Khi quá nhiều lựa chọn không mang lại cho bạn tự do

Được chuyển ngữ từ bài viết “#FakeFreedom” đăng trên blog cá nhân của tác giả Mark Manson.


Đây hẳn là một thời điểm kỳ lạ để trở thành doanh nhân siêu thành công. Một mặt, thị trường kinh doanh đang cực kỳ thuận lợi. Thế giới đang có nhiều của cải hơn bao giờ hết, lợi nhuận đang phá vỡ mọi kỷ lục, năng suất và tăng trưởng đều rất tốt. Mặt khác, sự bất bình đẳng về thu nhập cũng tăng vọt, sự phân cực chính trị phá hủy mọi cuộc họp gia đình và tham nhũng dường như đã trở thành một dịch bệnh lây truyền khắp thế giới.

Vì vậy, trong giới kinh doanh hoa mỹ thi thoảng lại có một kiểu phòng thủ kỳ lạ không biết từ đâu ra. Và tôi nhận thấy kiểu phòng thủ này dù đến từ ai thì đều ở cùng một dạng: “Chúng ta chỉ đang cung cấp cho con người ta những gì họ muốn!”.

Dù là các công ty dầu mỏ hay mấy nhà quảng cáo đáng sợ ăn cắp hết dữ liệu của bạn trên Facebook, doanh nghiệp nào cũng “phủi bụi” bằng cách liên tục nói họ đang cố cung cấp cho mọi người những gì họ muốn: Tốc độ tải xuống nhanh hơn, điều hòa thoải mái hơn, tiết kiệm xăng hơn hay thậm chí một cái máy tỉa lông mũi rẻ hơn.

Điều này nghe thì sai trái, nhưng nó là sự thật. Công nghệ mang đến cho mọi người những gì họ muốn nhanh và hiệu quả hơn bao giờ hết. Và dù chúng ta đều thích ca ngợi các lãnh đạo doanh nghiệp vì vẻ ngoài đạo đức của họ, ta quên rằng họ chỉ thuần túy đáp ứng đáp ứng nhu cầu của thị trường, của chính chúng ta. Nếu chúng ta tẩy chay Facebook, BP hay bất cứ tập đoàn nào bị coi là “độc ác” khi bạn đang đọc bài này, thì một cái khác sẽ xuất hiện để thế chỗ.

Thế nên là, vấn đề không chỉ nằm ở những vị giám đốc tham lam vừa hút xì gà vừa hả hê trước số tiền họ kiếm được đâu. Mà có lẽ những gì chúng ta muốn cũng tệ không kém.

Lấy ví dụ, tôi muốn có một túi kẹo dẻo cao ngang người mình trong phòng khách. Tôi muốn mua một căn biệt thự trị giá 8 triệu dollar bằng tiền đi vay mà tôi không bao giờ trả lại được. Tôi muốn mỗi tuần bay đến một bãi biển trong năm tới và ăn thịt bò Wagyu quanh năm suốt tháng.

Những gì tôi muốn thật khủng khiếp. Là vì nó do Bộ Não Cảm Giác của tôi phụ trách. Và cái khu vực đó giống như một con tinh tinh chết tiệt vừa uống một chai tequila rồi dùng nó thủ dâm.

Vì vậy mà theo tôi, “cho mọi người những gì họ muốn” là một tiêu chuẩn khá thấp về mặt đạo đức. Nó chỉ phát huy tác dụng khi bạn cho người ta một phát minh nào đó, chẳng hạn thận nhân tạo hay một thiết bị ngăn xe hơi bốc cháy. Hãy cho những người đó điều họ muốn. Nhưng cho mọi người quá nhiều lựa chọn lại là một trò chơi nguy hiểm.

Lý do thứ nhất là, phần đông mọi người muốn những thứ khủng khiếp. Thứ hai, con người ta dễ bị lôi kéo để thèm muốn những thứ họ không thực sự muốn. Thứ ba, khi con người có quá nhiều lựa chọn để né tránh nỗi đau, họ đều trở nên mong manh, yếu đuối hơn. Và thứ tư, tôi không muốn đi đâu cũng bị mấy quảng cáo trí tuệ nhân tạo của bạn bám theo và khai thác dữ liệu bằng mọi cách.

Một lần nọ, tôi đã nói với vợ về một chuyến đi đến Peru. Điều đó không có nghĩa bạn phải xả lũ những bức ảnh Machu Picchu vào điện thoại tôi trong sáu tuần tới. Và nghiêm túc đây, dừng ngay việc nghe các cuộc hội thoại và bán dữ liệu của tôi cho bất cứ ai trả tiền cho bạn.

Cha đẻ của ngành quan hệ công chúng là Edward Bernays tin rằng, tự do cho tất cả mọi người là điều vừa bất khả thi vừa nguy hiểm. Ông hiểu rõ rằng thứ cuối cùng xã hội này có thể chấp nhận là sự chiếm lĩnh của Bộ Não Cảm Giác. Xã hội nào cũng cần có trật tự, thứ bậc và quyền hành, mà tự do thì đi ngược với những điều đó. Ông coi marketing là món bảo bối thần kỳ có thể mang lại cảm giác tự do cho tất cả, trong khi thực tế nó chỉ cho mọi người thêm vài mùi kem đánh răng nữa để họ chọn mà thôi.

Rất may, phần lớn chính phủ phương Tây không bao giờ “hèn” đến mức dùng các chiến dịch quảng cáo để thao túng người dân. Thay vào đó, điều ngược lại xảy ra. Các doanh nghiệp giỏi đáp ứng nhu cầu của công chúng đến mức họ ngày một có thêm nhiều quyền lực chính trị.

Các quy định bị xé bỏ. Các bộ máy quan liêu chấm dứt. Quyền riêng tư bị xói mòn. Tiền bạc và chính trị trở nên dính líu nhau hơn bao giờ hết. Vì sao mấy chuyện này lại xảy ra? Đến giờ thì bạn nên tự biết rồi: Họ chỉ đang cung cấp những gì mọi người muốn!

Nhưng phải nói thật, “cho mọi người những gì họ muốn” chỉ là sự tự do giả tạo. Vì bản chất những gì chúng ta muốn là sự đa dạng lựa chọn, và khi bị ngập trong lựa chọn thì một vài chuyện sẽ xảy ra.

Đầu tiên là chúng ta ngày càng trở nên mong manh. Thế giới ngày một thu hẹp lại để tỉ lệ thuận với các giá trị ngày càng sa sút. Chúng ta trở nên ám ảnh với sự thoải mái và hài lòng. Và chỉ cần mất một chút sự hài lòng ấy thôi là ta cảm tưởng như vũ trụ sụp đổ. Cho phép tôi phản bác rằng việc thu hẹp thế giới giá trị của chúng ta không phải sự tự do, mà là điều ngược lại.

Thứ hai, chúng ta dễ trở thành “con nghiện” cấp độ thấp. Chúng ta kiểm tra điện thoại, email, Instagram liên tục; cố sức xem nốt mấy bộ phim trên Netflix mà ta không thích; chia sẻ mấy bài báo gây phẫn nộ mà chẳng thèm đọc; nhận lời dự các bữa tiệc mà ta chẳng hứng thú; đi du lịch chỉ để nói rằng ta từng đến đó. Những hành vi ép buộc nhằm gia tăng trải nghiệm kiểu này không phải tự do - một lần nữa, nó là điều ngược lại.

Thứ ba, việc không thể xác định, chấp nhận và tìm kiếm những cảm xúc tiêu cực chính là một sự giam cầm. Nếu bạn chỉ thấy ổn khi đời hạnh phúc, dễ dàng và tươi đẹp thì hãy đoán xem? Bạn chẳng tự do đâu, mà đang ở đầu ngược lại. Bạn trở thành tù nhân của ham muốn, thành nô lệ của sự thiếu khoan dung, thành nạn nhân của sự yếu đuối cảm xúc đến từ chính mình. Lúc nào bạn cũng thèm khát sự thoải mái hoặc công nhận đến từ bên ngoài, những điều có thể có hoặc không bao giờ đến.

Thứ tư, bởi vì - tôi cứ phải nhắc mãi vấn đề này: đó là nghịch lý của sự lựa chọn. Càng có nhiều lựa chọn (tức là càng “tự do”), ta càng ít hài lòng với bất kỳ lựa chọn nào. Quá nhiều quyết định là một gánh nặng.

Nếu Jane phải chọn giữa 2 hộp ngũ cốc, còn Mike có tới 20 hộp, thì Mike không tự do hơn Jane. Anh chỉ có nhiều lựa chọn hơn. Có sự khác biệt giữa 2 yếu tố này. Đa dạng lựa chọn không phải là tự do, mà chỉ là những hoán vị khác nhau của cùng một thứ. Nếu Jane bị một anh lính phát xít Đức chĩa súng vào đầu và ra lệnh, “ăn loại ngũ cốc đó đi!” thì cô mới ít tự do hơn Mike. Nhưng khi nào điều đó xảy ra thì hẵng gọi tôi.

Đây chính là vấn đề khi sự tự do bị thổi phồng trong ý thức chúng ta. Nhiều thứ hơn không khiến ta tự do hơn, mà nó cầm tù ta với nỗi lo không biết ta có chọn cái tốt nhất hay không. Nó khiến ta dễ coi bản thân và những người khác là phương tiện thay vì mục đích. Nó khiến ta phụ thuộc nhiều hơn vào chu kỳ vô tận mang tên “hy vọng”.

Nếu mưu cầu hạnh phúc khiến ta trở nên trẻ con hơn, thì sự tự do giả tạo chính là đồng phạm giữ chân ta ở đó. Bởi vì tự do không phải là có thêm nhiều nhãn hàng ngũ cốc hơn để chọn, nhiều bãi biển hơn để sống ảo hay nhiều kênh vệ tinh hơn để ngủ gật.

Mà nó là sự đa dạng lựa chọn. Và trong môi trường chân không, điều này là vô nghĩa. Nếu bạn bị trói buộc bởi bất an, bị cấm cản bởi nghi ngờ và kìm hãm bởi sự thiếu khoan dung, bạn vẫn có mọi lựa chọn trên thế giới. Nhưng bạn không hề tự do.

References