Chia tay hay ở lại, làm sao để quyết định sáng suốt?

Được chuyển ngữ từ bài viết “When to Break Up With Someone and When to Stick It Out” đăng trên blog cá nhân của tác giả Mark Manson.


Thật khó để biết khi nào ta sẽ “đường ai nấy đi” với nửa kia. Để biết liệu mối quan hệ của bạn chỉ đang trong giai đoạn khó khăn hay vốn dĩ đã tệ từ đầu là một việc không hề dễ. Và để biết khi nào nên rời đi và cảm thấy tự tin vào quyết định đó cũng rất khó nhằn.

Nhưng đừng lo, tôi ở đây để phân tích và giúp bạn đưa ra quyết định phù hợp nhất về lâu dài. Tôi sẽ cho bạn tất cả câu trả lời, cũng như giải quyết tất cả vấn đề hẹn hò bạn gặp phải.

OK, tôi “chém gió” đấy. Dù vậy, một vài nguyên tắc sau có thể giúp bạn tìm ra điều phù hợp với mình.

1. Xác định vấn đề thực sự

Rất nhiều người trong những mối quan hệ tồi tệ nhận thấy mình đang phải tranh cãi vì những thứ tưởng chừng vô hại và ngu ngốc. Có lần tôi và một trong những cô bạn gái cũ đã to tiếng với nhau về kem đánh răng. Là kem đánh răng đấy! Và chúng tôi cứ thế hét vào mặt đối phương.

Thực ra chúng tôi không chỉ phát cáu vì mỗi kem đánh răng, mà đó là sự bất mãn về một loạt những điều tồi tệ khác. Những điều mà chúng tôi chẳng hề nhắc đến khi cãi nhau về kem đánh răng.

Mọi người đặc biệt tệ trong khoản tập trung vào vấn đề thật sự. Họ bực bội với đối phương vì những lý do sâu xa mơ hồ. Nhưng bởi vì không thể lý giải vì sao mình lại cảm thấy như vậy, họ chẳng thể ngồi lại với nửa kia.

Vậy nên họ “mượn” kem đánh răng để trút giận.

Như mọi khi, bước đầu tiên để có một mối quan hệ lành mạnh là có mối quan hệ lành mạnh với chính mình. Thấu hiểu lý do tại sao bạn khó chịu hoặc thất vọng với nửa kia. Và đào sâu vào những lý do của riêng bạn.

Tại sao anh ấy/cô ấy khiến bạn nổi khùng khi dậy sớm vào buổi sáng? Tại sao mẹ của họ khiến bạn khó chịu? Bắt đầu tìm kiếm từ những lý do bên trong bản thân, những giá trị sâu hơn ngầm biểu đạt cảm xúc. Tiếp đến, bạn sẽ có thể trực tiếp giải quyết những vấn đề đó với họ.

2. Truyền đạt vấn đề một cách lành mạnh

Chìa khóa để giải đáp những vấn đề này là cả bạn và người ấy cần phải sẵn sàng xử lý bất cứ vật cản nào đang vướng mắc trong quá trình tìm hiểu nhau. Và để làm được điều đó, bạn phải cho người kia một cơ hội để giúp bạn sửa sai. Nhưng họ sẽ không thể giúp bạn cải thiện nếu không biết chính xác lý do tại sao bạn không hài lòng ngay từ ban đầu.

Ai cũng biết giao tiếp lành mạnh là điều cốt yếu với bất kỳ mối quan hệ nào. Nhưng nhiều người vẫn chưa phát triển kỹ năng đó. Dưới đây là một số quy tắc bạn cần tuân thủ khi trao đổi về những bất bình của mình:

1. “Ghét tội lỗi, yêu tội nhân”

Các mối quan hệ có một cách khiến chúng ta nhìn nhận mọi thứ dưới góc độ cá nhân. Chúng ta đưa ra những kết luận về tính cách của đối phương dựa trên hành vi của họ, rồi sau đó cá nhân hóa nó bằng cách cố gắng tìm xem nó có ý nghĩa gì với mình.

Dù là bản năng tự nhiên nhưng nó có thể khiến chúng ta gặp rắc rối khi những diễn giải về hành vi của người ấy khiến chúng ta tấn công con người họ.

Đôi khi, ý định của đối phương không rõ ràng như bạn thấy. Và/hoặc họ thậm chí còn không biết điều gì không ổn. Điều này giải thích tại sao bạn phải đặc biệt chú tâm vào vấn đề và kiềm chế mọi phán xét hoặc công kích cá nhân.

Một khi bạn đã tấn công con người họ, mọi thứ sẽ vuột ra khỏi tầm kiểm soát rất nhanh. Lúc này, sẽ khó mà có một cuộc đối thoại hiệu quả để giải quyết mâu thuẫn thật sự.

Tốt nhất là bạn chỉ nên chú ý đến những gì khiến mình muộn phiền và những gì có thể làm để giải quyết nó. Hãy bỏ qua những lời xúc phạm cá nhân.

2. Dừng tính điểm mối quan hệ

Liên quan đến luận điểm trên, lỗi của ai không bao giờ thực sự quan trọng. Bất kỳ vấn đề nào trong mối quan hệ cũng tồn tại hai mặt. Ngay cả khi đó là lừa dối và ngoại tình, rất có thể người nói dối/ngoại tình đã không hài lòng về nhiều điều, từ đó dẫn tới hành vi sai trái.

Đúng là trách nhiệm có thể nghiêng về một bên nhiều hơn bên còn lại, nhưng chỉ ra điều đó chỉ để “ghi điểm” thì khó giúp mọi thứ tốt hơn được.

Dừng việc tính điểm lại. Đừng đào bới các vấn đề trong quá khứ khi đang cố gắng giải quyết các vấn đề hiện tại. Đừng ôm hận. Đừng “cân đo đong đếm” xem ai là người tệ hơn. Bởi vì a) điều đó không quan trọng, và b) bạn sẽ không bao giờ kiểm kê mọi thứ theo tổn thất của mình. Đó chỉ là cách bộ não của ta hoạt động. Chúng ta luôn nghĩ rằng mình đúng, ngay cả khi chẳng phải thế. Vì vậy, hãy tập trung vào việc lắng nghe.

Giờ đây, nếu bạn đã xác định được vấn đề thực sự và đã trao đổi về nó một cách lành mạnh, chín chắn và đối phương cũng góp sức giải quyết, thì điều đó thật tuyệt. Hãy kiên trì với nó và xem xét liệu bạn có thể xử lý nó không.

Rất nhiều người đã quá dễ dàng bỏ cuộc vào giai đoạn này. Thực tế là mối quan hệ nào cũng có lúc thăng lúc trầm. Nhưng người đáng để ở bên là người sẵn sàng giải quyết các vấn đề cùng với bạn, ngay cả khi cả hai chọc giận nhau.

Nhưng nếu họ chỉ mới xem xét nửa vời và không thực sự sẵn sàng giải quyết các vấn đề quan trọng đối với bạn, thì đã đến lúc thực thi một số ranh giới.

3. Bạn có thể thỏa hiệp?

Xung đột trong các mối quan hệ có thể chia thành hai loại: xung đột về sở thích và xung đột về giá trị.

Xung đột sở thích xảy ra chỉ đơn giản là khi hai người thích những thứ khác nhau. Có thể là gu ăn uống, âm nhạc hoặc bộ phim yêu thích.

Những xung đột này có thể gây khó chịu và vâng, nếu quá nhiều khác biệt cộng dồn lại vẫn có thể tạo nên sự không tương hợp. Nhưng một vài trong số chúng là không thể tránh khỏi trong bất kỳ mối quan hệ nào, dù có lãng mạn hay không. Nếu xem xét bản chất thì hầu hết những xung đột này không to tát đến vậy.

Có thể cô ấy không thích đến nhà hàng yêu thích của bạn và điều đó khiến bạn phiền lòng. Nhưng đó có thực sự là dấu hiệu của việc không hợp nhau, hay bạn có thể chấp nhận điều đó? Nhà hàng này có xác định con người bạn là ai không, hay chỉ là một địa điểm bạn thích và bạn có thể hiểu được nếu người khác không hứng thú lắm? Liệu bạn có thể đến đó với bạn bè trong khi cô ấy làm những điều mình thích và tận hưởng những giây phút không ở bên nhau?

Có trường hợp một vài xung đột về sở thích còn có lợi cho mối quan hệ. Nhiều sở thích khá là ngẫu nhiên và hời hợt. Vì vậy, nếu ai đó không có chung sở thích với bạn nhưng vẫn muốn bên bạn, điều đó cho thấy họ ở bên bạn vì con người của bạn chứ không phải vì những gì bạn làm cho họ.

Mặt khác, xung đột về giá trị xảy ra khi hai người khác nhau ở cấp độ cốt lõi. Điều này vượt ngoài vài sở thích đơn giản.

Thứ mà tôi đề cập là khác biệt trong niềm tin về những thứ như tôn giáo/hệ tư tưởng, có sinh con hay không và/hoặc cách bạn sẽ nuôi dạy con, nơi bạn muốn sống, khát vọng sự nghiệp, tiền bạc, v.v. Sẽ hết sức lộn xộn nếu hai người có xung đột với những niềm tin và giá trị này.

Nên về cơ bản, bạn cần tự hỏi bản thân xem mình là ai, có mâu thuẫn gì với bản chất con người của đối phương hay không. Nếu câu trả lời là có, thì gần như không thể có một mối quan hệ lâu dài và lành mạnh với người này. Đây không phải là lỗi của ai, và đồng nghĩa là có lẽ bạn cần phải bước tiếp thôi.

4. Thực thi ranh giới cá nhân của bạn

Nếu bạn đã cho họ cơ hội giải quyết vấn đề sòng phẳng và xác nhận rằng không có xung đột trong giá trị cốt lõi của cả hai, nhưng họ vẫn tiếp tục làm ngơ những nỗi bận tâm của bạn… thì đã đến lúc bạn cần rời đi.

Cũng như hầu hết mọi thứ trong cuộc sống, điều này nói dễ hơn làm.

Rất nhiều người dễ dàng khẳng định ranh giới của mình, nhưng chỉ số ít là sẵn sàng tuân thủ và hành động theo ranh giới họ đặt ra. Và ranh giới không thực sự là ranh giới trừ khi nó được thực thi bằng hành động.

Nếu bạn nói rằng bạn sẽ không dung thứ cho thị phi, những người thiếu sự tôn trọng, những kẻ nói dối hoặc ngoại tình, nhưng bạn vẫn dây dưa với một người “ngựa quen đường cũ”, thì tôi xin lỗi, bạn thực sự đang bao dung cho những thứ như vậy đó. Hành động của bạn (ở lại với người đó) có tiếng vang hơn bất kỳ câu chữ nào bạn có khả năng nói ra (“đừng lừa dối tôi”).

Mọi người có thể thay đổi không? Chắc chắn có thể. Nhưng họ phải sẵn sàng làm vậy ngay từ đầu. Tại một thời điểm nhất định, hành động của họ phải thể hiện khá rõ rằng liệu họ có sẵn sàng thay đổi hay không. Và bạn cũng phải sẵn sàng ấn định ranh giới đối với hành vi của họ bằng hành động của mình.

5. Nếu bạn đã quyết định sẽ kết thúc mọi thứ…

Lựa chọn kết thúc một mối quan hệ là điều đơn giản về mặt thực tế, nhưng về mặt cảm xúc thì không dễ vậy. Chuyện này chỉ đơn giản là nói với nửa kia bạn không còn muốn bên họ và sau đó rời đi.

Nhưng về mặt tình cảm, chúng ta phải vật lộn với đủ thứ gánh nặng và những xáo trộn nội tâm có thể gây khó khăn. Chúng ta kéo danh tính của mình vào khi nghĩ mình là một “người tốt”. Và một người tốt sẽ không bỏ rơi một người như thế này. Hoặc bạn có thể chỉ đang cố gắng nghĩ ra cách để kết thúc mối quan hệ nghe cho “lọt tai” hơn một chút.

Vâng, tôi có một tin vui và một tin buồn. Tin buồn là những cuộc chia tay đều tệ, bất kể bạn có làm gì đi nữa. Bạn sẽ phải sống chung với điều đó thôi.

Nhưng tin vui là có vài điều thiết thực bạn có thể áp dụng để khiến chuyện này gọn gàng và nhã nhặn nhất có thể. Đón đọc phần tiếp theo “Làm thế nào để chia tay trong yên bình”.

Chúc bạn may mắn.

References