Chỉ Yêu Thôi Thì Không Đủ

Được chuyển ngữ từ bài viết “Love is Not Enough”, được đăng tải trên blog cá nhân của tác giả Mark Manson.

Xã hội ngày nay cho rằng tình yêu là liệu pháp vạn năng cho mọi vấn đề của cuộc sống. Các bộ phim, câu chuyện, và cả lịch sử cũng tung hô tình yêu là đích đến cuối cùng trong đời, là giải pháp hiệu quả nhất cho mọi đau khổ và thử thách.

Chúng ta lý tưởng hóa tình yêu đến mức đánh giá nó quá cao. Kết quả là, chúng ta phải trả giá bằng chính các mối quan hệ của mình.

Khi tin rằng “tình yêu là tất cả những gì ta cần”, chúng ta dễ phớt lờ những giá trị căn bản như sự tôn trọng, nhún nhường cũng như sự cam kết dành cho những người mình yêu quý.

Nhưng nếu tin rằng “chỉ yêu thôi thì chưa đủ”, tự chúng ta đã nhận thức được rằng cảm xúc hay khát khao thôi vẫn chưa đủ để tạo nên một mối quan hệ lành mạnh và bền vững, mà cần những điều sâu sắc và quan trọng hơn thế.

Ba sự thật tàn nhẫn về tình yêu

Lý tưởng hóa tình yêu khiến kỳ vọng của chúng ta về bản chất và lợi ích của tình yêu trở nên phi thực tế. Và chính những lầm tưởng này sau đó sẽ hủy hoại mọi mối quan hệ mà chúng ta trân trọng. Có ba sự thật về tình yêu mà chúng ta cần làm rõ:

1. Hợp nhau chưa chắc đã tạo nên một mối tình

Khi bạn phải lòng một ai đó, chưa chắc người ấy đã thích hợp cùng bạn tiến tới một mối quan hệ lâu dài. Tình yêu là một hành trình trải nghiệm cảm xúc, còn sự tương đồng chỉ là những trùng hợp thông thường. Hai yếu tố này chưa chắc đã bổ trợ cho nhau.

Chúng ta có thể phải lòng một ai đó dù họ không đối xử tốt với chúng ta, dù người đó khiến chúng ta cảm thấy tệ về bản thân, không tôn trọng chúng ta như cách chúng ta tôn trọng họ, hoặc dù cuộc sống của người đó sẽ trực tiếp ảnh hưởng tiêu cực đến chúng ta.

Chúng ta có thể phải lòng một người kể cả khi họ khác ta về khát vọng hoặc mục tiêu trong đời, có những triết lý hoặc thế giới quan trái ngược với cách chúng ta nhìn cuộc sống.

Chúng ta có thể phải lòng một người chẳng đem lại lợi ích gì cho bản thân và hạnh phúc của chúng ta.

Nghe có vẻ vô lý, nhưng lại là sự thật.

Khi nhắc tới những mối tình thảm hại mà tôi được tận mắt chứng kiến hoặc nghe kể lại, đa phần (hoặc thậm chí hầu hết) mọi người tiến đến theo cảm xúc. Họ cảm nhận tình yêu “chớm nở trong tim” và cứ thế lao tới, không suy tính gì nhiều. Chỉ cần hai người cảm thấy hợp là được.

Và đây là một sai lầm ngay từ trước khi hình thành mối quan hệ.

Khi hẹn hò hoặc lựa chọn người yêu, bạn không thể chỉ dựa vào cảm xúc mà còn cần lý trí. Hiển nhiên là bạn muốn gắn bó với một người khiến trái tim bạn rung động. Nhưng bạn cũng cần suy xét giá trị con người họ, để ý tới cách họ chăm sóc bản thân và đối xử với người thân thiết, tới những khát vọng và thế giới quan của họ. Nếu phải lòng một người có những giá trị chẳng hề tương đồng với bạn thì hành trình yêu đương phía trước sẽ vô cùng vất vả.

2. Tình yêu không tháo gỡ được những nút thắt của mối quan hệ

Tôi cùng mối tình đầu đã từng yêu nhau sâu đậm, dù chúng tôi sống ở hai thành phố khác nhau, không đủ điều kiện gặp nhau thường xuyên, gia đình hai bên không ưng ý lẫn nhau, và tuần nào cũng xích mích vì những điều không đâu.

Sau mỗi lần cãi nhau, ngày hôm sau chúng tôi lại làm lành, tự nhắc nhở bản thân rằng những điều nhỏ nhặt chẳng đáng gì so với tình yêu sâu đậm của chúng tôi, rồi sẽ có hướng giải quyết để mọi việc ổn thỏa trở lại, chỉ cần thời gian thôi. Tình yêu khiến chúng tôi cảm thấy bản thân có thể vượt qua mọi gian nan, nhưng thực tế thì chẳng có gì thay đổi.

Mối tình của chúng tôi trở nên bế tắc. Chúng tôi tự đề cao suy nghĩ của bản thân đến mức không thể nói chuyện với nhau tử tế, dù gọi điện thoại cho nhau hàng giờ nhưng cũng chẳng nói được gì. Nghĩ lại, thật ra mối quan hệ này không hề có hy vọng dài lâu. Vậy mà chúng tôi đã cố níu kéo suốt ba năm ròng!

Sau cùng thì, tình yêu có thể bù đắp cho tất cả mà, nhỉ?

Nhưng rồi mối tình của chúng tôi cũng tan tành. Và bài học lớn nhất tôi rút ra được là: dù tình yêu khiến bạn cảm thấy các trở ngại trong mối quan hệ của mình không có gì nghiêm trọng, thì thực tế là bạn vẫn chẳng thể vượt qua được trắc trở nào nếu chỉ dựa vào tình yêu.

Mà đó còn là biểu hiện của một mối quan hệ độc hại. Bạn đắm chìm trong mọi cung bậc lên xuống của cảm xúc, từng cung bậc cao dần lên, trở nên quan trọng và vững chắc hơn trước. Nhưng trừ khi bạn có một mối quan hệ ổn định, có nền tảng thiết thực và vững chắc, không thì những làn sóng cảm xúc ấy sẽ cuốn trôi đi tất cả.

3. Tình yêu không phải lúc nào cũng xứng đáng để bạn hy sinh bản thân

Một trong những đặc tính của việc phải lòng ai đó, là bạn cảm thấy mình có thể hy sinh bản thân và lợi ích cá nhân để săn sóc họ lẫn quan tâm đến những nhu cầu của họ.

Nhưng không mấy ai đặt nghi vấn rằng chính xác thì bạn đang hy sinh điều gì_,_ và điều đó có đáng không?

Trong tình yêu, việc hai người thay phiên hy sinh lợi ích, nhu cầu và thời gian của bản thân cho nhau là bình thường. Thậm chí, những hy sinh ấy vô cùng lành mạnh, góp phần lớn tạo nên mối quan hệ bền chặt.

Nhưng nếu điều bạn hy sinh là lòng tự trọng, là nhân phẩm, là thể chất, là hoài bão và mục đích sống, chỉ để ở bên một người, thì mối quan hệ này sẽ trở thành một vấn đề nan giải. Một mối tình đúng ra phải là yếu tố bổ trợ cho bản sắc của mỗi cá nhân, chứ không phải để hủy hoại hoặc trở thành yếu tố thay thế.

Nếu nhận thấy bản thân đang phải chịu đựng những hành vi thiếu tôn trọng hoặc bạo lực, vậy nghĩa là chúng ta đang để tình yêu bào mòn và phủ nhận bản thân. Nếu không cẩn thận, chúng ta sẽ dần đánh mất bản sắc vốn có, cuối cùng chỉ tồn tại như một cái xác vô hồn.

Bài kiểm tra tình bạn

Một trong những lời khuyên lâu đời nhất trong mấy cuốn sách viết về mối quan hệ là “Hãy trở thành người bạn thân nhất của nửa kia”. Nhiều người vẫn nhìn lời khuyên này theo hướng tích cực: Tôi nên dành thời gian, trò chuyện và đi chơi với nửa kia như cách mà tôi làm với bạn thân nhất của mình.

Nhưng mọi người cần phải nhìn ở khía cạnh tiêu cực nữa: Liệu bạn có chịu được những hành vi không tốt của đối phương như cách mà bạn làm với bạn thân nhất của mình?

Ngạc nhiên thay, khi chúng ta thành thật hỏi bản thân điều này thì câu trả lời là “không”.

Tôi biết một cô bạn vừa mới kết hôn. Cô ấy yêu say đắm chồng của mình. Mặc cho sự thật là anh ta đã “ăn không ngồi rồi” hơn một năm trời, chẳng hào hứng gì trong việc lên kế hoạch cho hôn lễ, thường xuyên bỏ rơi cô để đi lướt sóng với đám bạn. Gia đình lẫn bạn bè cô đều vô cùng quan ngại về anh ta, vậy mà cô ấy vẫn cưới hắn.

Nhưng khi giai đoạn trăng mật qua đi thì sự thật được phơi bày. Một năm sau khi kết hôn, anh ta vẫn thất nghiệp, khiến nhà cửa bừa bộn mỗi khi cô đi làm, nổi nóng nếu cô không nấu bữa tối. Mỗi lần cô phàn nàn thì anh ta bảo cô là đồ “hư hỏng” và “tự phụ”. Chưa kể là anh ta vẫn bỏ rơi cô để đi lướt sóng với đám bạn.

Cô ấy rơi vào tình cảnh này bởi vì cô đã lơ đi ba sự thật tàn nhẫn về tình yêu. Cô ấy đã lý tưởng hóa nó. Mặc cho những gì anh ta đã làm lúc còn hẹn hò, cô tin rằng tình yêu là dấu hiệu của sự hòa hợp, nhưng sự thật thì không. Khi bạn bè và gia đình cô ấy lo lắng về việc kết hôn, cô tin rằng tình yêu có thể hóa giải mọi vấn đề. Và bây giờ, khi mà mọi thứ trên bờ vực đổ vỡ, cô tìm đến những người bạn để xin lời khuyên làm thế nào để cứu vãn mọi thứ bằng cách hy sinh bản thân.

Sự thật là, điều đó không có tác dụng.

Tình yêu không thể hóa giải mọi mâu thuẫn

Tại sao chúng ta lại dung thứ cho những hành vi sai trái trong tình yêu, điều mà chúng ta sẽ không bao giờ làm trong tình bạn?

Hãy tưởng tượng nếu bạn sống cùng bạn thân mà người đó làm bẩn nhà cửa, từ chối đi làm hoặc thanh toán hóa đơn, bắt bạn phải nấu bữa tối hay tức giận và la lối khi bạn phàn nàn. Tình bạn như vậy chẳng thể nào bền.

Tình huống khác là: một cô bạn gái ghen tuông đến mức muốn có mật khẩu tất cả các tài khoản của bạn trai. Cô còn nhất quyết đòi đi cùng trong các chuyến công tác để đảm bảo anh ta không bị dụ dỗ bởi những người phụ nữ khác. Cuộc sống của anh bạn trai bị giám sát  24/7 và điều đó ảnh hưởng đến lòng tự trọng của anh. Giá trị của anh ấy như không còn tồn tại. Cô không để anh làm bất kỳ điều gì. Cuối cùng anh ta cũng từ bỏ việc tin tưởng vào bản thân.

Thế mà anh ấy vẫn ở cùng cô. Vì sao? Vì anh ta yêu cô!

Tình yêu là cần thiết nhưng không phải tất cả

Hãy nhớ điều này: Cách duy nhất để bạn có thể tận hưởng tình yêu đó là biết rằng trong cuộc sống có những điều khác còn quan trọng hơn tình yêu.

Bạn có thể yêu nhiều người khác nhau trong đời. Bạn có thể yêu những người đối xử tốt và tệ với bạn. Bạn có thể có một tình yêu lành mạnh và không. Bạn có thể yêu lúc còn trẻ và khi đã già. Tình yêu không độc nhất, đặc biệt và khan hiếm.

Nhưng sự tự tôn, phẩm giá và lòng tin của bạn thì có. Tình yêu trong cuộc sống thì không thiếu, nhưng khi bạn đánh mất sự tự tôn, phẩm giá và lòng tin, rất khó để lấy lại chúng.

Tình yêu là một trải nghiệm kỳ diệu. Nó là một trong những điều tuyệt vời nhất mà cuộc sống dành cho bạn. Nó là điều mà mọi người nên khao khát được cảm nhận và tận hưởng.

Nhưng cũng như những trải nghiệm khác, tình yêu có thể lành mạnh hoặc không. Chúng ta không nên để nó định nghĩa con người, danh tính hoặc mục đích sống của mình. Chúng ta không thể để nó ăn mòn chính mình hay hy sinh danh tính và giá trị bản thân vì nó. Bởi vì giây phút ta làm việc đó, chúng ta đánh mất cả tình yêu và chính mình.

Bởi vì bạn cần nhiều điều trong cuộc sống hơn là tình yêu. Tình yêu tuyệt vời, cần thiết và đẹp đẽ. Nhưng chỉ tình yêu thôi thì không đủ.

Được chuyển ngữ bởi Trân Lê.

References