Bạn sẽ không bao giờ có thể thay đổi một người

Được chuyển ngữ từ “No, You Can’t Make a Person Change”, đăng trên blog cá nhân c ủa tác giả Mark Manson.

Luôn có ai đó trong đời mà ta ước rằng giá như mình có thể thay đổi họ.

Đó có thể là một thành viên gia đình - người luôn phiền muộn, đau khổ, chán nản, mất lòng tin vào bản thân. Bạn động viên, đưa ra lời khuyên dù không được hỏi và giới thiệu họ một vài quyển sách, trong khi tự nhủ: “Giá mà họ có thêm niềm tin vào chính mình…”

Đó cũng có thể là một người bạn - kẻ luôn gây rối: nghiện rượu][8], không chung thủy, hay [đốt tiền vào những sở thích không lành mạnh. Bạn cố kéo họ khỏi vũng lầy, đặt tay lên vai và bảo ban họ, thậm chí cho họ vay tiền, nhưng luôn ước rằng “Giá mà họ có thể cư xử khác đi…”

Hoặc tệ hơn. Đó có thể là chồng/vợ/bạn trai/bạn gái (cũ). Dù mối quan hệ đã kết thúc, bạn vẫn không ngừng nuôi hy vọng rằng một ngày nào đó họ sẽ thay đổi. Bạn tặng sách, kéo họ đến gặp bác sĩ tâm lý, gọi cho họ vào hai giờ sáng và hét lên trong nước mắt “TẠI SAO NỖ LỰC CỦA TÔI KHÔNG BAO GIỜ ĐỦ?!!?”

Đương nhiên điều đó chẳng ích gì…

Vì sao chúng ta không thể thay đổi một ai đó?

Trong quá trình làm diễn giả, tôi hay tổ chức những phiên hỏi đáp ngắn vào cuối buổi. Lúc nào cũng sẽ có ít nhất một người đứng lên, giải thích dài dòng về tình huống rối ren của họ và kết thúc bằng câu “Làm thế nào để khiến anh/cô ấy thay đổi? Giá như họ có thể làm X thì mọi chuyện sẽ tốt hơn.”

Và câu trả lời của tôi luôn là: bạn không thể đâu.

Bạn không thể làm ai đó thay đổi. Bạn có thể tạo động lực, chỉ cách, giúp họ trong quá trình đó. Nhưng bạn sẽ không thể làm họ thay đổi.

Khi muốn ai đó làm gì, dù là vì lợi ích của họ đi nữa, cần có sự cưỡng chế hoặc thao túng. Bạn can thiệp vào cuộc sống riêng đến mức vi phạm ranh giới của họ, để rồi khiến mối quan hệ bị tổn hại nhiều hơn là giúp ích.

Sự vi phạm ranh giới thường sẽ được lơ đi vì nó xuất phát từ thiện ý. Timmy vừa mất đi công việc. Mỗi ngày, anh nằm dài trên ghế, cảm thấy túng quẫn và thương xót chính mình. Vì thế, mẹ Timmy thay anh điền đơn xin việc, nhiếc mắng anh ta là đồ thất bại. Có khi, bà còn ném cả chiếc máy chơi game qua cửa sổ để cho anh ta thêm chút động lực.

Hành động của bà có thể xuất phát từ tình thương nhưng lại là con dao hai lưỡi. Nó vi phạm giới hạn. Dù bắt nguồn từ thiện ý, nhưng khi bạn vi phạm ranh giới cá nhân bằng cách chịu trách nhiệm cho hành động và cảm xúc của người khác, nó làm tổn hại mối quan hệ.

Hãy nghĩ thế này. Timmy cảm thấy mình đáng thương. Khi đang vật vã để tìm mục đích sống trong một thế giới độc ác và vô cảm thì mẹ anh lại phá hỏng chiếc máy chơi game và đòi tìm việc cho anh. Điều này chẳng những không giải quyết vấn đề mà còn khiến Timmy tin rằng có gì đó sai ở mình.

Thay vì nghĩ “Mọi thứ đều ổn, tôi có thể xử lý vụ này”, điều Timmy học được lại là “Tôi vẫn là người đàn ông cần mẹ làm mọi thứ cho mình, thật chẳng ra gì.”

Và thế là mọi nỗ lực giúp đỡ “đổ sông đổ bể”. Bạn chẳng thể nào thay đổi một người khi khiến họ đánh mất sự tự tin, tôn trọng và khả năng chịu trách nhiệm cho chính mình.

Để khiến một người thay đổi…

Họ cần thấy rằng sự thay đổi đó thuộc về họ, là họ đã chọn và kiểm soát nó. Nếu không điều ấy sẽ chẳng còn tác dụng.

Khác với những người viết sách phát triển bản thân, tôi thường bị chỉ trích là chẳng bao giờ đưa ra lời khuyên gì. Tôi không vạch ra kế hoạch cụ thể từ A đến F hoặc có hàng loạt cách thực hành ở cuối mỗi chương sách.

Tôi không làm vì đơn giản tôi không nên là người quyết định điều gì tốt cho bạn. Việc tôi bảo bạn phải làm gì thay vì để bạn tự quyết sẽ tước đi những lợi ích về cảm xúc.

Ngành công nghiệp self-help phổ biến là bởi nhiều người không có khả năng chịu trách nhiệm cho lựa chọn của mình. Họ sống trôi nổi, tìm kiếm một hình mẫu, tổ chức hoặc triết lý bảo rằng họ cần phải nghĩ gì, làm gì, [quan tâm đến điều gì.

Nhưng những hệ thống giá trị này rồi sẽ thất bại. Các định nghĩa thế nào là thành công cuối cùng lại chẳng ra gì. Nếu bạn luôn phụ thuộc vào giá trị của kẻ khác, bạn sẽ cảm thấy lạc lối và dần [đánh mất chính mình.

Vì thế, nếu ai đó như tôi đứng trên sân khấu và bảo rằng tôi sẽ chịu trách nhiệm cho cuộc đời bạn, rằng tôi biết bạn cần phải làm và đề cao điều gì, tôi không những chẳng giải quyết mà còn phá hủy cuộc đời bạn.

Những người sống sót sau sang chấn, bị bỏ rơi, sỉ nhục hoặc cảm thấy lạc lối - cố vượt qua nỗi đau bằng cách nắm bắt những quan điểm mang lại hy vọng. Nhưng họ sẽ không thể [được chữa lành cho đến khi học cách tạo nên hy vọng, lựa chọn giá trị và chịu trách nhiệm cho chính mình. Nếu bạn can thiệp và bảo rằng họ hãy theo đuổi hệ giá trị giống như bạn, điều đó chỉ càng khiến vấn đề trở nên trầm trọng, dù mục đích của bạn có tốt đi chăng nữa.

Cảnh báo: Việc chủ động can thiệp vẫn cần thiết nếu ai đó đang trở nên nguy hiểm cho chính họ và người khác. Và “nguy hiểm” ở đây bao gồm việc sử dụng chất kích thích, trở nên thất thường, bạo lực và hoang tưởng.

Vậy làm thế nào để giúp người khác?

1. Cho họ một ví dụ

Những người đã từng thay đổi ngoạn mục đều thấy rằng điều đó ảnh hưởng đến mối quan hệ của họ. Khi bạn ngưng uống rượu và tiệc tùng, bỗng dưng những người xung quanh cảm thấy bạn đang phớt lờ hoặc trở nên tốt hơn họ.

Lúc này, họ thay đổi không phải do bạn đã can thiệp, mà bởi vì bạn đã trở thành nguồn cảm hứng cho họ.

2. Thay vì cho họ câu trả lời, hãy cho họ câu hỏi tốt hơn

Ép buộc người khác nghe theo mình sẽ khiến những gì bạn nói mất đi giá trị, thay vào đó bạn nên đặt câu hỏi tốt hơn.

Thay vì nói “Bạn nên đòi được tăng lương”, hãy nói “Bạn có tin rằng mình được trả lương xứng đáng không?”

Thay vì nói “Bạn nên ngừng chịu đựng cô em gái quỷ quái”, hãy hỏi “Bạn có nghĩ rằng mình phải chịu trách nhiệm cho sự phiền phức của cô ấy không?”

Để làm điều này, bạn cần nhẫn nại, suy nghĩ và để tâm. Đó là lý do mà nó hiệu quả. Bạn trả tiền cho chuyên viên tâm lý cũng chỉ để nhận được những câu hỏi tốt hơn, chứ không phải là câu trả lời cho mọi vấn đề.

3. Đề nghị giúp đỡ họ vô điều kiện

Có sự khác nhau giữa việc tôi bảo rằng “Tôi biết điều gì tốt nhất cho bạn” và ai đó đến tìm tôi và hỏi “Tôi nghĩ điều gì là tốt nhất cho họ?”

Một bên tôn trọng quyền tự quyết của đối phương. Bên còn lại thì không.

Điều tốt nhất mà bạn có thể làm là cho họ biết bạn luôn có mặt mỗi khi họ cần, bằng cách nói rằng “Tôi biết bạn đang trải qua nhiều khó khăn. Nếu bạn muốn trò chuyện, hãy nói với tôi.”

Vài năm trước, khi bạn tôi trải qua khoảng thời gian khó khăn với bố mẹ, thay vì khuyên nhủ, tôi chỉ đơn thuần kể về trải nghiệm tương tự của mình với gia đình.

Khi làm vậy, giá trị của câu chuyện tách rời khỏi tôi. Tôi không phải là người đưa ra lời khuyên. Trải nghiệm của tôi cho anh ấy một góc nhìn khác. Anh có quyền chọn làm nó hoặc không và điều đó hoàn toàn thuộc về anh.

Suy cho cùng, không ai khác ngoài chúng ta có khả năng thay đổi chính mình. Có thể, Timmy rồi sẽ có một công việc tốt và ít chơi game hơn. Nhưng cho đến khi định nghĩa của anh về bản thân thay đổi, cho đến khi cảm nhận của anh về mình và cuộc sống thay đổi, anh vẫn cứ là phiên bản cũ. Ngoại trừ việc giờ đây mẹ anh thất vọng hơn nhiều.

References