Kiêu Ngạo

Một ngày nọ, Vivekananda đang đi dạo gần dãy Himalayas và định sang bờ sông bên kia. Anh nhìn thấy một chiếc thuyền vừa mới rời bến, bèn kiên nhẫn ngồi đợi nó quay lại. Trong lúc đó, một sadhu (tu sĩ khổ hạnh – rất được người dân Ấn Độ tôn sùng) đi qua.

Nhìn thấy Vivekananda ngồi đó, vị tu sĩ này bước tới và hỏi: “Sao anh lại ngồi ở đây?”.

Vivekananda trả lời rằng anh đang đợi thuyền quay lại đón mình.

Vị tu sĩ kia lại hỏi: “Tên anh là gì?”

Vivekananda đáp rằng: “Tôi là Vivekananda”.

“À, hóa ra anh là cái anh chàng Vivekananda nổi tiếng đó hả, người cứ tưởng nói được tiếng nước ngoài là sẽ trở thành một tu sĩ vĩ đại đó sao?”

Vivekananda im lặng không nói gì.

Sau đó vị tu sĩ kia thể hiện bằng cách đi trên mặt nước rồi quay trở lại hỏi Vivekananda: “Anh có làm được như tôi không?”

Vivekananda bày tỏ sự kính nể, rồi khiêm nhường hỏi lại rằng: “Đó đúng là một sức mạnh vĩ đại. Nhưng ông có thể cho tôi biết ông mất bao lâu để có được sức mạnh ấy không?”

Vị tu sĩ trả lời, không giấu nổi sự tự hào: “Không dễ đâu. Ta đã phải mất 20 năm trời khổ luyện mới đạt được đấy”.

Đến lúc này, Vivekananda mới đáp lại nhẹ nhàng: “Ông mất 20 năm mới học được một thứ mà một con thuyền có thể giúp tôi làm trong 5 phút. Lẽ ra ông nên dành 20 năm để giúp những con người cơ cực thì hơn. Ông đã lãng phí 20 năm để tiết kiệm 5 phút, đó không phải là sự thông tuệ đâu”.

Nghe những lời đó, vị tu sĩ già chẳng còn biết nói gì, đành im lặng bỏ đi.

Lời bàn: Dù có giỏi giang đến mấy, con người ta cũng không nên kiêu ngạo và khoe khoang, vì núi cao sẽ còn có núi cao hơn nữa, trên đời không thiếu những người thông minh và tài trí hơn ta. Nếu chỉ vì muốn thể hiện, nhiều khi ta sẽ chỉ tự khiến bản thân bị mất mặt mà thôi.