Đâu là vấn đề của phong trào nữ quyền?

Được chuyển ngữ từ bài viết What’s the Problem With Feminism? đăng trên blog cá nhân của tác giả Mark Manson.


Vào năm 1919, hàng nghìn phụ nữ đã đứng trước Nhà Trắng và đấu tranh cho quyền được bầu cử, và họ đã được thực hiện điều đó trong cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo. Sự thay đổi này đã mở đường cho các đạo luật vào những năm 1920 nhằm thúc đẩy sức khỏe và giáo dục dành cho phụ nữ.

Đến những năm 1960 và 1970, các cuộc biểu tình ủng hộ nữ quyền đã dẫn đến một loạt đạo luật nhằm đảm bảo quyền bình đẳng tại nơi làm việc, trường học, trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cũng như gia đình.

Đến đầu những năm 2000, phong trào nữ quyền đã đấu tranh chống lại những thế lực áp bức như những từ ngữ mang định kiến giới, các linh vật thể thao có vẻ ngoài gây kích động bạo lực hoặc các linh vật đại diện cho những hãng ngũ cốc lại không có nhân vật nữ.

Phong trào nữ quyền thường được chia thành ba “làn sóng”. Làn sóng đầu tiên vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 đã thúc đẩy bình đẳng chính trị. Làn sóng thứ hai, vào những năm 1960 và 70, thúc đẩy sự bình đẳng về pháp lý và nghề nghiệp. Và làn sóng thứ ba, trong vài thập kỷ qua, đã thúc đẩy bình đẳng xã hội.

Nhưng nếu bình đẳng về luật pháp và chính trị khá rõ ràng và có thể đo lường, thì bình đẳng xã hội lại rất lập lờ và phức tạp. Phong trào nữ quyền hiện tại không phải là một cuộc phản đối chống lại những luật lệ bất công hay những thể chế phân biệt giới tính, mà nó là chống lại những định kiến vô thức của con người, cũng như những chuẩn mực và ảnh hưởng văn hóa đã bén rễ hàng thế kỷ gây bất lợi cho phụ nữ.

Phụ nữ vẫn bị đối xử bất công ở nhiều khía cạnh. Chỉ là nếu trước đây nó diễn ra nhan nhản, thì ngày nay phần lớn chúng đều không còn dễ nhận thấy và thậm chí xảy ra trong vô thức.

Mọi thứ trở nên phức tạp bởi vì bạn không phải đối mặt với các thể chế xã hội nữa, mà là với nhận thức và bộ não của con người. Bạn phải thách thức các hệ thống niềm tin và những giả định phi lý, đồng thời buộc mọi người phải quên đi điều mà họ đã “biết” trong nhiều thập kỷ. Điều này không dễ dàng.

Và phần khó nhất là không có một thước đo nào trong lĩnh vực xã hội để xác định điều gì là bình đẳng và điều gì là không. Nếu tôi sa thải ba nhân viên và hai trong số họ là phụ nữ, liệu điều đó có bình đẳng? Hay đó là sự phân biệt giới tính? Bạn không thể kết luận trừ khi bạn biết lý do tại sao tôi sa thải họ. Và bạn không thể biết tại sao tôi lại sa thải họ trừ khi bạn có thể thâm nhập vào bộ não của tôi và hiểu được niềm tin cũng như động cơ đằng sau đó.

Vì vậy, ngày nay nữ quyền là một vấn đề về thước đo. Không khó để biết liệu các nam sinh và nữ sinh có nhận được cùng một khoản viện trợ từ trường học hay không. Cũng dễ để biết được liệu đàn ông và phụ nữ có được trả lương tương xứng cho cùng một công việc hay không. Chỉ cần rút máy tính ra và làm toán.

Nhưng đâu là thước đo cho công bằng xã hội? Nếu một người thích anh trai hơn là em gái họ, có phải vì cô ấy là phụ nữ không? Hay do tính cách của cô ấy? Hoặc, nếu một vài người phụ nữ nghĩ rằng linh vật của trường đại học gây kích động bạo lực, thì đó có được coi là một sự ‘áp bức’? Liệu từ ‘áp bức’ có đang bị lạm dụng?

Chủ nghĩa nữ quyền triết học và chủ nghĩa nữ quyền bộ lạc

Về mặt triết học, chủ nghĩa nữ quyền đã đúng, đây là một điều không phải bàn cãi. Tất cả mọi người, bất kể giới tính, đều nên có quyền và nhận được sự tôn trọng như nhau.

Chủ nghĩa nữ quyền cũng đúng khi nói rằng phụ nữ đã bị áp bức trong suốt chiều dài lịch sử văn minh nhân loại, ở hầu hết các nền văn hóa lẫn xã hội, và tàn dư của sự áp bức vẫn tiếp diễn đến ngày nay dưới nhiều hình thức khác nhau.

Chủ nghĩa nữ quyền cũng đã đúng khi cho rằng bất chấp sự khác biệt về mặt sinh học, nam giới lớn lên trong một nền văn hóa cổ súy tính nam độc hại, không chỉ ảnh hưởng đến nữ giới, mà còn gây hại cho chính phái nam.

Tất cả điều này đều chính xác. Những lý tưởng này được gọi là “chủ nghĩa nữ quyền triết học”.

Vấn đề là nữ quyền không chỉ dừng lại ở triết học hay niềm tin, đó còn là một phong trào chính trị, một bản sắc xã hội, cũng như một tập hợp các thể chế.

Luôn có những nhóm người. Họ bắt đầu với một ý tưởng và thường thì đó là một ý tưởng cao đẹp. Sau đó, họ tìm đến nhau và lập nên một tổ chức dựa trên ý tưởng đó, bởi vì một nhóm người lớn và có cơ cấu là cách để bạn đạt được mục tiêu trong xã hội.

Nhưng vấn đề là, khi tập hợp một nhóm người với nhau, hoạt động vì một mục đích duy nhất, đạt được sức mạnh chính trị và sở hữu quyền lực, có một thể chế và đường hướng phát triển - là lúc mà bản chất của con người bộc lộ.

Là con người, tính bộ lạc là bản chất của chúng ta. Một cách tự nhiên, chúng ta là luôn xem mình là một phần của một (nhiều) nhóm đang đấu tranh chống lại một (nhiều) nhóm khác. Và khi là một phần của “bộ lạc”, chúng ta có những thành kiến và thiên vị nhất định.

Chúng ta xây dựng hệ thống niềm tin để chứng minh sức mạnh và sự vượt trội của “bộ lạc” mình. Chúng ta tạo ra các bài kiểm tra để xem những người khác có phải là thành viên “chân chính” và “thuần khiết” của “bộ lạc” hay không. Chúng ta khiến những “kẻ ngoại đạo” hoặc là xấu hổ và tuân phục, hoặc là bị trục xuất họ khỏi bộ lạc.

Khi một tư tưởng trở thành bộ lạc, niềm tin của nó không còn tồn tại để phục vụ những nguyên tắc đạo đức, mà thay vào đó chúng tồn tại để thúc đẩy lợi ích nhóm.

Trong vài thập kỷ qua, bạo lực tình dục đã giảm đi một nửa]8] và bạo lực gia đình, một cách kinh ngạc, [đã giảm hai phần ba

Mặc dù thu thập của phụ nữ vẫn chưa bằng nam giới (77 cents so với 1 USD), nhưng nếu bạn tính đến việc nam giới làm việc nhiều giờ hơn, tính chất công việc nguy hiểm hơn và nghỉ hưu muộn hơn, sự chênh lệch thu nhập ngày nay chỉ còn khoảng 93 đến 95 cents trên 1 USD.

Mấu chốt là: kể từ làn sóng nữ quyền thứ hai vào những năm 60 và 70, rất nhiều bước tiến đã được thực thi, đến mức mà nhiều người (thậm chí những người ủng hộ nữ quyền) còn e ngại rằng đàn ông sớm sẽ bị bỏ lại phía sau.

Nhưng như tôi đã đề cập, chủ nghĩa nữ quyền trong quá trình thực thi, không chỉ dừng lại ở một quan điểm triết học - nó đã trở thành một tổ chức. Và các tổ chức luôn ưu tiên việc phát triển chính mình trước, rồi mới đến tương tác với thế giới.

Các nhà hoạt động nữ quyền kiên cường của những năm 60 và 70, những người đã tham gia các cuộc biểu tình, nhiều trong số đó đã đến trường. Họ có bằng đại học, viết sách, thành lập các ban ngành, mở hội nghị, lập nên tổ chức chính trị, gây quỹ và mở tòa soạn.

Và chẳng bao lâu, nữ quyền không còn là mục tiêu của họ nữa mà trở thành sự nghiệp. Tiền lương của họ phụ thuộc vào sự gia trưởng và áp bức ở bất kỳ đâu họ thấy. Các tổ chức của họ phụ thuộc vào nó. Sự nghiệp và tiền diễn thuyết của họ cũng vậy.

Và đó là cách mà nữ quyền từ một tư tưởng triết học trở thành bộ lạc.

Chủ nghĩa nữ quyền bộ lạc đặt ra một loạt niềm tin cụ thể - rằng sự áp bức từ chế độ phụ hệ luôn tồn tại ở bất kỳ đâu, rằng tính nam vốn dĩ là bạo lực, và sự khác biệt giữa nam và nữ chỉ là sản phẩm tưởng tượng của văn hóa, chứ không hề dựa trên sinh học hay khoa học. Bản thân kiến thức đó là một hình thức gia trưởng và áp bức.

Bất cứ ai phản đối hoặc nghi ngờ những niềm tin này đều sớm bị đuổi khỏi bộ lạc. Họ trở thành một trong những kẻ áp bức. Và nhiều người còn đẩy niềm tin này đi xa đến mức kết luận - rằng dương vật là một tạo hình văn hóa của sự áp bức, rằng các linh vật học đường khuyến khích bạo lực tình dục, rằng những hộp ngũ cốc có thể là sự công kích - những người này được tưởng thưởng bằng vị trí cao hơn trong bộ lạc.

Đây là phải là điều mà bạn thật sự muốn?

Các thế hệ nữ quyền trước đây sẵn sàng hy sinh để phụ nữ có quyền bầu cử, được học đại học, được giáo dục bình đẳng, được bảo vệ khỏi bạo lực gia đình, không bị phân biệt đối xử tại nơi làm việc, được trả lương công bằng và được ly hôn.

Ngày nay nữ quyền bộ lạc trở thành Cảnh sát Cảm xúc - bảo vệ cảm xúc của mọi người để họ không bao giờ cảm thấy bị áp bức hoặc bị gạt ra bên lề theo bất kỳ cách nào.

Có một câu trích dẫn của Gandhi đã bị lạm dụng: “Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này”.

Thế hệ nữ quyền trước đây là sự thay đổi mà họ mong muốn. Họ đã đứng lên, phản đối và bỏ phiếu. Họ đến trường, lấy bằng và có một công việc.

Tuy nhiên, ngày nay, các nhà nữ quyền bộ lạc quan tâm nhiều hơn đến việc thực thi những suy nghĩ và nhận thức về phụ nữ, thay vì thực sự trở thành những người phụ nữ mà họ mong muốn người khác nhìn thấy.

Bạn phá bỏ khuôn mẫu bằng cách trở nên khác đi so với khuôn mẫu. Bạn chứng minh mọi người đã sai thông qua hành động của mình.

Phụ nữ hiện chiếm gần 60% sinh viên tốt nghiệp đại học, tuy nhiên họ vẫn chỉ chiếm 20% trong các lĩnh vực Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học. Bạn muốn có nhiều phụ nữ hơn trong những lĩnh vực này? Hãy trở thành một người phụ nữ theo đuổi toán học và khoa học. Bạn muốn có nhiều phụ nữ làm CEO và thành công trong kinh doanh? Hãy khởi nghiệp. Bạn muốn có nhiều phụ nữ hơn trong chính trị? Hãy ứng cử. Đây là những nhà hoạt động nữ quyền thực sự. Là khi tiến bộ được thực thi.

Tôi đồng ý, phụ nữ vẫn phải đối mặt với nhiều định kiến và bị chèn ép ở những lĩnh vực trên. Nhưng đây là lúc mà các nhà hoạt động nữ quyền nên chiến đấu. Đây là nơi họ nên thúc đẩy - không phải bằng cách nói về nó trên mạng, mà bằng cách thực sự làm nó.

Tuy nhiên, dữ liệu và các cơn bão bình luận trên mạng không cho thấy điều đó.

Đăng những dòng trạng thái giận dữ trên Facebook thì dễ, trở thành một người phụ nữ trong lĩnh vực công nghệ hay chính trị mới khó. Nhưng họ mới chính là những anh hùng vô danh của phong trào nữ quyền.

Trong nhiều thế kỷ, phụ nữ bị gạt ra ngoài và bị hạ thấp bởi nam giới. Một trong nhiều định kiến mà đàn ông áp đặt lên phụ nữ chính là họ quan tâm quá mức đến cảm xúc của bản thân và cách người khác nhìn nhận về mình. Tuy nhiên, đây cũng là những gì mà các nhà nữ quyền bộ lạc đã mắc phải.

Và do đó, khi những quan điểm triết học bị đẩy đến mức cực đoan chính trị, chủ nghĩa nữ quyền bộ lạc đã trở nên thuẫn với chính nền tảng triết lý mà nó được xây dựng trên. Các nhà nữ quyền bộ lạc, nhân danh việc đấu tranh chống lại áp bức, lại có những quan điểm áp bức mâu thuẫn với chính mình.

Và một khi triết lý của bạn mâu thuẫn với chính nó, nó trở nên sai lệch. Cũng giống như khi bạn đặt ra mục tiêu tạo nên sự bình đẳng hoàn hảo cho tất cả mọi người, điều ngược lại sẽ xảy ra. Thứ từng là tiến bộ sẽ trở thành bước đi giật lùi. Bạn trở nên bận rộn với việc tập trung vào suy nghĩ và ý kiến của mọi người đến mức quên mất những gì thực sự quan trọng.

References