Bạn chính là những gì bạn tiêu thụ

Được chuyển ngữ từ bài viết “You Are What You Consume” đăng tải trên blog cá nhân của tác giả Mark Manson.

Bạn chính là những gì bạn tiêu thụ

Năm 1964, triết gia nổi tiếng về lý thuyết truyền thông Marshall McLuhan từng phát biểu “Phương tiện chính là thông điệp”. Ông cho rằng, cách chúng ta tiếp nhận thông tin đôi khi còn có ảnh hưởng lớn hơn cả nội dung của chính thông tin đó.

McLuhan có thể đã nhận ra điều này sau những biến động văn hóa thập niên 1960 tại Mỹ. Thời điểm những chiếc TV bắt đầu trở nên thịnh hành, nên gần như nhà nào cũng có một cái TV.

Theo McLuhan, TV là phương tiện khiến người xem trở nên thụ động một cách vô thức. Cụ thể, họ đặc biệt dễ bị thu hút bởi bất kỳ thông tin hay hình thức giải trí nào được lên sóng. Hệ quả là họ dễ bị “dắt mũi” vào việc chấp nhận những quan điểm chiếm ưu thế.

Nếu suy nghĩ kỹ thì điều này chính xác. Không như đọc sách hay nghe nhạc, việc xem TV gần như chẳng tốn của bạn chút công sức nào. Chẳng thế mà TV trở thành phương thức giải trí yêu thích của người lười.

Bạn chỉ cần bật lên và chuyển kênh, rồi ngồi im tận hưởng những hình ảnh đẹp mắt và thú vị. Về mặt nội dung, nó cũng được thiết kế để giữ chân bạn trước màn hình càng lâu càng tốt, chứ không như bây giờ cho phép bạn chọn xem những nội dung bạn thực sự thấy bổ ích.

Vì vậy, cũng không có gì ngạc nhiên khi hầu hết các nghiên cứu về tiêu thụ nội dung trên TV đều cho ra kết quả đáng buồn. Những người xem TV nhiều thường có sức khỏe kém, ít hạnh phúc và hay hoang tưởng hơn về thế giới. Trẻ em “dán mắt” vào TV cũng thường có nhận thức kém và dễ mắc các vấn đề về hành vi xã hội hơn.

Chẳng trách hồi thế hệ của tôi còn nhỏ, các bà mẹ vẫn hay mắng mỏ rằng TV sẽ làm “thối não” chúng tôi. Giờ nghĩ lại mới thấy họ nói đúng, dù cách họ dùng từ có hơi quá.

Đọc sách là một cách tiêu thụ sáng suốt hơn

Việc đọc mang lại vô số lợi ích về mặt nhận thức, mà nguyên nhân có thể đến từ chính bản chất của nó.

Chẳng hạn ngay khi đọc bài viết này, não bạn đã phải bỏ ra không ít công sức. Và một khi bạn ngừng nỗ lực, thì bài viết cũng ngừng phân phối thông tin. Bạn phải tự động não để phân tích thông tin trong bài, sau đó hình dung nó trong tâm trí mình. Điểm này khác hẳn với TV khiến bạn tiêu thụ nội dung được phát một cách thụ động mà không tốn chút công sức nào.

Nếu tôi viết truyện về một con lừa bối rối cố gắng làm tình với một cái vòi cứu hỏa, tâm trí bạn sẽ phải “vận công” để xây dựng cảnh tượng này trong đầu. Không chỉ vậy, bạn còn có thể quyết định cách bạn xây dựng nó. Con lừa có buồn và cô đơn không? Nó có bị một người chủ độc ác trừng phạt vì việc đó không? Cái vòi cứu hỏa có hứng thú không? Vân vân và mây mây…

Nhưng tóm lại ý chính của tôi là, việc đọc bản chất đã là một phương tiện có tính tương tác. Quá trình truyền đạt thông tin không chỉ phụ thuộc vào cách tôi viết câu chuyện trên, mà còn phụ thuộc vào cách bạn chọn để diễn giải và phản ứng với nó.

Chính sự gia tăng về nỗ lực sáng tạo này đã dẫn đến những kết quả tích cực. Đọc sách giúp chúng ta trở nên đồng cảm hơn, cải thiện khả năng tập trung, tăng cường khả năng suy luận logic và hơn thế nữa.

Truyền thông mới có thể đi theo bất cứ hướng nào

Internet là đại diện tiêu biểu của truyền thông mới. Với phương tiện này, bạn không chỉ có toàn quyền kiểm soát với những gì bạn tiêu thụ, mà còn cả phương tiện bạn dùng để tiêu thụ nó.

Tôi ngạc nhiên khi nhận ra rằng, một số phương tiện truyền thông mới được tối ưu hóa để thu hút sự chú ý của bạn bằng mọi giá.

Nhưng một số phương tiện khác như podcast, một số trò chơi điện tử lại mang tới hiệu quả không thua kém đọc sách. Chúng vừa giúp bạn hình thành khả năng tập trung lâu dài, vừa thách thức các quan điểm của bạn bằng những kiến thức mới hoặc hình ảnh độc đáo.

Cần lưu ý McLuhan phát biểu câu trên vào thời điểm phương tiện truyền thông còn hạn chế. Hệ quả là phương tiện nào thống trị trên khía cạnh thông tin hay giải trí sẽ định hình luôn các đặc tính văn hóa của thời kỳ này.

Nhưng bây giờ thì chúng ta có một nồi lẩu siêu to khổng lồ các phương tiện truyền thông và thông tin để lựa chọn tiêu thụ. Chẳng hạn nếu muốn tìm hiểu về thiền, bạn có thể đọc các bài viết chuyên sâu, các dòng tweet ngắn, nghe podcast, xem video hoặc thậm chí xem story trên Instagram. Mọi kiểu nội dung bạn cần, bất kể ngắn hay dài, có chữ hay có hình đều đã ở đó sẵn. Và bạn chỉ cần chọn hình thức phù hợp nhất để tiêu thụ.

Sở dĩ tôi ví các phương tiện truyền thông với nồi lẩu vì ở một khía cạnh nào đó, việc tiêu thụ thông tin khá giống việc ăn uống hàng ngày. Khi thực phẩm đi vào cơ thể, nó sẽ tạo ra các tế bào cấu thành nên cơ thể bạn. Do đó bạn cần chọn một chế độ ăn uống lành mạnh. Vì nếu ăn uống vớ vẩn trong thời gian dài, thì cơ thể bạn cũng bị hủy hoại theo.

Truyền thông cũng tương tự như vậy. Khi chọn phương tiện và thông tin để tiêu thụ, bạn đang chọn luôn cả suy nghĩ, quan điểm và ý kiến của mình trong tương lai. Thế nên nếu lựa chọn không cẩn thận, bạn cũng sẽ bị “ung thư” về nhận thức. Bạn chính là những gì bạn tiêu thụ.

References

🔗 Backlinks