Để trả lời câu hỏi sự nghiệp: Bạn cần biết đâu là điều mình coi trọng

Trung bình, mỗi người trưởng thành dành 10 đến 14 năm cuộc đời để làm việc. Về cơ bản, nó tương đương với 20-25% thời gian khi thức giấc của họ.

Bạn hẳn cho rằng dành nhiều thời gian cho công việc đồng nghĩa với một sự nghiệp trọn vẹn, hoặc ít nhất là bạn hầu như thấy dễ chịu với những gì mình làm. Nhưng đáng tiếc, thực tế có hơn 80% người ghét công việc của mình, nghĩa là 80% người ghét phần lớn thời gian mà mình sống.

Nghĩ như thế này: cứ mỗi 5 người thì hết 4 trong số họ thức dậy mỗi sáng để làm thứ gì đó mà mình căm ghét và vẫn đang làm nó ngày qua ngày.

Tôi biết không phải ai cũng có thể từ bỏ mọi thứ và lập tức chạy theo công việc trong mơ của mình. Tôi cũng không cho rằng một sự nghiệp trọn vẹn có thể khiến bạn vui vẻ 100% thời gian. Tôi đang làm công việc mình yêu thích mà vẫn có lúc ghét những khía cạnh của nó. Đó chính là cuộc sống.

Cũng bởi vì chúng ta dành rất nhiều thời gian cho công việc, mỗi người nên cố gắng tận dụng nó một cách tối đa hoặc ít nhất không dành phần lớn thời gian để khổ sở.

Tôi cho rằng một sự nghiệp hoàn hảo cần giao thoa giữa ba yếu tố:

  1. Những gì bạn coi trọng
  2. Những gì bạn giỏi
  3. Những gì thế giới coi trọng

Hãy cùng xem xét từng khía cạnh một và đặt chúng lại với nhau.

Bước 1: Tìm ra đâu là điều mà bạn coi trọng

Phần đông mọi người bắt đầu bằng việc tự hỏi “Đam mê của tôi là gì?” và nghĩ về tất cả những thứ hay ho mà họ thích làm khi đang chè chén cùng bạn bè (chơi game, đánh bi lắc, học mấy môn chẳng có giá trị gì ở đại học) và rồi than vãn rằng những thứ đó chẳng làm ra tiền.

Tuy nhiên, cách tiếp cận này là một thiếu sót lớn. Bởi tự hỏi rằng mình yêu thích điều gì là một câu hỏi nông cạn. Chúng ta hầu như chỉ tận hưởng thứ gì đó trong một khoảng thời gian ngắn, hoặc khi mà ta chẳng phải chịu bất kỳ căng thẳng hay áp lực gì.

Câu hỏi nên là “Điều gì mà bạn coi trọng?”. Bởi nếu coi trọng những gì mình đang làm, bạn không những tận hưởng công việc hơn mà còn tìm được ý nghĩa khi làm nó, cho dù việc đó có trở nên khó khăn đi nữa. Tìm được ý nghĩa trong công việc chính là chìa khóa thúc đẩy bạn vượt qua những thời điểm chẳng mấy dễ dàng.

Vậy làm thế nào để tìm ra đâu là điều bạn coi trọng? Đây là một số câu hỏi để bạn bắt đầu.

Đâu là vấn đề mà đa phần mọi người chẳng quan tâm?

Có bao giờ bạn nghĩ mọi người nên lo lắng về bất bình đẳng kinh tế ngày một leo thang? Đã bao giờ bạn quan ngại rằng rất nhiều người chẳng hề chú ý đến việc đầu tư và những điều cơ bản về tài chính cá nhân? Bạn có biết số lượng sinh viên đang trải qua tình cảnh thiếu nơi ở mỗi ngày một tăng? Và thật ngớ ngẩn làm sao khi nhiều người không nhận ra nạn buôn người đang hoành hành?

Vấn đề gì đang hiện hữu khiến bạn chẳng thể hiểu được vì sao mà mọi người lại không quan tâm đến nó?

Nếu bạn có thể nhận thấy được những điều này trong cuộc sống, bạn đang coi trọng nó hơn phần lớn mọi người. Đấy chính là khởi đầu tốt.

Đó không nhất thiết phải là những ý tưởng to lớn hay thay đổi cả thế giới. Đôi khi chỉ đơn giản là bạn nhận ra nơi mình sống thiếu đi những món ăn Thái chất lượng. Hoặc bạn tự hỏi tại sao không có nhiều cửa hàng bán đồ phụ tùng hơn, hay làm thế nào để tiếp cận các dịch vụ cộng đồng. Cũng có thể là việc vì sao mọi người không biết về vẻ đẹp thiên nhiên ở trong hoặc xung quanh thành phố.

Các vấn đề đang hiện hữu và làm sao để giải quyết chúng sẽ mang lại cho ta mục đích và đôi khi là cả thu nhập.

Vấn đề nào mà tôi thích giải quyết trong khi hầu hết mọi người thì không?

Liệu có một hoạt động hoặc nhiệm vụ nào đó mà bạn thích làm đến mức những người xung quanh không hiểu được? Có khi họ còn nghĩ rằng bạn là kẻ tâm thần trong khi bạn thì thấy nó rất bình thường, thậm chí là vui.

Từng có một nha sĩ nói với tôi rằng cô ấy thích việc làm sạch răng cho mọi người. Cô xem mỗi chiếc răng bẩn mà mình bắt gặp như một viên kim cương thô và thích nhìn thấy một chiếc răng bám vôi trở thành viên ngọc trai sáng bóng.

Tôi không biết bạn cảm thấy sao, nhưng tôi thà dọn phân chuột trên sàn tàu điện ngầm còn hơn là phải nhìn vào miệng của ai đó và cạo vôi răng cho họ cả ngày.

Nhưng cô ấy lại nghĩ khác, cô coi trọng công việc và bệnh nhân của mình. Cạo vôi răng ngày qua ngày không phải là điều quá kinh khủng đối với cô.

Bạn có thể thích tính toán và lập ngân sách tài chính cho mình, sửa chữa những vật dụng quanh nhà, đánh bóng đồ nội thất, hoặc trò chuyện với người bạn lúc nào cũng than vãn về cuộc đời trong khi ai cũng quá ngán ngẩm với câu chuyện của họ.

Hầu hết mọi người đều ghét những điều này. Đây là lý do mà họ trả (rất nhiều) tiền để người khác làm nó thay cho họ.

Khi lướt web, đâu là nơi tôi dành nhiều tâm trí và năng lượng nhất?

Tôi đã từng viết về việc nếu bạn phải tìm kiếm đam mê nghĩa là bạn chẳng đam mê gì ngay từ đầu.

Nếu có một thứ chiếm phần lớn thời gian, năng lượng nhưng mãi mà bạn chẳng tìm ra đó là gì thì 1) bạn đang ngó lơ hoặc chẳng thật sự thích điều này lắm, hoặc 2) bạn làm và nghĩ về nó nhiều đến mức chẳng còn nhận ra rằng điều đó không “bình thường”.

Tôi đã từng dành hàng giờ trên các diễn đàn để viết về bất kỳ thứ gì mà mình quan tâm: chính trị, âm nhạc, thể thao, các mối quan hệ,… Tôi chẳng bao giờ nghĩ rằng đa phần mọi người không làm điều đó cho vui.

Tôi chưa từng cho rằng mình là một nhà văn. Nhưng vẫn là tôi, bỏ ra hàng giờ để viết lách, mài dũa các ý tưởng, thử nghiệm giọng văn, phát triển phong cách của riêng mình. Giờ đây công việc toàn thời gian của tôi là viết sách và blog.

Cảnh báo: Đừng nhầm lẫn giữa những gì bạn coi trọng và bị cưỡng bách.

Một tay nghiện ngập đề cao rượu bia nhưng nó bắt nguồn từ cơn nghiện. Ví dụ này dù hiển nhiên nhưng cũng diễn ra tương tự với các hoạt động giải trí. Tôi thích trò chơi điện tử, nhưng rồi qua nhiều năm tôi nhận ra đó chỉ là cách để lẩn tránh, không phải là giá trị cốt lõi của mình.

Bạn có thể rất thích có một cơ thể đẹp. Để đạt được nó bạn không ngừng tập luyện, uống các loại sinh tố và duy trì 3% lượng mỡ trong cơ thể. Điều đó tuyệt đấy. Nhưng bạn có bao giờ nghĩ đến việc trở thành một huấn luyện viên thể hình bởi vì bạn đề cao lối sống lành mạnh và muốn mọi người cũng có được điều đó? Hay bạn chỉ tập luyện như cách để trừng phạt bản thân, để thoát khỏi thực tại mà mình không muốn đối mặt?

Và đây là mấu chốt: bạn cần phân biệt khi nào mình làm một việc bởi bản thân coi trọng nó, hay là chỉ đang muốn chạy trốn khỏi những gì quan trọng trong đời. Đây không phải là một câu hỏi đơn giản. Thông thường bạn sẽ phải thử và thất bại nhiều lần cho đến khi tìm ra nó.

Bước 2: Tìm ra những gì bạn giỏi

Có khái niệm về điều mình coi trọng sẽ giúp bạn đi đúng hướng, nhưng nếu muốn tìm được sự nghiệp hoàn hảo, bạn còn phải biết mình giỏi việc gì.

Có thể bạn sẽ nhận thấy mình đã sẵn “giỏi” một số thủ thuật nào đó. Đây là điểm khởi đầu khá rõ rệt, và nếu bất kỳ một kỹ năng nào trong số đó khớp với giá trị của bạn, vậy thì bạn đã tiến gần hơn một bước với việc tìm ra sự nghiệp hoàn hảo cho mình.

Ví dụ, bạn giỏi sắp xếp các trang tính phức tạp, phân tích ngân sách, và nhìn chung cũng khá giỏi quản lý tiền bạc. Nếu bạn cũng coi trọng vấn đề tài chính cá nhân và quản lý chi tiêu, thế thì bạn sẽ làm tốt công việc lên kế hoạch tài chính.

Nhưng tôi cũng phải công nhận (với sự đồng tình của nghiên cứu) rằng các kỹ năng mềm đang ngày càng quan trọng hơn. Vậy thì đâu là những kỹ năng mềm mà bạn cần thủ sẵn?

Quay trở lại ví dụ ở trên, bạn có giỏi nhận biết những rào cản về mặt cảm xúc để quản lý tốt tiền bạc không? Liệu bạn có thể thấu cảm với những người gặp rắc rối về tài chính? Bạn có thể tìm được những cách mới mẻ và sáng tạo để giải thích các chủ đề cơ bản về tài chính cá nhân cho đa số những người không mấy hứng thú không?

Hoặc có thể là bạn yêu nghệ thuật và thiết kế, bạn cũng rất giỏi mảng này, nhưng bạn có nghĩ mình đủ khả năng quản lý kỳ vọng của khách hàng và giúp họ tìm được hướng đi đúng đắn khi cần?

Hãy nghĩ về những kỹ năng mềm mà bạn thành thạo và cách ứng dụng chúng vào một công việc cụ thể. Bạn có giỏi làm việc với con người? Bạn có giỏi tự tổ chức và tập trung vào chi tiết? Bạn có biết quản lý dự án và kỳ vọng không?

Nếu bạn đang gặp rắc rối với những điều trên, ngoài kia có hàng triệu nguồn thông tin sẽ giúp bạn tìm ra điểm mạnh của mình, nhưng cá nhân tôi nghiêng về những công cụ có áp dụng thang đánh giá tính cách Big Five, đơn cử như StrengthFinder.

Bước 3: Tìm ra những giá trị mà thế giới này coi trọng

Bước cuối cùng là tìm thứ giúp bạn kiếm ra tiền.

Nếu bạn đã tìm được giá trị mình muốn, bạn cũng giỏi ở lĩnh vực đó nhưng lại không kiếm được tiền từ nó, vậy thì đó chỉ là sở thích, không phải nghề nghiệp. Sở thích hoàn toàn không có gì sai. Thực tế là tất cả chúng ta đều cần một thứ gì đó chỉ để thỏa niềm đam mê giản đơn và thuần khiết.

Nhưng nó không giúp bạn no bụng hay trả học phí cho con bạn được.

Bạn cần được trả tiền cho những giá trị mà bạn đóng góp cho thế giới này. Vậy thì đâu là giá trị mà thế giới coi trọng để chịu trả tiền cho bạn?

1. Từ giá trị bạn coi trọng (ở bước 1) và điểm mạnh của bạn (ở bước 2), tìm xem có cơ hội nào sẵn có ngoài thị trường không

Rất nhiều người, một khi đã tìm ra giá trị và điểm mạnh của mình, thì cũng tìm được vô vàn cơ hội nghề nghiệp phù hợp với kỹ năng của họ.

Cho dù bạn cực kỳ mê tổ chức tiệc tùng hoặc sinh nhật hoặc ngày kỷ niệm lần thứ 200 cho ông bà, hay bạn nấu ăn cực ngon và thích nấu cho mọi người, ngoài kia sẽ có một công việc nào đó phù hợp với bạn.

Tiếp đến, trên cả việc biến mình trở thành ứng viên tốt nhất cho công việc đó, điều mấu chốt là tìm đúng nơi làm việc trong lĩnh vực bạn đã chọn. Nghiên cứu cho thấy có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến mức độ hài lòng của bạn với công việc, và tiền bạc lại không có sức nặng như bạn nghĩ (dù đương nhiên là được trả lương cao hơn cũng chẳng hại gì).

Những nhân tố như mức độ ảnh hưởng và tự chủ mà bạn cảm thấy, cơ hội được rèn luyện và nâng cao kỹ năng, bạn được tôn trọng bao nhiêu, mức độ thành tựu của bạn – tất cả đều tác động lên cảm giác trọn vẹn mà công việc mang đến cho bạn.

Tôi cho rằng, sở dĩ những điều trên quan trọng bởi chúng cho thấy công việc của bạn mang lại ý nghĩa như thế nào. Kết quả nghiên cứu cũng củng cố cho điều này. Và biết gì không: tìm ra ý nghĩa trong bất cứ việc gì bạn làm, bao gồm cả sự nghiệp, đều dựa vào bạn.

Có một câu chuyện ngụ ngôn về ba người thợ xây thế này: khi họ đang làm việc, một người đến hỏi họ đang làm gì vậy. Người thứ nhất đáp, “Tôi đang chồng viên gạch này lên những viên gạch khác.” Người thứ hai nói, “Tôi được trả 6 xu một giờ.” Và người thứ ba trả lời, “Tôi đang xây một nhà thờ – là ngôi nhà của Chúa.”

Điều tôi muốn nói ở đây là bạn phải quyết định điều gì ý nghĩa với bạn. Có thể bạn thấy công việc của mình ý nghĩa vì nó giúp bạn nuôi sống gia đình, hoặc vì bạn giúp đỡ được nhiều người, hoặc vì những ảnh hưởng mà bạn tạo nên. Và điều có ý nghĩa với bạn chưa chắc đã có ý nghĩa với người khác, cho nên đừng trông chờ ai đó nói cho bạn biết nên coi trọng điều gì trong công việc của mình.

2. Từ giá trị và năng lực của bạn, tìm xem thị trường đang thiếu cung ứng ở đâu để lấp vào phần còn thiếu

Nguyên lý của khởi nghiệp là bạn kết hợp điều mình quan tâm và khả năng mình có, từ đó tạo ra thứ mà thế giới coi trọng nhưng thậm chí còn chưa biết đến.

Ngày nay có vô vàn các nguồn hỗ trợ bạn bắt đầu tự kinh doanh và trở thành một doanh nhân tỷ phú của một lĩnh vực nào đó, có du thuyền riêng, chỉ làm việc khoảng ba tiếng một tháng và thế này thế nọ. Còn rất nhiều mánh lừa đảo và nhảm nhí ngoài kia, vì thế hãy cảnh giác với bất cứ điều gì nghe tuyệt vời tới mức khó tin nổi là thật (vì toàn là giả thôi).

Tuy nhiên nếu bạn chọn bắt tay vào thực hiện, chỉ hai câu hỏi (lớn) mà bạn cần trả lời được là “có”: 1) Bạn có khả năng tạo ra một thứ mà mọi người thật sự cần và sẵn sàng trả tiền cho nó không? 2) Bạn có thể làm theo kế hoạch của mình thật nghiêm túc để hiện thực hoá nó không?

Rồi bạn sẽ gặp bế tắc, sẽ thất bại nhiều lần, và chắc chắn không ít lần muốn dẹp bỏ tất cả. Bạn sẽ thấy bạn bè mình mua xe đẹp, nhà sang, để rồi tự hỏi mình không chọn công việc giống họ có phải là sai lầm không.

Dù con đường bạn chọn là gì, làm công hoặc khởi nghiệp, thì cũng cần đảm bảo rằng bạn chọn nó vì nguyên nhân đúng đắn. Những năm gần đây đang là thời điểm bùng nổ văn hoá “tự mình làm chủ” và tôn thờ khởi nghiệp, mà theo tôi thấy là khá lố bịch. Làm công ăn lương cho một người khác cũng đang làm điều bạn thích chẳng có gì sai. Cũng có một số người không thích mạo hiểm, hoặc trong tình trạng không thể mạo hiểm, vì đang là trụ cột của gia đình chẳng hạn.

Đừng vội bỏ việc để lập công ty với một ý tưởng nửa vời vì cho rằng nó sẽ giúp bạn trông ngầu hoặc thông minh hoặc quyến rũ hay gì khác. Nếu bạn muốn làm điều gì, hãy làm vì bạn nhận thấy một nhu cầu đang thiếu cung ứng, và bạn sẽ đi đường dài với nó.

Tương tự, nếu bạn thấy bị bó buộc khi làm công cho người khác, nhưng lo sợ về cách nghĩ của bạn bè và gia đình nếu bạn bỏ việc để tự mở công ty, vậy thì bạn nên cân nhắc xem đâu mới là điều bạn thực sự mong muốn về sự nghiệp của mình.

Nếu bạn không có vướng mắc nào quan trọng, chẳng hạn bạn đang là nguồn thu nhập chính của gia đình, và có thể chấp nhận những điều bất định luôn đi kèm với việc khởi nghiệp, vậy thì cứ triển thôi. Bạn chỉ sống có một lần, phải chứ? Và cuộc đời thì quá ngắn ngủi để mắc kẹt mãi với một công việc mà bạn chẳng thấy hài lòng hay ý nghĩa gì.

Được chuyển ngữ từ bài viết “How to find the perfect career” đăng tải trên blog cá nhân của tác giả Mark Manson.

References