Để điều chỉnh giá trị cá nhân, cần tìm kiếm những giá trị lành mạnh

Chúng ta chính là những gì bản thân thấy giá trị

Có lẽ ai cũng từng nghe một câu chuyện về một người trung lưu, có học thức và công việc tử tế bỗng cảm thấy cần “giác ngộ”. Và rồi anh quyết định dành 10 ngày (hoặc 10 tháng) cắt đứt liên lạc với thế giới bên ngoài, đi đến một nơi hẻo lánh nào đó trên địa cầu để “tìm thấy chính mình”. Đây có thể chính là bạn vào một thời điểm nào đó. Tôi biết, chính tôi cũng từng làm như vậy trong quá khứ.

Khi có ai nói rằng họ muốn “tìm thấy chính mình”, thực tế là họ đang tìm kiếm những giá trị mới. Bản sắc của ta - cái ta vẫn hiểu và nhận thức là “chính mình” - là sự tổng hợp của mọi giá trị ta coi trọng. Vì vậy khi bạn “đi trốn” một mình đến nơi nào đó, điều bạn thực sự đang làm là tìm một nơi phù hợp để nhìn nhận lại những giá trị của bản thân.

Đây là toàn bộ quá trình nó diễn ra:

  • Bạn đang phải trải qua một lượng lớn áp lực hoặc căng thẳng trong cuộc sống hàng ngày.

  • Vì những căng thẳng đó, bạn cảm giác như đang mất kiểm soát phương hướng cuộc sống của chính mình. Bạn không biết mình đang làm gì, và tại sao mình lại làm nó. Bạn cảm thấy những hoài bão và quyết định của mình không còn quan trọng nữa. Có thể bạn muốn uống mojito và chơi đàn banjo, nhưng yêu cầu quá lớn từ trường học, công việc hay người yêu khiến bạn thấy mình không còn thực hiện được những mong muốn trên.

  • Đây chính là “bản ngã” mà bạn thấy mình “đánh mất”. Bạn không thể lái được con thuyền cuộc đời của chính mình. Thay vào đó, bạn bị đẩy qua đưa lại trên mặt biển bởi những ngọn gió mang tên “trách nhiệm”.

  • Bằng cách kéo bản thân ra khỏi mớ áp lực trên, bạn khôi phục được cảm giác có thể kiểm soát bản thân. Một lần nữa, bạn chịu trách nhiệm về sự tồn tại của chính mình mà không bị 7749 thứ áp lực bên ngoài can thiệp.

  • Bên cạnh đó, bạn có thể nhìn lại những áp lực này từ bên ngoài và tự hỏi bản thân có thực sự muốn sống cuộc sống đang có hay không. Đây có phải là bạn không? Có phải thứ mà bạn trân trọng không? Bạn tự vấn các quyết định và ưu tiên của mình.

  • Rồi bạn quyết định có vài thứ bạn muốn thay đổi. Có những thứ bạn đang quan tâm quá nhiều và bạn muốn dừng lại. Có những thứ khác bạn cảm thấy mình nên quan tâm hơn và dặn lòng sẽ ưu tiên chúng. Giờ bạn đang xây dựng “bản ngã mới”.

  • Sau cùng, bạn thề sẽ quay lại “thế giới thực” và sống theo những ưu tiên mới, trở thành “bản ngã mới” - nhất là khi da bạn giờ đã rám nắng.

Dù diễn ra trên một du thuyền, trong rừng rậm hay một hội thảo self-help nào đó, thì quá trình này cơ bản chỉ là cuộc trốn chạy để điều chỉnh giá trị của một người.

Bạn rời đi để nhìn ra điều gì thực sự là quan trọng trong cuộc sống, sau đó quay lại để sống với nó. Bằng việc thay đổi những ưu tiên của mình, bạn thay đổi các giá trị bản thân và trở thành “một con người mới”.

Giá trị là thành phần cơ bản cấu thành tâm lý và bản sắc của chúng ta. Chúng ta được định nghĩa bởi những gì ta cho là quan trọng trong cuộc sống, những gì ta ưu tiên.

Nếu tiền quan trọng hơn tất cả, nó sẽ xác định ta là ai. Nếu việc nằm dài hút thuốc là điều quan trọng nhất trong đời, nó cũng sẽ xác định ta là ai. Và nếu ta cảm thấy tồi tệ về bản thân, nếu ta tin mình không xứng đáng được yêu hay thành công, nó cũng sẽ xác định ta là ai - thông qua hành động, lời nói và quyết định của chúng ta.

Bất kỳ sự thay đổi bản thân nào cũng dẫn đến thay đổi cấu tạo giá trị của chúng ta. Khi biến cố xảy ra, nó tàn phá chúng ta. Bởi ta không chỉ cảm thấy buồn, mà còn mất đi thứ ta trân trọng.

Nếu sự mất mát này đủ lớn, nó sẽ khiến ta tự vấn về giá trị của cuộc sống. Ta trân trọng bạn trai/bạn gái cũ, và giờ thì họ không còn bên ta nữa. Điều đó nghiền nát trái tim ta, khiến ta tự vấn mình là ai, giá trị của mình là gì và mình biết gì về thế giới. Nó quăng ta vào một cuộc khủng hoảng hiện sinh hoặc khủng hoảng bản sắc, bởi ta không còn biết phải tin vào cái gì, phải làm gì và cảm thấy thế nào nữa.

Sự thay đổi về cấu thành danh tính này cũng xảy ra với những việc tích cực. Khi đạt được thành công, ta không chỉ cảm nhận niềm vui chiến thắng mà còn thay đổi cách ta định giá bản thân. Ta thấy bản thân đáng giá hơn và xứng đáng (thành công) hơn. Cứ như vậy, cuộc sống có thêm ý nghĩa và rung cảm mãnh liệt. Đây chính là sức mạnh lớn lao của giá trị.

Vì sao một số giá trị lại ưu việt hơn số còn lại

Trước khi đi sâu vào xác định và thay đổi các giá trị cá nhân (nếu cần), chúng ta nên tìm hiểu xem giá trị nào có lợi và giá trị nào có hại. Tôi định nghĩa các giá trị tốt và xấu như sau:

Đặc điểm của những giá trị tốt:

  • Dựa trên dẫn chứng cụ thể
  • Có tính chất xây dựng
  • Có thể kiểm soát được

Đặc điểm của những giá trị xấu:

  • Dựa trên cảm xúc
  • Có tính chất phá hoại
  • Không thể kiểm soát được

Giá trị dựa trên dẫn chứng và giá trị dựa trên cảm xúc

Phụ thuộc và tin tưởng quá nhiều vào cảm xúc rất có hại. Thật không may là rất nhiều người trong chúng ta mắc lỗi này mà không nhận ra.

Nghiên cứu về tâm lý học cho thấy, hầu hết chúng ta thường ra quyết định và hành động dựa trên cảm xúc thay vì kiến thức hoặc thông tin. Mà cảm xúc của chúng ta thường xoay quanh bản thân, sẵn sàng từ bỏ lợi ích lâu dài cho những lợi ích trước mắt, và thường sai lệch hoặc mang tính ảo tưởng.

Những người sống dựa vào cảm xúc sẽ cảm thấy như đang chạy mãi trên máy chạy bộ, lúc nào cũng cần nhiều hơn nữa. Cách duy nhất để bước khỏi chiếc máy là tìm ra điều gì quan trọng hơn cảm xúc của bạn. Đó có thể là một tác nhân, một mục tiêu hay một người nào đó mà bạn sẵn sàng chịu đau để bảo vệ.

“Tác nhân” đó chính là cái chúng ta hay gọi là “mục đích sống” của mình. Việc tìm ra nó là một nỗ lực quan trọng để tăng cường sức khỏe và hạnh phúc. Nhưng ta không nên tìm kiếm mục đích sống thuần túy qua những gì mang lại cảm xúc tích cực. Nó phải được xem xét một cách lý trí. Ta phải tìm được bằng chứng củng cố cho nó. Nếu không, ta sẽ dành cả đời để theo đuổi một ảo ảnh.

Giá trị mang tính xây dựng và giá trị mang tính phá hoại

Cái này nghe thì đơn giản, nhưng nếu nghĩ kỹ về nó thì cũng khá hại não đấy.

Chúng ta coi trọng điều gì có lợi, và không coi trọng thứ gì có hại cho bản thân mình và người khác. Điều này là lẽ đương nhiên.

Thế nhưng việc xác định được cái gì có lợi và cái gì gây hại cho ta có thể trở nên phức tạp. Việc tập gym hết mình về lý sẽ gây hại cho cơ thể, nhưng nó cũng giúp ta khỏe hơn. Uống thuốc lắc có thể cải thiện cảm xúc của bạn trong một số trường hợp. Nhưng nếu cuối tuần nào bạn cũng uống, thì bạn đang tự hủy hoại tinh thần mình nhiều hơn là giúp ích cho nó. Tình một đêm có thể là cách giúp bạn nâng cao sự tự tin, nhưng cũng có thể là phương tiện để né tránh sự thân mật hoặc trưởng thành về cảm xúc.

Ranh giới giữa lợi ích và tác hại rất mờ nhạt, giống như hai mặt của một đồng xu vậy. Vì vậy mà những gì bạn coi trọng không quan trọng bằng lý do bạn coi trọng nó.

Nếu bạn coi trọng võ thuật vì bạn thích tấn công người khác, thì đó là một giá trị tồi. Nhưng nếu bạn coi trọng nó vì bạn trong quân đội và muốn học cách bảo vệ bản thân và người khác - thì đó lại là giá trị tốt. Cùng một vấn đề, nhưng mang lại hai kiểu giá trị khác nhau. Sau tất cả, chủ đích của bạn là quan trọng nhất để quyết định nó là giá trị gì.

Giá trị có thể kiểm soát và giá trị không thể kiểm soát

Khi bạn coi trọng thứ gì nằm ngoài tầm kiểm soát của bản thân, thì về cơ bản bạn đã “bán” linh hồn mình cho nó.

Ví dụ điển hình nhất cho vấn đề này là tiền. Đúng là bạn có thể kiểm soát một phần với số tiền bạn kiếm được, nhưng không thể kiểm soát hoàn toàn. Sẽ có lúc nền kinh tế suy thoái, các công ty phá sản và những ngành nghề bị công nghệ tự động hóa hoàn toàn. Nếu bạn làm mọi thứ chỉ vì tiền, rồi bi kịch ập đến và toàn bộ tiền của bạn bị đốt vào viện phí - thì những gì bạn mất không chỉ là một người thân. Bạn cũng sẽ mất đi toàn bộ mục đích sống của mình.

Tiền bạc là một giá trị tồi vì bạn không thể kiểm soát nó. Sự sáng tạo, siêng năng hay tinh thần làm việc tích cực là những giá trị tốt vì bạn CÓ THỂ kiểm soát chúng. Và khi bạn đạt được những giá trị này, tiền sẽ tự động về với bạn.

Chúng ta cần những giá trị ta có thể kiểm soát, bằng không thì giá trị sẽ kiểm soát chúng ta. Và như vậy không ổn chút nào.

Một số giá trị tốt có thể kể đến: Trung thực, mở lòng, biết đấu tranh cho bản thân và người khác, tự trọng, hiếu kỳ, bác ái, khiêm tốn và sáng tạo.

Một số giá trị không lành mạnh bao gồm: Thống trị người khác bằng thao túng hoặc bạo lực, quan hệ tình dục bừa bãi, luôn lạc quan quá đà, luôn là trung tâm của sự chú ý, làm giàu vì lợi ích của sự giàu có và chà đạp lên người khác để đạt được lợi ích của mình.


Ta thường không tập trung vào cách mình thở cho đến khi học [các phương pháp chánh niệm][4]. Các giá trị cũng tương tự như vậy. Chúng ta không nhận ra cách chúng đang dẫn dắt các hành vi hàng ngày của mình. Phải đến khi ai đó trên mạng nói về những giá trị tàn bạo mà Hitler theo đuổi, ta mới tự ngẫm lại xem bản thân có đang đi theo con đường hủy diệt nào không.

Một số người đã thành công trong việc “chạy trốn” và “tìm thấy bản thân” ở những chân trời góc bể xa lắc, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Nhưng hầu hết chúng ta vẫn mắc kẹt trong guồng quay cuộc sống. Ta cứ chạy mãi không ngừng, quá bận rộn để dừng lại và tự hỏi ta làm tất cả vì điều gì.

Giờ tôi đã thu hút được sự chú ý của bạn, hãy để tôi hỏi bạn một vài câu giúp bạn xác định giá trị và “tìm thấy chính mình”.

Câu hỏi đầu tiên, vì giá trị cá nhân đơn giản là thước đo để ta xác định một cuộc sống [thành công][5] và ý nghĩa, hãy tự hỏi bản thân:

Theo bạn, thế nào là một cuộc sống thành công và ý nghĩa?

Lúc còn nhỏ, bạn có từng muốn trở thành phi công? Hay mơ ước có một gia đình hạnh phúc với năm đứa con? Khi nhắm mắt lại, bạn có tưởng tượng cảnh mình sải bước trên thảm đỏ trong bộ đầm hiệu, với hàng loạt ống kính nháy lia lịa xung quanh?

Ở bước này, bạn không cần đánh giá cái hình ảnh bạn đang tưởng tượng đó (bạn sẽ làm việc đó sau). Bất kể hình ảnh đó như thế nào, hãy giữ nó y nguyên. Quan trọng là, đó chính là cuộc sống bạn thực sự mong mình có.

Khi đã hình dung một cách rõ rệt về cuộc đời lý tưởng, bạn hãy tiếp tục hỏi bản thân:

Bạn mong muốn điều gì từ cuộc sống này?

Bạn muốn trở thành phi công vì điều đó thật ngầu, hay vì bạn muốn giàu có? Hay vì bạn muốn các nàng say như điếu đổ khi nhìn bạn trong bộ đồng phục cơ trưởng gợi cảm? Hay chỉ đơn giản vì bạn ngưỡng mộ sự phát triển công nghệ và muốn lái máy bay thật điêu luyện?

Tự hỏi bản thân “vì sao?” sẽ giúp bạn tìm ra giá trị nền tảng ẩn dưới cuộc sống lý tưởng bạn luôn mơ mộng. Bạn muốn làm phi công, nhưng giá trị thực sự bạn theo đuổi đằng sau mơ ước đó là gì? Ngoại hình, tiền bạc, sức hấp dẫn tình dục hay kỹ năng điêu luyện?

Đến bước này mới là lúc bạn đánh giá mơ ước của mình với các câu hỏi: Những giá trị này tốt hay xấu? Dựa trên dẫn chứng hay cảm xúc? Có tính xây dựng hay phá hoại? Có hay không thể kiểm soát được? Bạn có muốn để chúng dẫn lối mình từ giờ đến hết đời hay không?

Nếu câu trả lời là có thì tốt rồi, bạn có thể tiếp tục với ước mơ đó. Nhưng nếu là không, thì đã đến lúc bạn “tái tạo” bản thân và đi tìm giá trị khác tốt hơn - nhưng tôi sẽ nói về điều đó sau.

Nếu thành thật với bản thân khi trả lời hai câu hỏi trên, bạn sẽ khám phá ra giá trị thực của mình. Nhưng như bạn đã thấy, hầu hết chúng ta đều rất giỏi trong việc “lừa” chính mình. Ta nói với chính mình cái ta ước là thật, chứ không phải cái ta thật sự có.

Bạn có thể nói bạn muốn làm phi công. Bạn mường tượng rất rõ cảnh mình mặc bộ đồng phục đó, thậm chí cảm nhận được sức nặng của chiếc mũ cơ trưởng trên đỉnh đầu. Nhưng nếu bạn dành suốt mấy chục năm qua để leo các nấc thang công sở, thì hành động của bạn đang mâu thuẫn với lời nói. Có một sự chênh lệch về giá trị ở đây.

Bạn nhớ điểm mấu chốt của giá trị không? Nó được phản chiếu trong hành vi của chúng ta. Khi nói đến giá trị, cái bạn làm quan trọng hơn cái bạn nói rất nhiều.

Bạn có thể nói bạn muốn một gia đình hạnh phúc với 5 đứa con xinh ngoan. Bạn có thể đứng trên nóc nhà hét đến khản giọng rằng bạn coi trọng tình cảm và gia đình hơn tất cả. Nhưng nếu bạn luôn tìm cớ trốn tránh một buổi hẹn hò, rất có thể đó không phải là điều bạn thực sự coi trọng.

Vì vậy, bạn nên kiểm tra thực tế bằng hai câu hỏi đó. Liệu giá trị bạn nói có khớp với những gì bạn làm? Có sự chênh lệch nào không? Nếu có, thì cái gì mới là thứ bạn thực sự coi trọng?

Nếu chưa từng làm bài tập nào như vậy, sẽ hơi khó để xác định những giá trị nào ẩn dưới tầm nhìn và hành vi trong cuộc sống của bạn. Để giúp bạn làm điều đó, tôi đã tổng hợp một danh sách các giá trị cá nhân theo hạng mục như sau:

Danh sách các giá trị cá nhân

https://img.vietcetera.com/uploads/images/04-mar-2022/nentang-intext-1646384954211.png
https://img.vietcetera.com/uploads/images/04-mar-2022/giadinh-intext.png
https://img.vietcetera.com/uploads/images/04-mar-2022/quanly-intext.png
https://img.vietcetera.com/uploads/images/04-mar-2022/nhanthucquanhe-intext.png
https://img.vietcetera.com/uploads/images/04-mar-2022/hethong-intext.png
https://img.vietcetera.com/uploads/images/04-mar-2022/morong-intext-1646385117346.png

References