4 Bí quyết để yêu xa không còn là trở ngại

Được chuyển ngữ từ bài viết “How to Survive a Long Distance Relationship” đăng trên blog cá nhân của tác giả Mark Manson.


“Anh ấy có xứng đáng để chờ đợi không?”

“Liệu cô ấy có cùng cảm xúc với mình?”

“Mình có đang tự huyễn hoặc rằng yêu xa là khả thi?”

“Liệu bạn trai của tôi thật sự tồn tại hay đây chỉ là cú lừa?”

Yêu xa quả thật khó khăn. Tôi chưa từng thấy ai thích thú điều đó cả. Những người yêu xa đều có chung một cảm giác đau khổ: trái tim họ như bị khoét sâu, để rồi được chắp vá bằng những cuộc gọi mà chẳng ai thấy thỏa mãn.

Tôi cũng từng trải qua cảm xúc đó. Những mối quan hệ quan trọng nhất của tôi đều là yêu xa.

Là một người có nỗi sợ cam kết trong tình yêu, tôi đã từng chỉ “đâm đầu” vào một người mà tôi biết họ ở cách mình ít nhất 500 dặm. Ở lần đầu tiên, dù đã cố nhưng mọi thứ cũng chẳng đến đâu do chúng tôi còn quá trẻ và non nớt để vượt qua vấn đề khoảng cách.

Ở lần thứ hai, chúng tôi đều đồng ý rằng cuộc sống riêng đã kéo dài khoảng cách (về địa lý) giữa cả hai và tốt hơn là nên “đường ai nấy đi”. Thế nhưng sau đó chúng tôi đã vô cùng vật vã và phải mất cả năm trời để chấm dứt hoàn toàn.

Ở mối quan hệ cuối cùng, chúng tôi lên kế hoạch để kết thúc việc yêu xa sớm nhất có thể (sau 6 tháng) và chịu hi sinh ít nhiều để đạt được điều đó. Và giờ chúng tôi đã kết hôn.

Khi nói về kinh nghiệm yêu xa, đây là điều tôi đã đúc kết được:

1. Cả hai cần một điều gì đó để cùng nhìn về

Một trở ngại của yêu xa là cảm giác không chắc chắn về tương lai luôn thường trực. Xa nhau càng lâu, cảm giác không chắc chắn trở nên mạnh mẽ hơn và trở thành khủng hoảng mục đích sống.

Vì vậy, đặt mục tiêu chung để cùng cố gắng là một cách phá vỡ trở ngại. Mục tiêu chung này có thể là lần tiếp theo cả hai được gặp nhau, kiếm việc ở thành phố của nửa kia, tìm căn hộ để dọn về sống chung, hoặc đi du lịch cùng nhau chẳng hạn.

Khi không có những cột mốc chung để trông đợi, bạn sẽ khó duy trì sự tích cực và hào hứng dành cho đối phương. Nếu một mối quan hệ không tiến triển, việc nó chết yểu là một lẽ tất yếu. Và khi yêu xa, sự tiến triển này càng trở nên thiết yếu hơn. Cả hai cần một mục tiêu để cùng đạt được, một lý do để ở bên nhau, một điểm giao để cùng gặp gỡ. Nếu không cả hai rồi sẽ lạc mất nhau.

2. Đừng vội đánh giá

Khi bị xa cách, chúng ta không nhìn nhận người khác như con người thật của họ. Chúng ta bắt đầu áp đặt và đánh giá một cách thái quá hoặc sai lệch với bản chất sự việc.

Điều này xảy ra thường xuyên trong các mối quan hệ yêu xa và có nhiều biểu hiện khác nhau. Trong một số trường hợp, một người dễ ghen tuông vô cớ hoặc có tâm lý sở hữu thái quá. Họ cho rằng những dịp gặp gỡ xã giao là hiểm họa tiềm ẩn cho mối quan hệ.

Ở trường hợp khác, một người thường xuyên chỉ trích và có những hành động vô lý. Khi một sự việc nhỏ không vừa ý diễn ra, người này có xu hướng nghiêm trọng hoá vấn đề và muốn kết thúc mối quan hệ.

Ngược lại, một số người lại lý tưởng hoá đối phương. Họ thường quên đi những khía cạnh không hoàn hảo trong tính cách của nửa kia. Họ có xu hướng vẽ nên một bức tranh hoàn hảo, cho rằng đối phương chính là người sẽ cùng họ đi đến cuối đời.

Những áp đặt và suy diễn này chẳng có ích gì. Hãy luôn tự nhắc nhở rằng bản thân không biết được chuyện gì đang diễn ra thay vì áp đặt chúng. Ngoài ra, một giải pháp tốt là nói chuyện với đối phương để hiểu được sự việc từ góc nhìn và cảm xúc của họ.

3. Trò chuyện là một lựa chọn

Có những cặp đôi yêu xa đặt ra quy định phải gọi nhau số lần nhất định trong tuần hoặc mỗi buổi tối vào một thời gian cụ thể. Cách này có thể hiệu quả trong một số trường hợp, nhưng theo tôi, những cuộc trò chuyện nên diễn ra một cách tự nhiên nhất. Bạn nên nói chuyện với nửa kia vì bạn muốn thay vì bị ép buộc phải làm.

Giao tiếp đóng vai trò quan trọng, nhưng giao tiếp nhiều hơn không phải luôn là một giải pháp tốt. Khi ta ép buộc các cuộc trò chuyện, bạn có thể không còn chuyện để chia sẻ với đối phương. Bạn dần trở nên nửa vời trong mối quan hệ, bực bội và không muốn trò chuyện nữa và điều đó dẫn đến những tranh cãi không đáng có.

Cách để hạn chế tình trạng này là để những cuộc trò chuyện là một lựa chọn. Khi đối phương không thể trò chuyện với bạn ngày hôm đó, hãy nhìn nhận từ một góc độ khách quan hơn thay vì tự đổ lỗi cho mình. Nửa kia của bạn có thể gặp phải nhiều vấn đề đột xuất trong công việc và hãy cảm thông với điều đó.

Bạn có thể đánh giá mối quan hệ thông qua mong muốn của đối phương về việc trò chuyện với bạn. Nếu cảm thấy họ thường xuyên thờ ơ và chỉ muốn trò chuyện một vài lần trong tuần, có thể họ đang dần xa lánh hơn trong mối quan hệ. Khi đó, cả hai cần thành thật đối diện với cảm xúc của mình và của đối phương.

4. Đảm bảo khoảng cách là nhất thời

Mối quan hệ yêu xa không thể kéo dài mãi nếu hai bạn không có tương lai chung. Hãy nhớ rằng, tình yêu là không đủ để duy trì một mối quan hệ.

Để xây dựng và duy trì tình yêu, bạn cần có chung tầm nhìn, sở thích và giá trị sống cốt lõi. Bạn cần xây dựng cuộc sống chung và nỗ lực phấn đấu để đạt được những điều đó. Nếu bạn đang ở Los Angeles và cô ấy ở New York, điều kết thúc mối quan hệ nhanh nhất là khi một người chuyển đến London, người còn lại thì đến Hong Kong vì công việc.

Trong mối quan hệ thứ hai, bạn gái tôi nhận công việc ở châu Phi. Trong khi đó, tôi vất vả ở Mỹ và cố gắng bắt đầu công việc kinh doanh. Mọi hi vọng của tôi khi ấy đều sụp đổ bởi hoàn cảnh và chúng tôi chia tay không lâu sau đó.

Vợ của tôi hiện tại là một người Brazil. Chúng tôi bắt đầu hẹn hò vào năm 2012, khi tôi đang sống ở đó. Tôi rời đi vài tháng sau đó và chúng tôi giữ liên lạc nhưng cảm thấy vô vọng vì nghĩ rằng không có tương lai chung. Đó không phải là một cuộc trò chuyện dễ dàng. Sáu tháng sau, tôi chuyển đến Brazil và sống với cô ấy cho đến khi chúng tôi quyết định được kế hoạch tương lai.

Yêu xa có thể thành hiện thực nếu cả hai cùng sắp xếp cuộc sống, công việc và các mối bận tâm khác để ở bên nhau. Đây cũng là một nghịch lý, khi ta buộc phải đưa ra quyết định quan trọng với những người mà ta ít tiếp xúc hơn cả.

Nhưng liệu nó có đáng không? Đây là câu hỏi mà tôi nhận được thường xuyên nhất. Một mặt nào đó, nó hoàn toàn xứng đáng. Vì ngay cả khi mối quan hệ đó không tiến triển, bạn có được những bài học về bản thân, sự thân mật, và sự cam kết.

Một mặt khác, khi yêu xa, bạn không thật sự biết tất cả về đối phương. Điều này như bề nổi của một tảng băng chìm. Bạn hiểu được phần nào tính cách và phẩm chất của họ, nhưng chúng luôn mơ hồ và không rõ ràng. Khác với mối quan hệ trực tiếp, khi yêu xa bạn không cảm nhận hết tương tác giữa hai cá nhân. Đây là cảm giác chỉ xuất hiện khi đã ở bên nhau trong thời gian dài. Cảm giác này đôi khi khó chịu và không hài lòng. Nhưng đó là sự thật mà ai cũng cần phải đối mặt, để hiểu hơn về bạn đời của mình.

Khoảng cách là một rào cản của mối quan hệ. Khi hai người bị chia cách, họ dễ dàng lý tưởng hoá và lãng mạn hoá đối phương. Họ cũng dễ dàng bỏ qua những khác biệt quan trọng trong cuộc sống. Họ cũng dễ dàng nghiêm trọng hoá vấn đề khi không cần thiết. Mặc dù mối quan hệ yêu xa khó trở thành hiện thực hơn vì phải đối mặt với nhiều rào cản, điều này không có nghĩa là chúng ta không được phép thử và hi vọng vào tình yêu này.

References