Khi giải pháp tức thời dẫn đến một tương lai chơi vơi

Được chuyển ngữ từ bài viết “The Law of Unintended Consequences”, đăng tải trên blog cá nhân của tác giả Mark Manson.


Vào ngày 11/03/2011, một trận động đất mạnh 9.0 độ richter đã làm rung chuyển đại dương bờ Đông của Nhật Bản. Đây là trận động đất mạnh thứ 4 từng được ghi nhận trong lịch sử. Nó mạnh đến nỗi làm đảo Honshu xê dịch thêm 2.4 mét, trục Trái Đất lệch đi 10 cm và cả hành tinh quay nhanh hơn vài micro giây.

Mức độ thiệt hại mà nó gây ra thì khỏi phải bàn. Chỉ sau 8 phút cảnh báo được phát đi, bờ biển đã xuất hiện những đợt sóng thần quét xa tới 10 km, cuốn đi mạng sống của hàng nghìn người và san bằng các thị trấn. Theo các số liệu chính thống, trên 15000 người đã thiệt mạng trong thảm họa kép này.

Nhưng điều tồi tệ nhất chưa dừng lại ở đó. Các nhà chức trách nhanh chóng phát hiện ra, một số lò phản ứng tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima bị hư hại nặng. Một lượng lớn phóng xạ bị rò rỉ ra khu vực xung quanh, thậm chí ra cả Thái Bình Dương - điều chưa từng xảy ra kể từ thảm họa Chernobyl năm 1986.

Từ khi được xây dựng vào thập niên 70, nhà máy Fukushima và năng lượng hạt nhân đã đóng vai trò quan trọng trong cơ sở hạ tầng của Nhật. Sự kiện thảm khốc năm 2011 đã khiến chính phủ nước này nhanh chóng đóng cửa gần như mọi nhà máy điện hạt nhân trên toàn quốc. Tuy nhiên, những gì xảy ra sau đó là điều chúng ta khó có thể ngờ tới.

Định luật hệ quả ngoài ý muốn

Trong suốt 2 năm sau thảm họa, chính phủ Nhật đã đóng cửa toàn bộ 34 cơ sở sản xuất điện hạt nhân của nước này. Nhưng điều này lại tạo ra một vấn đề khác: tìm đâu ra nguồn điện thay thế cho các nhà máy bị đóng, khi chúng từng cung cấp tới 20% điện năng toàn quốc?

Sự gián đoạn nguồn cung đã khiến tiền điện toàn nước Nhật tăng cao, đặc biệt khu vực phía Bắc bị thiếu điện trong những tháng mùa đông lạnh giá. Vậy là giải pháp hợp lý nhất được đưa ra - chuyển sang nhiên liệu hóa thạch. Nhiều nhà máy than được xây dựng thêm và hoạt động hết công suất.

Thế nhưng chúng ta đều biết, loại nhiên liệu này gây ra tác hại khủng khiếp với môi trường. Chúng xả nhiều khói, tấn công hệ sinh thái và hủy hoại sức khỏe con người. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh, việc đóng cửa các nhà máy hạt nhân khiến nhiều người tử vong hơn cả vụ tai nạn Fukushima.

Điều này nghe thì kỳ cục, nhưng nếu hiểu về kinh tế học cơ bản, bạn sẽ thấy nó không có gì mới mẻ. Ô nhiễm gia tăng do nhiên liệu hóa thạch làm giảm cân nặng ở trẻ sơ sinh, gây nhiều bệnh về hô hấp và khiến não phát triển bất thường.

Chưa kể, nó còn gây ra hàng tá thiệt hại về môi trường và khí hậu. Bên cạnh đó, việc thiếu điện để bật lò sưởi trong mùa đông khiến nhiều cụ già chết rét. Hệ quả là chính phủ Nhật lại phải “quay xe”, đặt mục tiêu kích hoạt lại toàn bộ lò phản ứng trước năm 2030.

Đây chính là “định luật hệ quả ngoài ý muốn” hay “hiệu ứng rắn hổ mang”, xảy ra khi giải pháp cho một vấn đề lại dẫn đến kết quả còn tệ hơn cả vấn đề ban đầu. Định luật này được dùng phổ biến trong kinh tế và chính trị để miêu tả những hệ quả không mong muốn mà một chính sách sai lầm có thể gây ra. Tuy nhiên, ở cấp độ vi mô hơn, chúng ta cũng thường đưa ra những “quyết sách” sai lầm như vậy trong đời mình.

Định luật hệ quả ngoài ý muốn “đảo lộn” cuộc đời bạn theo cách nào?

Nếu để ý, ta sẽ thấy định luật này len lỏi vào rất nhiều tình huống trong cuộc sống. Chẳng hạn bạn bị kẹt xe trên đường về nhà. Thay vì chờ cho đường thông, bạn quyết định tìm đường tắt đi cho nhanh. Nhưng vốn đã là người chơi hệ “mù đường”, bạn chạy lòng vòng từ ngõ này sang ngách khác. Kết cuộc là bạn mất gấp đôi thời gian để về nhà so với việc chờ đường hết tắc.

Bạn luôn ao ước được làm chủ một căn nhà đẹp hay một chiếc xe sang. Vậy là bạn gắng sức tiết kiệm trong nhiều năm để đủ tiền trả trước một phần. Rồi bạn “mua” nó, nhưng “mua” ở đây nghĩa là bạn phải trả những khoản lãi khổng lồ cho ngân hàng từ giờ đến hết đời. Và rốt cuộc bạn nhận ra, khoản chi này khiến bạn nhức đầu nhiều hơn là được tận hưởng. Chưa biết có ai quan tâm đến việc bạn có nhà đẹp hay xe sang, nhưng tháng nào bạn cũng mất ⅔ tiền lương để trả lãi ngân hàng rồi.

Bạn rất khó chịu với một người nào đó, nhưng vẫn cố bằng mặt với họ vì không muốn mang tiếng xấu tính. Và rồi người này vượt quá các giới hạn của bạn. Họ vô tư coi bạn là người để họ giải tỏa mọi năng lượng tiêu cực. Họ chiếm lĩnh toàn bộ cuộc sống xã giao của bạn, khiến bạn nhiều lúc chỉ muốn bùng cháy.

Bạn chán ghét công việc của mình, nhưng lại tiếc vì lương cao và ngại bị người ngoài đánh giá nếu bỏ việc. Nên bạn tiếp tục làm và tự nhủ sẽ chỉ cố thêm một năm nữa. Rồi lại một năm nữa. Rồi lại một năm nữa. Lúc này sức khỏe tinh thần bạn đã chạm đáy, và bạn phải uống rất nhiều thuốc để “vận hành” một cách bình thường. Nhưng giờ thì bạn thực sự cần đến công việc mà bạn chán ghét đó, vì chỉ có vậy bạn mới giữ được bảo hiểm y tế và các toa thuốc của mình.

Bạn trải qua một cuộc chia tay đầy mệt mỏi với người yêu cũ. Nhưng bạn lại không chịu nổi việc không thể tiếp tục trò chuyện cùng họ, và bạn mong hai người ít nhất có thể quay về làm bạn bè. Rồi bạn rủ họ đi ăn và cố gắng làm hòa. Nhưng chưa đầy một tuần sau, hai bạn lại tiếp tục các cuộc cãi vã không hồi kết vì những lý do ngớ ngẩn. Bạn vỡ mộng vì nghĩ họ vẫn còn yêu bạn, vì những nỗ lực của bạn sẽ hiệu quả - nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại.

Nghịch lý của việc chọn cách làm an toàn

Thực tế là, những quyết định tệ hại nhất của chúng ta lại luôn có cảm giác đúng đắn ở thời điểm ta đưa ra chúng. Đó là bởi chúng ta có xu hướng giải quyết những vấn đề ngắn hạn một cách cảm tính, mà không nghĩ đến những hậu quả thứ phát và dài hạn nó có thể mang lại.

Bạn quay về với người yêu cũ để giải quyết cảm giác tội lỗi tạm thời đó, để rồi phải chịu đựng sự bất ổn tâm lý về lâu dài. Điều này cũng giống như chính phủ Nhật đóng cửa các nhà máy hạt nhân để đối mặt với áp lực nhất thời từ công chúng, mà không tính đến những tác động lâu dài của ô nhiễm do nhiên liệu hóa thạch gây ra.

Nguyên nhân sâu xa của những quyết định này nằm ở não bộ - nơi bị ảnh hưởng bởi thiên kiến hiện tại. Vì vậy mà nhận thức của chúng ta hiếm khi phản ánh đúng thực tế. Cụ thể, chúng ta bị các quyết định của mình “gậy ông đập lưng ông” vì những lý do sau:

Chúng ta thiên về đối phó với nguy hiểm tức thời, thay vì giải quyết những mối họa lớn hơn nhưng diễn ra chậm hơn về lâu dài.

Chúng ta tập trung chú ý đến những gì hữu hình và dễ tưởng tượng hơn là những gì trừu tượng hơn. Chẳng hạn nguy cơ xảy ra một cuộc tấn công khủng bố là khá thấp, nhưng nguy cơ một dịch bệnh bùng nổ lại cao hơn ta nghĩ.

Chúng ta tập trung vào những vụ việc kịch tính hơn là những sự kiện đòi hỏi phải tư duy logic. Ví dụ, bạn có khả năng mất mạng trong một tai nạn ô tô nhiều hơn là tai nạn máy bay. Nhưng tai nạn máy bay lại quá thảm khốc, nên nó khiến nhiều người căng thẳng hơn.

Chúng ta không thể nghĩ tới các hệ quả thứ phát của vụ việc. Điều này cũng giống việc ta khó có thể nghĩ trước 2-3 nước đi khi chơi cờ. Các nhà chức trách Nhật Bản không thể tính được việc đóng cửa nhà máy hạt nhân sẽ làm tăng giá điện, rồi giá điện lại ảnh hưởng đến các cụ già vào mùa đông thế nào. Họ (và cả chúng ta) đều chỉ sợ việc nổ lò phản ứng sẽ khiến những đứa trẻ chào đời trong tình trạng quái thai dị dạng.

Khi một sự cố hữu hình, đáng sợ và tức thời xảy ra, thiên kiến hiện tại lập tức tác động đến khả năng phán đoán và đánh giá tình huống của ta. Vì vậy, ta bỏ qua việc tính đến những hệ quả thứ phát, lâu dài hơn. Và khi bị cảm xúc tác động quá mạnh, ta cũng không còn sức lực để suy nghĩ về những hậu quả sau cùng mà các quyết định của ta dẫn đến. Như khi lò phản ứng bị nổ và phóng xạ lan ra, ta đâu có thời gian lên một danh sách ưu nhược điểm của từng giải pháp.

Theo cách này, việc chọn những phương án an toàn sẽ bảo vệ chúng ta khỏi những điều đáng sợ nhất ở thời điểm đó. Nhưng nó cũng khiến ta dễ vướng phải những vấn đề tồi tệ hơn về sau này, mà ta không nhận thấy cho đến khi nó xảy ra.


Cuộc sống vốn có nhiều tình huống trái ngang. Vì vậy, chúng ta không thể hoàn toàn tránh khỏi định luật hệ quả ngoài ý muốn và những thiên kiến nhận thức dẫn tới nó. Nhưng trong quá trình cân nhắc trước khi quyết định, các câu hỏi sau sẽ phần nào giúp ta tránh bẫy tầm nhìn ngắn hạn:

1. “Nếu mình không làm gì thì mọi việc có tự tốt lên không?”

Nhiều quyết định “đi vào lòng đất” của chúng ta chỉ đơn giản là kết quả của sự thiếu kiên nhẫn. Điều này nghĩa là nhiều lúc ta chỉ cần chờ đợi, tình hình sẽ tự cải thiện. Ví dụ đơn giản nhất là khi bị kẹt xe, cứ kiên nhẫn chờ đợi, đường sẽ tự thông. Khi bạn thấy tội lỗi vì chia tay người yêu cũ, cứ kiên nhẫn chờ cảm xúc ấy qua đi, bạn sẽ không còn muốn quay lại với họ.

Chúng ta thường đánh giá quá cao mức độ kiểm soát của bản thân trong mỗi tình huống mà quên mất tầm quan trọng của việc ngồi xuống và chờ đợi. Nó sẽ không giúp ta thắng cuộc thi nào, nhưng đôi khi nó chính là quyết định tốt nhất (và khó thực hiện nhất) trong cuộc đời.

2. “Tình huống tệ nhất có thể xảy ra là gì?”

Khi đánh giá các ý tưởng của chính mình, chúng ta thường tập trung những vào các lợi ích chúng mang lại thay vì những rủi ro chúng có thể gây ra. Điều này hoàn toàn dễ hiểu, vì ta đã mất rất nhiều nơron thần kinh mới có thể nghĩ ra chúng.

Rất khó để tự chỉ trích những gì bạn cảm thấy đúng. Để “tập dượt” việc này, bạn có thể tự vấn bản thân mình với các câu hỏi như “tình huống tệ nhất có thể xảy ra là gì?”, “quyết định này có thể sai lầm theo những cách nào?”.

Rồi bạn viết ra một kết quả tốt nhất và một kết quả xấu nhất, sau đó nhẩm tính xác suất cho từng trường hợp. Cuối cùng, bạn lấy xác suất xảy ra tình huống xấu nhất nhân lên bốn lần. Bạn có còn cảm thấy quyết định này đáng thực hiện hay không?

3. “Liệu lựa chọn của mình có thể phản pháo không? Nếu có, thì bằng cách nào?”

Vào thế kỷ 17, quốc hội Anh cho rằng các ngân hàng đang trừng phạt tầng lớp nghèo và trung lưu bằng lãi suất cắt cổ. Vì vậy họ thông qua đặt trần lãi suất vĩnh viễn ở mức 4%. Mọi thành viên quốc hội đều nghĩ đây là ý tưởng tuyệt vời, ngoại trừ John Locke. Ông cho rằng việc này sẽ buộc các ngân hàng phải lén lút tìm cách “lách luật” để cho giới thượng lưu vay tiền với hạn mức lãi suất cao hơn.

Mọi người đều cho rằng Locke bị điên, bởi đó chính xác là tác động ngược lại với những gì họ đang hướng tới. Nhưng ông đã đúng - điều luật đã khiến người nghèo bị dồn vào đường cùng, còn người giàu thì ngày một giàu lên. Giờ đây John Locke là cái tên được giảng dạy ở hầu hết các trường đại học nước Anh, trong khi những thành viên quốc hội kia thì vẫn mãi vô danh.

4. “Mình có thể thu hồi quyết định này giữa chừng hay không?”

Một yếu tố chúng ta thường bỏ qua khi cân nhắc quyết định là khả năng dừng hoặc thu hồi nó giữa chừng. Chẳng hạn nếu bạn không thích cái ô tô đã mua, bạn có thể bán nó và thu lại một khoản tiền đáng kể. Nhưng nếu bạn sinh một đứa con và rồi không nuôi nổi nó, thì bạn không thể nhét nó lại vào bụng được nữa. Dù vậy, người ta vẫn thường tốn nhiều thời gian suy nghĩ cho việc mua ô tô hơn là việc có con.

Ta thường mất nhiều thời gian cân nhắc các quyết định có thể dễ dàng hoàn tác, trong khi đi quá nhanh với những quyết định không thể “làm lại”. Để tránh mất thời gian sai chỗ, bạn có thể áp dụng nguyên tắc chung: nếu quyết định không dẫn tới một kết quả vĩnh viễn, thì tiến hành nhanh cũng không sao. Còn nếu nó khiến bạn không thể thu hồi, thì nên dành thời gian cân nhắc cho kỹ trước khi làm.

Vài dòng lưu ý

Câu hỏi 1 và 4 đã giải thích nguyên nhân nhiều chính sách cấp chính phủ lại không hiệu quả. Khi một vấn đề xảy ra, họ phải chịu đựng áp lực khổng lồ từ công chúng. Vì vậy họ ra một quyết sách để đối mặt vấn đề, trong khi thực tế cách phản ứng đúng là không phải làm gì cả.

Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, nhiều chính sách dạng này rất khó thu hồi. Điều đó khiến các bộ máy chính phủ này trở nên cồng kềnh và kém hiệu quả hơn theo thời gian.

Trong khi đó, câu hỏi 2 và 3 phản ánh những vấn đề ta gặp trong cuộc sống hàng ngày. Chúng ta thường rất tệ trong việc xem xét các lỗ hổng trong ý tưởng của bản thân, thách thức những cảm xúc nhất thời cũng như nhận ra những tình huống có thể phản pháo. Tất cả những điều này dẫn đến chính vấn đề mà ta đang tìm cách giải quyết.

Tiếp tục làm công việc ta ghét khiến ta giàu hơn về tiền bạc, nhưng lại nghèo đi về thời gian. Cố gắng hàn gắn một mối quan hệ tan vỡ chỉ làm nó vỡ vụn thêm chứ không lành được chỗ nào.

Sau cùng, định luật hệ quả ngoài ý muốn ghi nhận những điểm mù chúng ta khó tránh khỏi khi đưa ra quyết định. Nhiều khi ta chỉ có thể dự đoán, chứ không thể biết trước kết quả của những gì mình chọn. Và trong quá trình mở rộng phạm vi nhận thức một cách có chủ đích, ta chắc chắn sẽ khó tránh khỏi những thất bại về tầm nhìn xa và sự cẩn thận.

Chừng nào ta còn có thể suy nghĩ và hít thở, ta sẽ tiếp tục mắc sai lầm theo cách này hay cách khác. Nhưng chúng ta không nên vì vậy mà tránh né việc thử nghiệm, sai sót và rút ra được những bài học bổ ích.

References