5 Bài học trường đời đã thay giảng đường dạy chúng ta

Được chuyển ngữ từ bài viết “5 Things That Should Be Taught In Every School” đăng tải trên blog cá nhân của tác giả Mark Manson.


Tôi phải thú thật là nền giáo dục của chúng ta đang dạy những thứ không thực tế cho lắm. Chẳng hạn nhiều kiến thức khoa học cơ bản vẫn được dạy một cách khô cứng, trong khi ta có thể học chúng trên YouTube với nhiều video trình bày đẹp mắt, dễ hiểu.

Trong khi đó, thị trường việc làm đang trải qua thời kỳ biến động nhất trong 100 năm qua. Công nghệ không ngừng phát triển, và robot dần thay thế hơn một nửa số công việc trong thập kỷ trước. Nhiều bằng cấp đại học trở nên mất giá trị, đặc biệt khi vô số ngành nghề và công việc mới được tạo ra.

Vậy mà trẻ em bây giờ vẫn phải học chương trình không khác mấy so với bố mẹ, thậm chí ông bà chúng trước kia. Tôi biết là câu này khá sáo rỗng, nhưng phần nhiều những bài học quan trọng nhất trong đời không đến từ trường lớp. Phải thú thực là chỉ đến khi lớn lên và bươn chải với đời, tôi mới học được chúng.

Nhưng câu hỏi mấu chốt vẫn là, vì sao những bài học này không được dạy ở trường? Ý tôi là, thay vì dành 6 tháng để học về các họa sĩ thời Phục Hưng, thì tại sao chúng ta không học về việc tiết kiệm để nghỉ hưu hay sự đồng thuận trong tình dục? Tại sao không ai nói với tôi rằng, khi tôi trưởng thành thì một lượng lớn việc làm sẽ do robot đảm nhận?

Dĩ nhiên nếu tôi thống trị thế giới, những vấn đề này sẽ không xảy ra. Nhưng trước khi tôi đi quá xa với trí tưởng tượng của mình, hãy nhìn vào thực tế. Dưới đây là danh sách những điều, mà theo tôi, nên phổ cập cho học sinh từ cấp 3.

1. Tài chính cá nhân

Chương trình học: Tìm hiểu về thẻ tín dụng, lãi suất, xếp hạng tín dụng, quỹ hưu trí và thói quen tiết kiệm. Vì nếu bạn tiết kiệm 20% thu nhập hàng tháng từ năm 18 tuổi, thì bạn có thể thành triệu phú vào năm 50 tuổi. Lãi suất kép chính là thứ điều khiển cả thế giới, mà đến tận 24 tuổi tôi mới nghiệm ra chân lý này.

Vì sao nó quan trọng: Không ít người vẫn tiêu tiền không kiểm soát dù đang nợ nần. Và số người đi làm trên dưới 10 năm nhưng không có khoản tiết kiệm nào nhiều đến mức báo động.

Nếu coi việc quản lý tài chính là một trường học, thì hầu hết chúng ta đang “mù chữ” ở một cấp độ nào đó. Đây là một vấn đề nghiêm trọng. Một xã hội ai cũng tiêu trước khi có thể trả, nghỉ hưu với đồng lương ít ỏi, không có tiền tiết kiệm và không kham nổi chi phí y tế khi đổ bệnh sẽ nhanh chóng hỗn loạn. Và thực tế là nó đang diễn ra trước mắt chúng ta rồi.

2. Các mối quan hệ

Chương trình học:

  • Cách bày tỏ cảm xúc mà không cần đổ lỗi hay đánh giá đối phương.
  • Nhận biết các hành vi thao túng tâm lý và tránh khỏi chúng.
  • Cách bảo vệ ranh giới cá nhân, chia sẻ về tình yêu và các xu hướng tính dục.
  • Sự đồng thuận trong tình dục và tình yêu và sự khác biệt giữa nam và nữ.

Thực tế là hầu hết chúng ta chỉ hiểu về chúng sau khi trải qua những cuộc tình đầy đau khổ.

Vì sao nó quan trọng: Khi bạn ốm liệt giường, bạn không thể nghĩ về cách Napoleon thắng các trận đánh của ông hay vì sao Cải Cách Minh Trị ảnh hưởng lớn đến địa - chính trị ở châu Á. Trong khoảnh khắc đó, bạn sẽ chỉ nghĩ đến những người bạn yêu thương và những người bạn đã đánh mất.

Mối quan hệ đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì cuộc sống hạnh phúc. Học cách bình tĩnh và điều khiển cảm xúc cá nhân là kỹ năng đã thay đổi cuộc sống của tôi rất nhiều.

Tình yêu không chỉ xoay quanh thời gian thân mật và lãng mạn bên nhau. Nó còn liên quan đến nền tảng của một mối quan hệ: cách trở thành một người bạn tốt, cách giữ gìn mối quan hệ với gia đình và cách chịu trách nhiệm cho cảm xúc của bản thân.

Con người vốn là động vật xã hội. Chúng ta không thể sống thiếu các mối quan hệ, vì vậy ta cần học cách xây dựng và duy trì chúng sao cho chất lượng.

3. Tư duy logic và lý luận

Chương trình học: Cho giả thiết sau: “Giám đốc A thiếu quyết đoán và hay quát nhân viên. A là nữ, vậy suy ra sếp nữ thiếu quyết đoán và hay quát nhân viên”.

Bạn có thể đã gặp lối tư duy đánh đồng này ở không ít tình huống trong cuộc sống. Chúng không dựa trên lý luận cơ sở và thuyết phục, nhưng lại phổ biến trong văn hoá truyền thông đại chúng như một sự thật hiển nhiên. Dần dần, chúng trở thành những định kiến và thiên kiến ảnh hưởng không tốt đến cuộc sống của chúng ta.

Vì sao nó quan trọng: Chúng ta thường rơi vào những ngụy biện tư duy này mà không để ý. Và nó nguy hiểm ở chỗ, ta hay sập bẫy chúng khi cân nhắc các quyết định quan trọng, với hệ quả khôn lường. Các chiến dịch chính trị, các chính sách liên quan đến quyền công dân và vấn đề đạo đức là những ví dụ điển hình.

Bẫy lý luận khiến chúng ta dễ đưa ra lựa chọn sai lầm, ít thuyết phục và không có cơ sở. Khi các quyết định này liên quan đến sức khoẻ, mối quan hệ và sự nghiệp, thì cuộc sống mỗi người bị ảnh hưởng trầm trọng.

Trường học không dạy chúng ta cách đánh giá và giải quyết vấn đề. Thay vào đó, nó dạy ta học thuộc và sao chép mọi thứ - để rồi quên đi nhanh chóng. Kỹ năng này hoàn toàn không trang bị cho chúng ta bước vào thế giới phức tạp của người lớn, và nhiều khi khiến mọi việc rối rắm hơn so với bản chất của nó.

4. Sự tự nhận thức

Chương trình học: Tự nhận thức là khả năng tư duy về suy nghĩ của bản thân, cảm nhận cảm xúc của chính mình và nhận xét về những ý kiến trong tâm trí.

Chẳng hạn bạn có ác cảm với những người tên A một cách vô thức, cho rằng ai tên A cũng là người xấu. Đây là ví dụ điển hình về sự cố chấp, thể hiện qua việc áp đặt khuôn mẫu lên người khác. Nếu không có khả năng tự nhận thức, bạn sẽ coi nhẹ mức độ nghiêm trọng của nó. Nhưng nếu tự nhận thức được điều vô lý này, bạn sẽ tự vấn bản thân như sau:

  • Tại sao mình lại ghét những người tên A?
  • Có phải do A là tên người yêu cũ của mình không?
  • Mình có đang đánh đồng những người tên A, trong khi chỉ một người làm mình tức giận?

Đây là quá trình suy nghĩ về suy nghĩ của bản thân, và cảm nhận cảm xúc của chính mình. Nó giúp bạn nhìn nhận những quan điểm của chính mình từ một góc độ khác. Kỹ năng này quan trọng, những rất ít người làm chủ được nó.

Tin mừng cho bạn là chúng ta hoàn toàn có thể tự rèn luyện khả năng tự nhận thức. Những phương pháp như thiền định, trị liệu bằng giao tiếp hay viết nhật ký đều giúp bạn nhìn thấu những thiên kiến và định kiến bạn vẫn hay vướng phải.

Vì sao nó quan trọng: Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, việc tự nhận thức đem lại nhiều lợi ích trong vô vàn khía cạnh của cuộc sống. Người có kỹ năng siêu nhận thức (meta-cognition skills) thường sống có kỷ luật, lên kế hoạch kỹ lưỡng, tập trung tốt và biết quản lý cảm xúc của mình.

5. Sự hoài nghi

Chương trình học: Tìm hiểu nguyên nhân đằng sau những vấn đề như:

  • Vì sao mọi thứ ta tin vào đều sai ở một khía cạnh nào đó?
  • Vì sao trí nhớ của ta không hoàn toàn đáng tin cậy?
  • Vì sao ta không thể nhận định điều gì sẽ làm mình hạnh phúc hay đau buồn trong quá khứ và tương lai?
  • Vì sao những sự kiện quan trọng nhất trong lịch sử lại khó dự đoán nhất?

Vì sao nó quan trọng: Phần lớn những điều quan trọng trong cuộc sống xuất phát từ việc ta không biết hoặc không chắc chắn về nó. Cảm giác này gợi trí tò mò, ham học hỏi, thử thách ý tưởng mới và chia sẻ chúng với những người xung quanh. Điều này giúp bạn chấp nhận những thay đổi mới cũng như nhìn nhận sự việc một cách khác quan.

Hầu hết những điều tiêu cực xuất phát từ sự “chắc chắn”: tính kiêu ngạo, sự cố chấp hay những định kiến bất công. Chẳng hạn những kẻ đánh bom liều chết sẽ không làm điều đó nếu họ không chắc chắn về bản thân. Họ làm với một niềm tin cực đoan rằng họ “tử vì đạo” nên sẽ được tôn vinh và được lên thiên đường. Điều đó có xảy ra hay không thì chưa biết, nhưng họ đã khiến bao nhiêu người mất mạng một cách oan ức.

Sự hoài nghi đem đến nhiều cơ hội và lựa chọn hơn. Điều này giúp bạn thử thách bản thân, không vội đưa ra đánh giá và hoàn thiện mình.

Cuộc sống vốn đầy rẫy sự bất an, và những điều “chắc chắn” chỉ là chiến lược ta sử dụng để né tránh việc phải thích nghi với thay đổi. Cần nhớ rằng việc học hỏi không dừng lại khi bạn tốt nghiệp phổ thông hay đại học, mà nó sẽ theo bạn suốt cả cuộc đời.

References

🔗 Backlinks