Làm sao để tha thứ nhưng không quên lãng?

Tha thứ là gì?

Tha thứ là chọn không để cho những sự kiện tiêu cực trong quá khứ quyết định cách bạn cảm nhận về một người hoặc một chuyện nào đó ở hiện tại.

Tha thứ mang lại rất nhiều lợi ích về sức khỏe tinh thần. Nó tăng niềm hạnh phúc, giảm cơn giận và đau buồn, xoa dịu lo âu và trầm cảm. Nó cải thiện các mối quan hệ, đồng thời giúp bạn bớt nghi ngờ bản thân hoặc cảm thấy thiếu an toàn với người khác.

Quan trọng là: Tha thứ không có nghĩa là quên đi. Nếu ai đó lừa bạn một món tiền thì sau đó bạn không thể tiếp tục cho họ mượn chiếc xe được. Bạn có thể tha thứ cho họ nhưng vẫn nên giữ ranh giới “bước qua xác tôi đi rồi tính” trong việc tiền nong hoặc mượn nợ. Tương tự, bạn có thể tha thứ cho ai đó và rồi gạt họ ra khỏi cuộc sống của mình. Người đó cũng chẳng cần biết rằng bạn đã tha thứ cho họ. Bạn chỉ cần tha thứ cho họ để tốt cho mình và sống tiếp cuộc đời mình thôi.

Bạn cần hiểu rằng tha thứ là một quá trình thuần về tâm lý, không nhất thiết phải tạo ra một kết quả thực tế nào (trừ khi bạn muốn).

Khi bạn mang sự bực tức trong người, dù là với bản thân hay với người khác, thì cũng tạo thành một gánh nặng như thể đeo gông xích trên vai. Nó rút cạn năng lượng, gia tăng căng thẳng và khiến bạn lúc nào cũng u buồn nhàm chán. Vì thế phát triển khả năng gạt bỏ cơn bực tức và tha thứ là điều căn bản giúp bạn tỉnh táo. Đó là lý do vì sao hầu hết các tôn giáo đều khuyến khích điều này.

Vấn đề của việc bực tức là nó ép bạn phải sống trong quá khứ. Cũng giống như việc hối hận,  khi bạn không cách nào tha thứ cho chính mình hoặc người khác, bạn hoặc họ sẽ bị “kẹt” tại thời điểm mà sự việc tồi tệ đó diễn ra. Họ không thể nào thay đổi hoặc cải thiện thành phiên bản khác trong nhận thức của bạn, cùng lắm thì chỉ khác ở vẻ ngoài.

Vấn đề của việc bực tức là nó ép bạn phải sống trong quá khứ. Tha thứ giúp bạn gạt bỏ nó và tỉnh táo hơn.

Tuy nhiên tha thứ nói thì dễ hơn làm. Và nó không phải là liều thuốc tuyệt đối. Có trường hợp tôi đã tha thứ cho ai đó trong quá khứ nhưng vẫn có thể thấy không thoải mái khi gặp họ. Đôi lúc tôi còn muốn tránh mặt họ. Có lúc quá khứ ấy dội ngược về và tôi lại phải tha thứ cho họ lần nữa.

Nhưng đối với những vấn đề nhỏ nhặt hơn, khả năng tha thứ và bước tiếp rất cần thiết để duy trì một mối quan hệ lành mạnh và hạnh phúc với những người mà bạn quan tâm. Thậm chí cả khi bạn bị chọc giận, bạn cũng sẽ không để cơn giận định nghĩa bản thân hoặc mối quan hệ đó. Nếu không, nó sẽ là chiếc vé tốc hành một chiều đưa mối quan hệ đến bước đường độc hại.

Làm thế nào để tha thứ cho người khác?

Tha thứ không hề dễ dàng, bởi vì nó vốn dĩ thuộc phạm trù cảm xúc. Tự nhủ những câu như “Mình nên tha thứ cho bố vì say xỉn mà đã bỏ lỡ buổi lễ tốt nghiệp của mình.” thì dễ, nhưng đến lúc phải gạt đi cơn tức giận và phán xét đó, cái khó mới bắt đầu.

Dưới đây là 5 bước cho một quy trình giúp tăng khả năng tha thứ hơn trong mối quan hệ.

1. Tách bạch hành vi với người làm ra hành vi đó

Tôi rất thích một câu nói là quy tắc “dao cạo” Hanlon: “Never attribute to malice what can be attributed to stupidity.” (Đừng bao giờ đánh giá một điều là độc ác nếu nó có thể bắt nguồn từ sự vô tri.)

Bởi vì tôi tin rằng trên đời này số người thật sự có ác ý thì rất ít, nhưng khi bị đẩy vào ngữ cảnh sai và hiểu sai thông tin thì hầu như ai cũng có thể bị hiểu nhầm thành một kẻ trẻ người non dạ đáng ghét.

Tất cả chúng ta đều phạm vào những hành vi không thật sự phản ánh đúng con người mình. Chỉ mới tuần trước, một mình tôi ăn hết cả hộp kem để rồi dằn vặt mình suốt 6 tiếng đồng hồ sau đó. Điều đó có nói lên rằng tôi thuần tuý là một kẻ phàm ăn? Không, đấy chỉ là một hành động mà tôi không mấy tự hào thôi. Nó không liên quan gì đến giá trị của tôi, hay hình mẫu con người mà tôi hướng đến. Nó cũng đã xảy ra rồi, nên tôi cứ tha thứ cho mình và để chuyện trôi qua.

Việc tách bạch hành động với người làm ra hành động đó là điều thiết yếu để thân thiết hơn với bất cứ ai. Sống trên đời ai mà chẳng từng làm điều xấu, nhưng chỉ một số ít là người xấu.

Đạo Kitô có câu “Love the sinner, hate the sin.” (Lên án tội lỗi, yêu thương kẻ có tội.) Tư tưởng này cũng hiện hữu trong các tôn giáo khác dưới hình thức riêng. Hầu hết các tôn giáo đều hình thành tư tưởng xoay quanh việc tha thứ vô điều kiện. Và tha thứ bắt nguồn từ việc tách bạch hành động với con người.

Dưới góc nhìn đời thường hơn, nếu bạn nghiên cứu đủ về tâm lý học, bạn sẽ nhận ra không có thứ gọi là “cái tôi” nào cả. Đó chỉ là một hình thái tưởng tượng, một đối tượng tinh thần luôn dịch chuyển, biến thiên và tiến hoá. Theo đó, bất cứ “người xấu” nào cũng sẽ không ngừng dịch chuyển, biến thiên và tiến hoá, hoặc ít nhất là có tiềm năng như thế. Vì vậy, tập trung vào tiềm năng thay đổi hoặc cải thiện, hay nói cách khác là khả năng đổi mới niềm tin và hành động, chính là cốt lõi của việc tha thứ.

2. Hiểu được động cơ của họ

Người ta gây thương tổn bởi vì đã từng chịu tổn thương. Người có ác ý rất ít, hầu hết những người muốn được thỏa mãn bằng cách khiến bản thân hoặc người khác tổn thương đều đang cần bù đắp lại cho nỗi đau họ phải chịu. Thông thường những điều kinh khủng họ làm đều bị chi phối bởi các hệ thống niềm tin tồi tệ, mà họ thì lại quá ngu ngốc, sợ hãi hoặc không dám đặt nghi vấn về những niềm tin ấy.

Nhưng dù họ đã làm gì, hãy tìm hiểu sâu xa về động cơ hơn là một kết luận “chỉ vì kẻ đó tồi tệ”. Ví dụ như:

  • Một người vợ ngoại tình vì cảm thấy bị đối đãi thờ ơ và cô đơn, và ngoại tình là hành động tìm kiếm sự chú ý trong tuyệt vọng, để biết rằng vẫn còn người quan tâm.
  • Một người đàn ông trốn thuế vì anh ta lo sợ mình sẽ không đủ tiền trang trải cho gia đình.
  • Một kẻ nào đó ăn cắp điện thoại của bạn bởi vì kẻ đó lớn lên trong cái đói nghèo và cả đời đã liên tục bị vùi dập trong một hệ thống thối nát.

Dù những nguyên nhân này có thật hay không, điều mấu chốt là không ai nghĩ rằng mình xấu xa cả. Tất cả đều cảm thấy mình có lý do để làm vậy, không thì họ đã không làm.

Bạn cũng có thể nói “Nhưng cảm thấy cô đơn hay bị thờ ơ không có nghĩa là được phép phá hoại hôn nhân như thế.” Bạn nói đúng. Nhưng chúng ta đang tách bạch hành vi với con người mà, nhớ không? Những điều trên không phải để bào chữa, mà đơn thuần là lời giải thích. Trước khi bạn có thể tha thứ cho ai đó, tốt hơn là nên hiểu vì sao họ làm thế.

Bởi vì tha thứ là hình thái sau cùng của thấu cảm. Nếu không hiểu động cơ của họ thì sao mà thấu cảm với họ được.

3. Thấu cảm

Đây mới là phần khó nhất: bạn phải thấu cảm với kẻ đó. Thấu cảm là khi bạn hiểu cho nỗi đau đã thúc đẩy kẻ đó và hình dung mình cũng có chung nỗi đau đó. Bạn cần thách thức bản thân cảm nhận mọi điều họ đã trải qua mà bạn có thể tưởng tượng được, sau đó hình dung mình cũng phải trải qua chúng.

Thấu cảm là phần khó nhất khi tha thứ, khi bạn cần hiểu cho nỗi đau đã thúc đẩy kẻ đó và hình dung mình cũng có chung nỗi đau đó.

Không phải chuyện dễ. Nhưng khả năng thấu cảm lại là một trong những kỹ năng quan trọng nhất của con người, phân biệt chúng ta với những loài động vật khác. Nó giữ chúng ta trong giới hạn đạo đức và trao thêm ý nghĩa cho cuộc sống.

Thấu cảm là tha thứ và ngược lại. Nếu tha thứ là khả năng nhìn nhận một người từ nhiều khía cạnh, thì thấu cảm với họ là phương tiện đưa bạn đến với điều đó. Chỉ khi bạn không còn đánh đồng một hành động sai trái là toàn bộ tính cách của một người, bạn mới chạm đến trạng thái tha thứ.

4. Đặt giới hạn

Khi đã thấu cảm với một người, đã đến lúc tự hỏi bạn có muốn người đó xuất hiện trong cuộc đời mình nữa hay không.

Cái khó ở giai đoạn này phụ thuộc vào mối quan hệ giữa bạn và người đó. Nếu đó là người lạ thì quá dễ, chỉ cần bảo họ biến đi cho khuất mắt. Nhưng nếu là một người bạn thì sẽ khó hơn. Nếu là gia đình thì vô cùng nan giải. Còn nếu đứa khó ưa đó là bản thân, vậy thì hoàn toàn bất khả thi.

Tóm gọn lại thì bạn có thể:

  • Đặt luật lệ. Quy định đâu là hành vi bạn có thể và không thể chấp nhận.
  • Quyết định hậu quả nếu có ai đó phá luật.
  • Trao đổi những điều trên một cách bình tĩnh và chân thành.

Với ranh giới, kết quả không quan trọng. Có người sẽ tôn trọng giới hạn của bạn, có người không. Mà quan trọng là ranh giới cho bạn phương án rõ ràng cho từng trường hợp và từng đối tượng.

5. Tảng lờ những cảm xúc đi kèm

Bước cuối cùng là giải thoát những cảm xúc đã hình thành trong khoảng thời gian bạn thù ghét người đó. Bao gồm tất cả những thù hằn, giận dữ, viễn cảnh trả thù hay rủa xả. Dù biết không giúp ích gì, cảm xúc về người đó vẫn sẽ trỗi dậy trong bạn, nhưng cứ bỏ qua đi.

Có truyện ngụ ngôn của người Mỹ bản địa kể rằng trong nội tâm chúng ta có hai con sói luôn đấu tranh. Một con là tình yêu, một con là nỗi sợ. Con nào được nuôi dưỡng nhiều hơn thì sẽ mạnh hơn và áp đảo con còn lại. Vì thế hãy nuôi dưỡng con sói đại diện cho tình yêu.

Làm sao để tha thứ cho bản thân?

Nhưng nếu đứa tồi tệ mà bạn không thể tha thứ là chính mình thì sao? Trong đời, ai cũng từng làm những việc khiến mình hối hận, xấu hổ và tội lỗi đến mức chỉ mong được thu hồi.

Về cơ bản thì cả quá trình tha thứ cũng tương tự vậy. Tách bạch hành động với con người – Tôi đã từng làm một chuyện tệ hại nhưng không có nghĩa tôi là người tệ hại. Hiểu động lực đằng sau – Nỗi bất an hay sự vô tri nào đã khiến tôi làm thế?

Thấu cảm có lẽ là giai đoạn khó nhất, bạn thường đổ lỗi cho bản thân tới mức nào vì một việc không phải do lỗi của mình?

Khi còn nhỏ, chúng ta có xu hướng nhìn mọi thứ chủ quan và đổ lỗi cho mình về mọi thứ tệ hại xảy đến. Chúng ta cứ thế lớn lên và mang theo nỗi hổ thẹn lẫn tội lỗi đó mà không hề nhận ra. Có lẽ phải mất nhiều năm trời trị liệu và vỗ về nội tâm thì mới loại bỏ được điều đó.

Nhưng nếu muốn tha thứ cho chính mình, bạn cần phải thấu cảm. Rất nhiều người gặp khó khăn trong việc thấu cảm, hoặc trắc ẩn với chính mình. Mách cho bạn một mẹo nhỏ: Mỗi khi nổi điên với bản thân vì điều gì đó, hãy thử nghĩ xem nếu đó là bạn thân của mình thì sao? Bạn có đánh giá, chỉ trích bạn mình không? Có mắng mỏ không? Chắc là không. Có khi bạn còn trắc ẩn và thông cảm với họ nữa. Bạn sẽ nói gì với họ? Giờ thì thử nói điều đó với chính mình đi.

Đặt ranh giới – trong trường hợp này là đặt luật lệ cho bản thân. Chẳng hạn “Lần sau mà còn uống say nữa, mình sẽ không gọi cho người yêu cũ,” hoặc “Khi mình làm bố mẹ, mình sẽ không bao giờ đối xử với con như thế.” Hối hận sẽ chỉ là hối hận nếu bạn không rút ra bài học nào từ đó. Hãy đặt luật lệ từ nỗi đau mình từng gánh chịu.

Cuối cùng là bỏ qua những cảm xúc đi kèm. Thù ghét bản thân là chuyện mệt mỏi và chẳng đáng. Bạn có thể dành năng lượng vào những thứ tốt đẹp hơn nhiều. Hãy để sự việc trôi qua và thay vì cứ mãi ám ảnh bởi con người trước đây, hãy tập trung vào con người bạn có thể trở thành.

Cứ thế hãy tiến về phía trước một bước. Rồi một bước, một bước nữa. Và đừng bao giờ quay đầu nhìn lại.

References