Đừng Lãng Phí Tuổi 20 - Tận Dụng Sức Mạnh Độc Đáo Của Bộ Não Tuổi 20

Đây là cơ hội chỉ xảy ra một lần trong đời mà bộ não của tuổi đôi mươi mang lại.

Ở tuổi 20: Bill Gates bỏ học ở trường Harvard và đồng sáng lập Microsoft, còn Sir Isaac Newton thì bắt đầu phát triển một nhánh toán học mới.

Ở tuổi 21: Thomas Alva Edison đã có phát minh đầu tiên của ông, một máy đếm phiếu điện tử, Steve Jobs là đồng sáng lập công ty Apple, và Alfred Tennyson xuất bản tập thơ đầu tiên của mình.

Ở tuổi 22: Nhà phát minh Samuel Colt được cấp bằng sáng chế khẩu súng lục ổ quay, còn Cyrus Hall McCormick thì phát minh ra máy gặt McCormick, cho phép một người làm được công việc của năm người.

Ở tuổi 23: T. S. Eliot viết “Bản tình ca của Alfred Prufrock,” John Keats viết “Ode on a Grecian Urn,” (chiếc bình cổ Hy Lạp) còn Truman Capote thì xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tay của ông, Other Voices, Other Rooms.

Ở tuổi 24: Johannes Kepler bảo vệ cho lý thuyết Copernican và mô tả cấu trúc của hệ mặt trời.

Ở tuổi 25: Orson Welles nhập ngũ, làm đạo diễn, và đóng vai chính trong Citizen Kane, Charles Lindbergh trở thành người đầu tiên một mình bay qua Đại Tây Dương, John Wesley bắt đầu gieo mầm cho phong trào Giám lý ở Oxford, và Alexander Đại đế trở thành Vua Ba Tư.

Ở tuổi 26: Albert Einstein đã xuất bản năm bài nghiên cứu lớn trên một tạp chí vật lý của Đức, về cơ bản làm thay đổi quan điểm của con người về vũ trụ và dẫn đến những phát minh như TV và bom nguyên tử, Benjamin Franklin xuất bản ấn bản đầu tiên Poor Richard’s Almanac, Eli Whitney phát minh ra máy tỉa sợi, còn Napoleon Bonaparte thì đi chinh phạt nước Ý.

Hẳn nhiên, đó là một danh sách những thành tựu đầy ấn tượng. Và mặc dù nhiều người có thể xem đây là kiểu “sớm phát triển,” tôi thì cho rằng những người đàn ông đó đạt được những thành tựu trên không phải dù tuổi còn trẻ, mà là nhờ còn trẻ tuổi.

Một thập kỷ có thể bỏ đi?

Có lẽ bạn đã từng nghe người ta bảo, hoặc thậm chí bạn tự nhủ với bản thân rằng: “Ba mươi là độ tuổi 20 mới.”

Những thứ từng là dấu hiệu của sự trưởng thành trong quá khứ— tốt nghiệp, có được công việc “thực sự” đầu tiên của bạn, kết hôn, có con, mua một căn nhà–đang bị đẩy lùi lại về sau này. Thay vì đạt được những cột mốc này vào đầu hoặc giữa độ tuổi 20 giống như cha mẹ và ông bà chúng ta, thì các yếu tố kinh tế, xã hội và văn hóa đã trì hoãn những bước này đối với nhiều người cho đến cuối độ tuổi 20 và bước sang độ tuổi 30.

Điều này đã mở ra một khoảng thời gian và phát triển chưa từng có cho người trẻ. Lứa tuổi 20 được đặt tên lại là “tuổi trưởng thành mới nổi” hoặc “tuổi thiếu niên kéo dài,” và bởi vì bản chất non trẻ của nó, chưa có nhiều hướng dẫn về cách một người nên trải qua giai đoạn mới này của cuộc đời.

Thiếu vắng những hướng dẫn đó, tuổi đôi mươi bị xem là một thời kỳ học đòi, thụ động và phiêu lưu mạo hiểm, với tư tưởng rằng bạn có thể nghiêm túc với mọi thứ về sau- khi bạn chạm đến ngưỡng 30. Vì vậy, tuổi đôi mươi bị dán cho cái nhãn là có thể bỏ đi—một khoảng thời gian không quan trọng giữa hai thập kỷ đi học và trở thành một người trưởng thành “thực thụ”.

Nhưng quan điểm cho rằng độ tuổi 20 không quan trọng hoàn toàn sai lệch sự thật. Trên thực tế, “Ba mươi là độ tuổi 20 mới” là một trong những lời nói dối lớn nhất của thời đại chúng ta.

Trong loạt bài dài 2 phần này, chúng tôi sẽ lý giải tại sao.

ĐÂY LÀ BỘ NÃO CỦA BẠN Ở ĐỘ TUỔI 20

Quan điểm phổ biến ngày nay cho rằng thời trước mọi người khởi đầu cuộc sống sớm hơn đơn giản vì điều kiện kinh tế, hoặc “Đấng Nam nhi” khiến mọi người hổ thẹn để mà nhanh chóng trở thành người lớn thay vì dành thời gian lêu lổng và khám phá, và khi những yếu tố đó không còn hiệu lực thì chẳng còn lý do chính đáng nào để đưa ra những quyết định và cam kết quan trọng ở lứa tuổi 20 của bạn nữa.

Mặc dù lời giải thích về lý do tại sao các cột mốc quan trọng lại bị trì hoãn cũng có phần nào đúng, nhưng trên thực tế vẫn có những lý do rất thuyết phục rằng tại sao nên bắt đầu định hình các yếu tố quan trọng nhất trong cuộc đời khi bạn vẫn còn trong độ tuổi 20–và chúng không hề liên quan đến văn hóa hay kinh tế. Mà đúng hơn là, chúng liên quan đến yếu tố sinh học, và do đó mang tính vượt thời gian—chúng áp dụng cho những người ở thập niên 1950 cũng như ngày nay. Bây giờ chúng ta có thể đi sâu vào một khía cạnh của sinh học khi nó có liên quan đến việc trì hoãn sự trưởng thành–của chuyện sinh sản–vì nó không chỉ bị ảnh hưởng bởi tuổi tác đối với phụ nữ; tinh trùng của nam giới bị lão hóa được cho là chịu trách nhiệm cho những đột biến kéo theo những thứ như chứng tự kỷ và tâm thần phân liệt. Nhưng chúng tôi sẽ đề cập đến chủ đề quan trọng đó vào dịp khác.

Hôm nay tôi muốn tập trung cuộc thảo luận vào một thứ vượt qua chuyện làm cha, và ảnh hưởng đến mọi quyết định hệ trọng trong cuộc sống mà bạn sẽ phải đưa ra–đặc biệt khi nó có liên quan tới những thứ như nghề nghiệp và các mối quan hệ, thậm chí cả đức tin. Và đó chính là bộ não ở lứa tuổi 20.

Bộ não của con người phát triển từ dưới lên trên và từ sau ra trước. Ở dưới đáy là hệ limbic, mà một số phần nguyên thủy của bộ não chúng ta cư trú ở trong đó, những khu vực chịu trách nhiệm cho những chuyện như ngủ, đói, cảm xúc, tình dục và khoái lạc.

Nằm ở phía trước của não bộ là vỏ não trước trán. Được phát triển sau cùng, nó thường được gọi là CEO của bộ não–người điều hành của trí óc. Nó giúp bạn làm những việc như xử lý xác suất, điều chỉnh cảm xúc và những cơn bốc đồng, trì hoãn sự thỏa mãn, xử lý các mục tiêu trừu tượng và không chắc chắn, lên kế hoạch cho tương lai và đưa ra những quyết định và đánh giá tốt.

Trong thời thanh thiếu niên, cả hai phần của não bộ hành động và tương tác khi chúng đưa bạn đi đến tuổi trưởng thành. Hệ limbic tăng cường những cảm giác về cảm xúc, động lực và khao khát phần thưởng của bạn, khiến cho bản ngã tuổi teen của bạn có cảm giác bồn chồn không yên và gia tăng khao khát làm những chuyện lớn lao, chấp nhận rủi ro mạo hiểm, trải nghiệm tất cả mọi thứ, kết bạn, và trở nên độc lập với bố mẹ bạn. Đồng thời, vỏ não trước trán của bạn cũng bắt đầu kết thúc quá trình trưởng thành của nó và hoạt động như một cỗ máy kiểm tra giám sát những cơn thôi thúc bốc đồng mới nảy sinh, cố gắng ngăn bạn không làm những chuyện quá ngu ngốc. (The New York Times có một trang web tương tác cho thấy sự trưởng thành của bộ não của bạn từ thưở thơ ấu đến tuổi trưởng thành.)

Đây là lý do tại sao những thanh thiếu niên dường như có khả năng chín chắn tuyệt vời vào một lúc nào đó, và sau đó lại làm những chuyện ngu xuẩn vào những lần khác–các phần bốc đồng và CEO của bộ não của họ đang có một trận kéo co, và đôi lúc phe này thắng, còn lúc khác thì phe kia thắng. Bởi lý do này mà tính cách của bạn cũng khá thất thường trong giai đoạn này.

Ở đầu tuổi 20, vỏ não trước trán của bạn gần như đã hoàn toàn trưởng thành, nhưng vẫn chưa trưởng thành hoàn toàn.

Người ta từng tin rằng vỏ não trước trán hoàn thiện quá trình phát triển trong những năm tháng tuổi teen, nhưng hiện tại chúng ta biết rằng sự trưởng thành của nó vẫn chưa hoàn tất cho đến khoảng 25 tuổi. Điều này có nghĩa là từ khoảng 15-25 tuổi, bạn vẫn còn đang dạo quanh và trải nghiệm thế giới với một bộ não “trẻ trâu”. Đây là lý do tại sao hầu như tất cả chúng ta có thể nhìn lại những giai đoạn không chỉ từ thời phổ thông mà còn cả đại học, khiến chúng ta lắc đầu tự hỏi: “Mình đang nghĩ gì vậy?!”

Bây giờ, bạn có thể suy ra từ tất cả những điều này rằng tốt nhất là đợi cho tới khi bạn 30 tuổi rồi hẵng đưa ra những quyết định lớn—cho đến khi vỏ não trước trán của bạn đã hình thành và trưởng thành hoàn chỉnh. Nhưng điều này không đúng, vì như một nhà sinh học thần kinh đã nói, độ tuổi 20 của bạn không đơn giản là một thời kỳ của “rủi ro lớn,” mà còn là một thời kỳ của “cơ hội lớn.”

Bộ não độ tuổi 20 của bạn mang lại những cơ hội to lớn nào? Có 2 cơ hội lớn–và chúng chỉ xuất hiện một lần trong đời. Đầu tiên là cơ hội để theo đuổi những mục tiêu lớn một cách say mê và tự do, khám phá những câu hỏi lớn của cuộc đời, và lập ra những cam kết quan trọng. Thứ hai là cơ hội để đóng một vai trò tích cực trong sự phát triển của phần não bộ điều hành của bạn nhằm tạo ra một nền tảng cho thành công lâu dài. (Rõ ràng là những lợi thế về não bộ đó cũng áp dụng cho các thiếu niên, nhưng người trẻ ở độ tuổi 20 mất nhiều thời gian hơn để đưa ra quyết định của riêng họ và vì vậy luyện tập những khả năng đặc biệt của bộ não của họ. Họ đang đứng ở ngã tư của cơ hội và sự độc lập.)

Trong bài viết ngày hôm nay, chúng tôi sẽ tập trung vào lợi thế đầu tiên của bộ não ở độ tuổi 20; và bữa khác chúng tôi sẽ đi sâu vào những lợi thế.

Lợi thế #1 của Bộ não độ tuổi 20: Động lực đầy đam mê, tự do để theo đuổi những đam mê của bạn một cách không sợ hãi, khám phá những câu hỏi lớn của cuộc sống, và lập ra những cam kết quan trọng.

Có vẻ như đó là một bước ngoặt tàn nhẫn của tự nhiên khi cùng một lúc bạn cảm thấy được thúc đẩy để chấp nhận rủi ro và tìm kiếm phần thưởng, đang trải nghiệm một sự dâng trào cảm xúc, và bắt đầu vật lộn với những phức tạp của tuổi trưởng thành và đưa ra các quyết định sẽ ảnh hưởng đến cả tương lai của bạn, phần điều hành của bộ não của bạn chưa theo kịp tiến độ—như thể bạn đang lái một chiếc xe hơi bị lỗi phanh. Và quả thực, đó là cách mà các nhà nghiên cứu từ lâu đã nhìn nhận về nó–rằng bộ não của thiếu niên bị “hỏng”–thôi thúc bốc đồng một cách liều lĩnh và ngu xuẩn.

Nhưng nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy những đặc tính tương tự của bộ não thiếu niên có thể gây trở ngại, nhưng cũng có thể là lợi thế khác biệt–chứ không phải là sự cố của tự nhiên, mà là sự thích nghi về mặt tiến hóa có mục đích. Mục đích đó là nhằm khiến một người trẻ đi xa nhà, tự lập, khám phá sân chơi mới và nắm lấy cơ hội tìm kiếm thành công. Nhưng ai có thể khai thác được nguồn năng lượng độc nhất vô nhị của tuổi trẻ từ thời xa xưa thì đạt được lợi thế hơn bạn bè đồng trang lứa của họ. Như nhà khoa học thần kinh B.J. Casey cho hay, bản chất “bất bình thường” của bộ não tuổi thiếu niên “chính xác là những gì bạn cần để làm những việc mà sau này bạn phải làm.”

Bộ não tuổi thiếu niên mang lại cho bạn kiểu sức mạnh nào mà bạn cần đến khi dấn thân vào tuổi trưởng thành? Có ba sức mạnh:

Can đảm đối mặt với rủi ro

Một sự tò mò mãnh liệt và sâu sắc về con người và thế giới

Như chúng ta đã thảo luận, trong thời kỳ thanh thiếu niên, hệ limbic (hệ não rìa) của não bộ bắt đầu tăng cường những cảm xúc của bạn về cảm xúc và động lực, trong khi cùng lúc đó, vỏ não trước trán bắt đầu phát triển khả năng kiểm soát những cơn thôi thúc bốc đồng do cái trước sinh ra. Và một lần nữa, các thùy trán hoàn thành quá trình trưởng thành của chúng vào khoảng giữa độ tuổi 20. Trước đó, hệ limbic, đặc biệt là hạch hạnh nhân, phản ứng với các kích thích mạnh mẽ hơn ở người lớn. Trong khi vỏ não phía trước tạo ra một phản ứng “suy nghĩ” thì hạch hạnh nhân tạo ra một phản ứng mang nhiều cảm xúc, hướng đến bản năng hơn.

Các nhà sinh học thần kinh không chắc chắn về mối quan hệ chính xác giữa hạch hạnh nhân và vỏ não trước trán trong bộ não của tuổi thanh thiếu niên (và hãy nhớ, đây là bộ não từ khoảng 15-25 tuổi), ngoài những điều như vỏ não trước trán ngày càng được kích hoạt mạnh mẽ hơn khi nó trưởng thành và bắt đầu hành động như một cỗ máy giám sát ngày càng lớn đối với hạch hạnh nhân.

Nhưng tôi thích tưởng tượng về sự thiết lập theo phép so sánh này (hoàn toàn phi khoa học): Vỏ não trước trán giống như một cái sàng. Trong bộ não tuổi vị thành niên, các lỗ trên sàng rất lớn, do đó kích thích từ thế giới bên ngoài hầu hết sẽ đi thẳng qua và làm hạch hạnh nhân phát sáng, tạo ra một phản ứng cảm xúc, bản năng. Khi vỏ não trước trán trưởng thành và vững chắc, các lỗ sẽ ngày càng thu nhỏ lại–mạng lưới chụp bắt và phân tích ngày càng nhiều kích thích trước khi nó chạm được đến hạch hạnh nhân, cho bộ não cơ hội đưa ra một phản ứng lý trí, có chừng mực. Quả thật, vỏ não trước trán còn được gọi là “khu vực của suy nghĩ, xem xét lại một cách tỉnh táo,” vì nó là phần não bộ cân nhắc những hậu quả của một lựa chọn.

Đây là lý do tại sao trong những năm vị thành niên của bạn, cho đến những năm đầu của lứa tuổi 20, bạn trải nghiệm mọi thứ thực sự mãnh liệt–các mối quan hệ rất mãnh liệt, các trải nghiệm tâm linh rất mãnh liệt, những tột cùng cảm xúc thì thật tột cùng, còn những cảm xúc chán chường thì xuống tới tận đáy. Những trải nghiệm mới mẻ có cảm giác thật tuyệt vời; những cảm giác mạnh thì mang đến cho bạn nhiều hứng khởi hơn. Các kích thích từ thế giới đi thẳng vào não bộ thay vì bị tóm lại ở cái sàng vỏ não và được phân tích một cách lạnh lùng trước tiên. Các trải nghiệm có thể thắp sáng hạch hạnh nhân cảm xúc của bạn, cho phép bạn cảm nhận mọi thứ một cách sâu sắc hơn. Ở đây bạn đã nắm được nguyên do thần kinh đằng sau niềm đam mê đầy nhiệt thành nổi tiếng của tuổi trẻ.

Cường độ (hoạt động) của bộ não thanh thiếu niên có thể khiến cho những năm tháng tuổi teen của chúng ta và đầu tuổi 20 quá chừng mãnh liệt/kịch tính. Nhưng niềm đam mê này cũng cho phép những bạn trẻ ở độ tuổi 20 có cảm xúc mãnh liệt về các vấn đề, các nguyên nhân, con người và tâm linh. Nó có thể thúc đẩy bạn bắt đầu các phong trào, tiến hành hành động và lập cam kết–các bước được tạo điều kiện bởi sức mạnh tiếp theo của bộ não tuổi đôi mươi.

CAN ĐẢM KHI ĐỐI MẶT VỚI RỦI RO

Ngoài cường độ và cảm xúc mà hạch hạnh nhân mang vào phương trình, các trung tâm phần thưởng của não bộ cũng rất nhạy cảm trong giai đoạn này. Điều này thúc đẩy bạn nắm bắt nhiều cơ hội hơn.

Trái với suy nghĩ thông thường, trên thực tế các thanh thiếu niên đánh giá cao một số rủi ro–những rủi ro “được biết đến nhiều,” như nguy cơ mang thai hoặc mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục. Nhưng họ lại đánh giá thấp những rủi ro “chưa được biết đến”–bất cứ điều gì mà khả năng thắng và thua còn mơ hồ.

Người lớn thường sẽ dập tắt ý tưởng về những rủi ro như vậy ngay khi chúng thoáng qua tâm trí họ, nhưng một thiếu niên thì sẽ dành thời gian để xem xét về chúng.

Rõ ràng, khuynh hướng đón nhận rủi ro này có thể có một mặt trái—có một nguyên do khiến tỷ lệ tử vong của thanh thiếu niên cao gấp ba lần tỷ lệ tử vong của trẻ tiểu học. Nhưng lòng can đảm đối mặt với rủi ro cũng hoàn toàn cần thiết để giúp bạn theo đuổi giấc mơ và lý tưởng của bạn.

Đưa ra bất kỳ quyết định hoặc cam kết lớn nào đều dính líu đến rủi ro–việc kinh doanh của tôi sẽ thất bại, nàng có phải là the one (người ấy) không, liệu mình có hạnh phúc khi sống xa nhà hàng ngàn dặm? Và rủi ro sẽ kích thích vỏ não trước trán– “Nếu điều này xảy ra thì sao? Còn x,y,z thì sao?” Rõ ràng, phân tích lý trí là điều tuyệt vời, nhưng có một số thứ trong cuộc sống mà bạn nên gạt đi nỗi sợ của bạn và đâm đầu theo nó. Bộ não của người trẻ ở độ tuổi 20 cho bạn sự mạnh dạn để làm được như vậy. Nhưng khi vỏ não trước trán tập hợp được sức mạnh, nó sẽ bắt đầu khuyên nhủ bạn ngừng làm bất cứ việc gì rủi ro và có khuynh hướng duy trì nguyên trạng. Tình trạng tê liệt do phân tích thấm vào.

SỰ TÒ MÒ MÃNH LIỆT VÀ SÂU SẮC VỀ CON NGƯỜI VÀ THẾ GIỚI

Bây giờ bạn có thể nghĩ, “Đương nhiên là, các bạn trẻ ở độ tuổi 20 có đam mê và dũng cảm để đưa ra những quyết định lớn, nhưng họ có thể sẽ đưa ra quyết định sai lầm, vì họ ngây thơ và bốc đồng! Tốt hơn là nên đợi cho đến khi bạn già dặn chững chạc hơn.” Và đúng là các nhà nghiên cứu đã phát hiện thấy đôi lúc bộ não thanh niên tìm kiếm-phần thưởng thường đưa ra nhiều quyết định liều lĩnh hơn, như chọn tham gia vào những cuộc vui chè chén hay tình dục không an toàn. Nhưng đó thường là do áp lực xã hội (bộ não của thanh niên cũng nhạy cảm hơn trước đánh giá của bạn bè đồng trang lứa). Các nhà nghiên cứu quả thực đã phát hiện thấy trong những tình huống khác ít “nhiệt” và ít bị áp lực của bạn bè, khi một phần thưởng đang bị đe dọa vuột mất, một người trẻ khao khát làm điều gì đó đúng đắn, và sẽ mất nhiều thời gian hơn để quyết định, và thu thập nhiều thông tin hơn trước khi làm, hơn những người lớn. Các nhà nghiên cứu cho biết, điều đó có nghĩa là có những tình huống mà ở đó thanh thiếu niên có khả năng sẽ đưa ra quyết định tốt hơn “người lớn.”

Các trung tâm phần thưởng nhạy cảm của bộ não ở tuổi vị thành niên không chỉ thúc đẩy quá trình thu thập và cân nhắc thông tin, mà chúng còn tạo thuận lợi cho việc học hỏi thông tin mới, đó là lý do tại sao những thanh thiếu niên (khi nói đến một chủ đề mà chúng yêu thích) có thể thấy việc học hành là thú vị và thỏa mãn hơn người lớn.

Tất cả điều này đều có lý: ai dành nhiều thời gian hơn để sẵn sàng xem xét những câu hỏi như tôn giáo thực sự là gì và đâu là triết lý chính trị tốt nhất–các sinh viên đại học hay là bố mẹ của họ? Người sau thường chẳng thèm bận tâm, trong khi người đầu tiên thì chẳng thể nào có tìm tòi đủ đối với những câu hỏi lớn của cuộc đời. Do hệ thống phần thưởng nhạy cảm của bộ não tuổi vị thành niên mà những thứ có cảm giác chán ngắt đối với “người lớn”, như tìm kiếm sự thật, lại rất đáng quan tâm đối với người trẻ.

TẬN DỤNG NHỮNG SỨC MẠNH TAY BA CỦA BỘ NÃO Ở ĐỘ TUỔI ĐÔI MƯƠI

Tôi thích nghĩ về những thứ như khởi nghiệp, đạt được công việc mà bạn mơ ước, kết hôn, cam kết với một đức tin và thậm chí xúc tác cho một phong trào chính trị hoặc văn hóa, na ná như du hành vào vũ trụ. Một khi tên lửa của bạn rời khỏi bầu khí quyển của trái đất, thì nó có thể quay quanh quỹ đạo đó vô thời hạn. Nhưng để bay được ra ngoài không gian ngay từ đầu, bạn cần có một lực mạnh mẽ, to lớn dưới dạng động cơ đẩy tên lửa để vượt qua được lực hút mạnh của trái đất.

Vâng, bộ não ở độ tuổi 20 của bạn chính là động cơ đẩy tên lửa đó.

Những người trẻ ở độ tuổi đôi mươi ít khi nản lòng trước những rủi ro chưa được biết đến, và trở nên có động lực và quan tâm nhiều hơn bởi viễn cảnh về phần thưởng, trong khi người lớn thì ngược lại. Ở độ tuổi đôi mươi của bạn, bạn đầy đam mê và sẵn sàng học hỏi, và khả năng chịu đựng rủi ro cao hơn của bạn thúc đẩy bạn hành động theo đam mê và hiểu biết đó.

Thật không may, nhiên liệu của tên lửa của bộ não bạn đang bị rò rỉ khi bạn gần chạm đến ngưỡng 30. Bây giờ là thời điểm để cất cánh.

TẠI SAO BỐ MẸ BẠN LÀ NHỮNG NGƯỜI CỔ LỖ SĨ NHƯ VẬY

Giờ thì bạn đã có được một lời giải thích cho một nhận định mà có lẽ bạn từng đưa ra khi lớn lên: “Trời ơi, bố mẹ tôi trông chán quá. Họ dường như chẳng trăn trở về những điều sâu sắc hay đam mê tha thiết với bất cứ thứ gì. Họ luôn tuân theo thói quen của mình và vẫn nghe những bản nhạc tương tự như thời họ học đại học! Tôi sẽ không đời nào muốn trông giống như thế.” Bạn có lẽ cho rằng sự què quặt ổn định của họ là một chức năng của quyết định chủ động chọn “cách sống an phận” của họ, hay là hệ quả của cái cách mà những trách nhiệm của họ trong cuộc đời đã làm họ héo mòn. Những điều này chắc chắn là những yếu tố gây ra chứng Rối loạn Buồn chán ở Người lớn (Adult Boring Disorder (ABD). Nhưng nó cũng là do những thay đổi trong bộ não của họ, và những thay đổi này cũng sẽ xảy ra với bạn.

Phần lớn những người trưởng thành đều trông quá “buồn chán” và ghét rủi ro và không trải nghiệm cuộc đời một cách mãnh liệt vì sự nhạy cảm của hệ thống phần thưởng trong bộ não của họ đã chai sạn và vỏ não trước trán đã trưởng thành của họ đã dập tắt những cảm xúc đam mê của họ. Những sở thích âm nhạc của bố mẹ bạn đã chấm dứt từ thời đại học (ít nhất thì đây là lý thuyết của cá nhân tôi về chuyện này) vì âm nhạc không còn tạo ra cường độ tương tự, phản ứng cảm xúc sắc sảo như nó đã từng ở thời niên thiếu của họ (“Bạn phải nghe bài hát này!”) vì vậy nên nó không còn làm họ thích thú nhiều nữa.

Tôi thấy sự cân bằng của hệ limbic/vỏ não trước thay đổi tùy theo từng cá nhân–những nghệ sĩ và những kiểu người nhạy cảm khác dường như duy trì được nhiều hơn tí chút cường độ cảm xúc của tuổi trẻ, và tất nhiên một số người nghe nhạc tận tâm vẫn say mê với âm nhạc suốt cả cuộc đời họ. Rất nhiều người vẫn cố gắng duy trì sự tò mò và cảm giác phiêu lưu trong suốt cuộc đời họ—vì vậy đừng hiểu sai ý của tôi—bạn chắc chắn không bị an bài để trở thành một người lớn chán ngắt/vật vờ. Nhưng sau khi vỏ não trước trán hoàn tất quá trình trưởng thành thì tất cả mọi người đều trở nên chín chắn, ở mức độ này hay mức độ khác

Về phương diện nào đó, sự làm dịu đi cường độ cảm xúc của một người có vẻ như là một mất mát thực sự. Người ta thường tự hỏi tại sao quá nhiều nhạc sĩ tài năng đã chết vì tự tử hay chơi ma túy quá liều ở độ tuổi 27 (còn được gọi là Câu lạc bộ Mãi Mãi tuổi 27). Các nhạc sĩ thường sáng tác ra một số bài hát hay nhất trong những ngày đầu của sự nghiệp của họ–những bài hát họ viết trong giai đoạn tuổi trẻ của họ, được tiếp thêm nhiên liệu bởi cường độ cảm xúc của bộ não tuổi đôi mươi của họ. 27 tuổi là đúng khoảng thời gian mà vỏ não trước trán hoàn thành quá trình trưởng thành. Có thể nào do sự sụt giảm trong cường độ cảm xúc từng tiếp thêm cho sức sáng tạo của họ và cảm xúc của sáng tác của họ đã tạo ra một nỗi thất vọng sâu sắc ở các nghệ sĩ? Biết đâu được. Đó chỉ là một lý thuyết của cá nhân tôi mà thôi.

Nhưng đây là tin tốt–sự hoàn tất quá trình trưởng thành của não bộ không chỉ không khiến cho phần lớn chúng ta tự tử, mà trên thực tế bạn sẽ trải nghiệm điều đó như một cảm xúc tốt lành và sự thay đổi tích cực! Bạn quả thực có thể cảm nhận điều đó đang xảy ra. Rồi sẽ có một thời điểm vào khoảng tuổi 25 khi bạn nhận thấy một sự thay đổi ở bản thân mình. Bạn bắt đầu thấy mình cảm thấy ổn định hơn, vững vàng hơn, an toàn hơn. Bạn sẽ nghĩ về drama trong cuộc đời bạn mới chỉ vài năm trước và tự hỏi hồi đó bạn nghĩ gì thế–bạn sẽ cảm thấy mình đã thay đổi rất nhiều kể từ đó và bây giờ sẽ xử lý mọi chuyện khác đi rất nhiều so với bạn của ngày xưa. Khi bạn cảm nhận điều này, bạn sẽ biết rằng vỏ não trước trán của bạn đã hoàn tất sự trưởng thành.

Những giai đoạn trước và sau của việc chuyển đổi sức mạnh từ hệ limbic-đến-vỏ não trước trán không tốt cũng chẳng xấu; mỗi thay đổi có những sức mạnh phù hợp với một giai đoạn khác biệt trong cuộc sống. Ở độ tuổi đôi mươi, khi bạn đưa ra những quyết định và bước đi lớn, quan trọng, bạn cần có cảm xúc và cường độ cảm xúc để khích lệ bạn nghiên cứu và suy ngẫm về những câu hỏi lớn của cuộc đời, và động lực mạnh mẽ để chấp nhận rủi ro, mạo hiểm, và đưa ra những cam kết. Rồi sau đó đến độ tuổi ba mươi và lớn hơn, bạn cần sự điềm tĩnh tự tin để vượt qua những cơn thôi thúc bốc đồng và tâm trạng thất thường có hại của bạn, và để xây dựng những thứ mà bạn đã triển khai ở lứa tuổi 20–để phát triển doanh nghiệp của bạn, mở rộng phong trào của bạn, làm chủ một gia đình.

Bí quyết đơn giản là tận dụng từng sức mạnh trong giai đoạn mà nó mang lại: Lứa tuổi 20 là để triển khai, còn độ tuổi 30 là để xây dựng những thứ mà bạn đã triển khai.

Bài viết ngày hôm nay đã nêu bật một số sức mạnh độc đáo của bộ não ở tuổi đôi mươi—ấy là khuynh hướng đam mê sâu sắc, can đảm đối mặt với rủi ro và sự tò mò về người khác và thế giới. Nhưng bạn nên hướng những sức mạnh này đi theo hướng nào? Hôm khác chúng tôi sẽ thảo luận về cơ hội thứ hai chỉ xảy ra một lần trong đời mà bộ não của tuổi đôi mươi mang lại.

Ở phần I của loạt bài gồm 2 phần này, chúng ta đã khám phá cơ hội đầu tiên chỉ xuất hiện một lần trong đời của bộ não ở độ tuổi 20: là khuynh hướng đam mê mãnh liệt và sự tò mò sâu sắc về người khác và thế giới, cùng lòng can đảm đối mặt với rủi ro. Nhưng các phẩm chất này chỉ là lợi thế nếu chúng được sử dụng theo cách mà chúng được thiết kế: làm động lực để dám chấp nhận mạo hiểm có chủ đích, hướng tới tương lai–những mạo hiểm kéo theo việc học hỏi những trải nghiệm mới, sự phát triển cá nhân và tính độc lập lớn hơn. Đánh liều để xem thử sẽ như thế nào khi uống bia theo kiểu shotgun sẽ không giúp bạn tiến lại gần hơn với tương lai lý tưởng của bạn.

Cùng một lúc với việc triển khai những đam mê của mình, bạn cũng nên tận dụng cơ hội tuyệt vời thứ hai của bộ não ở tuổi 20: cơ hội để đóng một vai trò tích cực trong việc định hình sự phát triển của phần điều hành của trí óc của bạn.

Nếu tuổi 20 của bạn là để triển khai, còn tuổi 30 là để xây dựng, thì đây là cơ hội để huấn luyện “người thợ xây,” của bạn, vị “CEO” vỏ não trước trán, người mà bạn sẽ bàn giao quyền kiểm soát “start-up/công ty khởi nghiệp” của bạn vào cuối độ tuổi 20. Chuyển từ tuổi 20 sang 30 quả thực rất giống với việc ra mắt một công ty mà bạn biết rằng cuối cùng bạn sẽ rời đi; đồng thời bạn đang làm việc tích cực, bạn cũng cần đào tạo anh chàng mà cuối cùng sẽ tiếp quản vị trí của bạn, cho anh ta những kỹ năng và năng lực mà anh ta sẽ cần đến để chèo lái con tàu khi bạn đã rời đi. Chất lượng của việc đào tạo này sẽ quyết định rất nhiều đến thành công trong tương lai của sự cố gắng, tức là, phần còn lại của cuộc đời bạn.

CẮT TỈA XI-NÁP TRONG KHU VƯỜN NÃO BỘ

Hôm trước chúng tôi đã nói về một quá trình rất quan trọng diễn ra trong bộ não ở độ tuổi 20, điều này rất quan trọng mà người trẻ cần nắm bắt được: sự tăng cường diễn ra cùng một lúc của hệ limbic-chấp nhận rủi ro, dễ xúc cảm, mãnh liệt và sự trưởng thành của vỏ não trước trán-lý trí, điềm tĩnh, vững vàng, kiểm soát cơn bốc đồng. Nhưng chính xác thì vỏ não trước trán trưởng thành như thế nào?

Phần lớn sự phát triển bộ não của chúng ta diễn ra trong 2 giai đoạn: sinh sôi quá mức và cắt tỉa. Đầu tiên, bộ não sản sinh quá mức hàng triệu xi-náp, nhiều hơn số lượng xi-náp mà bộ não có thể dùng đến—nó chuẩn bị-quá mức cho những gì sắp xảy ra. Sau đó nó tổ chức và cắt tỉa những liên kết nơ-ron dư thừa này, loại bỏ những liên kết nơ-ron không dùng đến và củng cố, ổn định hóa những liên kết đang dùng —giống như một thợ làm vườn cắt tỉa những cành khô héo khỏi một cái cây.

Từ lâu người ta đã biết rằng quá trình sản sinh quá nhiều/cắt tỉa này diễn ra trong 18 tháng đầu đời của trẻ sơ sinh. Bộ não tăng cường sản sinh ra các tế bào để chuẩn bị cho đứa bé học hỏi một lượng lớn thông tin về ngôn ngữ và thế giới xung quanh trẻ trong một khoảng thời gian ngắn. Sau 3 tuổi, nó bắt đầu từ từ tỉa bớt những liên kết nơ-ron không dùng đến để bộ não con người phát triển được 95% vào năm 6 tuổi.

Gần đây các nhà khoa học lại phát hiện thấy một vòng thứ hai của việc sản sinh quá mức và cắt tỉa xi-nap lại khởi động ở tuổi vị thành niên và kéo dài đến khoảng 25 tuổi. Lần này, việc sản sinh quá nhiều xi-nap của não bộ không tập trung vào những thứ mà một đứa bé cần biết, như ngôn ngữ và các kỹ năng vận động, mà đúng hơn là tập trung vào những khả năng thiết yếu cho việc lèo lái ở tuổi trưởng thành–suy nghĩ lý trí, lập luận, kiểm soát cơn bốc đồng, đặt mục tiêu và lên kế hoạch. Cắt tỉa xi-nap là quá trình mà thông qua đó sự trưởng thành của vỏ não trước trán thật sự diễn ra–cách mà bạn huấn luyện “vị CEO” của bạn.

Vậy chính xác thì quá trình cắt tỉa xi-nap hoạt động như thế nào?

Mặc dù sự hoàn thiện của quá trình trưởng thành của vỏ não trước trán sẽ xảy đến với tất cả mọi người, nhưng không phải vỏ não trước trán của tất cả chúng ta sẽ “được thiết lập” theo cùng một cách. Sự phát triển của bộ não không đơn giản được định hình bởi tuổi tác, mà còn được định hình rất nhiều bởi trải nghiệm.

Bộ não không cắt tỉa những xi-nap dư thừa của nó theo kiểu điên rồ. Những xi-nap nào được giữ lại và xi-nap nào bị héo tàn được quyết định bởi những xi-nap nào được sử dụng và cái nào được cho phép nghỉ ngơi.

Theo Meg Jay, tác giả cuốn The Defining Decade lý giải:

“Theo lối dùng nó-hay-mất nó, những kết nối thùy trán mà chúng ta sử dụng được bảo tồn và tăng cường; còn những kết nối mà ta không dùng thì sẽ héo mòn thông qua việc cắt tỉa. Chúng ta trở thành cái mà chúng ta nghe, thấy và làm mỗi ngày. Chúng ta không trở thành cái mà chúng ta không nghe, không thấy và không làm hằng ngày. Trong khoa học thần kinh, điều này được gọi là ‘sự sinh tồn của cái bận rộn nhất.’”

Hay như nhà khoa học thần kinh, tiến sĩ Jay Giedd nói:

“Nếu một thiếu niên [hoặc người trẻ ở độ tuổi 20] đang học nhạc hay chơi thể thao hay học tập, thì đó là những tế bào và kết nối thần kinh sẽ được gắn chặt. Còn nếu chúng cứ nằm dài trên đi văng hoặc chơi game hay xem MTV, thì đó là những tế bào và kết nối thần kinh sẽ sống sót.”

Về cơ bản, điều này có nghĩa là nền giáo dục, những trải nghiệm và các mối quan hệ bạn lựa chọn theo đuổi ở độ tuổi 20 sẽ quyết định quá trình cắt tỉa xi-nap của bộ não của bạn.

Điều này có nghĩa là bạn cần chủ tâm trong việc điều chỉnh vỏ não trước trán của bạn để đạt được hiệu suất tối ưu trong vài thập kỷ tới! Bạn muốn trao cho vị CEO vỏ não trước trán khóa huấn luyện nào? Những kỹ năng và năng lực nào mà bạn muốn rèn luyện cho bộ não để thực hiện khéo léo trong quãng đời còn lại của bạn?

Một số người đánh giá thấp tầm quan trọng của độ tuổi đôi mươi khi nói rằng nó đơn giản chỉ là một buổi diễn tập cho những điều sắp đến. Nhưng nếu đúng là thế thì bạn cần tự hỏi bản thân rằng bạn đang chuẩn bị để đóng vai trò gì. Nếu bạn đang ôm hy vọng tóm được vai trò của người chồng biết yêu thương và chung thủy thì liệu việc tập dượt bằng những cuộc tình một đêm có giúp bạn chuẩn bị tốt cho vai trò ấy hay không?

HÃY RÈN SẮT KHI CÒN NÓNG, VÀ KIM LOẠI CÒN ĐANG MỀM DỄ UỐN

Sự phát triển cuối cùng này của bộ não cũng giống như nâng cấp hệ thống dây điện–sau khi nó hoàn tất, vỏ não trước trán sẽ hoạt động nhanh hơn và hiệu quả hơn. Nhưng bạn thắng ở tốc độ thì bạn thua ở sự linh hoạt.

Điều này làm cho khoảng thời gian trước khi công việc thiết lập hoàn tất là một thời điểm của cơ hội lớn. Trong khi bộ não của bạn còn linh hoạt và dễ uốn nắn, bạn có thể–và phải–đóng một vai trò chủ động trong việc định hình cách mà đường dây (nơ-ron) được thiết lập. Sẽ không bao giờ mà việc định hình bản thân, học hỏi những điều mới mẻ và trở thành kiểu người mà bạn mong muốn lại dễ dàng như thế nữa.

Đừng hiểu sai ý tôi, bộ não “có tính dẻo/dễ uốn nắn” trong suốt cuộc đời của chúng ta. Chúng ta luôn luôn có thể thay đổi những thói quen và hành vi của mình, cho dù chúng ta 20 hay 60 tuổi. Nhưng một khi bộ não tuổi vị thành niên hoàn tất quá trình phát triển và “cài đặt” thì việc thay đổi đường lối hành động của chúng ta sẽ trở nên khó khăn hơn. Tính dẻo của bộ não tuổi vị thành niên thì dễ uốn nắn, trong khi tính dẻo của bộ não lớn tuổi thì gian nan hơn nhiều–đòi hỏi nhiều sự nhào nặn và nhiệt để uốn nắn nó.

Hoặc hãy nghĩ về nó theo cách này: đến giữa độ tuổi 20, việc uốn nắn hành vi của bạn cũng giống như tạo con đường mòn đi qua một bãi cỏ. Một khi bộ não của bạn đã hoàn tất quá trình phát triển thì nó sẽ muốn chọn đi theo con đường dễ nhất–những con đường mà bạn đã tạo ra, những liên kết nơ-ron mà bạn đã tạo dựng. Sau độ tuổi 20, việc tạo ra một con đường mới sẽ đồng nghĩa với làm một con đường băng qua một cánh đồng đã chuyển từ bãi cỏ mềm mại thành một khu rừng cỏ mọc um tùm, dày đặc đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn để cày xới. Việc này có thể làm được, nhưng khó khăn.

Trong suốt thời vị thành niên và đến độ tuổi 25, chất xám được cắt tỉa khi những liên kết nơ-ron không được sử dụng “teo đi,” trong khi những liên kết nơ-ron nào được dùng đến thì sẽ được củng cố và tổ chức hiệu quả hơn. Như đồ họa ám chỉ, những chứng nghiện bắt đầu từ tuổi vị thành niên đã gắn chặt vào não bộ khi nó “đã thiết lập,” khiến ta khó mà vứt bỏ chúng ở tuổi trưởng thành.

Đây là lý do tại sao các nhà nghiên cứu phát hiện thấy sau tuổi 30, những suy nghĩ, cảm xúc, hành vi và tính cách của bạn trở nên tương đối ổn định và cố định. Quả thực không có nhiều tranh cãi giữa các chuyên gia về điểm này: một số vị nói rằng hầu như không có thay đổi nào có thể xảy ra sau tuổi 30, còn vị khác thì bảo những thay đổi nhỏ có thể xảy ra, và đó chỉ là vấn đề về mức độ của việc chia rẽ trong quan điểm. Điều mà tất cả bọn họ đều nhất trí đó là đến tuổi 30, phần lớn con người của bạn đã được kết tinh, và như Jay giải thích, “Tính cách của chúng ta thay đổi nhiều trong những năm tháng ở lứa tuổi 20 hơn bất kỳ thời điểm nào trước hoặc sau đó.” Ở độ tuổi 30, chúng ta chỉ đơn giản là “tiếp tục với, hoặc chỉnh sửa những động thái mà chúng ta đã tạo ra trong những năm 20 tuổi.”

Lý do vẫn còn những người đàn ông (và phụ nữ) ở độ tuổi 30 chưa trưởng thành, đó là họ tin rằng họ có thể dành những năm tháng tuổi 20 để buông thả và tiệc tùng rồi đến một ngày khi họ bước sang tuổi 30 mọi chuyện sẽ đến với họ một cách mầu nhiệm và họ sẽ sẵn sàng để chuyển sang giai đoạn khác. Nhưng khi bộ não của họ “thiết lập”–tính dẻo đã cứng lại—thì những thứ đang diễn ra trong cuộc sống của họ vào thời điểm đó–thức dậy trên sàn nhà của ai đó và làm việc ở cửa hàng Starbucks–đã khắc sâu vào vỏ não của họ.

Nếu bạn không muốn trở thành chàng trai ở độ tuổi 44 đang sống như thể anh ta mới 23 tuổi (ngay cả khi bản thân anh ta đã quá mệt mỏi với cuộc sống ấy và sẵn sàng cho một giai đoạn khác), hãy tạo tác vỏ não trước trán của bạn khi bạn đang ở độ tuổi đôi mươi bằng cách tìm kiếm các trải nghiệm và cam kết mà chúng sẽ luyện tập và thách thức khả năng lên kế hoạch, đặt mục tiêu và kỷ luật bản thân của bạn. Kéo căng bản thân bạn ngay bây giờ sẽ củng cố những liên kết nơ-ron tốt nhất, tăng cường và làm cho vỏ não trước trán của bạn trở nên dày dạn và tạo ra một nền tảng nhận thức không đơn giản là chuẩn bị cho một vài năm vui vẻ, mà cho cả một cuộc đời hạnh phúc và mãn nguyện.

Hiểu nhiều hơn về cách thức não bộ hoạt động cho thấy trái với quan điểm cho rằng những năm tháng tuổi 20 có thể tùy ý sử dụng và không quan trọng, những công việc mà bạn đảm đương, những mối quan hệ mà bạn thiết lập, và những quyết định bạn đưa ra trong thập kỷ này trên thực tế có thể có ảnh hưởng rất lớn đến kiểu người mà bạn sẽ trở thành và quãng đời còn lại của bạn sẽ thành ra thế nào.

Kiến thức này, kết hợp với hiểu biết về sức mạnh đặc biệt của bộ não độ tuổi 20 mà chúng ta đã thảo luận ở bài trước, hy vọng là thuyết phục được bạn rằng quan điểm “Ba mươi là độ tuổi 20 mới” quả thực là một thứ tào lao. Những người bảo với bạn rằng: “Đừng có lo. Bạn còn nhiều thời gian mà,” có thể có ý tốt, nhưng thật sai lầm–độ tuổi 20 không thể hoán đổi với mọi thập kỷ nào khác sắp đến. Chúng chắc chắn là không thể sử dụng một cách tùy tiện.

Độ tuổi 20 của bạn thật sự là một cơ hội chỉ đến một lần trong đời. Một sự hợp lưu của nhiều yếu tố tạo ra một khoảng thời gian mạnh mẽ nhưng ngắn ngủi, và bạn nợ chính mình để tận dụng nó một cách hiệu quả nhất.

Nhưng điều đó có nghĩa là gì? Bạn phải bỏ qua việc phiêu lưu và khám phá ở độ tuổi 20 và an cư lập nghiệp càng sớm càng tốt? Hầu như không.

Trên thực tế, độ tuổi đôi mươi là thời điểm lý tưởng để phiêu lưu và khám phá, song các trải nghiệm mà bạn lựa chọn nên có yếu tố chủ tâm/được định trước. Chúng không nên chỉ cho phép bạn nhìn và thử những điều mới mẻ, mà còn nên mở rộng tầm nhìn của bạn, ảnh hưởng đến tính cách của bạn và giúp bạn học hỏi và phát triển. Hãy tìm kiếm những trải nghiệm vừa khai thác những đam mê của bạn và luyện tập và kéo căng những khả năng điều hành của trí óc bạn.

Về cơ bản, những công việc mà bạn theo đuổi càng hướng đến (dù gián tiếp) mục tiêu cuối cùng của bạn thì càng tốt. Bạn không cần phải hoàn thành mọi mục tiêu của mình ở độ tuổi 20. Khi tôi bảo rằng tuổi 20 là thời điểm hoàn hảo để khởi động những chuyện lớn lao, khởi động không có nghĩa là hoàn thành–mà nó có nghĩa là bắt đầu.

Mặc dù tôi mở đầu bài viết phần I bằng cách liệt kê một số thành tựu đáng chú ý của những người đàn ông ở đầu độ tuổi 20, tôi làm vậy nhằm thể hiện tiềm năng lớn lao nhưng thường bị xem nhẹ của đàn ông trẻ tuổi. Nhưng cũng có hiệu quả tương tự như bản danh sách ấy là bản danh sách cho thấy những việc mà đàn ông ở độ tuổi 20 đã làm nhưng chưa mang đến thành công ngay lập tức, song đã giúp họ bước đi trên con đường hướng tới nó:

Ở tuổi 20: Plato trở thành môn đồ của Socrates, Mối quan hệ này đã mở đường cho Plato phát triển những lối tư duy mới mà cuối cùng sẽ trở thành nền tảng của tư duy phương Tây.

Ở tuổi 21: Jack London đã lên tàu đi đến Klondike trong cơn sốt đầu tiên của những người đi tìm vàng. Cuộc phiêu lưu của ông ở phương Bắc sẽ tạo ra chất liệu cho nhiều bài viết và cuốn sách nổi tiếng nhất của ông.

Ở tuổi 22: Charles Darwin đã đăng ký với tư cách là nhà tự nhiên học của HMS Beagle trong chuyến hành trình dài 5 năm đến Nam Mỹ và Quần đảo Galapagos. Mặc dù cha ông khuyên ông đừng đi, cho rằng sẽ lãng phí thời gian, song những quan sát và ghi chép phong phú của Darwin và bộ sưu tập những mẫu vật mà ông thu thập được trong hành trình đã giúp ông phát triển thuyết tiến hóa của mình.

Ở tuổi 25: Nhà thần thoại học tương lai Joseph Campbell đã thuê một cái lán ở Woodstock, New York và tham gia vào quá trình nghiên cứu độc lập chuyên sâu và nghiêm ngặt, đọc các tác phẩm kinh điển 9 tiếng một ngày, trong 5 năm liên tục.

Ở tuổi 26: “Johnny Appleseed” đã mang hạt táo đến Thung lũng Ohio. Vâng, anh ấy đang gieo hạt theo đúng nghĩa đen ở độ tuổi đôi mươi.

Ở tuổi 27: Kurt Vonnegut, Jr. đã nghỉ việc tại General Electric để trở thành một nhà văn toàn thời gian, còn Henry David Thoreau thì bỏ đi trong hai năm để sống một mình trong một túp lều ở đầm Walden.

Tuổi đôi mươi không phải là xoay quanh việc hoàn thành mọi mục tiêu của bạn, mà đúng hơn là tạo dựng một nền tảng sẽ cho phép bạn xây dựng chúng trong suốt phần đời còn lại của bạn. Như Jay diễn tả: “Có một sự khác biệt lớn giữa có một cuộc sống ở độ tuổi 30 và bắt đầu một cuộc sống ở độ tuổi 30.” Bắt đầu cuộc sống của bạn và tạo ra một nền tảng vững chắc bao gồm việc tìm kiếm nền giáo dục, những trải nghiệm và những cuộc theo đuổi phù hợp với các mục tiêu của bạn, thách thức bạn và do đó tạo ra cái gọi là “vốn bản sắc- identity capital.” Vốn bản sắc bao gồm các mục sơ yếu lý lịch như bằng cấp và công việc và những công việc tình nguyện, mà còn cả các kỹ năng giao tiếp với người khác của chúng ta, khả năng phục hồi khi đối mặt với thất bại, khả năng giải quyết vấn đề khi gặp áp lực, và hiểu biết về văn hóa, thế giới và bản chất con người. Các nghiên cứu cho thấy, Jay viết, “Những người trẻ ở độ tuổi 20 dành thời gian để khám phá và cũng đủ dũng khí để đưa ra những cam kết trong cuộc sống thì tạo dựng được bản sắc mạnh mẽ hơn.” Những bản sắc này gắn liền với lòng tự trọng cao hơn, tính kiên trì, những kỳ vọng thực tế, một ý thức sáng tỏ hơn về bản thân, hài lòng hơn với cuộc sống, quản lý stress tốt hơn, lý luận vững chắc hơn và khả năng chống lại sự tuân thủ. Tất cả những phẩm chất này sẽ giúp bạn đứng vững bất kể đường đời đưa bạn đến đâu. Vốn bản sắc đóng vai trò như tiền tệ của sự nghiệp và các mối quan hệ; bạn càng tích lũy nhiều thì bạn càng trở nên “giàu có hơn”, và bạn càng có thể mở ra nhiều cánh cửa hơn khi bạn bước vào tuổi 30 và quãng đời còn lại của bạn.

Đợi đã Brett! Tôi đã ngoài ba mươi và loạt bài viết này làm tôi thấy buồn ghê gớm! Liệu còn có hy vọng nào cho tôi không?

Tôi chắc chắn đã nhận thấy khá nhiều bình luận ở bài đầu tiên: “Điều này thật não nề. Tôi ước mình đọc được nó sớm hơn trong đời. Giờ thì đã quá trễ với tôi.”

Hãy vui lên những bạn ở độ tuổi 30 và 40 (hay các bạn ở độ tuổi 70 hoạt bát, am hiểu công nghệ). Loạt bài này được thiết kế để truyền cảm hứng cho những chàng trai ở độ tuổi 20 nhằm hiểu được thập kỷ này trong cuộc đời họ ẩn chứa biết bao nhiêu là tiềm năng, và cần tận dụng triệt để. Nhưng tôi không muốn những người lớn tuổi hơn bỏ đi với cảm giác chẳng còn hy vọng nào cho họ và họ sẽ phải chấp nhận với bất cứ nơi nào mà họ đang đứng trong cuộc sống.

Tôi thực sự tin rằng lứa tuổi 20 là thời gian lý tưởng để đưa ra những quyết định quan trọng, khởi động những chuyện lớn lao và lập cam kết–những đặc tính độc đáo nhưng sớm tàn của bộ não vị thành niên khiến bạn dễ dàng làm điều đó hơn bao giờ hết. Nhưng làm chuyện lớn và có những thay đổi sau lứa tuổi 20 không phải là bất khả thi, chỉ là khó khăn hơn thôi. Có rất nhiều ví dụ trong lịch sử về những người đàn ông có đóng góp vĩ đại nhất cho xã hội lúc về già. Tôi cũng biết có nhiều Joes đã thay đổi cuộc đời họ sau tuổi 30 sau khi dành những năm tháng tuổi 20 sống buông thả và giờ đang có cuộc sống thành công, hạnh phúc và mãn nguyện. Đối với những người có kỷ luật và tận tâm, cánh cửa dẫn đến sự vĩ đại luôn rộng mở.

Vậy tóm lại: Nếu bạn là một người trẻ, tôi cầu xin bạn hãy rèn sắt khi còn nóng và đừng để vuột mất cơ hội của tuổi 20. Và nếu bạn hơi luống tuổi, đừng nói lời giá như, thay vào đó hãy tiến lên với sức mạnh của bạn. Bất kể bạn bao nhiêu tuổi, một thuyền trưởng mạnh mẽ và khôn ngoan luôn luôn có thể xoay chuyển con tàu.

The Defining Decade: Why Your Twenties Matter–And How to Make the Most of Them Now –one of the best books I read last year. Highly recommended for any twentysomething.

Why the Teen Brain is Drawn to Risk

The Half-Baked Teen Brain: A Hazard or a Virtue?

Adolescents’ Risk-Taking Behavior Is Driven by Tolerance to Ambiguity

Teenage Brains Are Malleable And Vulnerable, Researchers Say

What twentysomething men were doing in their 20s was taken from “What Other People Accomplished When They Were Your Age” generator.

References