Bạn ơi, Đừng chỉ tin vào cảm xúc!

Được chuyển ngữ từ “Fuck Your Feelings”, đăng trên blog cá nhân của tác giả Mark Manson.

Những gì mà ta thích và những gì đúng đắn thường không là một

Tôi biết rằng những cảm xúc như tức giận và lo âu là quan trọng. Bạn hẳn nghĩ rằng việc mặt của mình trông cứ nhặng xị cả lên khiến bạn trở nên quan trọng. Nhưng không. Cảm xúc chỉ là cảm xúc. Ý nghĩa mà chúng ta gán ghép cho nó - như quan trọng hay không - thường đến sau.

Những điều chúng ta làm trong đời chỉ xuất phát từ 2 lý do: a) bởi vì ta thích nó hoặc b) bởi vì ta tin đó là điều đúng đắn. Thỉnh thoảng 2 lý do này đồng nhất với nhau. Những thứ vừa khiến ta cảm thấy thích vừa đúng đắn đương nhiên rất tuyệt.

Nhưng thường thì “đời không như là mơ”. Những gì khiến ta thấy tệ thường lại là điều mà ta nên làm (như thức dậy lúc 5 giờ sáng để đến phòng gym, đến thăm bà vào cuối tuần để đảm bảo rằng bà vẫn khỏe). Và ngược lại, có những thứ khiến ta cảm thấy tuyệt đấy nhưng lại chẳng đúng (chẳng hạn như quan hệ tình dục bừa bãi).

Bị cuốn theo cảm xúc thì rất dễ dàng. Chẳng hạn như khi gãi, bạn chỉ cần làm khi ngứa. Cảm giác nhẹ nhõm và giải tỏa đi kèm với nó khiến bạn thấy thỏa mãn nhưng lại chẳng kéo dài bao lâu.

Hành động theo lẽ phải thì khó hơn. Bởi đúng và sai thường không rõ ràng. Điều này đòi hỏi bạn phải ngồi xuống và thật sự nghĩ về nó. Chúng ta sẽ cảm thấy mâu thuẫn về quyết định của bản thân hoặc phải tranh đấu với tính bốc đồng của mình.

Nhưng khi làm những gì đúng đắn, tác động tích cực sẽ lâu dài hơn rất nhiều. Chúng ta cảm thấy tự hào nhiều năm sau đó. Chúng ta sẽ kể với bạn bè, họ hàng và cảm thấy xứng đáng với phần thưởng được đánh đổi bằng nỗ lực của mình.

Mấu chốt là: những điều đúng đắn giúp nâng cao lòng tự trọng và ý nghĩa trong cuộc sống.

Nhưng bộ não vốn luôn “lươn lẹo”

Đơn giản thì bây giờ chúng ta chỉ cần lơ đi mớ cảm xúc của mình và làm những gì đúng đắn chẳng phải sao?

Giống như nhiều thứ khác trong cuộc sống, thực hiện được điều này không dễ như lúc nói.

Vấn đề ở chỗ não không hề thích sự mâu thuẫn trong việc phải đưa ra quyết định. Nó sẽ cố tránh xa những cuộc vật lộn trong sự không chắc chắn và mơ hồ, bởi điều này không hề thoải mái. Khi đó, não sẽ cố thuyết phục ta rằng miễn là ta thích thì nó tự khắc trở nên đúng đắn.

Chẳng hạn, bạn biết kem vốn không tốt cho sức khỏe nhưng não lại bảo rằng “ăn chút cũng chẳng hại gì, cứ coi như tự thưởng cho bản thân sau một ngày vất vả vậy”. Rồi cứ thế mà nhích thôi. Vậy là mọi thứ bỗng không còn sai nữa.

Bạn biết gian lận trong thi cử là xấu nhưng não cứ cố khiến bạn tin rằng “điều này cũng đáng mà, đằng nào thì bạn cũng đang làm quần quật một lúc hai việc, chứ đâu có như mấy đứa hư hỏng khác trong lớp”. Thế là bạn quay cóp câu trả lời của bạn cùng lớp và mọi thứ bỗng trở nên đúng đắn.

Nếu bạn tự thuyết phục mình đủ lâu rằng thích đồng nghĩa với đúng, não bạn rồi sẽ bắt đầu mặc định cả hai là một. Nó sẽ nghĩ rằng miễn bạn vui thì có ra sao cũng được.

Và khi điều này xảy ra, bạn sẽ bắt đầu tự huyễn hoặc bản thân tin rằng cảm xúc là quan trọng.

Hãy nghĩ về nó một chút. Những thứ khiến cuộc sống bạn đảo lộn thường là những thứ làm bạn lệ thuộc vào cảm xúc. Để rồi bạn trở nên bốc đồng hoặc tự cho rằng mình đúng. Bạn biết đấy, cảm xúc luôn có cách chi phối con người. Nó làm bạn tự cho mình là cái rốn của vũ trụ. Và mặc dù không thích nhưng tôi phải cho bạn biết rằng, bạn đã sai bét.

Nhiều người trẻ rất ghét khi phải nghe những điều này bởi vì họ có những ông bố bà mẹ o bế cảm xúc cho mình từ bé. Bố mẹ họ bảo vệ nó bằng mọi giá như mua thật nhiều kẹo và khóa học, miễn là xoa dịu được cảm xúc cho họ.

Đáng tiếc, các bậc phụ huynh này làm thế cũng chỉ bởi họ quá phụ thuộc vào cảm xúc của chính mình. Họ không thể nào chịu đựng được nỗi đau khi thấy con cái mình vất vả, dù chỉ trong phút chốc. Họ không nhận ra rằng trẻ em cần đối mặt với nghịch cảnh để phát triển nhận thức và cảm xúc, rằng thất bại là bước đệm cho thành công. Đòi hỏi rằng lúc nào mình cũng phải cảm thấy hài lòng thật ra là chiếc vé hạng nhất dẫn đến việc bị xa lánh khi trưởng thành.

Vấn đề khi cuộc sống của bạn chỉ xoay quanh cảm xúc

1. Cảm xúc tồn tại một cách độc lập

Bạn là người duy nhất cảm thấy nó. Cảm xúc không thể mách bảo rằng đâu là điều tốt nhất dành cho mẹ bạn, cho sự nghiệp của chính bạn hoặc cho môi trường. Nó chỉ cho bạn thấy thứ tốt cho mỗi mình bạn… mà thậm chí còn chưa chắc là đúng.

2. Cảm xúc chỉ kéo dài tạm thời

Chúng chỉ tồn tại trong một vài khoảnh khắc. Cảm xúc không thể chỉ ra đâu là điều tốt cho bạn trong vòng một tuần hoặc 20 năm tới. Chúng cũng chẳng cho bạn biết bạn nên làm gì và học gì khi là một đứa trẻ. Nó chỉ bảo rằng đâu là thứ tốt cho bạn ở hiện tại… và điều đó cũng chẳng hề đáng tin.

3. Cảm xúc của bạn không hề chính xác

Có bao giờ bạn nói chuyện với một người bạn và tức giận bởi những lời lẽ độc địa mà họ nói ra nhưng hoá ra họ chẳng có ý gì cả, và bạn chỉ hiểu lầm? Hoặc bạn cảm thấy đố kỵ với một người gần gũi với mình bởi một lý do bạn tự tưởng tượng ra?

Chẳng hạn, điện thoại của họ hết pin, còn bạn thì nghĩ rằng họ ghét mình hoặc chỉ muốn lợi dụng mình? Hay có bao giờ bạn hào hứng theo đuổi một điều gì đó khiến bạn trông ngầu hơn, nhưng sau đó nhận ra rằng đó chỉ là do cái tôi trong lúc bốc đồng, và bạn đã vô tình làm tổn thương những người xung quanh?

Cảm xúc của chúng ta đôi khi chẳng ra làm sao. Và đây chính là vấn đề.

Chúng ta thường cố kiểm soát cảm xúc và rồi thất bại

Những gì tôi nói tiếp theo đây không phải chuyện gì mới mẻ hay bất ngờ cả. Mà thực tế trước giờ bạn vẫn luôn cố vượt qua một số cảm xúc khó chịu và bốc đồng, để rồi thất bại.

Vấn đề là khi bạn bắt đầu cố gắng kiểm soát cảm xúc của mình, những cảm xúc đó sẽ “sinh sôi” chóng mặt như đàn thỏ vậy. Bởi vì chúng ta không chỉ nảy sinh cảm xúc với trải nghiệm của mình, mà chúng ta còn có cảm xúc với chính cảm xúc của mình. Tôi gọi đây là “siêu cảm xúc” và chúng thường hủy hoại gần như mọi thứ.

Con người thường rơi vào 4 loại siêu cảm xúc: thấy tệ về những cảm xúc xấu (khắt khe với bản thân), thấy tệ về những cảm xúc tốt (tội lỗi), thấy tốt về những cảm xúc xấu (tự cho là đúng) và thấy tốt về những cảm xúc tốt (cái tôi/ái kỷ).

Thấy tệ về những cảm xúc xấu (Khắt khe với bản thân):

  • Tự phê phán quá mức
  • Có các hành vi lo âu/kích động
  • Ức chế cảm xúc
  • Thường tham gia những hành vi lịch sự hoặc tử tế giả tạo
  • Cảm thấy mình sai ở đâu đó

Thấy tệ về những cảm xúc tốt (Tội lỗi):

  • Cảm giác tội lỗi dai dẳng, như thể bạn không xứng đáng nhận được hạnh phúc
  • Liên tục so sánh bản thân với người khác
  • Cảm giác như thể phải có điều gì sai sót, dù mọi thứ vẫn ổn
  • Thường có những chỉ trích và tiêu cực không cần thiết

Thấy tốt về những cảm xúc xấu (Tự cho là đúng):

  • Bất bình về mặt đạo đức
  • Tỏ ra kiêu ngạo với người khác
  • Cảm thấy mình xứng đáng với một số thứ còn người khác thì không
  • Tìm kiếm cảm giác bất lực và biến mình thành nạn nhân

Thấy tốt về những cảm xúc tốt (Cái tôi/ái kỷ):

  • Tự cổ vũ bản thân
  • Thường xuyên đánh giá quá cao bản thân, tự nhận thức theo hướng tích cực nhưng ảo tưởng
  • Không biết cách xử lý thất bại hoặc việc bị từ chối
  • Tránh những lúc phải đối đầu hoặc rơi vào tình huống khó chịu
  • Thường xuyên trong trạng thái chỉ quan tâm bản thân

Các kiểu siêu cảm xúc này là một phần trong những câu chuyện mà chúng ta hay tự thuật về cảm xúc của mình. Nó khiến chúng ta cảm thấy những ghen ghét của mình là hợp lý. Nó cổ vũ cho lòng tự hào của chúng ta. Nó đập thẳng nỗi đau vào mặt chúng ta.

Nó chỉ đơn giản là cảm nhận của chúng ta về tính hợp lý/bất hợp lý. Nó là cách chúng ta chấp thuận cho việc mình nên và không nên phản ứng cảm tính như thế nào.

Nhưng cảm xúc thường không đi đúng hướng. Cho nên thay vào đó, các siêu cảm xúc này có xu hướng tàn phá nội tâm chúng ta càng sâu hơn.

Nếu bạn luôn thấy tốt về những cảm xúc tốt, bạn sẽ trở nên tự chủ và “cầm trịch” những người xung quanh. Nếu cảm xúc tốt khiến bạn thấy tệ về bản thân, bạn luôn mang trong mình cảm giác tội lỗi và xấu hổ, như thể bạn không xứng với bất cứ gì, chưa từng đạt được gì và chưa từng đóng góp được gì cho mọi người lẫn thế giới quanh mình.

Còn với những người luôn thấy tệ bởi những cảm xúc xấu. Những “người suy nghĩ lạc quan” này sẽ sống trong sợ hãi vì cho rằng bất cứ sự đau khổ nào cũng là minh chứng rằng họ đã sai ở đâu đó. Chính văn hoá, gia đình và ngành công nghiệp sách tự lực (self-help) đã đẩy chúng ta vào thứ vòng lặp phản hồi như địa ngục này.

Nhưng có lẽ loại siêu cảm xúc tệ nhất lại là loại phổ biến nhất: thấy tốt về những cảm xúc xấu. Những người có loại siêu cảm xúc này thường tận hưởng sự bất bình chính đáng. Họ cảm thấy “đẳng cấp” về mặt đạo đức hơn mỗi khi chịu khổ, như thể họ là một nghĩa sĩ trong thế giới tàn khốc. Phần lớn các xung đột xã hội hiện nay mà chúng ta đang phải đối mặt đều là kết quả của các siêu cảm xúc này.

Kiểm soát ý nghĩa chứ đừng kiểm soát cảm xúc

Để tháo gỡ những câu chuyện rối rắm đó, chúng ta phải quay về một sự thật đơn giản: cảm xúc không nhất thiết phải nói lên ý nghĩa nào đó. Chúng nó chỉ nói lên bất cứ ý nghĩa nào mà bạn gán cho nó.

Có thể hôm nay tôi thấy buồn. Có thể hôm nay có tám lý do khác nhau khiến tôi buồn. Nhưng tôi mới là người quyết định những lý do đó quan trọng tới đâu – những lý do đó có thể cho thấy điều gì đó về tính cách của tôi, hoặc đây chỉ là một trong số những ngày buồn.

Đáng quan ngại thay, đây là một kỹ năng mà chúng ta thiếu hụt trong thời đại này: khả năng tách rời ý nghĩa khỏi cảm xúc, để quyết định rằng không phải chúng ta cảm thấy thế nào thì có nghĩa cuộc đời là thế ấy.

Mặc kệ cảm xúc đi. Đôi khi chuyện tốt vẫn làm bạn thấy tệ. Đôi khi chuyện xấu lại khiến bạn thấy tốt. Nó không thể thay đổi được sự thật rằng chuyện đó xấu/tốt. Đôi khi bạn sẽ thấy tệ vì thấy mừng về một chuyện xấu, và cũng sẽ thấy tốt vì thấy buồn về một chuyện tốt— biết gì không? Cứ kệ đi!

Nhưng không có nghĩa là bạn nên lờ đi cảm xúc của mình. Cảm xúc vẫn quan trọng. Nhưng không phải vì những lý do như bạn nghĩ. Chúng ta nghĩ nó quan trọng vì nó nói lên điều gì đó về chúng ta, về thế giới, về các mối quan hệ xoay quanh. Nhưng thật ra nó chẳng nói lên được gì cả.

Chẳng có ý nghĩa nào đi kèm với nó hết. Đôi khi bạn thấy đau lòng vì một điều tích cực, đôi khi vì một điều tiêu cực. Và đôi khi chẳng vì lý do gì. Nỗi đau ấy vốn là thứ trung lập. Còn nguyên nhân thì lại là thứ riêng rẽ.

Điều cốt yếu ở đây là bạn phải ra quyết định. Mà đa số chúng ta thường quên đi hoặc chưa từng nhận ra sự thật đó, rằng chúng ta là người quyết định nỗi đau của mình mang ý nghĩa gì. Cũng như chúng ta quyết định thành công của mình cho thấy điều gì.

Và thường thì bất cứ câu trả lời nào cũng sẽ tàn phá nội tâm của bạn, chỉ trừ một câu: chẳng nên mang ý nghĩa gì cả.

References