhạc với chất lượng âm thanh hoặc màn trình diễn kém, nhưng nó lại được kết thúc với bài hát mà bạn yêu thích, thì những gì mà bạn nhớ về buổi hòa nhạc ấy sẽ đi theo hướng tích cực.

Nếu bạn có một bữa ăn thật kinh khủng tại một nhà hàng, nhưng cuối cùng, bạn lại được thưởng thức một món tráng miệng tuyệt vời, thì ký ức của bạn về bữa ăn đó cũng sẽ trở nên tốt đẹp hơn.

Một mùa thể thao đầy thử thách hoặc căng thẳng kết thúc bằng một chiếc cúp vô địch. Vậy thì rất có thể, cả đội sẽ có nhiều kỷ niệm tích cực hơn chỉ vì duy nhất một trải nghiệm vô cùng vui sướng, đó là sự chiến thắng.

Tang lễ vẫn thường được cho là một biểu hiện của quy tắc đỉnh-đích này. Dù cho đã biết rõ về cuộc đời của một ai đó, nhưng câu chuyện cuối cùng chúng ta được nghe là một câu chuyện tích cực, thì khả năng cao nó sẽ ảnh hưởng đến ký ức chung của chúng ta về họ.

Bỏ ngõ thời gian là điều có thể thấy qua cách chúng ta hình thành ký ức về các kỳ nghỉ. Các kỳ nghỉ dài dường như không tạo ra nhiều ảnh hưởng tích cực đến ký ức của chúng ta. Kỳ nghỉ 2 tuần cũng sẽ không có gì khác với kỳ nghỉ 1 tuần bởi không có ký ức đa dạng nào được hình thành. Do đó, những kỳ nghỉ dài hơn không nhất thiết phải được nhớ nhiều hơn.

Một kết thúc tiêu cực cũng có thể làm giảm ấn tượng tổng thể về một trải nghiệm, ngay cả khi nhìn chung, đó là một trải nghiệm thú vị.

Một chuyến bay tồi trở về nhà sau kỳ nghỉ có thể làm bạn thất vọng về toàn bộ chuyến đi, ngay cả khi kỳ nghỉ đó đã diễn ra hết sức suôn sẻ.

Bạn có thể đã chơi rất tốt một vòng gôn, nhưng mọi thứ lại sụp đổ ở lỗ thứ 18. Và điều này sẽ có thể làm bạn vô cùng chán nản, dù cho 17 lỗ đầu đã diễn ra tốt đẹp.

Nếu bạn đã trải qua một đêm hẹn hò vui vẻ với vợ/chồng của mình, nhưng lại kết thúc bằng một cuộc cãi vã kéo dài chỉ trong khoảng hai phút, thì buổi tối vui vẻ ấy cũng sẽ có thể mất đi trong ký ức của bạn.

Sự tan vỡ của một mối quan hệ cũng là một ví dụ điển hình. Một cuộc chia tay đầy nước mắt cũng có thể khiến chúng ta nhớ mãi về nó.

Bị trượt trong kỳ thi kết thúc của một lớp học mà bạn đang rất hứng thú cũng sẽ làm ảnh hưởng đến trải nghiệm chung của bạn về lớp học ấy.

Những trải nghiệm đỉnh cao không phải là sự kết thúc cũng ảnh hưởng đến việc chúng ta nhớ lại các sự kiện.

Ví dụ, những trò chơi gần gũi với những khoảnh khắc căng thẳng như ghi một bàn thắng lớn hoặc mắc một lỗi trong trận đấu sẽ tác động đến trí nhớ được hình thành.

Trải nghiệm đỉnh cao có liên quan đến cường độ cảm xúc. Ví dụ, một người về cơ bản là cảm thấy hài lòng với công việc của mình, nhưng lại có một trải nghiệm rất tiêu cực với người sếp. Nếu họ từng trải qua nỗi sợ hãi, lo lắng do bị sếp chế giễu, la mắng hay làm nhục, và rất có thể điều đó sẽ ảnh hưởng xấu đến cách nhìn của bạn đối với công việc của mình.

Các tình huống khi mà chúng ta phải đối mặt với nỗi sợ hãi tột độ, cũng sẽ góp một phần không nhỏ vào ký ức của chúng ta. Trong một chuyến đi, nếu lâm vào tình huống ngàn cân treo sợi tóc hay gặp tai nạn, thì chúng ta sẽ nhớ mãi sự kiện đó, bất kể có điều gì khác xảy ra đi chăng nữa.

NỖI ĐAU VÀ LÝ THUYẾT ĐỈNH–ĐÍCH

Ký ức của chúng ta về những đau đớn đã trải qua có thể sẽ không chính xác. Trong giới tâm lý học, người ta cũng hiểu rằng những trải nghiệm tiêu cực sẽ được nhớ lại một cách sống động hơn những trải nghiệm tích cực.

Nghiên cứu mạng tính tác động mạnh mẽ của Kahneman, Fredrickson, Schreiber & Redelmeier’s (1993) đã cung cấp được cơ sở chính cho quy tắc đỉnh-đích này, đặc biệt là khi nó liên quan đến việc khơi lại trí nhớ của chúng ta về những đau đớn đã trải qua. Những người tham gia nghiên cứu phải thực hiện hai phiên bản khác nhau của một trải nghiệm khó chịu.

Ở thử nghiệm đầu tiên, những người tham gia sẽ sẽ ngâm một bàn tay trong nước 14°C trong 60 giây.

Ở thử nghiệm thứ hai, họ sẽ ngâm bàn tay còn lại vào nước 14°C trong 60 giây, và tiếp tục ngâm thêm 30 giây nữa trong nước 15°C.

Tiếp theo, những người này sẽ được yêu cầu chọn ra một thử nghiệm mà họ muốn lặp lại. Và điều thú vị là hầu hết mọi người đã chọn thử nghiệm thứ hai, ngay cả khi họ phải tiếp xúc với một nhiệt độ không hề dễ chịu trong một thời gian dài hơn. Từ đó, các nhà nghiên cứu đưa ra kết luận rằng những người tham gia chọn thử nghiệm thứ hai, thử nghiệm dài hơn là do họ thích một ký ức về nó hơn, hoặc cũng có thể là không thích nó ít hơn. Nghiên cứu đã thể hiện được cách mọi người đánh giá trải nghiệm dựa trên kết thúc của nó.

Phần lớn các nghiên cứu về lý thuyết đỉnh-đích là nghiên cứu trong y tế, như Kahneman, Katz & Redelmeier (2003) đã dùng lý thuyết này đánh giá phản ứng của bệnh nhân đối với các thủ thuật nội soi.

Trong nghiên cứu của họ, hai nhóm đã trải qua một cuộc nội soi đại tràng. Một nhóm sẽ thực hiện quy trình như bình thường, và ở nhóm còn lại, thiết bị quan sát sẽ được để lại bên trong cơ thể ở trạng thái không di chuyển trong 20 giây. Các đầu dò không di chuyển nên cũng không gây ra sự khó chịu. Và kết quả là, nhóm thứ hai đã đánh giá trải nghiệm của họ tốt hơn một chút so với nhóm đầu tiên. Từ đó, các nhà nghiên cứu cho rằng có sự khác biệt xảy ra là do nhóm thứ hai đã trải qua một kết thúc nhẹ nhàng hơn, nên với họ, ký ức về nó không phải là một thứ gì quá khó chịu.

Schreiber và Kahneman (2000) đã chỉ ra rằng những âm thanh lớn tạo ra cảm giác khó chịu cũng cho thấy một hiệu ứng đỉnh-đích rõ ràng.

Kết quả từ nghiên cứu ngâm tay nước lạnh ở trên cũng đã một lần nữa được chứng minh trong một thí nghiệm sử dụng tiếng ồn khó chịu (Schreiber và Kahneman, 2000). Những người tham gia đã tiếp xúc với một loạt tiếng ồn khó chịu với các mức độ khác nhau về độ ồn và tần số. Kết quả là, trí nhớ về trải nghiệm này đã được cải thiện bằng cách chèn vào một khoảng thời gian trong đó âm lượng được giảm bớt.

Mức độ hài lòng hoặc khó chịu tổng thể đã được đánh giá sau nghiên cứu như sau: trải nghiệm 16 giây ở mức 78 dB được đánh giá là tệ hơn so với trải nghiệm 24 giây ở mức 66 dB.

Finn và các cộng sự (2010) đã khám phá ký ức về sự khó chịu trong một trải nghiệm học tập đầy nỗ lực cùng tác động của việc đánh giá này đối với các nghiên cứu trong tương lai. Thiết kế của hai nghiên cứu này cũng tương tự với nghiên cứu ngâm tay trong nước lạnh. Những nhà nghiên cứu đã sử dụng một trải nghiệm học tập đầy thử thách thay vì một trải nghiệm đau đớn.

Một đợt nghiên cứu với những nỗ lực mạnh mẽ đã kéo dài do một đợt nghiên cứu vừa phải đã được ưu tiên diễn ra trong một thời gian ngắn hơn, dù điểm kiểm tra đã được cải thiện sau đánh giá.

LÝ THUYẾT ĐỈNH–ĐÍCH VỀ SỰ HÀI LÒNG

Bên cạnh những trải nghiệm đau đớn, các nhà nghiên cứu cũng đã nghiên cứu hiệu ứng đỉnh-đích trong những trải nghiệm thú vị. Và các kết quả cho thấy ký ức của chúng ta về những trải nghiệm vui vẻ cũng không chính xác.

Kahneman đã khám phá điều này có liên quan như thế nào đến tâm lý hài lòng và các thước đo hạnh phúc trong quyển sách Thinking Fast and Slow (Tư duy nhanh và chậm) mà ông đã viết vào năm 2011. Một điều đáng chú ý là trải nghiệm về sự hài lòng hay cảm giác đau đớn tại thời điểm này sẽ được thay thế bằng ký ức về sự hài lòng hoặc nỗi đau đó (tức cách nó được cảm nhận thông qua việc nhớ lại).

Diener, Wirtz và Oishi (2001) đã tiến hành các nghiên cứu nhằm khám phá tác động của lý thuyết đỉnh-đích đối với những trải nghiệm tích cực. Trong nghiên cứu, những người tham gia đã đánh giá một cuộc sống tuyệt vời nhưng kết thúc đột ngột vẫn tốt hơn một cuộc sống dài hơn, nhưng mỗi ngày trôi qua không có gì thay đổi. Các nhà nghiên cứu gọi đây là Hiệu ứng James Dean.

Fredrickson và Kahneman cũng đã tiếp tục các nghiên cứu về trải nghiệm thú vị. Trong nghiên cứu của họ (1993), những người tham gia được xem một loạt các video với thời lượng và cảm giác dễ chịu tương tự nhau. Và họ nhận thấy rằng hầu hết mọi người đã không để ý đến những cảnh gây xúc động khi thực hiện đánh giá. Họ chủ yếu dựa vào một số ít những khoảnh khắc trong tập phim để đưa ra kết luận của mình.

Các nghiên cứu cũng đã khám phá tác động của lý thuyết đỉnh-đích đối với hành vi của người tiêu dùng. Như việc quảng cáo truyền hình sẽ được người xem đánh giá cao hơn nếu có những cảnh cao trào cùng một cái kết có hậu (Baumgartner, Sujan, & Padgett, 1997).

Các nhà nghiên cứu Do et. al (2008) cũng đã áp dụng các khái niệm đỉnh-đích đối với những vật chất hữu hình thông qua việc nghiên cứu về sự ảnh hưởng của tính tích cực và thời gian đối với các đánh giá về những món vật chất này. Cuối cùng, họ đã đưa ra kết luận rằng quy tắc đỉnh-đích áp dụng cho cả vật chất và tinh thần.

Họ phát hiện ra rằng trẻ em cảm thấy hài lòng hơn sau khi nhận được một thanh socola so với khi cũng nhận được một thanh socola giống như vậy nhưng có kèm theo một chiếc kẹo cao su. Do sự đánh giá của chúng chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi những sự vật, sự việc ở cuối trải nghiệm, nên ngay cả khi được nhận 2 loại kẹo, chúng chỉ thích thanh sô cô la. Và việc cung cấp thêm một chiếc kẹo cao su đã khiến cả trải nghiệm trở nên kém thú vị hơn đối với chúng.

Do và cộng sự (2008) cũng đã khám phá hiệu ứng đỉnh-đích trong việc nhận quà. Những người tham gia sẽ được tặng quà và sau đó đánh giá mức độ hạnh phúc khi nhận được những món quà đó. Các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng những người tham gia sẽ cảm thấy ít hạnh phúc hơn với một món quà đáng mơ ước nếu nó được tặng kèm theo một món quà ít được mong muốn hơn.

Phương pháp của họ bao gồm phần thưởng cho sinh viên đại học là một phần của dự án gây quỹ bằng cách cho phép họ chọn một đĩa DVD từ một hoặc hai danh sách. Những người tham gia có thể chọn từ “danh sách A” - các phim được xếp hạng cao nhất và “danh sách B” - các phim ít được yêu thích hơn.

Sau khi kết thúc trải nghiệm, những người được nhận một món quà mà họ không thích sẽ cảm thấy không vui bằng. Và các nhà nghiên cứu đã báo cáo như sau: “Hai điều tích cực sẽ được đánh giá thấp hơn một điều tích cực nếu điều thứ hai kém tích cực hơn.”

Nghiên cứu ủng hộ việc một sự kiện có đỉnh điểm thú vị ở cuối sẽ được ghi nhớ một cách tích cực. Đồng thời, có các nghiên cứu đã chỉ ra rằng thêm một kết thúc tích cực cho một buổi tập thể dục dễ chịu sẽ tác động đến quyết định lặp lại bài tập ấy (Soundarapandian 2009). Trong cuộc thảo luận, các hoạt động tập thể dục được khuyến nghị nên kết thúc ở mức độ cao.

Chúng ta có thể vận dụng hiểu biết này trong sự thiên vị tư duy một cách có lợi cho mình. Nó sẽ cung cấp dữ liệu để chúng ta tác động đến các trải nghiệm của mình trong tương lai. Các hàm ý từ nghiên cứu cho thấy rằng chúng ta có thể tạo ra các sự kiện cao trào hoặc nổi bật trong trải nghiệm của mình để nâng cao cảm giác vui sướng.

Chúng ta có thể tận dụng thủ thuật của lý thuyết đỉnh-đích để quyết định cách ký ức được hình thành. Sẽ rất tốt nếu chúng ta nuôi dưỡng trong mình những ký ức vui vẻ.

Hãy cùng xem qua các mẹo sau để cải thiện khả năng ghi nhớ của bạn:

Cố gắng kết thúc trải nghiệm với một tình huống có sự cao trào. Tìm một điều tích cực để tập trung vào ở cuối trải nghiệm.

Cố gắng không tập trung vào các yếu tố tiêu cực của một tình huống. Nếu phải xếp hàng chờ đợi, hãy nghĩ rằng mình may mắn nhường nào khi được lên đầu hàng. Nếu có một trải nghiệm dịch vụ kém tại một nhà hàng, hãy tập trung vào bữa ăn ngon của mình.

Cố gắng đừng để những khó chịu hoặc phiền toái nhỏ làm ảnh hưởng đến hồi ức về toàn bộ trải nghiệm của bạn.

Nhiều trải nghiệm có thể được đúc kết lại vào lúc này để tạo ra những cảm xúc tích cực và mãnh liệt hơn.

Nhờ vào việc hiểu rõ lý thuyết đỉnh-đích này, chúng ta có thể trao quyền cho bản thân trong việc cải thiện niềm hạnh phúc, sức khỏe và tâm trí. Chúng tôi hy vọng bạn thích bài viết này và có thể tìm cách khai thác giá trị của khoa học hành vi!


Tác giả: Karen Doll, Psy.D., L.P.

Link bài gốc: What is Peak-End Theory? The Truth About How Our Memory Can Fool Us

Dịch giả: Hải My - ToMo - Learn Something New

References