Học cách tư duy phản biện từ sự hỗn loạn và ngờ vực

Được chuyển ngữ từ bài viết How to Make Sense of the Chaos and Uncertainty đăng trên blog cá nhân của tác giả Mark Manson.


Quả thực, sống trong một thế giới bao vây bởi tin tức, mạng xã hội và máy ảnh điện thoại, khả năng phản biện của con người đã trở nên kém hiệu quả. Trước bão tin toàn cầu ấy, con người gặp nhiều trở ngại trong việc xử lý thông tin theo hướng khách quan hơn.

Trong bài viết này, tôi muốn chia sẻ cách tiếp nhận các vấn đề xã hội nhức nhối như hiện nay với quy trình được chia nhỏ như sau.

1. Bắt đầu với lời nhắc nhở. 

Đầu tiên, khi đứng trước bất kỳ vấn đề khó khăn nào, tôi luôn nhắn nhủ bản thân một vài điều:

Thế giới này rất ít điều ác, mà phần nhiều là sự thiếu sáng suốt và ích kỷ. Trừ các trường hợp tàn độc thuần tuý, hầu hết hành động của con người không xuất phát từ ác ý. Ngược lại, những việc xấu chúng ta làm thường xuất phát từ thiện ý. Do đó, thay vì ấn định con người là những bản thể xấu xa, hãy cố hiểu xem tại sao họ tin mình đang làm điều đúng đắn.

Ai cũng có nỗi khổ. Vấn đề là, nguyên nhân gì khiến họ trải qua điều đó? Chúng ta dễ rơi vào bẫy niềm tin rằng không ai phải nhận công kích, tổn thương và đe dọa,… Nó không chỉ thiếu thực tế, mà còn khiến ta quên rằng nếu chúng ta muốn chống lại nhóm người, cá nhân hoặc tư tưởng nguy hiểm thì phải sẵn sàng hy sinh. Do đó, vấn đề không nằm ở việc con người có nên chịu khổ hay không, mà là liệu những khổ sở họ đang chịu đựng có vì lý do chính đáng hay không.

Sẵn sàng trước các mâu thuẫn trái chiều. Con người không chỉ có trắng và đen rạch ròi, mà thường hoà trộn đồng thời cả hai. Hai quan điểm trái chiều nếu tách riêng thì đều mang phần đúng và phần sai. Các bằng chứng có thể sẽ phức tạp và đưa đến những kết luận mâu thuẫn. Khi cần lối thoát, tâm trí ta thường có xu hướng chọn phe. Để không rơi vào trạng thái tự mãn và che khuất tầm nhìn, bạn nên giữ mình trong sự lưỡng lự và bất định, bởi vì cuộc sống luôn phức tạp như vậy đấy.

Với những giả định như thế, tôi sẽ đặt ra một loạt các câu hỏi và tìm kiếm câu trả lời quanh chúng:

2. Tiền lệ lịch sử là gì?

Các vấn đề thực tại đều đã từng xảy ra vô số lần trong lịch sử. Hầu hết xã hội loài người đều lặp lại sai lầm giống hệt nhau. Nhưng qua một hoặc hai thế hệ, chúng ta dần quên lãng và tiếp tục đi vào vết xe đổ ấy.

Mọi thứ nên được xem xét từ góc độ lịch sử để không rơi vào niềm tin phi lý trí rằng những gì đang xảy ra chính là tín hiệu cho thấy “ngày tàn của thế giới”. Lịch sử sẽ cho bạn thấy bất kỳ thế hệ nào cũng phải đối mặt với những khốn đốn tương tự, và hầu hết đều dần ổn thoả trở lại.

Nhắc đến góc nhìn lịch sử, Hoa Kỳ là đất nước ghi nhận sự tàn bạo của đội quân cảnh sát và cuộc bạo loạn chủng tộc kéo dài hàng trăm năm. Cách đây không lâu, vào năm 2014, sự kiện tương tự đã xảy ra ở Baltimore và Ferguson, bên cạnh các cuộc bạo động Rodney King (1992), DNC (1968), Detroit (1943), Tulsa (1921) và Mùa hè đỏ (1919),… Bạo loạn xảy ra “nhan nhản” tại nước Mỹ, bởi vì sự phân biệt chủng tộc cũng thế. Chính sự phân biệt chủng tộc đã châm ngòi cho hầu hết các cuộc bạo động. Nó trở thành một phần không thể tách rời khỏi bức tranh lịch sử Hoa Kỳ. Mặc dù đã có nhiều tiến bộ vượt bậc trong hơn 100 năm qua, đất nước vẫn không thể xóa bỏ vấn nạn đã ăn sâu này.

3. Những thành kiến nào đang tồn tại?

Nếu có một bài học tâm lý bắt buộc cho tất cả mọi người khi còn trên ghế nhà trường, thì đó là: nhận thức của con người về cơ bản đều không chính xác. Não bộ không đáng tin bởi nó luôn tạo ra những lối tắt riêng để tự phục vụ mình. Vì vậy, chúng ta rất dễ rơi vào những cái bẫy phổ biến hết lần này đến lần khác, trừ khi ta nhận thức được chúng.

Những cái bẫy này nhiều vô kể, nhưng trong số đó, tôi nhận thấy một số thiên kiến sau đây khá phổ biến và gây ra hậu quả đáng lo ngại:

  • Bất đối xứng giữa người trong cuộc và ngoài cuộc (Actor/observer asymmetry) - Con người có xu hướng nghĩ xấu về ai đó khi họ làm chuyện sai. Nhưng nếu bản thân làm điều tương tự, ta lại cho rằng mình đang làm vì lý do đúng đắn. 
  • Thiên kiến xác nhận (Confirmation bias) - Xu hướng tìm kiếm các thông tin và dẫn chứng để củng cố cho luận điểm sẵn có của bản thân. Tham khảo: Cẩm nang phương tiện truyền thông.
  • Lỗi ngụy biện thành phần hoặc phân chia (The fallacies of composition/division) - Xu hướng đánh giá cả nhóm dựa trên hành động của một thành viên trong nhóm đó, hoặc đánh giá một cá nhân dựa trên hành vi của cả nhóm. 
  • Thiên kiến nổi trội (Salience bias) - Xu hướng tập trung vào những điều gây ra phản ứng mạnh về cảm xúc, bất kể điều đó có đóng vai trò quan trọng hay không. 
  • Thiên kiến tiêu cực (Negative bias) - Xu hướng chú ý nhiều hơn đến các sự kiện tiêu cực và cho rằng chúng quan trọng hơn các sự kiện tích cực. (Lưu ý: Đây là lý do tại sao tin tức luôn hướng đến tiêu cực.)
  • Thiên kiến tác động (Impact bias) - Xu hướng tập trung vào hậu quả tương lai hơn là vấn đề thực tại.

Với tình hình hiện nay, thiên kiến quan trọng nhất là thiên kiến thành phần/phân chia. Theo đó, tư tưởng chúng ta bị ảnh hưởng bởi sự phân cấp nguỵ tạo giữa “người da đen và cảnh sát”. Tuy nhiên, thực tế xảy ra phức tạp hơn nhiều.

Cảnh sát ở nhiều thành phố cũng diễu hành cùng với người biểu tình. Nhiều kẻ cướp bóc, gây bạo loạn là người da trắng, đeo mặt nạ và không hề thuộc nhóm biểu tình. Đa số những người biểu tình và cảnh sát đều không có dấu hiệu bạo lực, nhưng do thiên kiến tiêu cực, chúng ta chỉ nhìn vào những phần tử bạo lực ở hai phe. Cùng với thiên kiến nổi trội, chúng ta chăm chăm vào nhóm bạo lực hơn là nhóm ôn hoà. Cuối cùng, lỗi ngụy biện thành phần khiến mọi người đều đang quy chụp cả hai phe từ hành động của một số cá nhân.

Tóm lại, một sự kiện càng chấn động thì lý trí con người sẽ càng “kiệt quệ” và tìm về những lối tắt như đã nói ở trên. Nếu biết đến hầu hết các thiên kiến này, bạn sẽ sớm nhận ra ít nhất 95% “hành động” chính trị chỉ đơn giản là hình thức của các thiên kiến.

Thực tế chỉ ra, rất nhiều phương tiện truyền thông lợi dụng các “mánh khóe” thiên kiến để thu hút sự chú ý của dư luận. Công cụ chi phối tư tưởng này được vận dụng bởi tất cả các bên.

Vậy nên, chỉ bằng cách nhận diện các thiên kiến mới có thể giúp bạn thoát khỏi nó. Hiểu rõ về thiên kiến nhận thức (cognitive bias) là một dạng giải phóng tinh thần cần chúng ta trau dồi và nỗ lực không ngừng thì mới đạt được.

4. Các xu hướng kinh tế - xã hội trọng điểm đang diễn ra? 

Phần này sẽ hơi “đụng chạm” đấy nên ráng kiên nhẫn nhé. Xem xét rộng ra một số vấn đề “nóng” của xã hội sẽ cho chúng ta bối cảnh rõ hơn về những gì đang xảy ra. Các yếu tố xã hội, kinh tế và chính trị ảnh hưởng như thế nào đến những sự kiện này?

Cùng bắt đầu với câu hỏi hiển nhiên nhất nhưng lại cho kết quả đáng ngạc nhiên nhất. Mặc dù các dữ liệu còn nhiều hạn chế và bất cập, nhưng có vẻ số vụ cảnh sát giết hại người da đen không vũ khí đã giảm đáng kể trong 7 năm qua. Thêm vào đó, tổng số ca giam giữ người Mỹ gốc Phi đang giảm đáng kể từ sau khi chạm đỉnh vào những năm 90.

Giờ thì bình tĩnh lại chút nhé, rất có thể những gì vừa đọc được đã “đánh lừa” cảm xúc của bạn. Tôi muốn làm rõ hai điều: đầu tiên, vấn đề được cải thiện không có nghĩa là đã hoàn toàn được giải quyết. Thứ hai, phán đoán của công chúng có thể sai nhưng sự giận dữ của họ là chính đáng.

Hãy nhớ rằng, chúng ta cần giữ những quan niệm đối nghịch nhau trong tâm trí. Khi tranh cãi xã hội nảy sinh, công chúng có thể không nắm đủ sự thật nhưng vẫn có lý lẽ về vấn đề đó. Đừng chỉ nhìn một cách phiến diện, điều cốt yếu là chúng ta phải đào sâu hơn vào sự kiện để thực sự hiểu điều gì đang diễn ra.

Trong 5 năm qua, phong trào Black Lives Matters thường xuyên diễn ra trong hòa bình và trật tự. Như vậy, chúng ta không thể coi các vụ bạo loạn nổi lên giữa tình hình cách ly vì COVID-19 là một sự trùng hợp.

Từ hầu hết cảnh quay xem được, nhiều kẻ cướp bóc và bạo lực giữa cuộc biểu tình không phải là người da đen, mà thường do những thanh niên da trắng xúi giục. Nhiều người thuộc phong trào Black Lives Matters thậm chí còn la hét và cầu xin những kẻ bạo loạn da trắng dừng lại. Một số kẻ bạo động còn không thèm quan tâm đến George Floyd hoặc bình đẳng chủng tộc. Họ chỉ đang lợi dụng tình trạng hỗn loạn này.

Khi tham gia một khóa học về địa chính trị ở trường đại học, tôi nhớ vị giáo sư đã nhấn mạnh rằng: các phong trào cách mạng và bất ổn dân sự bắt đầu với một số lượng lớn thanh niên thất nghiệp (đặc biệt là thanh thiếu niên). Họ dồn hết năng lượng và cơn tức giận sang thế giới với suy nghĩ chẳng còn gì để mất và chẳng còn lựa chọn nào tốt hơn. Đại dịch COVID-19 ập đến khiến 40 triệu người Mỹ phải mất việc làm hoặc bị sa thải, ảnh hưởng bất cân xứng đến tầng lớp lao động, đặc biệt là nhóm thiểu số và thanh niên.

Các mảnh ghép bắt đầu khớp vào nhau. Ngay giữa tâm dịch, một cái chết thương tâm khác xảy ra với một người da đen, dưới bàn tay của sĩ quan cảnh sát. Ban đầu, các cuộc biểu tình quần chúng nổi lên nhiều nơi là do các nhóm dân quyền đòi bình đẳng chủng tộc. Nhưng vì tình cảnh khó khăn bắt nguồn từ lệnh cách ly cũng như nỗi tuyệt vọng dồn nén bấy lâu, mọi thứ trở nên mất kiểm soát.

Nó dẫn tôi đến kết luận sau cùng cho tình trạng bất ổn này. Đó là nỗi thất vọng thực sự của người dân: Hoa Kỳ thiếu vắng hoàn toàn một định hướng lãnh đạo hiệu quả. Đáng buồn thay, trong thế kỷ 21 này, nó không phải là vấn đề của riêng Trump hay Obama mà là sự nhìn lại của toàn nước Mỹ.

Năm nay, tôi đã 36 tuổi. Nhưng trong suốt giai đoạn trưởng thành của mình, tôi chưa từng nhận được sự giúp đỡ hay giải quyết nào của chính phủ. Các vấn đề nghiêm trọng như chăm sóc sức khỏe, giáo dục, bạo lực súng đạn, nhập cư, biến đổi khí hậu, lương đình trệ, bất bình đẳng thu nhập và phân biệt chủng tộc vẫn đang tê liệt.

Những điều tôi có thể nhớ, đó là: cắt giảm thuế, chiến tranh, cắt giảm thuế, cứu trợ, cắt giảm thuế, cứu trợ. Tình hình đang tệ đi và mọi thứ chưa bao giờ được cải thiện ở đất nước này. Chủ trương từ các nhà lãnh đạo, dù Đảng Dân chủ hay Đảng Cộng hòa, không khiến tôi tự hào bỏ phiếu cho họ.

45 năm không tăng lương cho tầng lớp trung lưu và thấp hơn? Lặng im. Học sinh mẫu giáo bị bắn bằng súng trường? Lặng im. Mười một triệu người phá sản do hệ thống chăm sóc sức khỏe bị tệ hại và rối loạn chức năng? Lặng im. Người da đen bị cảnh sát giết hại liên tục, trực tiếp qua máy quay? Lặng im. Cả một thế hệ thanh niên gồng gánh khoản nợ hơn nghìn tỷ đô la chỉ để đi học và sau đó được bảo rằng phải ở nhà và thất nghiệp ngay khi ra trường?

Vì vậy, nếu đang thắc mắc tại sao giới trẻ cứ lao ra ngoài và phá hủy mọi thứ trong tầm mắt, thì bạn đã có câu trả lời rồi đó.

Hãy giữ an toàn cho bản thân. Hãy thể hiện tình cảm với ai đó trong tuần này, có thể là một người lạ.

Vì tất cả chúng ta đều cần điều đó.

References