Làm sao để quên đi sự hối tiếc của mình?

Được chuyển ngữ từ bài viết “How to Let Go of Your Regrets”, được đăng tải trên blog cá nhân của tác giả Mark Manson.


Hãy tưởng tượng bạn đang ở một bữa tiệc rượu mà mỗi vị khách đều là một phiên bản của bạn trong quá khứ.

Có một khu vực trò chơi với tất cả phiên bản thời thơ ấu của bạn. Một phòng xem TV nơi những cô/cậu nhóc cáu kỉnh mang dáng hình bạn thời tuổi teen đang xem video ca nhạc và chơi điện tử. Sau đó là hàng tá người lớn đi xung quanh, uống thứ đồ vô bổ nào đó mà bạn vẫn uống thời còn trẻ và trắng tay. Mỗi người đó tượng trưng cho một giai đoạn của đời bạn: Bạn của thời sinh viên cố tỏ ra thông minh hơn thực tế; bạn khi mới đi làm luôn thất vọng và kiệt sức; bạn khi mới biết yêu với ánh mắt trong sáng và thơ ngây.

Nghe có vẻ thú vị, nhưng tôi nghĩ bữa “Bữa Tiệc Cuộc Đời” này thật ra sẽ khá nhàm chán. Vì mỗi khi trò chuyện với một bản ngã trước kia, bạn biết tất cả những gì họ biết, trong khi họ chỉ biết một phần nhỏ của những gì bạn biết.

Nhưng không có nghĩa bữa tiệc sẽ không ấm áp. Bạn sẽ gặp lại phiên bản tuổi teen vụng về của mình, trấn an họ rằng những năm tháng trung học đau khổ rồi sẽ qua và mọi thứ rồi sẽ tốt đẹp. Bạn sẽ nói chuyện với cái tôi kiêu ngạo của chính mình năm 23 tuổi và nhẹ nhàng hạ nó xuống. Bạn sẽ tâm sự với phiên bản si tình của mình khi yêu lần đầu, khi còn đang đắm chìm trong xúc cảm của một mối quan hệ mới. Nhưng bạn sẽ không nói ra việc chàng trai/cô gái trong mơ ấy sẽ lôi trái tim của bạn ra và dùng búa đập nó hàng nghìn lần.

Thế nhưng, sẽ có một bản ngã trước đây mà bạn muốn tránh… bạn biết là ai rồi đó. Chính là người đã làm cái chuyện khủng khiếp mà bạn không tìm ra cách nào tha thứ cho chính mình. Nếu buộc phải đối mặt với họ, bạn sẽ ngay lập tức đay nghiến, “Làm sao mày có thể?!?! Mày đã nghĩ cái quái gì thế? Mày đúng là đồ ngốc, trời đất ơi”.

Thế là hỏng cả bữa tiệc. Bạn Của Hiện Tại chửi thẳng vào mặt Bạn Của Quá Khứ, trước ánh mắt kinh hoàng và cảm giác bị “bơ” của tất cả những bản ngã trước kia. Bữa Tiệc Cuộc Đời sẽ tan rã đúng vào khoảnh khắc tồi tệ này của đời bạn, tước đi cả niềm vui và điểm sáng của những khoảnh khắc khác.

Bữa Tiệc Cuộc Đời chính là hình ảnh ẩn dụ cho những gì xảy ra khi bạn hối tiếc. Bạn lãng quên tất cả những khoảnh khắc thú vị của đời mình để tập trung vào cái sai lầm cứ ám ảnh bạn mãi.

Hối hận là một dạng căm thù bản thân. Nếu bạn của ngày hôm nay là kết quả của mọi hành vi trong quá khứ, thì việc chối bỏ quá khứ là chối bỏ một phần của chính bạn.

Việc căm ghét một phần bản thân ở hiện tại không tốt cho tâm lý. Nhưng ghét một phần của quá khứ cũng chẳng khác biệt nhiều. Nó ẩn chứa sự xấu hổ, phẫn uất và khắc sâu sự ghê tởm bạn dành cho chính mình. Và nó khiến bạn kéo chùng không khí một buổi tiệc, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng.

Song cách để vượt qua sự hối tiếc không phải là lảng tránh, mà là vượt qua nó. Là nói chuyện thẳng thắn với chính con người cũ của bạn để hiểu vì sao bạn làm vậy. Là thông cảm, quan tâm và cuối cùng là tha thứ cho chính bạn của ngày xưa.

Học hỏi từ hối hận

Sự khác biệt giữa sai lầm và hối hận là gì?

Tôi cho rằng hối tiếc chỉ đơn giản là một sai lầm mà chúng ta vẫn chưa rút ra bài học. Thường thì chúng ta hối hận khi phạm một sai lầm kinh khủng đến nỗi khó mà rút ra được bài học thích hợp từ nó. Nhưng chúng ta hối hận không phải vì ghê tởm hành động của bản thân, mà vì thiếu trí tưởng tượng để rút ra được ý nghĩa từ nó.

Học hỏi từ sai lầm là yếu tố cơ bản để tránh trở thành kẻ tồi tệ. Nó cơ bản đến nỗi tôi không biết phải bắt đầu từ đâu. Nhưng đại khái là thế này: Nếu bạn phạm sai lầm nhưng học được một điều gì từ nó, thì cái sai đó bỗng trở nên hữu ích.

Khi đã thành thói quen, việc học từ sai lầm giống như một liều thuốc tiên biến mọi điều tồi tệ nhất trong đời thành thứ khiến chúng ta tốt hơn. Việc này không xóa bỏ hoàn toàn những cảm xúc tiêu cực, nhưng chắc chắn sẽ ngăn mọi thứ trở nên tồi tệ hơn.

Sự hối tiếc giúp ta thích ứng, nhưng cũng có thể làm ta đau. Khi cảm thấy hối hận, chúng ta hoặc lạc lối trong những sai lầm quá khứ, hoặc hành động để đảm bảo không lặp lại chúng.

Có thể bạn đã làm hỏng một mối quan hệ từ nhiều năm trước, và vẫn nhói đau mỗi khi nghĩ về nó. Thay vì tự hành hạ bản thân, hãy dùng nó để xác định những lý do khiến bạn mắc sai lầm:

Có thể vì bạn thiếu chú ý.

Có thể bạn đã hơi ích kỷ.

Có thể bạn giao tiếp chưa tốt lắm.

Cũng có thể mối tình của bạn đi kèm những điều kiện bất khả thi.

Để bước tiếp, bạn không thể hợp thức hóa những cảm xúc khó chịu này bằng cách đổ lỗi cho bản thân hoặc thế giới về sự đen đủi của mình. Bạn cần chấp nhận sai lầm của mình, hiểu những gì đã xảy ra và tích hợp chúng vào hiểu biết về chính mình hôm nay.

Cách này khiến bạn buộc phải chịu trách nhiệm với những sai lầm của mình, và như vậy bạn sẽ không lặp lại chúng. Đây mới chính là tác dụng của sự hối tiếc.

Nhưng tất nhiên điều này nói thì dễ hơn làm.

Tự vấn những câu chuyện của bạn

Trong cuốn sách Everything Is F*cked: A World About Hope, tôi đã giải thích tâm trí ta luôn xây dựng những câu chuyện để diễn giải những gì ta cảm thấy và trải nghiệm. Những mẩu chuyện này hiếm khi chính xác và hữu ích, nhưng ta cần chúng để giữ vững ý thức về bản thân.

Bằng cách đặt câu hỏi về những câu chuyện này, chúng ta có được cái nhìn sâu sắc hơn về lỗi lầm mình mắc phải. Nếu thành thật tự vấn bản thân, chúng ta sẽ thấy mọi chuyện không quá tệ như mình nghĩ.

Lấy ví dụ, Timmy mất toàn bộ số tiền anh tiết kiệm được vào một mô hình đa cấp. Anh cảm thấy tồi tệ. Vợ anh căm ghét anh, bạn bè chế nhạo anh. Anh không thể trả tiền thuê nhà. Mọi thứ đang sụp đổ trước mắt anh.

Vì nỗi đau mà việc này mang lại, Timmy tự xây dựng một câu chuyện cho mình: “Mình đã trắng tay vì mình là một thằng ngốc, mình đã tự hủy hoại đời mình. Giá mà thời gian quay lại để mình làm lại từ đầu”. Giờ anh đã cảm thấy hối hận.

Những câu chuyện tự thuật này nguy hiểm ở tính tự duy trì. Tâm trí ta là những cố máy chế tạo ý nghĩa, và những chuyện tiêu cực đặc biệt nguy hiểm. Nếu Timmy nghĩ rằng anh là thứ rác rưởi không biết quản lý tiền bạc, thì mỗi khi có trải nghiệm mới, anh đều nhìn nó dưới lăng kính tiêu cực đó. Anh cũng sẽ nghĩ rằng những điều tốt đẹp đến với anh chẳng qua là vận may, và những điều tồi tệ đều là lỗi của mình.

Vấn đề của cơ chế tự thuật này là chúng thường ngắn hạn, cảm tính và tự kỷ ám thị. Điều những câu chuyện của Timmy không nhắc đến là, việc mất tiền có thể mang lại một số lợi ích nhỏ nhưng lâu dài.

Ngoài việc học cách tránh xa những mô hình đầu tư mờ ám ở Las Vegas, kinh nghiệm của Timmy sẽ giúp anh nhìn nhận lại mức độ cam kết trong hôn nhân của mình. Nó có thể thay đổi mối quan hệ và triết lý của anh với tiền bạc theo hướng tích cực hơn. Nó dạy anh rằng để tồn tại, anh không cần nhiều thứ như anh nghĩ. Nó loại bớt những giá trị vật chất hời hợt anh đã mang theo suốt cuộc đời, và thay thế bằng những giá trị tinh thần lành mạnh hơn. Nó thử thách tình bạn của anh với một số người, và đưa anh xích lại gần gia đình đã giúp anh khi túng quẫn. Nó cho anh một lời cảnh báo hữu ích để khuyên người khác không giẫm vào vết xe đổ của mình.

Nếu Timmy dãn thời gian đủ lâu và zoom ống kính đủ rộng, một ngày nào đó anh có thể nhìn lại và nói, “đó là điều tuyệt nhất mà mình từng gặp phải”. Thực tế hầu như ai cũng nghĩ vậy: Trải nghiệm đau đớn nhất lại là trải nghiệm quan trọng nhất đời họ.

Nhưng để đạt được cảnh giới đó, bạn phải thoát ra khỏi lối mòn của chính mình. Bạn phải xóa bỏ những câu chuyện tự thuật vớ vẩn ấy đi.

Nghe lặp lại những “bài ca” tệ nhất của chúng ta

Khi cảm thấy hối tiếc, chúng ta đang sống lại quá khứ của chính mình. Chúng ta đang kể đi kể lại câu chuyện của mình. Ta đang sống như thể quá khứ vẫn đúng, dù từ lâu nó đã không còn giải thích thế giới một cách thỏa đáng, và câu chuyện chắp vá tiếp tục khiến ta đau lòng.

Vấn đề nằm ở chỗ chúng ta định danh bản thân trong những cơ hội hụt này. Ta coi chúng là bản sắc đã mất của chính mình, là con người đáng nhẽ ta phải trở thành. Và rồi ta tự hành bản thân với hình ảnh lý tưởng hóa đó.

Ví dụ bạn đang làm một công việc chán ngắt. Và hiện tại bạn không còn mạo hiểm như trước, vì vậy bạn nghĩ rằng đã quá muộn để bắt đầu một điều gì mới. Bạn quá lớn tuổi để đi học lại, ở trong ngành quá lâu để có thể rẽ hướng, và quá ổn định trong cuộc sống để thực hiện những thay đổi ảnh hưởng đến người khác, chẳng hạn như gia đình bạn.

(Nhân tiện, tất cả những điều này có lẽ đều sai).

Vậy là bạn đã xây dựng hình mẫu lý tưởng phản ánh con người bạn muốn trở thành từ 10, 15 hay 20 năm trước, chứ không phải bạn của ngày hôm nay. Và hình mẫu đó mang đặc điểm:

  • Còn trẻ, vì khi đó bạn phải đi học;
  • Độc thân và chưa phải gánh vác nhiều trách nhiệm, vì đó là lúc bạn phát triển nền tảng sự nghiệp của mình.

Đầu tiên và quan trọng nhất, tuổi trẻ chỉ là một khái niệm nhân tạo mà bạn cho rằng nó quan trọng. Bạn không cần nghĩ như vậy nếu bạn không muốn.

Tôi từng mong trở thành một nhạc sĩ. Nhưng rồi tôi bỏ học trường nhạc. Nhưng tôi không ngồi đó mà nghĩ “trời đất ơi, nếu không bỏ học thì giờ này mình là nhạc sĩ rồi - mình bị làm sao vậy?”. Vì tôi nhận ra rằng ước mơ trở thành nhạc sĩ của tôi là lý tưởng hoàn toàn cảm tính, và tôi có thể thay đổi nó.

Nếu có phương pháp nào giúp bạn “sống lại” tuổi trẻ của mình, nó có thể đòi hỏi bạn phải tự huyễn bản thân theo cách tiêu cực. Hội chứng Peter Pan là một cách như vậy.

Trong khi mỗi năm trôi qua, bạn lại già đi một chút, lượng trách nhiệm bạn gánh cũng nhiều thêm một chút. Kết quả là bạn ngày một xa rời cái hình mẫu lý tưởng này. Khi nhận ra nó là điều quá xa vời, bạn cảm thấy nó dần biến mất. Và bạn hối tiếc vì nó đã lãng phí của bạn quá nhiều thời gian.

Hãy để bản dạng đó chết đi. Nó chẳng có ích gì cho bạn nữa, mà nó cũng chưa từng như vậy.

Thay vào đó, hãy chọn lấy con đường sự nghiệp đúng đắn cho bạn của hiện tại. Vì bạn đã từng trải hơn, khôn ngoan hơn, và bạn biết chính xác mình muốn gì. Việc già đi thật ra có rất nhiều lợi thế, bạn hãy tận dụng chúng mà bước tiếp.

Khi vượt qua những hối tiếc và chấp nhận sự sai lệch về bản dạng lý tưởng, bạn đã tự giải phóng bản thân để chịu trách nhiệm cho hiện tại.

Hối hận và trách nhiệm

Tôi đã từng nói rằng, để từ bỏ một mối quan hệ, bạn cần chấp nhận rằng một phần của bạn - cái phần chỉ sinh ra và tồn tại khi bạn hẹn hò người đó - đã vĩnh viễn biến mất.

Sự hối tiếc cũng vậy. Để khép lại sự hối tiếc của mình, bạn cần để bản dạng cũ đó “một đi không trở lại”. Có như vậy bạn mới biết được hối tiếc đang dạy mình điều gì.

Điều này nghe rất trớ trêu: trong Bữa Tiệc Cuộc Đời ở trên, phiên bản quá khứ duy nhất có thể dạy bạn điều bạn chưa từng biết chính là Bạn Khi Hối Hận. Nó sẽ cho bạn thấy những câu chuyện của bạn sai ở đâu, bạn đã hiểu sai bản thân ở chỗ nào, và ở nơi nào bạn đang chối bỏ trách nhiệm về cuộc sống và nỗi đau của mình.

Chúng ta thường bám lấy sự hối tiếc như một cách để trốn tránh trách nhiệm. Và đối mặt với chính mình trong giây phút hối hận sẽ khiến trách nhiệm trở nên không thể chối bỏ. Chúng ta phải đối mặt và chấp nhận con người thật của chính mình. Và điều đó có thể rất đau đớn.

Sự hối tiếc giống như một quang phổ với các sắc màu cảm xúc khác nhau. Một mặt của quang phổ là màu sắc đen tối trong tâm trí khi chúng ta nhận ra mình đã thất bại và thiếu sót thế nào. Nhưng mặt còn lại - mặt làm nên giá trị của hối tiếc - là ánh sáng nó chiếu vào. Ánh sáng đó giúp ta hiểu rõ hơn về bản thân, và chấp nhận cả phiên bản lỗi của chính mình trước kia.

Cuối cùng, ngọn lửa tiếc nuối cháy âm ỉ trong bạn bao năm thực sự chỉ là cái chết từ hàng ngàn vết cắt nhỏ. Vì vậy, hãy để ngọn lửa ấy bùng lên thành một đám cháy rừng thiêu rụi mọi thứ trên đường đi của nó. Bạn có thể gieo hạt cho một điều tốt hơn trong đống tro tàn.

References